Chúa Nhật XXIII TN/B
Một người câm điếc. Rất giống với chúng ta, khi chúng ta ở trong tội lỗi.
Chúng ta có thể có Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, Đấng thì thầm những lời ngọt ngào và ngay thật nhất với chúng ta. Nhưng chúng ta không cảm thấy Ngài. Chúng ta có thể có những người khôn ngoan và tốt nhất gần gũi với chúng ta, những người muốn giúp đỡ chúng ta. Nhưng chúng ta lại không quan tâm. Hoặc chúng ta vượt qua trước mặt những người đang cần sự an ủi, hy vọng. Như thế chúng ta cô đơn trong thế giới, khép kín trong sự ích kỷ của mình.
Nhưng nếu bí tích của Đức Kitô đến với chúng ta... Đó có thể là việc Giáo Hội rửa tội hoặc ban cho chúng ta sự tha thứ nhân danh Chúa Giêsu. Những bàn tay chúc lành đưa lên trên chúng ta: ‘Cha rửa tội cho con’; ‘Cha tha tội cho con.’
Phép lạ lại xảy ra.
Nhờ ân sủng, chúng ta có khả năng lắng nghe những lời an ủi, thúc giục và lệnh truyền của Thiên Chúa. Chúng ta có khả năng đáp lại Ngài bằng lời cầu nguyện và bằng cuộc sống của chúng ta.
Và người bên cạnh là người phải được lắng nghe và an ủi. Tình huynh đệ nảy sinh, nếu chúng ta để cho mình được Chúa cứu, nếu chúng ta gắn bó với Ngài bằng tất cả sức lực của chúng ta.
Suy Niệm Is 35, 4-7; Tv 145; Gia 2,1-5; Mc 7,31-37
Các bài đọc mà phụng vụ hôm nay đề xuất cho chúng ta, không thể không làm chúng ta tràn ngập niềm vui, bắt đầu từ tiên tri Isaia, người đã ngỏ lời với một dân tộc cam chịu sau nhiều năm lưu đày và đã mất hết niềm hy vọng vào Thiên Chúa bằng một sứ điệp mạnh mẽ về niềm hy vọng: ‘Can đảm lên, đừng sợ! Này Thiên Chúa của bạn... Người đến cứu bạn’. Điều tương tự cũng được tác giả Thánh Vịnh nhắc đến khi nói với chúng ta rằng ‘Chúa vẫn thành tín mãi mãi’ và làm những điều vĩ đại cho chúng ta.
Tình yêu này của Thiên Chúa tác động đến cuộc sống của chúng ta, và đó là điều Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta sống, trong bài đọc thứ hai, nghĩa là đặt mình về phía những người hèn mọn nhất, biết yêu thương bằng việc làm chứ không chỉ bằng lời nói. Ta thường bị cám dỗ đứng về phía những người quyền lực và mạnh mẽ, những người bảo vệ lợi ích của chúng ta, mà quên đi những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và gặp khó khăn bởi những thái độ và luật lệ từ chối tiếp nhận.
Cả ngôn sứ Isaia và thánh vịnh gia cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ loại bỏ những trở ngại cản trở chúng ta làm theo ý muốn của Ngài: “ Mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ mở ra ”.
Có những trường hợp bi thảm về những đứa trẻ bị kết án cô độc vì chúng bị mù, điếc và câm từ khi mới sinh ra. Sự cam kết và kỹ năng của các chuyên gia ngôn ngữ đôi khi có thể mở ra thế giới ký hiệu và từ ngữ cho chúng. Nhưng khi mắt, tai và lưỡi của lòng bạn bị bế tắc thì sao? Bao nhiêu người, bao nhiêu cặp đôi không hiểu nhau, không còn nói chuyện với nhau nữa! Biết bao ‘cuộc đối thoại của người điếc’ giữa các cá nhân, nhóm, tổ chức hoặc quốc gia, đặc biệt khi mất đi sự tin tưởng lẫn nhau và người ta không còn khả năng chấp nhận người khác với sự mong manh của họ, ngay cả với những gì quý giá nhất bên trong họ.
Suy nghĩ về tất cả những tình huống này, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được giá trị biểu tượng của việc chữa lành người câm điếc mà Chúa Giêsu truyền cho: ‘Hãy mở ra!’ Những cử chỉ Người thực hiện đưa chúng ta trở lại nghi thức rửa tội: mở lại việc nghe và tháo những nút thắt của cái lưỡi thực sự là một phép lạ, nhưng chúng cũng là dấu hiệu của ơn rửa tội biến đổi con người thành con Thiên Chúa, là người nhờ lắng nghe mà học cách tuyên xưng lời loan báo ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại.
Chủ đề lắng nghe được lặp lại xuyên suốt Kinh thánh. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đặt trước các điều răn của Ngài trên các bảng luật bằng dòng chữ ‘Shema Israel’: Hãy lắng nghe, hỡi Israel. Trong Kinh Thánh, bị điếc có nghĩa là không tiếp nhận và không lắng nghe thông điệp cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy, bị choáng ngợp bởi hàng ngàn điều. Bị vây quanh bởi sự ồn ào, huyên thuyên và những ý kiến trái ngược nhau, chúng ta đấu tranh để lắng nghe ước muốn sâu sắc về ý nghĩa mà chúng ta mang trong lòng và gặp khó khăn khi bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa.
Với lời “Ephata, hãy mở ra”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bắt đầu một cuộc đối thoại với Ngài, Ngài đánh thức chúng ta khỏi trạng thái hôn mê ngăn cản chúng ta nói và giúp chúng ta sống như những Kitô hữu: đó là một lời mời gọi dành chỗ trong trái tim chúng ta cho Ngài.
Người điếc không tự ý đến với Chúa Giêsu, nhưng Tin Mừng nói rõ “ Người ta đã đem ông đến với Chúa ”: sự kiện này có nghĩa là người đàn ông này, cam chịu bệnh tật, cần một ai đó đi cùng ông đến với Chúa Giêsu. Mọi người chúng ta hãy quan tâm đến những người đang cần giúp đỡ! Những ai thực sự có kinh nghiệm lắng nghe Thiên Chúa cũng biết cách lắng nghe anh em mình và trở thành bạn đồng hành của họ trên hành trình, dẫn anh ta đến với Thiên Chúa, như trường hợp người câm điếc.
