Lược sử Giáo Xứ Mỹ Thanh
Thứ bảy - 28/08/2021 22:50
3233
GIÁO XỨ MỸ THANH
Giáo xứ Mỹ Thanh.
Địa chỉ: Mỹ Thanh, Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa.
Số điện thoại: 058 3865209.
Ngày thành lập: 02/9/1991.
Thánh bổn mạng: Thánh Giuse. Kính ngày 19/3.
Số giáo dân: 971 người.
Giờ lễ: Chúa nhật: 6g00 và 16g00.
Ngày trong tuần: 5g00: Thứ Ba, Sáu, Bảy
18g00: Thứ Hai, Tư, Năm
I/ VỊ TRÍ ĐẠI LÝ:
Giáo xứ Mỹ Thanh nằm dọc theo Quốc lộ 1A, từ cầu Trại Cá ở phía Bắc cho đến cầu Suối Đá ở phía Nam. Phía Đông giáp vịnh Cam Ranh, phía Tây giáp Xã Phước Thành (Huyện Bác Ái, Tỉnh Ninh Thuận) và Xã Phước Chiến (Huyện Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận). Địa bàn của Giáo xứ nằm ở ranh giới của 2 Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, trong lãnh thổ của Thị xã Cam Ranh và Huyện Thuận Bắc, thuộc phạm vi hành chánh của 5 Xã: Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Lập, Công Hải và Lợi Hải.
II/ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
A/ HÌNH THÀNH
Do địa bàn của Giáo xứ khá dài và rộng, nên được chia ra làm 7 Giáo họ: Trại Cá, Suối Đá, Du Long, Nước Ngọt, Mỹ Thanh I, Mỹ Thanh II và Thịnh Sơn. Lịch sử của Giáo xứ gắn liền với sự hình thành của các Giáo họ này:
1/ Họ Trại Cá
Theo lời kể của những giáo dân lớn tuổi nhất, thì cha ông họ đến đây lập nghiệp vào những năm đầu của thế kỷ XX. Theo lưu truyền, ông Marc (người Pháp) đã mộ dân ở Bình Định và Phú Yên vào để làm ruộng muối. Một ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái ngói, trên nền xi măng (18m x 8m) đã được dựng lên để giáo dân có nơi thờ phượng. Hàng tháng, có một Cha ở Hộ Diêm đến nhà thờ Trại Cá dâng lễ một lần và Thầy Bernard Lê Thanh Tùng (Dòng Thánh Giuse) dạy giáo lý. Năm 1937 ruộng muối bị dẹp bỏ, một số người đã đi nơi khác làm ăn. Số giáo dân tăng trưởng chậm chạp, biến động trong khoảng từ 50 người đến 70 người, cho nên vào năm 1949, vì nhà thờ Ba Ngòi bằng tranh bị sụp đổ, Cố Báu (Gauthier) chấp thuận cho dỡ nhà thờ Trại Cá để đưa ra Ba Ngòi xây dựng lại. Từ đó, giáo dân ở Trại Cá phải ra Ba Ngòi tham dự Thánh lễ.
Ngày 01/6/1963, Cố Phước (Donatien Béliard) về nhận nhiệm sở tại vùng truyền giáo Bà Râu. Ngài đã đến Trại Cá dâng lễ theo chu kỳ: 3 tuần một lần, trước tiên tại nhà ông Phaolô Trần Tương, sau đó là nhà ông Anrê Huỳnh Lành. Khi ngài qua đời (22/4/1974), việc dâng Thánh lễ tại đây tạm chấm dứt cho đến khi Cha Phaolô Nguyễn Định, thuộc Dòng Thánh Giuse nhận nhiệm vụ ngày 23/10/1976. Nền xi măng nhà thờ Trại Cá hiện nay do Trạm Y Tế Xã Cam Thịnh Đông sử dụng. Bổn mạng của Giáo họ Trại Cá là Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ (29/6).
Hiện nay Giáo họ Trại Cá có 37 gia đình gồm 110 giáo dân.
2/ Họ Suôi Đá
Năm 1962 có một số giáo dân ở Hộ Diêm ra lập nghiệp ở Suối Đá và đi tham dự Thánh lễ tại Bà Râu, hoặc Du Long, hoặc Mỹ Thanh. Giáo họ Suối Đá được thành lập vào ngày 01/5/1987 do Cha Phaolô Nguyễn Định và chọn thánh Giuse thợ (01/5) làm bổn mạng,
Hiện nay Giáo họ Suối Đá có 31 gia đình gồm 100 giáo dân.
3/ Họ Du Long
Năm 1918, sau khi Cố Kim (Julien Auguste Geoffroy) qua đời, Thầy giảng Gioan Baotixita Phan Đức Nghị đã đến Suối Giang khai phá đất đai để lập nghiệp.
Năm 1959, Quận Du Long được thành lập, một số công nhân viên chức và binh lính, trong đó có giáo dân về sinh sống tại đây. Cố Phước khi nhận nhiệm sở Bà Râu, đã bắt đầu dâng Thánh lễ ở Giáo họ Du Long: 3 tuần một lần, lần lượt tại các tư gia sau đây: ông Vinh Sơn Lê Văn Tiên, ông Gioan Baotixita Lê Trung Tâm, ông Đa Minh Phạm Đình Chung.
Năm 1972, Cố Phước xây một nhà nguyện mới, kích thước (13m x8m). Giáo họ được chính thức thành lập và chọn thánh Phanxicô Xaviê (3/12) làm bổn mạng, để nhớ công ơn Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha Trang lúc bấy giờ. Vào năm 1977, nhà nguyện này không được phép sử dụng và đã bị sụp đổ do cơn bão năm 1993. Nền nhà thờ ở kế bên Trường Trung học cơ sở Hùng Vương hiện nay.
Hiện nay Giáo họ Du Long có 30 gia đình gồm 103 giáo dân.
4/ Họ Nước Ngọt
Vào khoảng năm 1974, ông Giuse Nguyễn Văn Chi và ông Phêrô Trần Huấn đã đến vùng đất này để lập nghiệp. Theo chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhà nước đã đưa gia đình ông Phêrô Trương Văn Mành từ Giáo xứ Ba Ngòi đến Xã Cam Lập vào năm 1976. Đến năn 1983, gia đình ông Phêrô Nguyễn Văn Chức từ Giáo xứ Song Mỹ thuộc Tỉnh Ninh Thuận cùng đến đây sinh sống. Đây là những gia đình Công giáo đầu tiên của Thôn Nước Ngọt. Vì đường sá xa xôi và nhiều khó khăn trở ngại, nên từ năm 1984, Cha Định thỉnh thoảng đến nhà ông Chúc để dâng Thánh lễ và ban các Bì tích cho các gia đình này. Ngày 15/8/1995, Cha Định đã lập Giáo họ Nước Ngọt và chọn ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời (15/8) làm lễ bổn mạng.
Hiện nay Giáo họ Nước Ngọt có 28 gia đình gồm 102 giáo dân.
5/ Họ Mỹ Thanh
Vào đầu thập niên 1960, tại Mỹ Thanh có 6 gia đình Công giáo. Bắt đầu nhận nhiệm sở Bà Râu (01/6/1963), Cố Phước đã cho Thầy giảng Đamianô Nguyễn Đức Cư (thầy Yên) dạy giáo lý cho tân tòng tại đây. Cũng theo chu kỳ 3 tuần một lần, ngài đã dâng Thánh lễ tại hai tư gia: ông Đa Minh Nguyễn Lân và Đamianô Đào Bèo. Cùng giúp việc với Cha có anh Gioan Baotixita Kator Nhu.
Sau khi Cố Phước qua đời, Cha Anrê Nguyễn Lộc Huệ, quản xứ Gò Đền trông coi Giáo họ này cùng với Trại Cá và Du Long.
Năm 1975, Dòng Thánh Giuse cử Thầy Phaolô Nguyễn Định, Thầy Phanxicô Nguyễn Thanh Long, anh Gioan Baotixita Nguyễn Tường Vy và vài anh nữa đến ở tại Thôn Hiệp Thành, Du Long để canh tác 5 mẫu ruộng của Dòng Xitô Mỹ Ca. Vì không được chính quyền địa phương chấp thuận cho cư trú, Dòng đã mua đất và nhà của ông Nguyễn Hương tại Thôn Mỹ Thanh để lập cộng đoàn và tiếp tục làm ruộng.
Ngày 26/5/1976, Thầy Định được thụ phong Linh mục. Ngày 23/10/1076, Cha Huệ bàn giao cho Cha Định trách nhiệm trông coi Giáo họ Mỹ Thanh và Trại Cá. Lúc này Giáo dân có khoảng 160 người. Đây là thời điểm hình thành giáo điểm Mỹ Thanh. Do tình hình khó khăn của đất nước, nhà của cộng đoàn Dòng thô sơ và chật hẹp, nên giáo dân phải đi tham dự Thánh lễ tại Ba Ngòi. Cha Định chỉ làm mục vụ cách âm thầm. Ngày bổn mạng của Giáo họ là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).
Hiện nay Giáo họ Mỹ Thanh chia làm 2 Giáo họ:
- Mỹ Thanh I có 33 gia đình gồm 111 giáo dân.
- Mỹ Thanh II có 37 gia đình gồm 124 giáo dân.
6/ Họ Thịnh Sơn
Ngày 01/10/2005, Giáo xứ Ba Ngòi bàn giao 150 giáo dân người Raglai ở Thôn Thịnh Sơn cho Giáo xứ Mỹ Thanh. Lúc đầu số giáo dân này nhập vào Giáo họ Trại Cá. Hiện nay giáo dân người Raglai ở Thịnh Sơn tăng lên 321 người, đủ đông để lập thành một Giáo họ gọi là Giáo họ Thịnh Sơn.
Hiện nay Giáo họ Thịnh Sơn có 67 gia đình gồm 321 giáo dân người Raglai
B/ PHÁT TRIỂN:
Ngày 30/4/1991, cộng đoàn Dòng Thánh Giuse xây dựng một ngôi nhà kích thước (13m x 6m) gồm hai tầng, tầng dưới dùng để sinh hoạt, tầng trên làm nhà nguyện. Công trình hoàn tất vào ngày 02/9/1991. Giáo dân làm đơn xin chính quyền cho phép đến nhà nguyện này tham dự Thánh lễ. Giáo dân của 5 Giáo họ được 330 người. Ngày 20/02/1994, khởi công xây dựng hệ thống lọc nước và cấp nước sạch cho bà con ở Thôn Mỹ Thanh. Ngày 19/12/1995, Cha Định bị ngã đang khi tham dự Chầu Thánh Thể trong dịp tĩnh tâm tháng tại Xuân Ninh, nên ngài phải về Dòng điều trị và nghỉ hưu. Cha Simon Nguyễn Xuân Nghi từ Nha Trang vào dâng Thánh lễ Chúa nhật hàng tuần. Ngày 23/3/1996, Thầy Inhaxiô Hồ Kim Thanh được cử về trông coi Giáo xứ và lập ca đoàn Thánh Linh, giáo lý viên và tổ chức các lớp học giáo lý.
Ngày 01/01/1998, Hội Ái Hữu của Cha Nguyễn Tường Vy giúp Giáo xứ mua đất để xây dựng nhà thờ mới. Ngày 29/9/1998, Thầy Thanh chịu chức Linh mục. Ngày 23/6/2004, khởi công sửa chữa các phòng học giáo lý và nới rộng thêm nhà nguyện, để dành cho ca đoàn. Ngày 01/10/2004, mua lô đất của bà Đặng Thị Ái để chuẩn bị xây nhà thờ mới. Ngày 05/01/2005, theo đề nghị của Dòng Thánh Giuse, Đức Cha bổ nhiệm Cha Daniel Đinh Viết Cư trông coi Giáo xứ thay thế Cha Thanh đi du học. Ngày 01/10/2005, Giáo xứ Ba Ngòi bàn giao 150 giáo dân người Raglai ở Thôn Thịnh Sơn, Xã Cam Thịnh Tây, nâng số tín hữu của Giáo xứ lên 658 người. Hiện nay Giáo xứ Mỹ Thanh có 971 giáo dân.
III/ CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH:
A/ GIÁO HỌ TRẠI CÁ:
1/ Cố Julien Auguste Geoffroy Kim (1918).
2/Cha Antôn Linh (1918 – 1919).
3/ Cố Pierre Auguste Gallioz Thiết (1919 – 1928).
4/ Cha Tôma Nguyễn Văn Tới (1928 – 1933).
5/ Cha Phêrô Dương Tấn Qúa (1933 – 1934).
6/ Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long (1934 – 1935).
7/ Cha Anrê Phan Ngọc Lễ (1935 – 1941).
8/ Cha Tôma Trần Ngọc Hườn (1941 – 1942).
9/ Cố Marcel Piquet Lợi (1942 – 1943).
10/ Cha Anrê Phan Ngọc Lễ (1943 – 1944).
11/ Cố Pierre Alexandre Trí ( 1944 – 1948).
B/ GIÁO XỨ MỸ THANH:
1/ Cố Donatien Béliard (1963 – 1974).
2/ Cha Anrê Nguyễn Lộc Huệ (1974 – 1976).
3/ Cha Phaolô Nguyễn Định (1976 – 1995).
4/ Cha Simon Nguyễn Xuân Nghi (1995 – 1998).
5/ Cha Inhxiô Hồ Kim Thanh ( 1998 – 2005).
6/ Cha Daniel Đinh Viết Cư từ 2005 đến nay.
7/ Cha Antôn Hà Huy Mai (Phó xứ) 2015
IV/ CÁC ĐOÀN THỂ TRONG GIÁO XỨ:
Ban Hành Giáo: 15. Gia trưởng: 52. Các Bà mẹ Công giáo: 51. Ca đoàn: 12.
Giáo lý viên: 17. Giới trẻ: 10. Lễ sinh: 7.
V/ HOA QUẢ ƠN GỌI TRONG GIÁO XỨ:
Dự tu: 01.
VI/ NHỮNG SINH HOẠT GIÁO XỨ:
1/ Các lớp giáo lý theo chương trình giáo lý phổ thông của Giáo phận. Gồm có 14 lớp. Từ Sơ Cấp 1 đến Vào Đời 2.
2/ Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân được dạy theo yêu cầu của học viên
3/ Các hoạt động từ thiện: Hỗ trợ cho học sinh nghèo. Giúp vốn để tão sinh kế cho các gia đình nghèo. Tích cực tham gia các chương trình xã hội từ thiện tại địa phương.
VII/ NHỮNG CƠ SỞ TRONG GIÁO XỨ:
VIII/ HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
- Xây dựng nhà thờ mới tại địa điểm mới, để giải quyết nạn quá tải hiện nay.
- Tìm nguồn vốn để tạo công việc làm cho người Raglai ở Thịnh Sơn.