Chúa Nhật XXII TN/B
‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta’.Trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu, có thể cảm nhận được những căng thẳng mạnh mẽ. Chủ đề của cuộc tranh luận là thanh sạch tôn giáo (Giacôbê 1:27). Chúa Giêsu đặt trái tim con người và sự giải thoát con người khỏi sự dữ làm trung tâm, trong khi những người Pharisêu bảo vệ nghi lễ bên ngoài của tôn giáo đến từ Thiên Chúa.
‘Lòng chúng xa Ta.’ Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận sự thật này, rằng chúng ta không kiểm soát được lòng của mình. Có bao nhiêu người muốn ngừng uống quá nhiều nhưng không thể? Chúng ta cũng hãy lấy ví dụ nổi tiếng về vị thánh vĩ đại của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên, người có trái tim bị chia rẽ trong nhiều năm đến nỗi ngài đã cầu nguyện thế này: ‘Lạy Chúa, xin cho con sống khiết tịnh, nhưng không phải lập tức ngay bây giờ! (Thánh Augustinô).
Có bao nhiêu người muốn thoát khỏi sự đố kỵ và kiêu hãnh nhưng thay vào đó, ngạc nhiên khi thấy mình làm điều ngược lại? ‘Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm’ (Rm 7:15).
Chúng ta thường nhận ra điều này lần đầu tiên khi chúng ta bắt đầu coi trọng đức tin của mình hơn và theo lối sống kitô giáo nghiêm túc hơn. Chúng ta ngạc nhiên trước xu hướng lặp lại những sai lầm tương tự và rơi trở lại vào cùng một tội lỗi. Chúng ta hãy bắt đầu hiểu tiếng kêu của Thánh Phaolô: ‘Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7:24).
“Lòng chúng xa Ta”. Mục tiêu của đời sống kitô hữu là kết hợp với Thiên Chúa và hiệp nhất với tha nhân. Để đạt được mục tiêu này, trước hết chúng ta phải thoát khỏi sự trói buộc của những ý định xấu xa. Chúng ta phải giành được tự do của chúng ta! Công việc này hoàn toàn là công việc của ân sủng của Đấng Cứu Chuộc. Do đó, Chúa Giêsu hứa: ‘Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.’ (Ga 8:36).
Mục đích của Giáo Hội Công Giáo không phải là tạo ra một điều gì hoành tráng bên ngoài, nhưng đúng hơn là để hoàn thành một bổn phận đơn giản và thiêng liêng: hoán cải cuộc sống của chúng ta bằng việc thay đổi tâm hồn, được linh hứng bởi ân sủng. Giáo hội tin rằng, khi làm như vậy, Giáo hội đã làm mọi sự, trong khi nếu không làm điều này, không có gì khác đáng làm. Giáo Hội cầu nguyện, rao giảng và chịu đau khổ cho một phép rửa đích thực của tâm hồn, để giải thoát và làm cho nó có thể tiếp nhận Chúa Kitô.
Chúng ta sống một tôn giáo với những việc làm tốt chứ không chỉ với những lời nói đẹp
Vào thời Chúa Giêsu, những người Biệt phái không ăn trừ khi họ rửa sạch đến khuỷu tay và khi đi chợ về, họ không ngồi vào bàn mà trước tiên đã không thực hiện việc tẩy rửa cần thiết. Họ đặc biệt coi trọng cái gọi là nghi lễ hay sự thanh sạch bên ngoài, và cho rằng sự thánh thiện của họ trước mặt Thiên Chúa phụ thuộc vào việc làm đó. Một ngày nọ, khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu ăn uống mà chưa rửa tay, họ trách móc Thầy vì đã không tuân theo các truyền thống của người xưa. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để giảng dạy họ. Thật vậy, Thánh Marcô lưu ý những lời Chúa Giêsu đã nói: ‘Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.’ Với những lời này, Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo thực sự, chống lại não trạng thời bấy giờ. Một sự chuyển trục chú ý từ bên ngoài sang bên trong.
Nhưng trang Tin Mừng này nói gì với con người chúng ta ngày nay? Với những lời này, Chúa Giêsu đánh vào tận gốc rễ của xu hướng, đặc biệt nơi những người ngoan đạo và sùng đạo, coi trọng những cử chỉ và nghi thức bề ngoài hơn là những tâm tình trong lòng. Đó là mong muốn thể hiện mình hơn là trở thành người tốt. Tóm lại là đạo đức giả, chủ nghĩa pharisêu, chủ nghĩa hình thức.
Chúng ta rất chú ý đến những gì ‘đi vào’ chúng ta qua miệng (thực phẩm hư hỏng, sản phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm khiến chúng ta béo lên), nhưng lại không chú ý đến những gì ‘thoát ra’ từ miệng mình (những lời nói gay gắt, bạo lực, sai sự thật). Chẳng phải chúng ta cũng đáng bị Chúa khiển trách: ‘Những kẻ đạo đức giả!’ đó sao?
Thật vậy, thánh sử viết rằng Chúa Giêsu đã nói: ‘Vì từ bên trong, tức là từ lòng người, phát sinh những ý định xấu: ô uế, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, lừa dối, trác táng, đố kỵ, vu khống, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa này đều xuất phát từ bên trong và làm cho con người nên ô uế .”
Giờ đây, những ý định xấu xa này phải được loại khỏi lòng chúng ta. Đó là chuyện ngồi lê đôi mách, báo cáo những lời chỉ trích, lẩm bẩm chống lại người vắng mặt, đưa ra những phán xét hấp tấp chống lại người khác. Chúng ta gây biết bao tai hại với tất cả những ‘chất độc’ thoát ra từ miệng mình!
Tuy nhiên, với những lời tuyên bố này, Chúa Giê-su không xúi giục người ta bất tuân luật pháp. Ngài biết rõ rằng đức tin phải được thể hiện trong luật lệ, quy định, nghi lễ và việc thực hành lòng đạo đức. Ngài chỉ đả kích những luật lệ và thực hành tự trở thành mục đích cho chúng vì không tìm thấy ơn cứu rỗi trong đó.
Bài đọc thứ nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của lề luật đối với người Do Thái. Đó là ‘Lời của Thiên Chúa’, bày tỏ ý muốn của Người. Lòng trung thành có được từ việc tuân thủ cẩn thận. Các tiên tri trình bày Lề Luật bằng những lời tuyệt vời, và mời gọi chúng ta sống Lề Luật một cách nhất quán, như lời tiên tri Isaia được chính Chúa Giêsu trích dẫn: “ Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người.”
Vì thế, Chúa Giêsu dứt khoát tránh xa việc tuân giữ lề luật một cách máy móc, cứng nhắc và cầu kỳ. Theo thời gian, tổ chức lập pháp đã nhân lên đến mức cho ra 613 đạo luật: 248 lệnh giữ và 365 lệnh cấm (một lệnh cho mỗi ngày trong năm). Sự nhân rộng của luật pháp và sự tuân thủ tỉ mỉ chắc chắn sẽ biến thành chế độ nô lệ.
Thắp một ngọn nến, tổ chức thánh lễ, đọc kinh Mân Côi, tham gia các cuộc rước kiệu, mang theo một chiếc ví có nhiều hình ảnh thánh thiêng, có thể là những biểu hiện tuyệt vời của lòng đạo đức, nhưng những việc ấy sẽ không cứu được mình nếu không đi kèm với đức tin và sự sẵn sàng hoán cải tâm hồn. Việc đến các đền thờ hay tham dự thánh lễ hàng ngày vẫn chưa đủ, nếu chúng ta không áy náy khi chúng ta xúc phạm người khác, khi chúng ta chỉ trích và càu nhàu với linh mục quản xứ và anh em của chúng ta, về những bộ phim chúng ta xem, những cuốn sách và tạp chí chúng ta đọc, v.v... Tôn giáo đích thực, Thánh Giacôbê nói với chúng ta ngày nay, hệ tại ở chỗ ‘không để mình bị ô nhiễm bởi thế giới này’.
Việc thực hành đạo đức không chạm đến nội tâm, không thay đổi tâm hồn, tạo nên những kẻ đạo đức giả. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta chỉ cần thành thật với chính mình, những người cầu nguyện bằng con tim chứ không phải bằng môi miệng.
Vâng, chúng ta hãy chấp nhận lời mời gọi của Chúa để thay đổi tâm hồn, đặt Điều Răn Bác Ái lên hàng đầu, sống một tôn giáo bằng những việc làm tốt chứ không chỉ là những lời nói đẹp.
Thứ Hai tuần XXII Tn
Độc quyền!
Trong tin mừng Luca, đoạn văn thuật việc Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường Nagiarét mang tính thông báo chương trình hành động, nên cần phải hiểu chính xác ý nghĩa. Thường được giải thích không đúng đắn vì người ta áp đặt cho đoạn văn của Luca viễn cảnh của những đoạn song song của Mt và Mc, trong khi Luca lại có một cái nhìn khác.
Luca phân biệt rõ ràng hai thời điểm tương phản trong việc về thăm hội đường Nagiarét của Đức Giêsu. Trước tiên Đức Giêsu đọc sách ngôn sứ Isaia và tuyên bố hôm nay lời ấy được ứng nghiệm vì chính Ngài đang rao giảng năm hồng ân. Phản ứng của người dân Nagiarét chưa bao giờ thuận lợi như thế: ‘Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Ngài nói ra’. Tuy nhiên, sau đó, Đức Giêsu tiếp tục rao giảng, đưa Elia và Elisêô làm điển hình cho vị ngôn sứ, cả hai vị đều làm những phép lạ không phải cho đồng hương của mình mà lại cho người ngoại quốc: bà góa Sarépta, ông Naaman người Siria bị phong cùi. Phản ứng lúc bấy giờ của người dân Nagiarét: ‘Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ’, đến độ kéo Ngài lên tận đỉnh núi và định xô Ngài xuống vực.
Giải thích thế nào đây? Để giải thích cách đúng đắn cần hiểu những tình cảm của những người đồng hương của Đức Giêsu. Lần đầu khi họ nói về Đức Giêsu: ‘Ông này không phải là con ông Giuse đó sao’, họ không nói với giọng khinh chê như ta đọc thấy trong Mt và Mc, nhưng chỉ để nhấn mạnh rằng, vị ngôn sứ mới và đáng kính này, là một người đồng hương của họ, nên thuộc về họ. Thái độ của họ diễn tả một ý hướng chiếm hữu. Nếu ông Giêsu thuộc về chúng ta, theo họ nghĩ, thì chắc hẳn chúng ta có một chỗ đứng ưu tiên trong sứ vụ của ông, ông sẽ làm phép lạ cho ta hưởng nhờ! Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ nên Ngài không chấp nhận: ‘Tất cả những gì chúng tôi nghe ông đã làm tại Caphanaum, ông hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! Ngài nói tiếp: ‘Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình’. Rồi Đức Giêsu giải thích điều đó bằng hình ảnh hai vị ngôn sứ Elia và Elisêô. Đức Giêsu quyết liệt chống lại ý hướng độc chiếm của những người đồng hương và đòi hỏi họ phải có một tấm lòng rộng mở, mời gọi họ chấp nhận việc Ngài phục vụ và thực hiện phép lạ cho các dân khác. Tình cảm chiếm hữu độc quyền một khi bị chống đối, biến thành ganh ghét dữ tợn, bao nhiêu thảm cảnh xuất phát từ đó.
Thái độ trên cũng thấy trong sách Công vụ tông đồ nơi những người Do thái chống đối sứ vụ tông đồ của Phaolô. Họ chống đối vì họ thấy Ngài đã thành công nơi các dân ngoại; ganh ghét thay vì lắng nghe sứ điệp tin mừng, họ bách hại Phaolô.
Nếu chúng ta muốn ở cùng với Đức Giêsu, chúng ta cần học bài học của đoạn tin mừng hôm nay: muốn ở với Ngài cần mở rộng lòng ra, không yêu Đức Giêsu một cách độc chiếm, chỉ xin cho riêng mình ơn này ơn khác. Nếu ta thật lòng sống với Ngài, ta cần đồng hành với Ngài khi Ngài đi đến với các dân tộc khác, biết đón nhận ý hướng truyền giáo rộng lớn của Giáo Hội. Chỉ như thế chúng ta mới thật có cùng một nhịp tim với Đức Giêsu, ngược lại sẽ rơi vào một thứ ích kỷ thiêng liêng, cho dù là thiêng liêng thì cũng vẫn là ích kỷ, nghịch lại lòng yêu thương của Đức Kitô.
Thứ Ba tuần XXII Tn
Thánh Grêgôriô Cả
Grêgôriô (Roma 540 – 12 tháng 3 năm 604), tổng trưởng Roma, trở thành tu sĩ và cai quản tu viện Sant'Andrea sul Celio. Được bầu làm Giáo hoàng, được tấn phong giám mục vào ngày 3 tháng 9 năm 590. Mặc dù sức khỏe kém, ngài đã thực hiện hoạt động đa dạng và mãnh mẽ trong việc cai quản Giáo hội, trong sự quan tâm bác ái, trong việc bảo vệ dân chúng bị áp bức bởi những dân man di, trong hoạt động truyền giáo. Là tác giả và nhà lập pháp trong lĩnh vực phụng vụ và thánh ca, ngài đã cho xuất bản Sách Bí Tích mang tên ngài và là nền tảng cơ bản của Sách Lễ Rôma. Ngài đã để lại các tác phẩm có tính chất mục vụ, đạo đức, giảng thuyết và tâm linh, ảnh hưởng sâu rộng các thế hệ kitô giáo, đặc biệt là trong thời Trung cổ.
Lời quyền năng và hiệu quả
Khi Đức Giêsu giảng dạy, dân chúng bị đánh động vì Ngài nói như đấng có uy quyền. Ngài không quy chiếu theo truyền thống các ký lục, nhưng nói với uy quyền: các thánh sử đều nhắc đến điểm này.
Đó là điều mới lạ nhất. Trong Israel một người đứng ra giảng dạy luôn phải quy chiếu về giáo huấn của những người đi trước mình, vào truyền thống: với thầy Gamaliel, với Thầy Achiba… Đức Giêsu, trái lại, không dựa vào uy thế của bất cứ ai: chỉ cần uy quyền của riêng Ngài. Tin mừng hôm nay cho ta thấy uy quyền đó được củng cố nhờ hiệu quả của lời Ngài. Nói với uy quyền và nói có hiệu quả, quả thật là hai việc khác nhau. Hiệu quả lời nói của Đức Giêsu được minh chứng bằng việc can thiệp của Ngài để trục xuất quỷ. Ngài truyền lệnh cho quỷ câm miệng và ra khỏi người bị nó nhập; quỷ chỉ còn cách vâng lệnh: ‘Quỷ xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra’! Lời của Đức Giêsu không chỉ uy quyền mà còn hiệu quả nữa. Chúng ta biết và tin điều ấy, đó là nền tảng cho sự bảo đảm của ta. Thánh Phaolô trong bài đọc 1: ‘Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối…Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày’. Chúng ta là con cái ánh sáng nhờ vào lời của Đức Giêsu, con cái của ban ngày nhờ vào hiệu quả của lời Ngài. Trong các bí tích của Giáo Hội, lời của Đức Kitô chạm đến chúng ta; không chỉ chạm đến lỗ tai chúng ta, nhưng còn con tim và tâm trí chúng ta nữa; lời ấy thanh tẩy chúng ta tận tâm can; làm cho chúng ta nên con cái ánh sáng và như thế chúng ta được bảo đảm. Bất kỳ tai họa nào xảy đến, chúng ta được trang bị để biến những nghịch cảnh ấy nên cơ hội cho phát triển và chiến thắng.
Những ai bám víu vào của cải vật chất thì luôn sống trong bất ổn; ngược lại kẻ theo Đức Kitô và đón nhận lời Ngài, thì có được sự thanh thản và sức mạnh để vượt qua bất kỳ trở ngại nào. Thánh Phaolô viết: ‘Thiên Chúa không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’. Đức Kitô đã chết vì chúng ta; từ nay chúng ta luôn có thể sống với Ngài và cho Ngài, và như thế ta sống trong an bình.
+++
Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ.
Chúa là Đấng dựng nên thế giới, đã đặt con người làm chủ tạo thành, có khả năng để nhận biết những phong phú của chúng và sử dụng chúng nhằm mưu ích cho mọi người.
Việc làm chủ trên tạo thành cho phép nhà khoa học tìm hiểu sâu xa hơn những kỳ diệu của nguyên tử và cho nhà kỹ thuật áp dụng chúng cụ thể vào những nhu cầu khác nhau của cuộc sống chung nhân loại. Nên hãy ca tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và con người, tạo vật giống hình ảnh Người, có khả năng thủ đắc những điều có giá trị.
Tuy nhiên khả năng này gặp phải một trở ngại bất khả vượt qua liên quan đến những điều thuộc Thần Khí Thiên Chúa, có liên hệ với hiểu biết của ta, cuộc sống của ta: đâu là những điều quan trọng nhất để sống cách đúng đắn.
Ý thức sự yến hèn và giới hạn của ta, ta cần phải khẩn cầu Đấng mà trong phụng vụ gọi là Ánh Sáng Hạnh Phúc làm chìa khóa mở lối cho ta hiểu sự sống vĩnh hằng.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, nguồn mạch mọi năng lực, xin giúp con. Trên lộ trình của Ngài, trong ánh sáng của Ngài con sẽ nhìn thấy và xem xét điều gì là chân thực và tốt lành. Với sức mạnh của Ngài xin ban cho con sống tất cả với con tim an bình.
Sự bất lực và giới hạn của ta, khi được chấp nhận với con tim an bình, sẽ biến thành khoảng trống cho quyền năng của Thiên Chúa thực hiện, từ cái ít ỏi của ta có thể rút ra điều tích cực.
Thứ Tư tuần XXII Tn
Mở rộng con tim
Đầu tuần XXII, chúng ta thấy Đức Giêsu về lại Nagiarét và chống lại ý hướng độc chiếm của những người đồng hương, buộc họ không được xem mình như những kẻ ưu tiên trong sứ vụ của Đức Giêsu. Ai muốn độc chiếm Đức Giêsu cách ích kỷ, cho lợi ích riêng và hưởng thụ riêng, sẽ không nhận được gì cả, bởi vì sự kết hiệp người ấy với Ngài chỉ có thể xảy ra trong một tình yêu quảng đại, trong một con tim rộng mở. Trong tin mừng hôm nay, điều trên càng được xác quyết hơn nữa, lần này tại Caphanaum, thành phố nơi Đức Giêsu đến sau khi thăm Nagiarét. Nơi đây, sau khi giảng dạy cách uy quyền trong hội đường, Ngài đến nhà ông Simon Phêrô. ‘Bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt. Họ xin Ngài chữa bà’, Tin tưởng vào hiệu quả của lời Ngài. ‘Đức Giêsu cúi xuống gần bà và ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất’. Hậu quả là ‘tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh họan tật nguyền, đều đưa tới Ngài’. Với lòng yêu thương lạ lùng Đức Giêsu đã chữa lành họ: ‘Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ’. Thật hết sức ý nghĩa sự quan tâm của Ngài dành cho từng người! Ngài từng nói: ‘Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta; người mục tử nhân lành ‘gọi tên từng con chiên’.
Quan tâm chăm sóc từng người một quả là một việc cực nhọc. Đức Giêsu thực hiện cách quảng đại. Nên ta hiểu dễ dàng tại sao, ngày hôm sau, khi Ngài đi đến nơi khác, ‘đám đông tìm Ngài, đến tận nơi Ngài đã đến và muốn giữ Ngài lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi’. Đức Giêsu đã khơi dậy lòng biết ơn, lòng kính trọng. Sứ vụ của Ngài thành công. Tình cảm tự nhiên là lợi dụng cơ hội đó, sẵn sàng nhượng bộ chiều theo ý muốn của dân chúng. Đức Giêsu trái lại, không nhượng bộ, không chấp nhận dừng lại tại Caphanaum. Ngài phán: ‘Tôi còn phải loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa’. Với câu trả lời như thế Ngài có nguy cơ làm nản lòng dân chúng; tuy nhiên Ngài ý thức mình mang một sứ vụ lớn lao hơn. Ngài không đến để tìm kiếm sự thành công cho chính mình, nhưng là để thi hành thánh ý Cha, Đấng sai Ngài đi tìm những con chiên lạc, ở bất cứ nơi đâu.
Thái độ cương quyết ấy của Đức Giêsu cho thế giới thấy lòng quảng đại lạ lùng của Thiên Chúa. Tình yêu của Chúa không có biên giới, tìm cứu tất cả mọi người, tìm gặp ngay cả những đối thủ, để đề nghị sự giao hòa và liên kết.