Biết bao lần trong gia đình, nơi làm việc, trong các hoạt động khác nhau mà chúng ta thực hiện và trong cộng đồng của mình, chúng ta gặp phải vấn đề về điếc và câm, dẫn đến khó lắng nghe người khác, vì chúng ta bị cuốn vào những suy nghĩ và định kiến của mình! Chúng ta nghe, nhưng chúng ta không lắng nghe, chúng ta không để lời nói của người khác đi vào trong chúng ta, vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta, một lời nói có thể tái sinh hoặc thể hiện một yêu cầu cấp bách cần được giúp đỡ, không may lại thường không được đáp lại. Vậy chúng ta cũng hãy xin Chúa Giêsu mở tai chúng ta ra và ban lại cho chúng ta hồng ân lời nói, để chúng ta trở thành chứng nhân của Người và có thể nắm bắt được những thông điệp gửi đến chúng ta nơi chúng ta làm việc hàng ngày, đặc biệt là trong môi trường gia đình.
Thứ Hai tuần XXIII Tn
Vui mừng chịu đau khổ
Không còn thiếu điều gì trong sự thương khó của Đức Kitô, đủ để cứu toàn thế giới; tuy nhiên sự thương khó của Đức Kitô cần phải được áp dụng vào cuộc sống của mỗi người tín hữu, nên Phaolô đã viết: Chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài để được vinh quang với Ngài. Mỗi ơn gọi kitô bao gồm một phần những gian truân, cần được thực hiện. Theo nghĩa đó Phaolô nói rằng ông hoàn tất điều còn đang thiếu trong việc áp dụng khổ nạn của Đức Kitô trong cuộc sống của ông. Là một ơn gọi cao cả, áp dụng khổ nạn của Đức Kitô vào cuộc sống của ta. Phaolô nhìn một cách tích cực, đến độ nói rằng: tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Ông xác tín về sự phong nhiêu của việc thông phần vào khổ nạn của Đức Kitô; nhìn sự khổ nạn trong ánh sáng phục sinh; biết rằng thông phần vào khổ nạn là điều kiện để thông phần vào sự phục sinh. Nên ông nói đến nỗi vui mừng ngay cả trong đau khổ.
Không phải duy chỉ có Phaolô mới có cái nhìn ấy. Thánh Phêrô trong thư thứ nhất kêu mời tất cả các kitô hữu hãy vui mừng khi tham dự vào đau khổ của Đức Kitô: ‘Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỉ’.
Ơn gọi kitô của chúng ta cho ta nhận biết ân sủng ẩn giấu trong những đau khổ và thử thách của cuộc sống, ân sủng quý báu là kết hiệp với Đức Kitô trong sự khổ nạn, ân sủng của tình yêu chân chính, chấp nhận trả giá bằng chính bản thân mình. Nếu giá trị tuyệt đối là giá trị của tình yêu chân chính, cần chấp nhận những cách thức cần thiết để tiến bước trong tình yêu đó, không chỉ bằng cách cam chịu, nhưng còn với niềm vui.
Chúng ta cầu xin Chúa giúp ta nhận ra ân sủng ẩn giấu trong những gian truân. Nếu chúng ta biết cảm nếm giá trị của nó, chúng ta có thể nói như Phaolô: ‘Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích thân thể Người là Giáo Hội’.
Đức Giêsu chữa lành người bại liệt tay phải vào ngày Sabát. Các biệt phái trông chờ phép lạ, không phải để vui mừng vì việc chữa lành, nhưng để có cớ tố cáo Ngài. Chẳng khác nào những kẻ không đặt con người làm trung tâm của việc lao động, mà chỉ biết có lợi nhuận. Ưu tiên cho phẩm giá con người.
‘Anh giơ tay ra’. Vang vọng lại những lời của Thiên Chúa khi tạo thành vũ trụ. Ngày Sabát hôm ấy, Đức Giêsu tiếp tục công trình tạo dựng, bằng cách phục hồi cho người bại tay khả năng lao động. Mang lại công ăn việc làm cho những người thất nghiệp là chữa lành họ khỏi nỗi buồn lo, thất vọng. Và mỗi lần một con người làm việc đúng phẩm giá của mình, những lời của sách Sáng Thế lại vang lên: ‘Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp’.
+++
Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.
Đức Giêsu không bao giờ lên án bất cứ tội nhân nào, Ngài cúi xuống trên họ, đến nhà của họ, tuyên bố Ngài đến là vì họ để giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi chứ không để mơn trớn những xiềng xích đang làm tê liệt họ. Giải thoát họ chỉ được thực hiện trong sự thật: là những lời của Đức Giêsu.
Điều mà con người ngày nay cần nhất là tìm gặp người có can đảm và đáng tin cậy hé mở cho họ thấy những giá trị đích thực, như thế kéo họ ra khỏi sự lệch lạc và lầm lẫn. Đó là đức ái lớn nhất và chân thực nhất, một đức ái liên kết với chân lý.
Dĩ nhiên tất cả điều này phải được thực hiện cách thận trọng, không tự đặt mình làm thẩm phán để kết án, nhưng nhằm đến phẩm giá con người, trước cả phẩm giá kitô hữu.
Đối với người tin, đây là một lý chứng: lễ vượt qua của Đức Kitô đang hiện diện hôm nay trong lịch sử, với lời loan báo vui tươi về một sự sống mới được ban tặng cho ta và trong đó ta được mời gọi làm lộ ra chính con người của ta, là hình ảnh của Thiên Chúa, đấng thánh, là con của một người Cha giàu lòng thương xót và tha thứ, nhưng chính vì yêu ta nên không muốn ta hoán đổi sự cao cả của ta để lấy những hậu quả của đứa con hoang đàng.
Trong phút hồi tâm, tôi cầu xin Đức Giêsu cho tôi được can đảm làm chứng nhân chân lý trong đức ái.
