Lịch sử Giáo xứ Hộ Diêm
Chủ nhật - 27/03/2022 07:08
2402
GIÁO XỨ HỘ DIÊM
Địa chỉ: thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận
Điện thoại: 259.3871502
Thành lập: 1990
Bổn mạng: lễ Mình Máu Thánh Chúa
Giáo dân: 6.157
Linh mục quản xứ: Gioan Baotixita Nguyễn Kim Đệ
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Tên gọi Hộ Diêm là cách đọc “trại” của từ Hổ Diêm (Hổ: cọp, vùng đất có nhiều cọp beo; Diêm: muối, đất phèn chua).
Vào những năm cuối thế kỷ 19, một số hộ dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã di dân đến đây định cư lập nghiệp. Trong số những hộ dân đến cư trú ban đầu, ông bà Nguyễn Văn Thê (ông bà Tổng) là người đã có công khai phá bước đầu để hình thành nên làng Hộ Diêm ngày nay, ông bà đã nhường lại một mảnh đất để xây dựng nhà thờ và các công trình khác.
Năm 1900 được đánh dấu là năm thành lập giáo xứ Hộ Diêm với công lao của Cố Geoffroy Kim. Đầu năm 1899, Cố Kim đến Phan Rang phụ giúp Cố Villaume Đề (chánh xứ Dinh Thủy-Tấn Tài) trong công việc mục vụ giáo xứ. Sau khi Cố Đề qua đời (1900), Cố Kim tiếp tục đảm trách công việc đào Mương Cái dài 24km, đưa nước từ đập Nha Trinh về các cánh đồng Hộ Diêm, Gò Đền, Phương Cựu… biến thành cánh đồng gần 1.000 ha nên màu mỡ rộng và đắp con đê từ chân núi Cà Đú đến xóm Gò Thao.
Ban đầu, Cố Kim cư ngụ tại Gò Cát gần Mương Ngang, trong một túp lều tranh vừa là nhà ở vừa là nhà nguyện. Năm 1913, ngài xây lẫm lúa Nhà chung bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương và ngài dành một gian nhỏ để ở và lắp đặt một dàn chuông 12 cái. Ngài qua đời ngày 04.11.1918 khi tuổi đời chưa đến 50.
Từ 1919 - 1928, Cố Gallioz Thiết cai quản Hộ Diêm. Thời gian này, Cố Thiết tiếp tục xây dựng và phát triển họ đạo cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất. Ngài đã cho xây mới ngôi nhà xứ có lầu và khởi công xây dựng ngôi thánh đường, đồng thời đặt đúc 3 quả chuông mà hiện nay đang sử dụng. Cố Piquet Lợi (1928 - 1943) được bổ nhiệm về Hộ Diêm tiếp nối công việc xây ngôi thánh đường đang dở dang. Nhờ ơn Chúa, qua 3 năm xây dựng với nhiều gian khổ, ngôi thánh đường đã được hoàn thành và được Đức cha Augustino Tardieu Phú làm lễ khánh thành vào ngày 22.04.1931. Đây là ngôi thánh đường được kiến trúc theo lối Gôtích và là di sản quý báu của miền Ninh Thuận.
Từ năm 1944 - 1948, Cố Alexandre Trí làm quản xứ với nhiều khó khăn và thử thách. Từ năm 1948 - 1975, Cố Gauthier Báu làm quản xứ. Cố Báu khai mở dân trí cho thanh thiếu niên qua việc xây dựng các cơ sở trường học khang trang, kêu gọi sự trợ giúp dạy học của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, các thầy Dòng Thánh Giuse. Ngài cũng đã tu sửa nhà thờ, tái tạo nhà nguyện Gò Sạn (năm 1955), xây dựng nhà xứ Hòn Thiên (năm 1968) và nhà thờ Thủy Lợi (năm 1974).
Sau biến cố năm 1975, Cha Giuse Lê Khắc Tâm về làm quản xứ, nhưng chỉ được 3 năm thì ngài lâm trọng bệnh và qua đời. Sau đó, Cha Gioan Baotixita Phạm Hồng Thái (quản xứ Thanh Điền) làm quản nhiệm từ năm 1978 - 1989. Vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1989, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Nhị lãnh nhận trọng trách quản xứ. Trong thời gian 9 năm coi sóc giáo xứ, ngài đã làm cho giáo xứ có nhiều đổi mới trong sinh hoạt. Đến năm 1999, Cha Phanxicô Assisi Nguyễn Tôn Sùng về làm quản xứ nơi chính quê nhà. Ngài xây dựng một số công trình phụng tự như: đài Thánh tâm, lễ đài Thánh Giuse và 14 phòng học giáo lý khang trang. Năm 2008, Cha Inhaxiô Trần Ngà thay thế cho Cha Nguyễn Tôn Sùng (nghỉ hưu). Tuy thời gian quản xứ chỉ 3 năm nhưng ngài đã chỉnh đốn các hoạt hoạt động đi vào nề nếp, tu sửa nhà thờ, xây dựng nhà đa năng, nhà văn hóa giáo xứ.
Năm 2011, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Kim Đệ được bổ nhiệm làm quản xứ. Tháng 10.2013, cha đã cho đại tu ngôi nhà thờ giáo xứ trong tinh thần bảo tồn nét đẹp cổ xưa. Từ năm 2014 - 2016, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Thẩm về làm phó xứ. Sau khi Cha Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Thẩm thuyên chuyển đến giáo xứ Bà Râu thì ngày 16.01.2016, Cha Gioakim Nguyễn Tô Xuân Vinh chuyển về làm phó xứ đến tháng 10.2016.
ƠN GỌI
Giáo xứ có quý cha: Phêrô Maria Mai Văn Hùng (OP), Gioan Baotixita Lê Văn Nhì (SVD), Phanxicô Assisi Nguyễn Tôn Sùng, Giuse Trần Văn Láng, Phanxicô Xaviê Nguyễn Nhị, Phêrô Nguyễn Đình Phiên, Giuse Nguyễn Đức Long, Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức, Giuse Nguyễn Đình Nhiệm, Giuse Phạm Kim Quốc, Antôn Nguyễn Thanh Lâm, Giuse Nguyễn Đức Nhu, Gioakim Nguyễn Ngọc Phúc Thịnh (SVD); 35 tu sĩ nam nữ và 45 em dự tu nam nữ.
ĐOÀN THỂ
Giáo xứ có các hội đoàn: Hội đồng Giáo xứ (29 thành viên), Hội Thánh thể (70 thành viên), Các Bà mẹ Công giáo (198 thành viên), Legio Mariae (84 thành viên, 6 praesidia), Gia đình Phạt tạ Thánh tâm (75 thành viên), Gia đình Khôi Bình (30 thành viên), Ca đoàn Cêcilia (34 ca viên), Ca đoàn Thánh Gia (33 ca viên), Ca đoàn Têrêsa (52 ca viên), Ca đoàn Thiên Thần (50 ca viên), Ban Giáo lý (24 giáo lý viên) và hai Ban Âm công Thủ liệt (lo an táng).