Về việc này chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt lớn lao giữa sứ vụ của Đức Giêsu và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Ơn gọi của Gioan Tẩy Giả, không nhằm đi tìm dân chúng. Ông bắt đầu rao giảng không phải nơi một thành phố, nhưng ở một nơi hoang vắng. Ông không đến với dân, nhưng là dân đến với ông. Đức Giêsu, trái lại, khởi đầu rao giảng nơi mà dân chúng đang sống; Ngài di chuyển ‘giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa’. Thánh Matthêô còn thêm: ‘Ngài đi khắp các thành thị làng mạc, rao giảng tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền’ (Mt 9,35). Ngài là nhà truyền giáo đầu tiên. Sống lại, Ngài trải rộng sứ vụ này đến toàn cả thế giới. Với mười một tông đồ: ‘Hãy đi giảng dạy muôn dân’ (Mt 28,19); ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo’ (Mc 16,15). Rồi Ngài còn hiện ra cho Phaolô trên đường đi Damas đế biến ông thành Tông Đồ dân ngoại (Rm 11,13; Cv 9,15; 22,15). Trong bài đọc 1 chúng ta thấy Phaolô vui mừng trong việc loan truyền tin mừng ‘đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới (Col 1,6).
Năng lực của sứ vụ kitô khởi đi từ đòi buộc của tình yêu. Đức Giêsu cho ta thấy rằng, bằng lời và bằng hành động, tình yêu chân chính mang tính phổ quát. Nếu chúng ta muốn kết hiệp với Ngài, chúng ta phải luôn luôn mở rộng con tim chúng ta.
+++
Thật vậy chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
Thánh Phaolô diễn tả cách rõ ràng căn tính của mình: của ngài và của những kẻ cùng với Ngài, hiến thân cho công việc tông đồ, là những cộng sự viên của Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng đã nói chính Ngài là người gieo giống và hạt giống bé nhỏ giống như Nước Trời, ta hiểu hơn căn tính của mình.
Vâng, chúng ta là cánh đồng của Thiên Chúa trong đó Đức Giêsu gieo hạt giống, và những cộng sự viên của Thiên Chúa (được kêu gọi để làm việc cho Nước Trời) ở giữa chúng ta để giúp ta sống tin mừng của Ngài: chính là điều mà Đức Giêsu đã gieo.
Ta xem hình ảnh khác: hình ảnh tòa nhà, một tòa nhà có Chúa đang ở trong.
Trong phút hồi tâm tôi ý thức mình là cánh đồng của Chúa và là ngôi nhà của Ngài.
Tôi cầu xin cho các cộng sự viên của Thiên Chúa được mời gọi đến chức linh mục, trở thành những người xứng đáng với tác vụ của họ và thích hợp trong đời sống với lời mời gọi mà họ đã lãnh nhận để cứu độ chính mình và dân Thiên Chúa.
Thứ Năm tuần XXII Tn
Ra khơi trong hy vọng
Phêrô và các bạn trải qua một đêm đánh bắt mà chẳng được con cá nào. Giờ đây họ vào bờ giặt lưới. Và đây Đức Giêsu lên thuyền của Phêrô và xin ông chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Đức Giêsu có thể là một nhà giảng thuyết tài ba nhưng về kinh nghiệm đánh bắt cá làm sao thành thạo cho bằng Phêrô! Thế mà Phêrô vẫn tin tưởng thả lưới và lưới đầy cá. Đức Giêsu là vị Thầy đầy quyền năng mà ta có thể luôn tin vào lời Ngài để thả lưới. Mời gọi tin tưởng, nhất là hy vọng. Ngày nay thật là cần thiết, trong một thời đại mà người ta muốn san bằng những khác biệt văn hóa và chủ nghĩa tương đối hình như muốn chôn vùi mọi giá trị! Hãy ra khơi: là lời mời gọi mà Đức Giêsu không ngừng nói với Giáo Hội, và với mỗi người chúng ta. Đừng trốn tránh. Hãy can đảm sống trọn vẹn đạo kitô của mình. Loan báo bằng lời và bằng chứng tá những giá trị mang lại ý nghĩa dồi dào cho cuộc sống. Vâng, con thả lưới hướng về biết bao anh em đang đắm chìm trong những dòng nước ‘vô nghĩa’. Giúp họ thoát khỏi đêm tối và đón nhận ánh sáng của Đức Kitô. Niềm hy vọng của bạn thêm lửa cho niềm hy vọng của họ và giúp họ có thể đón lấy những tia sáng của ngày mới giữa đủ loại men của thời đại. Nếu bạo lực áp đặt văn hóa khủng bố và sự chết, nếu chủ nghĩa duy vật bóp nghẹt tiếng kêu của tinh thần, thì vẫn không thiếu những con người can đảm sống một cuộc đời giản dị, chân chính, trao ban nhưng không. Đó là dấu chứng cho biết Đức Giêsu vẫn còn trên thuyền của chúng ta. Vậy thì tại sao ta lại không ‘ra khơi’? Lạy Chúa xin giúp con hiểu rằng hy vọng là bệ thử của niềm tin, và biết luôn duy trì ánh sáng của niềm hy vọng lúc mà chân trời vẫn còn mờ tối và con còn bị cám dỗ ‘rút mái chèo lên thuyền’.
+++
Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apollô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.
Tự hào nơi người phàm, nhất là trong bối cảnh của lá thư Phaolô viết cho tín hữu Corintô, có nghĩa là tin rằng việc thực hiện đời sống mình tùy thuộc vào điều một ai đó coi trọng trước mặt xã hội.
Phaolô lại cho ta biết rằng hạnh phúc không phải ở nơi những điều người khác xem trọng. Ngài không hạ bệ chúng, nhưng cũng không đề cao chúng. Đúng hơn ngài chiếu rọi một ánh sáng chân lý để ta biết sống đời sống kitô giáo.
Vâng, Phaolô quả quyết rằng sự cao trọng của ta tùy thuộc vào việc chúng ta thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài, bằng tình yêu vô biên chết trên thập giá, đã giải thoát ta khỏi tội, mang lại cho ta địa vị làm con cái Thiên Chúa và chắc chắn được cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống vĩnh hằng.
Trong phút hồi tâm tôi đi ra ngoài trời hoặc mở rộng cửa sổ phòng. Hít cho đầy phổi, tôi hình dung mình đang đón nhận sự sống: sự sống trong những hình thức vĩ đại cũng như thân quen và khiêm tốn của nó: một cánh chim bay, một cái đập cánh của con bướm trên đóa hoa, một cử chỉ, một tiếng gọi, một bụi cỏ và nhiều thứ khác…đầy vẻ đẹp.
Tôi có thể cầu nguyện thế này: Lạy Cha, xin ban cho con một tấm lòng để tất cả đều là những vang vọng của Cha nơi con. Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con ý thức con là người bảo quản ‘tất cả đều thuộc về anh em’, nhưng bằng cách xử dụng tất cả trong thái độ cởi mở, và ban phát cho anh em.
+++
Đối với Phêrô mẻ lưới cá lạ lùng đánh dấu một khởi đầu mới, sau lần gặp đầu tiên với Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với ông: ‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta’.
Mỗi một ngày mới là một khởi đầu mới đối với người kitô hữu: ta cần phải luôn sẵn sàng cho Chúa và mỗi ngày bắt đầu cùng với lời của Ngài. Mọi ngày hình như giống nhau; thực tế, trong sự lập lại những sinh hoạt thường ngày vẫn luôn có cái mới mẽ của lời Chúa đấng soi chiếu ngày mới cho ta, ban cho ta sức mạnh và niềm tin, nhờ đó ngày sống của ta mang lại hoa trái cho ta, và cách mầu nhiệm cho thế giới. Các tông đồ vì lời của Đức Giêsu mà thả lưới, và ‘bắt rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới’.
Mỗi ngày chúng ta sống như thế, để cho việc làm của ta trở nên phong nhiêu nhờ quyền năng của lời Chúa. Ta sẽ không luôn luôn thấy những hoa trái, đúng vậy, nhưng đức tin cho ta chắc chắn rằng trong Ngài không có gì mất đi cả.
Anh em sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả; anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha. Trong những điều rất tầm thương của đời sống, dưới hình dáng đời sống của mỗi người, luôn hoạt động quyền năng vinh quang của Thiên Chúa. Do đó cần phải lưu tâm và tỉnh thức đừng để nó trở nên vô ích, để ta trở nên chứng nhân cho quyền năng của Chúa.
Thứ Sáu tuần XXII Tn
Được mời dự tiệc cưới, được đưa vào bàn tiệc cưới: đây là ơn gọi của con người, là tình trạng của người đã được rửa tội. Bởi lẽ Thiên Chúa đã nghĩ, trong tình yêu của Người, đến việc mở ra cho tất cả mọi người muốn dự tiệc cưới của Chúa Con với nhân loại.
Tại Cana, Con Thiên Chúa cử hành điều mà việc Nhập Thể của Ngài mang ý nghĩa và thực hiện, nhưng còn ẩn giấu: Tiệc cưới giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại và với từng người.
Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ tạ ơn, giờ của Đức Kitô, tiệc cưới được dọn ra cho mọi người, Phu Quân là Đức Kitô, ở cùng họ. Lúc ấy tất cả mọi sự đều được đổi mới. Thiên Chúa không xé miếng vải mới để may vào áo cũ. Con người được mời uống rượu mới của Giao ước mới. Lời sấm ngôn của Isaia được thực hiện. ‘Ngày ấy, Thiên Chúa các đạo binh sẽ thết trên núi này một bữa tiệc thịt béo, rượu ngon cho muôn dân…Hãy vui mừng hân hoan vì ơn cứu độ của Ngài’ (Is 25,6-9).
+++
Nhờ Đức Kitô
Vinh quang của Đức Kitô được mạc khải toàn vẹn trong mầu nhiệm vượt qua, qua cái chết và việc sống lại của Ngài. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu tỏ cho biết Ngài là Con Thiên Chúa vì đã chu toàn chương trình cứu độ của Cha với hết tình con thảo; Ngài đã tôn vinh Cha và được Cha tôn vinh (Ga 17,1). Vinh quang của Thiên Chúa là yêu thương; Đức Giêsu yêu các môn đệ của Ngài còn ở thế gian, Ngài yêu họ đến cùng, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì những người mình yêu (Ga 15,13). Vinh quang của Thiên Chúa cũng được tỏ hiện qua việc sống lại của Đức Kitô, toàn thắng của Người Con yêu trên sự chết và sự dữ.
Các tông Đồ đã lãnh nhận toàn vẹn mạc khải. Tuy nhiên không phải họ có thể hiểu hết tất cả sự phong phú của nó ngay lập tức. Khi ta có được một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ, khó có thể diễn tả lập tức cách thỏa đáng; thiếu từ ngữ, chỉ dần dà ta mới có được khả năng ngôn ngữ để diễn đạt thực tại đã trải nghiệm.
Những gì liên quan đến vinh quang của Đức Kitô trong cương vị người con, Tân Ước cho ta thấy tiến trình và những nỗ lực để diễn đạt tốt hơn. Thời kỳ đầu, giáo lý các tông đồ thường dùng những công thức ngắn như: Đức Giêsu là Chúa, Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống…Sau đó nội dung cô đọng trong các công thức ấy được giải thích rõ hơn, chẳng hạn trong thư gởi Do thái, hay trong lời tựa của tin mừng Gioan, hoặc trong đoạn thư gởi Colossê mà chúng ta đọc hôm nay. Thánh Phaolô diễn tả vinh quang của Đức Kitô dưới một khía cạnh kép. Ngài khẳng định trước tiên sự tiền hữu và tính siêu việt của Đức Kitô trên tạo thành, mọi vật dưới đất và muôn vật trên trời. Sau đó, Phaolô tuyên xưng ưu việt tính của Đức Kitô trong nhiệm cục hòa giải và cứu độ: Đức Kitô, trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, Đức Kitô là đầu của thân thể, đầu của Giáo Hội. Các biểu thức được xử dụng rất mạnh mẽ: ‘Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài’. Ngài là đầu và là cùng đích mọi loài. ‘Ngài có trước muôn loài muôn vật và tất cả đều tồn tại trong Ngài’. Và Phaolô nhấn mạnh, ngay cả hàng dũng lực thần thiêng và bậc quyền năng thượng giới đều quy phục Ngài.
Trong phần hai Phaolô khẳng định rằng nhờ sự khổ nạn mà Đức Kitô ưu việt trên mọi sự: ‘Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình’. Máu của Đức Giêsu trên thập giá là phương thế giao hòa, để Thiên Chúa đem lại bình an cho tất cả. Không còn chống đối, chia rẽ, vì Đức Giêsu với máu đổ ra vì yêu, đã hòa giải tất cả mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Đoạn văn này giúp ta vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là đầu và là người anh em của chúng ta; giúp ta chúc tụng Thiên Chúa vì vinh quang Con của Người; giúp ta củng cố lòng tin và niềm hy vọng của mình vào Ngài.
+++
Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.
Thiên Chúa ban cho ta có lý trí, có khả năng để đáng giá. Rất dễ dàng để đánh giá một vật gì. Một nhà tư tưởng đã nói: như bao tử tiết ra những chất dịch vị dễ dàng thế nào thì tâm trí ta cũng đưa ra những xét đoán dễ dàng như vậy. Tôi nhìn thấy một người với phong cách nào đó và tôi bảo: Tốt! Rồi tôi thấy một người khác trong cùng một hoàn cảnh nhưng có thái độ khác, tôi liền bảo: đồ bất lương! Đôi lúc việc đánh giá xảy ra trong lòng ta. Thường thì nó biểu lộ ra bên ngoài thành lời, và thông truyền nhanh chóng như tốc độ ánh chớp vậy. Biết bao điều bất hạnh trong tương quan con người xuất phát tự việc này.
Lời Chúa có sức mạnh chữa trị. Người dạy ta sự khôn ngoan và nhẫn nại đợi chờ. Giờ đây ta đang sống trong một mớ bòng bong những áp lực, những khốn khó, những định kiến đủ loại. Đừng sợ ánh sáng chân thực giúp ta có được một sự xét đoán khách quan về chính mình. Chỉ có Đấng dựng nên ta mới biết tất cả về ta, mới có thể thấy mọi bí ẩn của ta và có xét đoán đúng về ta.
Khi ta nói điều tốt về một ai đó, ta được khuyến khích để làm việc đó. Nhưng nếu ta cảm thấy lúng túng về thái độ tiêu cực của kẻ khác, ta đừng nên nói, hãy để cho Chúa xét đoán. Xét đoán chính mình, ta sẽ ngưng xét đoán kẻ khác.
Thứ Bảy tuần XXII Tn
Giữ vững đức tin
Đức Kitô, Đấng là Chúa mọi tạo vật, trong tin mừng hôm nay, ý thức mình là chủ của ngày Sabát, nghĩa là đồng hàng với Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã thiết lập luật ngày Sabát (x.St). Việc đồng hàng này càng được xác định rõ ràng hơn trong tin mừng thứ tư, khi Đức Giêsu bị người Do thái chỉ trích vì Ngài đã chữa lành người bại liệt trong ngày sabát, lên tiếng trả lời: ‘Cha Ta làm việc không ngừng và Ta cũng thế’. Và thánh sử chú thích: ‘Chính vì vậy mà người Do thái càng tìm cách giết Ngài’, không chỉ vì Ngài vi phạm luật ngày sabát mà vì dám gọi Thiên Chúa là Cha mình, xem mình đồng hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu, chủ tể mọi loài, đã chấp nhận thân phận tôi đòi, hình phạt dành cho các nô lệ chống đối, nhục hình thập giá. Ngài đã chấp nhận đi cho đến cùng công trình yêu thương Chúa Cha giao cho Ngài, giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi sự dữ.
Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô diễn tả mầu nhiệm tình yêu này và áp dụng cho dân Colossê: ‘Thưa anh em, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa, vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. Nhưng nay, nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người’. Tất cả chúng ta đều đã là thù địch vì đều ở dưới ách tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã thực hiện việc giao hòa nhờ Đức Kitô.
Một cách giao hòa lạ lùng. Sự thường thì người xúc phạm đi làm hòa, đàng này trái lại, chính người bị xúc phạm lại đi làm hòa. Chính Thiên Chúa thực hiện việc giao hòa. Một lòng quảng đại bao la. Trong thư gởi Roma, Phaolô kinh ngạc thán phục trước cách thức hành động của Thiên Chúa: ‘Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa thương yêu chúng ta. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn là thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Ngài, phương chi bây giờ…
Thiên Chúa muốn chúng ta: ‘nên thánh thiện, tinh tuyền, không có gì đáng trách’. Kỳ vọng này diễn tả tình yêu phụ tử của Ngài. Không phải là một giấc mơ không thể thực hiện được nhưng là một khả thi, nhờ cái chết của Đức Giêsu, mọi ân sủng được trao ban cho chúng ta qua trái tim của Đức Giêsu nơi các bí tích.
Điều kiện: ‘Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, nghĩa là gắn bó với Đức Kitô nhờ lòng tin, bằng cách đó chúng ta được thông hiệp vào dòng chảy tình yêu xuất phát từ Thien Chúa, ngang qua Đức Kitô. Ai vững lòng tin thì nhận được ân sủng và trở nên thánh thiện.
Kiếp sống tôi đang sống trong xác thịt, tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã trao nộp mình vì tôi. Tin vào Đức Kitô là tin vào tình yêu của Ngài, tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi đến độ hy sinh mạnh sống vì tôi. Bằng việc chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá, chúng ta canh tân lòng tin của mình vào tình yêu của Ngài và như thế là chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện.
+++
Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin mừng, chính tôi sinh ra anh em.
Thánh Phaolô với lòng chân thực của mình, đã quở trách các tín hữu Côrintô, thay vì biết ơn Ngài, họ đã gây cho Ngài biết bao đau khổ và hối tiếc. Nên Ngài đặt họ đối diện với sự thật.
Thánh Tông đồ không thinh lặng vì khiêm tốn giả tạo; ngược lại ngài sử dụng cách chế nhạo và một ngôn ngữ cay độc để làm cho họ ý thức rằng trong cách sống, họ tỏ ra tự phụ, thờ ơ: ngược lại thầy của họ. Nhưng điều đáng quan tâm nhất trong lời giáo huấn của Phaolô là kết luận của Ngài không phải bằng những lời xét đoán nghiêm khắc nhưng bằng một lời xác quyết đầy yêu thương. Những nhà giáo dục thời ấy được gọi là những nhà sư phạm. Nhưng Phaolô, vượt lên trên tính chất giáo dục của họ. Vì Ngài khoe mình có quyền làm cha của các tín hữu Côrintô. Tại sao? Ngài đã cho họ sự sống trong Đức Kitô: Ngài đã sinh ra họ trong ân sủng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con biết luôn sống theo cách sống của Chúa.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
Phụng vụ dạy ta cầu xin cho việc mừng lễ Mẹ Maria làm cho ta lớn lên trong bình an. Quả thật là thế bởi vì lễ mừng này cho ta biết về tình yêu của Thiên Chúa trên chúng ta. Việc sinh hạ Mẹ Maria là dấu chỉ Thiên Chúa đã chuẩn bị ơn cứu độ cho chúng ta: do đó Ngài đã chuẩn bị thân xác và linh hồn của Mẹ Đức Giêsu, cũng là mẹ chúng ta.
Thánh Phaolô trong thư gởi Rôma đã viết: ‘Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài (8,29). Điều đó thật đúng cho Mẹ Maria, được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa và cũng là con của Mẹ. Và Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự: ‘Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài’.
Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi thế hệ cho việc sinh hạ Đức Maria, rồi đến việc sinh hạ Đức Giêsu. Ngài đã hành động bằng những phương thế siêu nhiên. Trong tin mừng hôm nay, ta thấy xuất hiện cả phần tự nhiên và phần siêu nhiên, cả hai đều cần thiết trong việc sinh hạ Đức Maria. Không chỉ là một loạt dài các thế hệ, gây buồn chán cho người đọc, mà thực ra là tổng hợp của một lịch sử sống động, của những con người tội lỗi, được Thiên Chúa hướng đến việc sinh hạ Đức Maria và Đức Giêsu.
Cuối cùng, chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện bằng những phương thế lạ lùng: Giuse không hiểu được điều đã xảy ra, vì đó là công trình của Thánh Thần. Không phải chỉ có thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trong thời gian là chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành đâu: cần có sự can thiệp của Thánh Thần.
Tất cả đều cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu sáng tạo và cứu độ. Ta phải biết vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương Đức Maria và yêu thương chúng ta.