Thứ Ba tuần XXIII Tn
‘Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa’. Người đã cầu xin với Thiên Chúa điều gì, khi Người là Con Thiên Chúa, là Con Người chủ ngày Sabát và có quyền tha tội? Có lẽ Người sợ mình sẽ sai lầm trong việc tuyển chọn các Tông đồ, cho mai ngày chăng? Người có cần ý kiến của Chúa Cha không? Trong những cầu xin ấy chúng ta phóng chiếu sự yếu hèn của lời cầu nguyện của ta. Trong lúc này, thời điểm quan trọng trong việc thực hiện sứ mạng (chọn nhóm Mười hai, nghĩa là đặt nền móng Giáo hội), lời cầu nguyện của Đức Giêsu là lời cầu nguyện hiệp thông và chiêm ngắm Cha. Đức Giêsu rút lui vào nơi thanh vắng: Luca thường diễn tả điều này trước một biến cố quan trọng. Thái độ ấy chứng tỏ sự kết hiệp của Đức Giêsu với Chúa Cha. Lời kinh nguyện của Đức Giêsu là hoàn toàn nhưng không: chiêm ngắm và ca tụng Chúa Cha. Diễn tả tình yêu Người dành cho Cha trong tư cách là Con.
Hãy theo các bước chân của Đức Giêsu, dù ta yếu hèn, để rút lui vào nơi thanh vắng, để lắng nghe, để sống tư cách làm con, cùng với Chúa Giêsu, trong một hiến trao tình yêu cho Cha. ‘Lạy Cha’…đó là kinh nguyện của Chúa Giêsu và cũng là lời kinh nguyện của ta.
+++
Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta.
Trong đoạn thư hôm nay, Phaolô nói về gương xấu của một người đã lôi anh em mình ra trước tòa án thay vì tìm những con đường để hòa giải, yêu thương và bình an, như đáng mong đợi nơi một môn đệ của Đức Kitô.
Khích động xã hội bằng gương sống của mình để cất đi những hình thức bất công lạm dụng quyền lực và gian ác, nhằm kiến tạo hòa bình, phải chăng là bổn phận của người kitô hữu?
Hãy tự giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc lý tưởng chủ nghĩa trừu tượng: có thể gây nên một xung đột lợi nhuận hoặc mua bán, tạo nên một tình trạng khó chịu giữa anh em, bởi lẽ chúng ta đều dễ dàng có nguy cơ sai lạc và vấp ngã. Tại sao không để mình được giúp đỡ bởi ai đó có thể chỉ cho ta, ánh sáng của đức tin, những nẻo đường hòa giải, thay vì nại đến lý lẽ của xã hội chỉ biết ngôn ngữ của lợi nhuận? Không phải ta phản đối luật lệ và công bình xã hội nhưng nhằm đưa nó vào một bối cảnh rộng lớn hơn nơi đó sự công bình là con đẻ của đức ái và là chị em của sự thật.
Nên thánh Phaolô đã nhắc đến việc dìm trong máu, bí tích thánh tẩy: vâng chúng ta đã được tẩy rửa bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Đấng bị đóng đinh. Một cuộc tẩy rửa tái sinh chúng ta để ta sống trong sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa, là chiến thắng của tình yêu, để ta được nâng đỡ bằng sức mạnh của Thánh Thần ở trong ta. Chân lý đức tin này cần phải thấm nhuần cuộc sống, biến thành hành động nhất là trong những lúc bị cám dỗ chạy theo phong cách chung thời thượng của mọi người.
Không công bình! Đó là tiếng kêu vang lên trên môi miệng con, lạy Chúa, khi con đối diện những hoàn cảnh khó chịu, cho thấy tâm tư con người đang khao khát sự công bình. Sự khao khát làm cho chúng con hạnh phúc trong mức độ biến chúng con thành những người xây dựng công lý và hòa bình. Xin cho lời này không là một lời kết án mà là một dấn thân để làm nhân chứng.
Thứ Tư tuần XXIII Tn
Các mối phúc. Đỉnh cao giáo huấn của Đức Giêsu, lời loan báo Luật Mới…Đúng thế, nhưng còn là lời công bố chính Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa hạnh phúc vì tràn đầy tình yêu, là ba Ngôi Vị, nghĩa là gia đình. Còn hơn thế nữa: Người còn nghèo tình yêu, đói khát tình yêu: bởi vì nơi Đức Giêsu, con của Người, đã khóc, đã bị ghét bỏ, bị lăng mạ và ruồng bỏ. Ngay cả trong điều mà Người vui mừng, Người vui vì cần đến thập giá, nước mắt và đau khổ của một vị Thiên Chúa mời gọi con người hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa.
Thiên Chúa chúng ta đầy tràn hạnh phúc và niềm vui. Ơn gọi của ta là tham dự vào hạnh phúc và niềm vui ấy: nếu giờ đây trước mặt Người chúng ta còn nghèo nàn và đói khát, niềm vui của ta sẽ hoàn hảo.
+++
Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Phải chăng là lời đe dọa? Một cái nhìn hết sức tiêu cực về cuộc đời? Phải chăng là lời khích lệ để trả lại cho mọi sự đúng giá trị của nó? Câu trả lời đến từ đoạn thư ta đọc hôm nay.
Trong các trang thư khác của thánh Phaolô, có thể tìm gặp một thái độ hoàn toàn tích cực những gì liên quan đến giá trị con người. Ví dụ khi nói đến nguốn gốc thân thế của mình. Ngài nói với một niềm kiêu hãnh, hoặc ta có thể thấy một sự tôn trọng của Ngài dành cho hôn nhân, hình ảnh tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo hội, được xem như là một mầu nhiệm lớn lao (Ep 5,21-23).
Nhưng ta cũng có thể tìm thấy những yếu tố sáng giá nơi bản văn này. Ta cùng đọc: ‘Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui, ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng’ (vv. 30-31).
Giới từ ‘như’ có nghĩa rằng tôi không từ khước những gì cuộc đời ban tặng cho tôi, nhưng với ý thức đừng xem đó như là cùng đích, ý thức rằng của cải không phải là điều quyết định cho tôi: vì bộ mặt thế gian này đang biến đi, và cùng với nó, là những gì thuộc về nó, trong khi những của cải vĩnh cửu mà Đấng Phục sinh ban tặng vẫn trường tồn. Dựa vào nguyên lý nền tảng này mà ta đánh giá những điều khác.
Lạy Chúa, tất cả đều qua đi, duy chỉ còn mình Ngài, xin ở lại chiếu sáng những tháng ngày đời con và làm cho chúng ấm nồng tình yêu Ngài. Điều duy nhất con có thể làm là vui mừng trong Chúa.
Hạnh phúc đích thực
Thánh Phaolô đã viết: ‘Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Ngài, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết’. Vì ân huệ ấy thánh Tông đồ mời gọi chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa. Phaolô kết luận: vì anh em đã cùng chết với Đức Kitô, nên đừng tìm kiếm những sự dưới đất nữa; vì anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, hãy tìm kiếm những sự trên trời. Lời khuyên ấy có ý nghĩa gì? Thật vậy, nghĩ tưởng đến hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho ta trên trời là niềm hy vọng thôi thúc chúng ta, tuy nhiên chúng ta không được phép xao nhãng những bổn phận trần thế của mình, bởi vì những sự thuộc thượng giới không chỉ là hạnh phúc tương lai nhưng còn là những điều thiêng liêng của ngày hôm nay, điều mà Phaolô trong thư gởi Galát gọi là những ‘hoa trái của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín.
Sự sống vĩnh cửu đối với người kitô hữu không chỉ là niềm hy vọng tương lai: sự sống vĩnh cửu đã khởi sự nơi đây rồi. Sự sống của Đức Kitô phục sinh đã bắt đầu cho mỗi kitô hữu, qua bí tích thanh tẩy. Chúng ta đừng chờ đợi chết đi mới bắt đầu sống cuộc sống mới trong Đức Kitô: sự sống mới đó chúng ta đang sống và chúng ta cần phải làm phát triển mỗi ngày. Đó là lý do lời khuyên nhủ của Phaolô: anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, hãy tìm kiếm trong cuộc sống cụ thể những giá trị đích thực. Đừng tìm kiếm bạc tiền, đừng tìm kiếm quyền lực. Hãy tìm kiếm sự phát triển tình hiệp thông và tình thương yêu giữa con người với nhau, tìm kiếm hòa bình, hiền hòa chiến thắng bạo lực.
Chúng ta phải chết và sống lại mỗi ngày: mầu nhiệm vượt qua cần phải được thực hiện trong cuộc sống mỗi ngày. Một phần con người chúng ta cần phải chết đi và một phần khác cần phải lớn lên. ‘Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng’. Rồi tất cả những gì ngược lại với tình hiệp thông huynh đệ: giận dữ, nóng nảy, độc ác, thóa mạ. Anh em đừng nói dối nhau vì anh em là những chi thể trong thân thể của Đức Kitô. ‘Hãy cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó và mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa’. Ơn gọi kitô hữu không phải là thoát tục, nhưng là biến đổi thế giới nên tốt hơn. Người kitô hữu được mời gọi để đưa vào trong thế giới những giá trị đích thực, và có thể thực hiện được nhờ vào năng lực tiềm tàng trong sự phục sinh của Đức Kitô, ánh sáng và sức mạnh và nhất là tình yêu. Chúng ta cần phải xác tín rằng Đức Kitô đã đặt để sẵn sàng cho ta quyền năng của Đấng phục sinh, để chúng ta có thể chiến thắng sự dữ và sự chết, để trong Ngài, chúng ta canh tân thế giới này trong tình yêu. Nhớ rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta mở lòng mình rộng đủ để đón nhận năng lực biến đổi và tái tạo đó.
Bài tin mừng là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho mọi người muốn có hạnh phúc đích thực. Sống những giá trị mà Đức Giêsu đề nghị là chúng ta đang tìm kiếm những sự trên trời.
Thứ Năm tuần XXIII Tn
Yêu và được yêu
Trong các bài đọc hôm nay chúng ta gặp thấy những cách diễn tả thật tuyệt vời về lòng quảng đại của Thiên Chúa, không đi tìm tư lợi riêng mình, bất chấp mọi trở ngại, mọi gièm pha, mọi đố kỵ. Thánh Phaolô và chính Đức Giêsu nói cho ta biết cội nguồn của lòng quảng đại khôn dò ấy: tấm lòng của Thiên Chúa.
Đức Giêsu mời gọi: ‘Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ’. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Colossê, viết: ‘Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương, vì thế anh em hãy có lòng thương cảm’. Nền tảng lòng mến của chúng ta phải là nhận biết mình được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương; nhờ đó mà lòng mến của chúng ta mới chân thực, kiên trung, là họa ảnh lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ý nghĩ mình được tuyển chọn và yêu thương làm chúng ta ngạc nhiên: Tôi, bất xứng và đáng thương như thế này mà lại được Thiên Chúa yêu sao! Chúng ta thường suy tư về chân lý này: Tôi thực sự được Thiên Chúa yêu. Khi một ai đó cảm nghiệm mình được yêu, thì đến lượt mình, họ sẽ yêu một cách quảng đại, không tìm kiếm tư lợi, vì lòng tri ân đang tràn ngập tâm hồn. Thánh Phaolô trong một ít câu, lập đi lập lại: ‘Bình an của đức Kitô cư ngụ trong lòng anh em. Anh em hãy hết dạ tri ân’ (c.15). ‘Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan; để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa (c.16); ‘Anh em có làm gì nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha’ (c.17).
Lòng biết ơn là nền tảng của tình yêu chân chính. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Chúng ta biết ơn Ngài và đến lượt mình, chúng ta sống quảng đại nhân từ và yêu thương với mọi người.
+++
Sự hiểu biết đó sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng.
Trong đoạn thư này Phaolô đang làm rõ vị trí của các kitô hữu đứng trước vấn nạn có được phép ăn hay không các đồ cúng. Là điều mà ngày nay không phải là vấn nạn nữa, nhưng vào thời đó thì lại khác.
Phaolô nhấn mạnh đến (tri thức) sự hiểu biết: một giá trị tự nó hoàn toàn tự do cho phép xem xét kỷ lưởng những hoàn cảnh và tiến đến những chọn lựa cách khôn ngoan. Nhưng thật vô phúc nếu tách nó ra khỏi tình yêu thương! Chắc chắn sẽ đưa ta rơi vào trong hố sâu tiêu diệt của tính kiêu ngạo, cùng với những tai hại lớn lao cho người ấy và cho tha nhân.
Không cần phải bàn luận dong dài về thực tại của những lời này: hậu quả của một hiểu biết tách rời khỏi tình thương thật rõ ràng trước mắt mọi người. Những hiểu biết khoa học, làm phát triển y học và lợi ích cho nhân loại, nhưng có thể làm phát sinh ra những vũ khí sinh hóa học và nguyên tử…
Và điều này không xảy ra chỉ ở mức độ cao, không chạm đến đời sống hàng ngày của đại đa số dân chúng. Mỗi hiểu biết, cho dù rất bình dị với hết mọi người, nếu nằm trong lòng của tình thương thì sẽ mang lại phúc lợi, còn nếu được linh hoạt bằng tính ích kỷ sẽ mang đến hủy diệt. Hãy nghĩ đến sự hiểu biết do việc chung sống với người khác; nó giúp khám phá ra nơi người sống bên cạnh mình những điều vừa tích cực vừa tiêu cực: sự hiểu biết ấy được sử dụng để tạo ra một bầu khí thanh thản giúp ta lớn lên, phát triển hoặc có thể gây ra một tia lửa làm phát sinh đám cháy tiêu hủy mọi thứ tương quan.
Cái hiểu biết của tôi làm cho tôi phồng to lên hay xây dựng? Suy nghĩ điều này trong phút hồi tâm hôm nay. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là đấng thấu hiểu tâm hồn con người, nhưng sự hiểu biết của Chúa là sự hiểu biết sâu thẳm từ con tim. Do đó Chúa có thể đi vào mọi tình trạng tâm hồn con người, cho dẫu là tình trạng tội lỗi để khôi phục lại nhân phẩm xứng đáng con Thiên Chúa. Con muốn noi gương Chúa trong con đường của lòng thương xót và yêu thương. Xin cho con đừng bao giờ bỏ qua những giáo huấn của Chúa.
Thứ Sáu tuần XXIII Tn
Sống huynh đệ
Người ta nói nhiều về tình huynh đệ. Chúa Giêsu giúp ta sống thực sự với nhau cách huynh đệ. Không phải sống chung với nhau đã là sống huynh đệ đâu! Chúng ta có thể sống chung hai, ba, hoặc mười người với nhau, nhưng không phải vì thế mà chúng ta sẽ đi vào con đường đúng đâu; nếu nơi mỗi người không có ý ngay lành, nếu mỗi người không tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa cách thành tâm, chúng ta cũng chỉ là những kẻ mù sống chung với nhau. Và một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác: cả hai sẽ rơi xuống hố. Người dẫn đường của chúng ta là Chúa, chúng ta không được tìm kiếm ánh sáng nơi những quan điểm của loài người, nhưng trong Ngài và trong lời của Ngài, trong mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được liên kết trong danh của Ngài: Ngài ở giữa chúng ta.
Ngược lại thế, thì mọi cuộc sống huynh đệ sẽ trống rỗng, có khi chẳng còn tình huynh đệ nữa.
Đức Giêsu cảnh giác chúng ta về một nguy hiểm, đó là khuynh hướng chỉ trích kẻ khác mà không nhìn đến những khiếm khuyết của mình: ‘Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới’. Chúng ta thường có khuynh hướng chỉ trích kẻ khác, thấy những điều không tốt nơi kẻ khác, thấy những cái xấu của thế gian, luôn luôn là của kẻ khác. Hiếm khi chúng ta nhìn đến khiếm khuyết của mình, không nghĩ rằng những khiếm khuyết của ta cũng trở nên gánh nặng cho kẻ khác. Điều tiên quyết phải làm là nhìn chính mình với sự nhận định khiêm tốn. Chỉ như thế chúng ta mới giúp ích cho kẻ khác, vì họ hiểu rằng nơi chúng ta có một tấm lòng huynh đệ thực sự, tràn đầy tình yêu chân chính chứ không phải kiêu căng và thù oán.
Cầu xin Chúa biến đổi con tim mỗi người chúng ta nên giống như trái tim của Chúa, hiền lành và khiêm nhượng, đầy yêu thương.
+++
‘Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là đấng hay thương xót’. Lòng thương xót: là tình yêu từ con tim của Thiên Chúa đổ xuống cho nhân loại. Tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa, Thiên Chúa không thể giữ tình yêu cho riêng mình. Nên Người đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta. Thế gian không tin vào tình yêu. Nhưng chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi thế gian. Người ta có thể nung chảy kim loại cứng rắn nhất và bẻ gảy kim loại chắn chắn nhất. Lòng thương xót là đỉnh cao của tình yêu, là tình yêu tuyệt hảo. Thiên Chúa mời gọi ta yêu cho đến cùng, đến độ tình yêu trở thành lòng thương xót. Chỉ có lòng thương xót mới có thể làm cho ta không xét đoán và không lên án. Thế giới này đang cần những người kitô hữu có lòng thương xót, như Thiên Chúa là đấng xót thương. Chúng ta sẽ là chứng nhân của lòng thương xót, của sự tràn đầy tình yêu nơi Thiên Chúa, nơi con người? Vâng, nếu ta để cho ơn đức ái lớn lên trong ta, là tình yêu của Thiên Chúa trong lòng con người. Đức Kitô mời gọi ta kín múc tình yêu thương xót nơi trái tim Thiên Chúa. Là ân huệ Thiên Chúa không từ chối ban cho, nếu ta cầu xin Người.
+++
Tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người
Phaolô bị buộc phải đứng ra bảo vệ tính tông đồ của mình. Việc tông đồ của Ngài không phải là một bổn phận đảm nhận, nhưng là một lệnh truyền mà ngài phải đáp trả: vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng. Toàn thể con người và việc làm của Ngài đều điều hướng bởi lệnh truyền này.
Đây Ngài áp dụng vào hoàn cảnh tông đồ của Ngài nguyên tắc mà ngài vừa đề ra (x. 1 Cr 8,13). Được Đức Kitô cứu chuộc, Ngài vui mừng về tự do nhận được giải thoát ngài khỏi mọi lệ thuộc vào luật cũ. Ngài ý thức rằng sự tự do này cần phải được sống trong đức ái: luật duy nhất của người kitô hữu.
Tình yêu thúc bách ngài đến với các anh em để tất cả, hoặc thêm được nhiều người được Chúa Kitô cứu chuộc, biến Ngài thành người nô lệ phục vụ họ: trở nên do thái cho người do thái, yếu đuối cho những người yếu đuối. Không phải là giả hình, nhưng là điều chỉnh bước đi của mình theo người anh em, theo họ trong hoàn cảnh sống cụ thể, để trở thành người thân cận của họ, để giúp đỡ họ. Chính là điều mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc nhập thể của Ngài.
Ân huệ tự do không bao giờ cách lìa khỏi ân huệ đức ái: chúng ta được giải thoát (tự do) để yêu thương. Nhưng tình yêu chân thực nhằm phục vụ người khác, làm ta quỳ gối để rửa chân cho họ, như Đức Giêsu trong nhà tiệc ly. Là việc phục vụ tình yêu nhằm thăng tiến người khác, khám phá phẩm giá và sự cao cả của tha nhân.
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi xem xét bộ mặt của sự tự do kitô giáo và đối chiếu với lối sống của tôi, để buộc mình phải nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô. Lạy Chúa, xin ban cho con can đảm biến đời mình thành phục vụ cho tình yêu.
Thứ Bảy tuần XXIII Tn
Lễ suy tôn Thánh Giá
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Dấu chỉ, biểu tượng kitô này luôn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống người kitô hữu, cần được hiểu rõ.
Một ngày sống của người kitô hữu bắt đầu với kinh nguyện và dấu thánh giá trên người. Cần ý thức rằng ta đang vẽ trên mình không phải một dấu chỉ của đau khổ, của buồn sầu, của cực hình, nhưng là dấu chỉ của tình yêu.
Cả con người chúng ta, cả cuộc sống chúng ta được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đúng, thập giá là khí cụ khổ hình, tuy nhiên, Chúa Giêsu qua cung cách Ngài sống cuộc khổ nạn, dạy cho ta biết rằng thập giá có thể làm biến đổi: tất cả những gì là ghen ghét biến thành yêu thương, tất cả những gì là thù hận biến thành tha thứ. ‘Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’. Điểm thiết yếu của thập giá không phải là cường độ của đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, nhưng chính là cường độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không ngại trao ban Con Một mình cho nhân loại để họ được sự sống vĩnh cửu.
Giáo Hội hôm nay mời gọi ta nhìn lên thập giá, một cái nhìn vượt lên trên những dấu chỉ bên ngoài: sự ghê tởm của công cụ khổ nhục phải giúp ta, không phải để bị đè bẹp bởi sự tàn bạo, nhưng để khám phá và chiêm ngưỡng điều không thể dò thấu được: đó là sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, đấng đã chịu khổ vì mỗi người chúng ta. Vì việc nhập thể, vì việc hiến trao mạng sống, Đức Giêsu chứng minh cho ta thấy một Thiên Chúa gần kề chúng ta, một Thiên Chúa chỉ có một ước muốn duy nhất là sống trọn vẹn kiếp sống con người của chúng ta (ngoại trừ tội). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa tự cởi bỏ thiên tính của mình và đến giữa chúng ta như người tôi tớ.
Ý tưởng đó được nhấn mạnh và giải thích trong bài đọc thứ hai: ‘mặc lấy thân nô lệ’. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa từ trời cao xuống tận kiếp sống của ta, để gặp gỡ chúng ta. Ngài trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để nói với chúng ta: chẳng kể những khác biệt, chẳng muốn đặc ân, chẳng ham bạc vàng, chẳng muốn ở trên người khác…Đau khổ của con là của ta, cái chết của con cũng là cái chết của ta. Cần nhắc lại rằng điều cứu rỗi chúng ta không phải là số lượng những đau khổ hàm chứa nơi thập giá, nhưng chính là tình yêu, một tình yêu với cường độ và trương độ có thể xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.
‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống’. Lưu ý động từ ‘xuống’. Thông thường người ta muốn đi lên để gặp những nhân vật ở địa vị cao sang, được mọi người kính trọng. Thiên Chúa thì không như thế! Là một vị Thiên Chúa đi xuống. Để dạy ta rằng điều đáng kể không phải là sống trên những người khác và coi thường họ. Đối với Đức Giêsu, sống là chung chia thân phận, từ đó đặt cuộc sống mình ngang cùng cấp độ với kẻ khác; hơn thế: Đức Giêsu thích nhìn chúng ta từ dưới thấp lên cao. Một cái nhìn nhận biết phẩm giá những người nghèo, nhận ra bà góa nghèo với đồng xu duy nhất là cả cuộc sống của bà, nhận thấy ông Giakêu đang thiếu thốn tình bạn, nhận thấy những kẻ đau bệnh để chữa lành.
Lạy Chúa, chúng con tiếp tục hành trình của chúng con bằng việc chiêm ngắm thập giá của Chúa, mang lại cho chúng con niềm hy vọng, để tiếp tục loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa như Ngài. Như Ngài, lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn ra đi, xoa dịu các thương tích, bằng cách làm dấu chỉ hòa giải và yêu thương, vì chính dấu chỉ đó chứng thực chúng con là những môn đệ của Chúa. Thế giới sẽ trở lại, nhờ các kitô hữu mang thánh giá vào tận trong cuộc sống, chứ không phải đeo nơi cổ.
+++
Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Tại sao chúng ta thưa lạy Chúa, lạy Chúa, mà lại không làm theo những điều Ngài dạy? Đức Giêsu nói với ta rằng, trong Ngài với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Trong ta Thiên Chúa đã đặt một kho tàng. Kho tàng này là chính sự sống làm con.
Giống như cây tốt sinh quả tốt, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta sản sinh hoa quả tốt, vì Ngài biết rõ ta xuất phát từ cây nào, là ngành nho từ cây nho nào. Cây nho tốt ấy chính là Ngài. Sự sống của Ngài trong ta. Lời của Đức Giêsu không phải chỉ là những câu châm ngôn hoặc chỉ là những lời khuyến dụ suông: ta thực sự là con cái Thiên Chúa. Đời sống người kitô hữu của ta, để được xây dựng cách vững chắc, cần phải xây trên sự sống này, trên kho tàng đặt trong lòng ta ngày ta nhận bí tích thanh tẩy, kho tàng mà ta buộc phải làm cho sinh lợi. Đức Giêsu biết rằng ta có thể sinh ra những hoa quả tốt nếu ta sống sự sống của Ngài.
Ai đến với Thầy và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…Đến với Đức Giêsu nhờ kinh nguyện và các bí tích. Ta đến với Đức Giêsu để lắng nghe lời chân lý của Ngài và ta sẽ sinh hoa trái tốt.
+++
Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỉ được.
Phaolô xác quyết các tượng thần chỉ là hư vô và những hy lễ dâng cho chúng thực sự chỉ là dâng cho ma quỷ và như thế là nhằm hiệp thông với ma quỷ.
Thánh Phaolô diễn tả rất mạnh đến độ gây ra chống đối. Ai muốn hiệp thông với ma quỷ? Ta có thể nghĩ rằng thánh Phaolô nói thái quá, và điều đó không có liên quan gì đến ta ngày nay. Ta có chắc không? Nếu trung thực, ta có thể nhận rằng cám dỗ thờ ngẫu tượng vẫn còn thời sự trong bình diện xã hội cũng như cá nhân. Không có lúc nào nó vắng bóng đâu.
Tôi có thể ẩn giấu trong lòng mình một ngẫu tượng nho nhỏ mà tôi thường ‘nhang khói’ cho nó. Nó có thể là một tìm kiếm thái quá đến độ trở nên tâm điểm vũ trụ bé nhỏ của tôi, có thể là người mà tôi lý tưởng hóa, có thể là một của cải vật chất. Nguy cơ là tôi để cho nó chung sống hòa bình với đời sống kitô hữu của mình. Hàng ngày tôi đến tham dự bàn tiệc thánh thể rồi lại yên tâm tham dự bàn tiệc dành cho ngẫu thần của mình.
Thánh Thể, nếu tham dự cách nghiêm túc, là uống chén máu của Đức Kitô, là đi vào hiệp thông sâu xa với ý muốn cứu chuộc của Chúa, của tiếng ‘xin vâng’ của Chúa với Chúa Cha, là ăn mình Ngài bị bẻ ra cho tôi, cho tất cả, để tôi cũng trở nên tấm bánh bẻ ra cho người khác. Tất cả điều đó không thể sống cách hòa thuận với một việc sử dụng sai lạc về của cải tinh thần và vật chất, được ban cho tôi vì là cộng sự viên cùng với Đức Kitô để xây dựng Nước Trời.
Trong phút hồi tâm, tôi tìm cách phát hiện ngẫu tượng ẩn giấu trong tôi và quyết định loại bỏ nó cách dứt khoát.
+++
Cây tốt sinh quả tốt
Hình như có một sự mâu thuẫn giữa đoạn thư của Phaolô gởi cho Timôthêô và bài tin mừng hôm nay. Phaolô tự nhận mình là tội nhân và khẳng định rằng Đức Giêsu đến để cứu những tội nhân: ‘Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi’. Trong tin mừng, Chúa đòi hỏi chúng ta phải sống tốt, phải là những cây tốt sinh quả tốt, nếu chúng ta biết mang ra thực hành những lời Ngài dạy.
Tuy nhiên, suy tư một chút, chúng ta nhận thấy chẳng có sự tương phản nào. Chúa cứu độ chúng ta, cứu chúng ta là những người tội lỗi, đến độ làm cho chúng ta có thể thực thi điều thiện. Bí quyết không do sức lực của ta, lòng tốt của ta, nhưng do đức tin. Và Phaolô nói: ‘Vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người’. Điều kiện tiên quyết là tin vào Ngài. Những việc làm tốt của chúng ta sẽ không có một nền tảng nào khác; chúng ta chỉ có thể tốt bằng cách nương tựa vào Chúa với lòng tin sâu xa. Hãy lắng nghe lời Ngài! Như thế chúng ta sẽ sống tốt: ‘Ai đến với Thầy và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…thì giống như người xây nhà trên đá’. Sức mạnh của ta, ánh sáng của ta là lời của Ngài: Ngài lôi kéo chúng ta đến sự thiện, đến tình yêu chân chính.
Cả cuộc đời chúng ta phải là một lời kêu xin đầy tin tưởng lên Chúa: lạy Chúa, Chúa biết con không tốt, chỉ có Chúa là Đấng thiện hảo và những hành động của con chẳng có giá trị gì nếu không có Chúa. Các việc tốt của chúng con phát xuất từ nơi Chúa, đó là những việc làm tốt của Chúa, những tình cảm tốt của Chúa. Nên con cảm tạ Chúa, lạy Chúa, vì những gì tốt đẹp con đã lãnh nhận từ nơi Chúa. Sống như thế là sống hạnh phúc. Như thế những việc lành ta làm không nên cớ cho ta kiêu căng tự phụ, không ve vuốt lòng tự ái của ta, nhưng làm cho tình yêu và lòng biết ơn của ta sâu xa hơn.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Mẹ sầu Bi
Tin mừng hôm nay trình bày cho ta đoạn thuật lại Mẹ Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu, thánh Gioan, gặp nhau trên đồi Calvê dưới chân thánh giá. Mẹ Maria xuất hiện hai lần trong tin mừng Gioan: ngay lúc khởi đầu trong tiệc cưới Cana (Ga 2,1-5) và vào lúc cuối dưới chân thánh giá (Ga 19,25-27). Hai giai đoạn này chỉ gặp thấy nơi tin mừng Gioan, mang một ý nghĩa tượng trưng rất sâu xa. So sánh với ba tin mừng khác, Tin mừng Gioan, giống như máy chụp quang tuyến X, trong khi ba tin mừng kia chỉ là máy photocopy của những gì đã xảy ra. Quang tuyến X của niềm tin giúp khám phá trong các biến cố những chiều kích mà mắt thường không thể nhận ra được. Tin mừng Gioan, không chỉ mô tả sự kiện, còn cho thấy chiều kích biểu tượng trong các sự kiện ấy. Như thế, trong cả hai trường hợp, ở Cana cũng như dưới chân thập giá, Mẹ Chúa Giêsu đại diện cho Cựu Ước mong đợi Tân Ước, và chính Mẹ là người cộng tác vào việc làm cho Tân Ước đến. Mẹ Maria xuất hiện như mắc xích nối kết giữa cái đã xảy ra và cái sắp đến. Tại Cana (Cựu Ước) Mẹ hiểu thấu những giới hạn của Cựu Ước và đã có sáng kiến để cho Tân Ước được thực hiện. Mẹ nói với con Mẹ: ‘Họ hết rượu rồi’. (Ga 2,3). Và trên đồi Calvê:
19,25: bản sao chụp cho thấy Mẹ đang đứng dưới chân con Mẹ. Người phụ nữ dũng cảm, kiên cường Sabat Mater Dolorosa! Một sự hiện diện thinh lặng. Nhưng bản chụp quang tuyến X của niềm tin, thì chỉ cho ta thấy Tân Ước vượt qua Cựu Ước. Cũng như ở Cana, Mẹ Chúa Giêsu đại diện cho Cựu Ước, nhân loại mới hình thành từ việc sống tin mừng Nước Thiên Chúa. Cuối thế kỷ thứ nhất, một số kitô hữu nghĩ rằng Cựu Ước không cần thiết nữa. Quả thật, ngay đầu thế kỷ thứ hai, Marcion chối bỏ toàn bộ Cựu Ước. Do đó, nhiều người muốn biết xem ý muốn của Đức Giêsu như thế nào về vấn đề này.
19,26-28: Di chúc, ý muốn của Đức Giêsu. Những lời nói của Đức Giêsu thật ý nghĩa. Thấy Mẹ Ngài, và cạnh Mẹ Ngài có môn đệ yêu dấu, Đức Giêsu thưa: ‘Thưa bà, đây là con bà’. Rồi với môn đệ: ‘Đây là mẹ con’. Cựu Ước và Tân Uớc cũng đồng hành với nhau. Đức Giêsu gọi người môn đệ yêu dấu là con (Tân Ước) nhận Mẹ Maria (Cựu Ước) về nhà mình. Nơi nhà của người môn đệ yêu dấu, cộng đoàn kitô, người ta hiểu được ý nghĩa tròn đầy của Cựu Ước. Tân Ước sẽ không hiểu được nếu không có Cựu Ước. Cũng như thế đối với Cựu Ước. Thánh Augustinô nói: Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước. Cựu Ước nở ra trong Tân Ước. Tân Ước mà thiếu Cựu Ước chẳng khác nào tòa nhà không có nền móng. Và Cựu Ước thiếu Tân Ước như cây không sinh quả.
Đức Maria trong Tân Ước. Tân ước nói ít về Đức Maria, và chính Mẹ còn nói ít hơn nữa. Maria là Mẹ của sự thinh lặng. Kinh Thánh còn giữ 7 lời của Mẹ: Lc 1,34.38.46-55; Lc 2,48; Ga 2,3; Ga 2,5; Ga 19,25-27. Mỗi một lời như một cửa sổ mở vào căn nhà của Mẹ Maria và cho ta biết mối quan hệ của Mẹ với Thiên Chúa. Thánh Luca trao cho ta chìa khóa để hiểu được điều này: ‘Phúc cho những ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành’ (Lc 11,27-28 ).
Bài tường thuật thương khó của Đức Giêsu thấy có bạo lực và bội phản. Nhưng không chỉ có thế: nó còn là một bài ca tụng sự sống nữa. Từ trên thập giá, Đức Giêsu không tìm an ủi cho chính mình. Ngài quan tâm đến cộng đoàn nhỏ bé dưới chân thập giá: Mẹ Ngài và người môn đệ yêu dấu. Người môn đệ ấy là khuôn mặt của mỗi người chúng ta: và Đức Giêsu trao cho chúng ta Mẹ của Ngài. ‘Và từ lúc ấy, môn đệ rước bà về nhà mình’. Là chiến thắng đầu tiên của sự sống trên cái chết. là hoa quả đầu mùa của thập giá, của tình yêu mãnh liệt hơn sự chết. Khi mà hình như tất cả đều đổ vỡ, các thế lực thù địch hát mừng chiến thắng, thì từ tiếng nói của Đấng bị đánh bại phát sinh một tình bạn mới, một tình liên đới giữa người môn đệ và người Mẹ. Là dấu chỉ đầu tiên của sự sống lại, hoa quả đầu mùa của cái chết của Đức Giêsu.
+++
Thánh Cornêliô và Cyprianô
Cornêliô (251-253), giáo hoàng và mục tử nhân hậu, hoạt động cho việc hòa giải của các kitô hữu vì yếu lòng tin đã nhượng bộ trong các cuộc bách hại. Bảo vệ tính hiệp nhất của Giáo Hội chống lại các ly khai mới, được Ciprianô giúp đỡ. Bị hoàng đế Gallo lưu đày, chết tại Civitavecchia (Roma), an táng trong nghĩa trang Callistô.
Cyprianô, sinh 210 tại Carthage, Tunisie. Chết ngày 14.09 năm 258. Là dân ngoại trở lại kitô giáo năm 245. Được tấn phong Giám Mục năm 249. Đóng góp nhiều cho giáo lý về tính hiệp nhất của Giáo Hội quy tụ quanh Thánh Thể, dưới sự hướng dẫn của Giám Mục. Chết tử đạo trong cuộc bách hại của Valêrianô.