Suy niệm Chúa Nhật 23 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ tư - 04/09/2024 20:54
138
CÁCH TRỊ LIỆU CỦA GIÊ-SU
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Mỗi lần được tiếp xúc với người yếu đau, bệnh tật, thiểu năng, khuyết tật hoặc thiếu thốn trong cuộc sống, chúng ta thường xúc động, cảm thương đến nỗi sụt sùi, rơi nước mắt, vì muốn bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của anh chị em. Trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy, Chúa Giê-su hết sức xót thương đón nhận một người vừa câm vừa điếc, và đã dùng phương cách không ai thể ngờ tới để chữa lành cho anh ta vì anh ấy đã tin tưởng phó thác, vâng phục Ngài.
Con xin chia sẻ với cộng đoàn một kỷ niệm nho nhỏ, dù chỉ là một nét chấm phá trong tổng thể bức tranh muôn màu cuộc đời thôi nhưng con thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm ít nhiều. Vừa rồi, con hân hạnh được tham dự Đại hội Thánh Mẫu lần thứ 41 tại Missouri, Hoa Kỳ, và cũng lần đầu cảm nghiệm được niềm tin tưởng, phó thác, sám hối của giáo dân Việt trên khắp thế giới tề tựu về bên Mẹ, tha thiết khẩn nài cho quê hương, xã hội, giáo phận, giáo xứ, gia đình và cho cá nhân họ. Trong suốt những ngày Đại hội, con được dịp ngồi giải tội trong Vườn Sám hối, bất luận thời gian, tình cờ con gặp một người hối nhân trẻ tuổi. Anh ấy tiến vào ghế ngồi chuẩn bị xưng tội, thì trao cho con một tờ giấy đầy chữ viết và một cây bút bi. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác! Con cầm tờ giấy, cây bút ấy, và bắt đầu nghi thức giải tội thì con chợt thấy đôi mắt của anh ấy long lanh, to tròn và bắt đầu ra dấu tay cho con hiểu. Mặc dù anh không thể nói và cũng chẳng thể nghe được những gì con nói, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, con cảm nghiệm được Chúa thương anh ấy vô cùng, và không một ngôn từ nào có thể diễn tả được xúc cảm ấy. Vừa rưng rưng nước mắt, con vừa viết việc đền tội ra tờ giấy và kịp trao cho anh trước khi kết thúc một cuộc hội ngộ không lời giữa một vị Thiên Chúa hết lòng cảm thương nhân loại với một anh thanh niên trẻ vừa khiếm thính vừa khiếm ngôn qua thừa tác viên nhỏ bé, cũng tội lỗi, yếu hèn như ai!
Hầu hết chúng ta có thể nghe được và nói được, không bị khuyết tật như anh vừa câm vừa điếc trong Tin mừng hôm nay; nhưng với một ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể cũng câm nín trước sự bành trướng của cái ác, trước những tội lỗi mang tính hệ thống, câu kết chống lại Chân – Thiện – Mỹ, đi ngược lại với giá trị Tin Mừng. Và đôi khi chúng ta giả ngơ làm điếc trước những lời than, kêu cứu của tha nhân, không lắng nghe đón nhận lời kêu mời, thúc giục của Chúa trong tâm hồn chúng ta qua việc tham dự bí tích Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện – tu đức, qua việc tuân giữ giới răn yêu thương, qua việc giảng dạy của Hội thánh, qua các thừa tác viên có chức Thánh, v.v...Như vậy, không chỉ những ai bị bệnh về thể lý mới cần được chữa lành như trình thuật trong bài Tin Mừng, mà tất cả chúng ta hơn bao giờ hết cần đến bàn tay ấm áp yêu thương, cần đến lòng xót thương, tha thứ, cần đến lời ‘Ê-pha-ta’ của Chúa và cần đến sự chữa lành của Ngài, vì chính Thiên Chúa sẽ thực hiện lời tiên tri I-sai-ah trong bài đọc I “Chính Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4 – 6).
Mặc khác, chúng ta cũng học nơi người được chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay là biết tín thác, vâng phục và đón nhận cách Thiên Chúa hành động. Giả như anh bị câm điếc ấy không chấp nhận cho Chúa Giê-su đặt tay vào tai, và bôi nước miếng vào lưỡi anh (x. Mc 7, 33) thì chưa chắc anh được chữa lành! Không phải bởi vì Chúa Giê-su không thể chữa lành, mà vì anh không đón nhận cách thức chữa lành của Ngài. Tương tự trong đời sống của chúng ta, Thiên Chúa vẫn đang làm phép lạ, vẫn không ngừng chữa lành chúng ta bằng cách thức, phương thế của Ngài. Đối với chúng ta, có thể phương pháp chữa lành của Chúa không phù hợp, và cũng có thể chúng ta không ưa thích cách thức ấy; nhưng nếu chúng ta biết tin tưởng, vâng theo và đón nhận trong niềm phó thác thì ‘chuyện không thể sẽ trở thành có thể’ vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể” (x. Mt 19, 26).
Giờ đây, mời cộng đoàn chúng ta cùng hướng lòng về Chúa Giê-su Thánh Thể và thầm thỉ với Ngài:
Lạy Chúa, con là kẻ hành khất
Mãi mê chạy đuổi bắt gian trần
Mắt đuôi mù trước tha nhân
Giả ngơ điếc lác, bất cần ăn năn.
Khấn xin Chúa ân cần thương trông
Hồn con thơ đang ngóng, đang mong
Giơ tay chạm nhẹ vào lòng
Con liền trỗi dậy, cậy trông mãi hoài...Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng