Lược sử Giáo Xứ Ninh Mã

Chủ nhật - 29/08/2021 00:49  2360
GIÁO XỨ NINH MÃ

I. GIÁO XỨ NINH MÃ: MỘT HỌ LẼ CỦA GIÁO XỨ DIÊM ĐIỀN.
1. Tên gọi: Giáo Họ Ninh Mã. Bổn Mạng: Đức Maria Trinh Nữ Vương (22/8)
2. Địa Chỉ: Thôn Ninh Mã, Xã Vạn Thọ, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa.
3. Vị Trí Địa Lý 
+ Phía Đông giáp Biển Đông, với Đụn Cát trắng nằm giữa đất liền và hải đảo kéo dài 18km từ Tuần lễ đến Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh.
+ Phía Bắc giáp Giáo họ Đại Lãnh, có Đèo Cổ Mã là một nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn đâm ra tận biển, biển núi gặp nhau tạo nên một gành đá hùng vĩ có hình vòng cung tuyệt đẹp.
+ Phía Tây giáp dãy núi Trường Sơn.
+ Phía Nam giáp Giáo xứ Diêm Điền, ranh giới là Tịnh Xá Ngọc Vạn, một trong những ngôi Chùa lớn tại Huyện Vạn Ninh.
4. Số Giáo Dân: 26 hộ gia đình, 106 giáo dân (tính đến 17/7/2015) (Đầm Môn: có 6 gia đình, 23 giáo dân)

II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
Làng Ninh Mã được thành lập vào thời vua Duy Tân. Dân cư vào đây lập nghiệp, chuyên sống bằng nghề nông và chăn nuôi trâu bò. Phần đông là người gốc Bình Định, Phú Yên.
Vì Nhà Thờ Vạn Giã cách làng Ninh Mã khoảng 20 km về phía Nam, nên giáo dân Ninh Mã phải đi bộ từ chiều Thứ Bảy để có thể tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần.
Đến thời Cố Liêm, quản xứ Vạn Giã, Ngài đã yêu thương tạo điều kiện để giáo dân Ninh Mã có được một ngôi Nhà Nguyện, tuy chỉ là mái tranh, vách đất nhưng đây là điểm hẹn yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Người. Bà con giáo dân vui mừng tụ họp với nhau để hôm sớm đọc kinh, cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa, là Cha yêu thương.
Năm 1946, làng Ninh Mã mất an ninh, bà con “Lương Giáo” phải tản cứ khắp nơi để lập nghiệp. Vì thế, Nhà Nguyện dần dần xuống cấp, đổ nát và trở nên một bãi đất hoang.
Đến Năm 1954, tình hình ổn định hơn, dân chúng trở về sinh sống, trong số đó có 10 hộ gia đình là Công Giáo.  
Năm 1958, ông Lê Bán, một người Công Giáo nhiệt thành, đã hiến tặng cho Giáo họ Ninh Mã một sào đất để dựng lại Nhà Nguyện.
Năm 1959, Cha Ngạn (quản xứ Vạn Giã) thấy rằng: giáo dân Ninh Mã phải vượt 20 km để về Vạn Giã tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật thì quá khó khăn, với tấm lòng yêu thương của người mục tử, Ngài quyết định xây dựng cho Ninh Mã một ngôi Nhà Nguyện. Nhưng khi Nhà Nguyện mới khởi công, thì Ngài phải chuyển sang xứ khác. Cha Hiếu về quản xứ Vạn Giã, Ngài tiếp tục xây dựng và hoàn thành Nhà Nguyện Ninh Mã vào năm 1960. Nghi lễ khánh thành Nhà Nguyện do Đức Cha Marcel Piquet (Lợi) chủ sự trong sự vui mừng của bà con giáo dân Ninh Mã.
Từ đó, giáo dân Ninh Mã được sự coi sóc của quý Cha quản xứ Vạn Giã: Cha Hiếu, Cha Chiểu, Cha Long, Cha Sinh, Cha Minh, Cha Ngọc và Cha Vĩnh.
Năm 1970, Cha Khánh, Dòng Chúa Cứu Thế, về vùng Tu Bông truyền giáo. Cha Vĩnh, quản xứ Vạn Giã đã trao vùng Tu Bông cho Cha Khánh coi sóc.
Năm 1971, Cha Khánh củng cố lại giáo họ Ninh Mã. Thời kỳ đó ban chức việc Ninh Mã gồm có: ông Đỗ Thuộc, ông Nguyễn Đống (câu phó), ông Lê Mai, ông Nguyễn Tri, ông Nguyễn Khâu làm biện họ.
Tháng 10 năm 1974, Nhà Nguyện Ninh Mã bị sụp đổ do bão lớn. Tháng 4 năm 1975, Cha Hoàng Gia Khánh trở về nhà Dòng. Trong bối cảnh đó, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Vĩnh đã sáp nhập giáo họ Ninh Mã vào giáo họ Diêm Điền.
Ngày 4 tháng 12 năm 1995, Cha Antôn Hoàng Tiến Nam, quản xứ Vạn Giã đã cử Cha Phó Phêrô Trần Văn Tâm về phụ trách giáo họ Diêm Điền. kể từ đó, giáo họ Diêm Điền được nâng lên hàng giáo xứ. Ninh Mã trở thành một giáo khu của giáo xứ Diêm Điền.
Năm 2000, Cha Phêrô Trần Văn Tâm mong muốn xây dựng cho Ninh Mã một Ngôi Nhà Nguyện mới, để giáo dân Ninh Mã không phải vượt mưa, vượt gió về Giáo xứ Diêm Điền để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
Sau nhiều thao thức, chuẩn bị, Ngày 21 tháng 2 năm 2002, được sự ủy quyền của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Cha Giuse Trần Thanh Phong, Bề Trên Đại Chủng Viện Sao Biển, đã chủ sự nghi thức đặt viên đá xây dựng Nhà Nguyện Ninh Mã.
Sau thời gian chuẩn bị mặt bằng và vật liệu cần thiết, ngày 12 tháng 4 năm 2002 mới chính thức khởi công xây dựng. Sau 5 tháng thi công miệt mài, ngôi Nhà Nguyện cơ bản hoàn thành. Và ngày 12 tháng 9 năm 2002, giáo dân Ninh Mã vui mừng chào đón Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Đức Cha Chính) và Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho (Đức Cha Phó) của Giáo Phận Nha Trang về dâng Lễ Tạ Ơn và cắt băng khánh thành.
Giáo họ Ninh Mã, từ những hộ gia đình rải rác, đời sống Đạo có phần lơ là, … giờ đây trở thành một Giáo Họ có Nhà Nguyện khang trang, có tổ chức quy cũ và có nhiều hoạt động Tông Đồ sôi nổi là nhờ công lao chăm sóc đầy yêu thương của Cha quản xứ Diêm Điền, Phêrô Trần Văn Tâm. Nên giáo dân ở đây yêu mến, kính trọng gọi ngài là Cha Phêrô, một tên gọi hết sức thân thương và gần gũi.
* GIÁO HỌ NINH MÃ QUA CÁC THỜI CHA QUẢN XỨ VÀ PHÓ XỨ:
Vì Giáo họ Ninh Mã là một “Họ Lẽ” của Giáo xứ Diêm Điền, nên quý Cha Quản xứ và Phó xứ Diêm Điền cũng đồng thời coi sóc Giáo họ Ninh mã:
+ 1995 – 14/7/2013          : Cha Phêrô Trần Văn Tâm (Quản xứ)
+ 22/7/2013 – nay              : Cha Giuse Đào Quang Khải (Quản xứ)
+ 12/7/2007 – 29/12/ 2011 : Cha Philipphê Nguyễn Văn Tin (Phó xứ)
+ 1/1/2011 – 15/1/2015      : Cha Antôn Trần Ngọc Thiên (Phó xứ)
+ 13/1/2015 – nay              : Cha Tôma Hồ Chí Toàn (Phó xứ)
Ninh Mã được chăm sóc bởi quý Cha Sở và Cha Phó của Giáo xứ Diêm Điền, nên mỗi tuần quý Cha chỉ ra Ninh Mã dâng Thánh Lễ 2 lần là Chiều Thứ Năm và sáng Chúa Nhật hoặc các ngày Lễ Trọng. Tuy nhiên, để sống gần gũi với Giáo dân, và để tạo điều kiện cho Ninh Mã phát triển, ngày 4 tháng 2 năm 2015, Cha quản xứ Giuse Đào Quang Khải đã cho phép Cha phó Tôma Hồ Chí Toàn về ở luôn tại Nhà Nguyện Ninh Mã. Giáo dân Ninh Mã vui mừng, vì từ này họ được tham dự Thánh Lễ mỗi ngày chứ không phải 2 lần một tuần như trước đây.  
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG:
1. Cơ Cấu Tổ Chức
- Giáo họ được chia thành 2 Liên gia. Mỗi Liên gia có Liên gia trưởng và Liên gia phó.
- Hội Đồng Giáo Họ gồm: 1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch, 1 Thư ký, 1 ủy viên Thánh nhạc, 1 ủy viên Khánh tiết và 4 ủy viên phụ trách các Liên gia.
- Hội các Bà mẹ Công Giáo: gồm 2 tổ, 18 chị em.
2. Các Hoạt Động
- Thánh Lễ Chúa Nhật    : 6 giờ00
- Thánh Lễ ngày thường  : 18 giờ 00.
- Thứ Bảy hàng tuần       : Chầu Mình Thánh Chúa để cầu nguyện cho các gia đình trong giáo họ.
- Thứ Năm đầu tháng      : Thánh lễ cầu nguyện Các Bà Mẹ Công Giáo.
- Tháng Hoa hàng năm   : Giáo họ tổ chức đọc kinh từng hộ gia đình để kính Mẹ Maria và nâng cao đời sống đạo đức. Chọn 1 tối Chúa Nhật trăng sáng của Tháng Năm để xuống Đầm Môn đọc Kinh cho 5 hộ gia đình giáo dân ở đó (cách Ninh Mã 17 km về phía Đông).
3. Hoa trái thiêng liêng:
Giáo họ Ninh Mã, tuy ở tận mạn Bắc của Giáo Phận Nha Trang, những sinh hoạt tôn giáo còn thưa thớt và nhiều hạn chế, nhưng với Tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, sự hy sinh quảng đại của Quý Cha, và đặc biệt là lòng yêu mến của giáo dân nơi đây dành cho Thiên Chúa, nên hiện nay, Giáo Họ Ninh Mã đã có được một Thầy Đại Chủng Sinh đang học Lớp Thần Học 3 tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.
4. Hướng tới tương lai:
Giáo họ Ninh Mã đất đai còn nhỏ hẹp (), cơ sở vật chết còn nghèo nàn. Trong tương lai gần, bà con giáo dân mong muôn sơn lại Nhà Nguyện (đã hơn 10 năm, bạc màu), sửa lại Nhà xứ vì mái tole đã dột nát.

 
 
SƠ LƯỢC
TIỂU SỬ GIÁO HỌ ĐẠI LÃNH
I. GIÁO HỌ ĐẠI LÃNH: MỘT HỌ LẼ CỦA GIÁO XỨ DIÊM ĐIỀN.
1. Tên gọi: Giáo Họ Đại Lãnh. Bổn Mạng: Lễ Thánh Anrê (30/11)
2. Địa Chỉ: Xã Đại Lãnh, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa.
3. Vị Trí Địa Lý 
+ Phía Đông giáp     : Biển Đông.
+ Phía Bắc giáp       : Đèo Cả
+ Phía Tây giáp       : dãy núi Trường Sơn.
+ Phía Nam giáp      : Giáo họ Ninh Mã, đèo Cổ Mã làm ranh giới.
4. Số Giáo Dân: khoảng 60 hộ gia đình, 221 giáo dân (tính đến 17/7/2015, thống kê chưa đầy đủ vì còn nhiều phức tạp)
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
Đại Lãnh là một làng nằm ở “cự Bắc” của Tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1975, Đại Lãnh thuộc xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh. Năm 1983, Xã Vạn Thọ được thành  lập, Đại Lãnh thuộc về Xã Vạn Thọ. Năm 1985, làng Đại Lãnh được tách ra từ Xã Vạn Thọ và được nâng lên thành Xã Đại Lãnh. Dân cư sống ở đây chủ yếu làm nghề biển, một số buôn bán và làm nông.
Trước năm 1970, ở Đại Lãnh chỉ có một hộ Công Giáo là gia đình ông Phạm Xuân Thành, làm Ấp trưởng thời ấy. Đến năm 1972 có thêm gia đình bà Nguyễn Thị Lạc người Công giáo thuộc giáo xứ Hà Dừa đến Đại Lãnh lập nghiệp buôn bán.
Sau năm 1975, có một số gia đình Công Giáo từ các nơi như Phú Yên, Huế đến sinh sống, dần dần làm nên Giáo họ Đại Lãnh như bây giờ.
Các ngày Chúa nhật và Lễ trọng, bà con Công giáo ở đây phải về Dâng Lễ tại nhà thờ Vạn Giã, cách Đại Lãnh 23km vế phía Nam. Năm 1995, Cha Phêrô Trần văn Tâm về phụ trách giáo họ Diêm Điền, củng cố xây dựng Đại Lãnh thành  giáo khu VI trực thuộc giáo họ Diêm Điền. Đến năm 2002, nhà nguyện Ninh Mã được xây dựng, Ninh Mã và Đại Lãnh hợp thành giáo họ Ninh Mã.
Cha Phêrô Trần Văn Tâm, Quản xứ giáo xứ Diêm Điền đã yêu thương dành thời gian mỗi tháng một lần đến dâng Thánh lễ Chúa Nhật cho giáo dân trong giáo họ Đại Lãnh. Vì chưa có nhà nguyện nên Cha Phêrô mượn nhà giáo dân để dâng Thánh lễ. Địa điểm dâng lễ tại Đại Lãnh  thay đổi nhiều lần: đầu tiên tại nhà Chị Cảnh,  nhà anh Liêm, nhà anh Châu, sau đó là nhà anh Hùng. Gia đình anh Hùng, một hộ giáo dân nhiệt thành ở Đại lãnh, sau đó về sống tại Vạn Giã, đã đồng ý cho Cha xứ sửa sang lại ngôi nhà của  gia đình làm Nhà Nguyện để dâng lễ cho bà con giáo dân Đại Lãnh. Năm 2008, Cha xứ và Ban Giáo họ Đại Lãnh đã mua lại đất và nhà của vợ chồng anh Hùng. Toàn bộ chi phí mua Đất và Nhà do gia đình bà Maria Mađalenna Nguyễn Thị Phước dâng cúng. Từ đó, Giáo họ Đại Lãnh có nhà nguyện riêng để thờ phượng Chúa. Nhà Nguyện tạm bợ đó vẫn còn tồn lại cho đến ngày hôm nay.
Từ một nhóm nhỏ Công giáo sống thưa thớt, Cha Phêrô Trần Văn Tâm đã đã dày công tìm kiếm, quy tụ và sắp xếp tổ chức, để giờ đây Đại Lãnh trở thành một Giáo họ với khoảng 60 hộ gia đình có tổ chức quy cũ. Giáo dân Đại Lãnh yêu mến và nhớ mãi người cha Phêrô thân yêu.
Cũng như Giáo họ Ninh Mã, Giáo họ Đại Lãnh được sự coi sóc của quý Cha quản xứ và phó xứ Diêm Điền qua từng thời kỳ:
+ 1995 – 14/7/2013            : Cha Phêrô Trần Văn Tâm (Quản xứ)
+ 22/7/2013 – nay              : Cha Giuse Đào Quang Khải (Quản xứ)
+ 12/7/2007 - 29/12/ 2011  : Cha Philipphê Nguyễn Văn Tin (Phó xứ)
+ 1/1/2011 – 15/1/2015      : Cha Antôn Trần Ngọc Thiên (Phó xứ)
+ 13/1/2015 – nay              : Cha Tôma Hồ Chí Toàn (Phó xứ)

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG:
1. Cơ Cấu Tổ Chức
Hiện nay giáo khu Đại Lãnh bắt đầu bước vào thời điểm ổn định sinh hoạt: có Thánh Lễ hàng tuần lúc 9 giờ sáng  Chúa Nhật.
- Ban điều hành Giáo họ gồm: 1 vị Chủ tịch Giáo họ, 1 vị phó chủ tịch ngoại vụ, 1 vị phó chủ tịch nội vụ, và 2 vị phụ trách 2 Liên gia.
- Hội Các Bà Mẹ Công Giáo: chưa ổn định
2. Các Hoạt Động
Ngoài Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần, giáo dân còn tổ chức thăm viếng và đọc Kinh các gia đình nhất là nhân ngày Lễ Giỗ hoặc gia đình có người đau bệnh hoặc qua đời.
Tháng Hoa Kính Mẹ: có đọc Kinh tại các gia đình. Riêng ngày Khai mạc và Bế mạc Tháng Hoa làm tại Nhà Nguyện.
* Giáo họ Đại Lãnh mong ước sớm có được một ngôi Nhà Nguyện khang trang hơn để Thờ Phượng Chúa.



 

Tác giả: BTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá


Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây