Lược sử Giáo Xứ Vinh Trang
Thứ bảy - 28/08/2021 22:57
3194
Giáo xứ: Vinh Trang
Địa chỉ: xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Số điện thoại: 058 3864 277
Trang web của giáo xứ/cơ sở/đoàn thể trong giáo xứ: Không có.
Ngày thành lập: 1967.
Thánh bổn mạng: Thánh Gioan Tẩy Giả (24/06).
Số giáo dân: 4648 người trong 1170 hộ gia đình được chia thành 8 Giáo họ.
Giờ lễ: - Chúa nhật:
Chiều thứ bảy: 17h00 (cho người già)
Sáng Chúa nhật, lễ I: 05h00 (cho người lớn), lễ II: 07h00 (cho thanh thiếu niên), lễ III: 08h00 (cho các em thiếu nhi).
- Ngày trong tuần:
Sáng: 04h45.
Chiều thứ 3, 5: 18h00
- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
Giáo xứ Vinh Trang nằm cách bán đảo Cam Ranh về phía Tây khoảng 8,7km. Địa bàn của Giáo xứ rộng khoảng 2000 hecta. Giáo xứ Vinh Trang nằm trong địa giới hành chính của xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà: Đông giáp xã Cam Thành Nam, Tây giáp núi Hòn Khô, Bắc giáp xã Cam Hiệp Nam, Nam giáp núi Hòn Rồng.
- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. Sự hình thành
- Vinh Trang, một tên gọi thật thân thương và gần gũi, là kết hợp giữa tên của hai Giáo phận Vinh và Nha Trang. Giáo xứ Vinh Trang được hình thành vào năm 1967.
- Năm 1966, Cha Gioan Baotixita Bùi Đình Thể đưa khoảng 80 gia đình công giáo gốc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam…, từ Sùng Đức, Đạo Nghĩa, Kiến Đức, Tỉnh Quảng Đức (nay là Tỉnh Đăk- Nông) di cư về. Nhờ sự giúp đỡ của Cha Gioan Nguyễn Văn Dũng, Cha Gioan Baotixita và giáo dân bắt đầu khởi công khai hoang lập nghiệp, nơi đây là một khu rừng lòng chảo giữa núi Hòn Rồng và Hòn Khô (Nay là Giáo họ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).
- Năm 1967, Cha Gioan Baotixita khởi công xây dựng Nhà nguyện và Trường Tiểu học để ổn định cuộc sống cho giáo dân và nhất là việc giáo dục cho con em trong giáo xứ. Nhưng chỉ được 3 năm, vì môi trường không thuận lợi lại thêm khí hậu rừng núi khắc nghiệt, bệnh sốt rét đã cướp đi nhiều sinh mạng. Giáo dân phải di dời qua một vùng đất thông thoáng hơn cách đó 2km về phía bắc, Giáo xứ định vị tại nơi đây và phát triển cho đến ngày hôm nay.
- Năm 1972, một số giáo dân từ nhiều nơi khác đến nhập cư và lập nghiệp.
- Sau biến cố lịch sử 1975, Giáo xứ Vinh Trang lại có diễm phúc đón nhận nhiều anh chị em giáo dân từ các giáo phận khác như: Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, và con cái giáo xứ ngày càng thêm đông.
2. Cơ sở
- Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1970 và đã được Đức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khánh thành và cung hiến năm 1972. Nhà thờ có đỉnh vút cao lên giữa và có 3 cánh, tượng trưng hình ảnh Một Chúa Ba Ngôi.
– Năm 1972, Cha Gioan Baotixita Bùi Đình Thể xây nhà xứ, phòng hội, phòng giáo lý, trường trung tiểu học và Nhà Nước đã tiếp thu nhà trường này để sử dụng cho việc giáo dục từ năm 1978.
- Năm 1994, Cha Giuse Phan Thanh Bình khởi công xây tháp chuông, tường rào mặt tiền nhà thờ, Đài Đức Mẹ, Đài Thánh Giuse và cùng với Cha phó xứ Tôma Nguyễn Duy Toàn xây lại nhà xứ mới và đã khánh thành năm 2003.
- Năm 2012, vì thấy nhu cầu cần thiết, Cha Phaolô Trương Đức Thắng cùng giáo dân đóng bộ bàn ghế mới, nâng nền trong nhà thờ, và tu sửa một số cơ sở hạ tầng. Năm 2013, Cha sở Phaolô và Cha phó Tôma Hồ Chí Toàn cùng bà con giáo dân xây dựng thêm các phòng giáo lý và nhà máy nước hầu có thêm phương tiện để phục vụ bà con giáo dân. Công trình hoàn thành tốt đẹp và đã được Đức Giám mục Giáo phận khánh thành vào ngày 24 – 06 – 2015, dịp lễ bổn mạng giáo xứ.
- CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH GIÁO XỨ TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NAY
Từ ngày thành lập Giáo xứ đến nay, Giáo xứ rất may mắn là luôn có sự hiện diện của các vị chủ chăn bên cạnh, cùng đồng hành, tiến bước và phát triển.
1. Cha Gioan Baotixita Bùi Đình Thể (Qx: 1968 – 1978).
2. Cha Giuse Phan Thanh Bình (Qx: 05.1979 – 23.01.2005).
3. Cha Tôma Nguyễn Duy Toàn (Px: 16.1.2001 – 2005, Qx: 23.1.2005- 01.09.2011).
4. Cha Batôlômêô Nguyễn Quang Trung (Px: 10.01.2009 – 23.11.2010 ).
5. Cha Giuse Nguyễn Đức Nhu (Px: 21.12.2010 – 11.01.2013).
6. Cha Phaolô Trương Đức Thắng (Qx: 01.09.2011 - nay).
7. Cha Tôma Hồ Chí Toàn (Px: 10.03.2014 – 13.01.2015).
8. Cha Phêrô Hồ Trường Huy (Px: 16.12.2015 - nay).
IV. CÁC ĐOÀN THỂ TRONG GIÁO XỨ
- Legio Mariae, Phan Sinh Tại Thế, Huynh đoàn Trợ tá Truyền Giáo, Hội Các bà mẹ Công Giáo, hội Gia đình Phạt tạ, các Ca đoàn: Kitô Vua, Thánh Linh, Thánh Gia, các Thánh Anh Hài, Đội kèn, Giới trẻ Phan Sinh, hội Unior, lớp Dự tu, Lễ sinh…
- Hội Đồng Giáo Xứ gồm có 5 vị trong Ban Thường Vụ và 24 vị trong các Ban Giáo Họ.
- Ban Giảng Viên Giáo lý gồm 38 thầy cô phụ trách 24 lớp từ lớp Đồng cỏ non đến lớp Vào đời 3.
- 1 cộng đoàn thuộc Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (1970 – nay)
- 1 cộng đoàn thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang (1972 – nay).
- 1 cộng đoàn thuộc Hội Dòng Đức Bà Truyền Giáo (1973 – nay).
V. HOA QUẢ ƠN GỌI TRONG GIÁO XỨ:
Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo Hội 16 Linh mục, 7 Đại chủng sinh, 3 Thầy dòng, 42 Nữ tu và có hơn 50 em Dự tu sinh hoạt hằng tuần.
VI. NHỮNG SINH HOẠT GIÁO XỨ:
- Sinh hoạt tôn giáo:
- Đọc kinh từng gia đình trong các Giáo họ vào tháng Mân côi, tháng hoa. Tổ chức ngắm trong những ngày mùa chay, tuần Thánh của một số anh chị em giáo phận Vinh và toàn thể giáo xứ. Cử hành Thánh lễ, dâng hoa và suy niệm tháng mân côi ở hang đá Đức Mẹ.
- Đọc kinh và chầu Thánh Thể vào lúc 15h00 thứ sáu đầu tháng của chị em Lòng Chúa Thương Xót, 12h00 thứ sáu hàng tuần của anh chị em Phan sinh, 15h00 Chúa nhật hàng tuần của Huynh đoàn Trợ tá.
- Toàn thể giáo xứ chầu Thánh Thể trọng thể vào thứ năm đầu tháng
- Sinh hoạt xã hội:
- Vào một số dịp trong năm, Giáo xứ tổ chức thăm viếng, khám bệnh, phát quà cho bệnh nhân, những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, tâm thần hiện đang ở tại tư gia trong giáo xứ, thăm anh chị em tôn giáo bạn dịp lễ Tết…v.v..
- Phục vụ nước uống sạch cho bà con.
VII. NHỮNG CƠ SỞ TRONG GIÁO XỨ:
- 1 nhà thờ, nhà xứ
- Dãy nhà giáo lý: 12 phòng
- 1 nhà máy nước
VII. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI:
- Giáo xứ Vinh Trang ước ao có được ngôi nhà thờ mới cùng những phương tiện vật chất tối thiểu để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo ngày càng phát triển của giáo xứ.
- Giáo xứ cũng đang chuẩn bị để hướng về ngày mừng kỉ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, và lễ 60 linh mục của Cha cựu quản xứ Giuse Phan Thanh Bình đang nghỉ dưỡng tại nhà riêng.