Lược sử Giáo Xứ Cây Vông
Thứ bảy - 28/08/2021 10:09
2353
Giáo xứ Cây Vông
Địa chỉ: Thôn Tây 2-Diên Sơn-Diên Khánh-Khánh Hòa
Số điện thoại: (058) 3774116
Ngày thành lập: 11/6/1730
Thánh bổn mạng: Thánh Giuse thợ / kính ngày: 01-05
Số giáo dân: 3.902. Gia đình: 1010
Giờ lễ: Chúa nhật
+ Lễ thứ 7: 18h
+ Lễ CN 1: 5h
+ Lễ CN 2: 7h
Ngày trong tuần: 18h hàng ngày từ thứ 2-6, thứ 7 lễ sáng: 5h
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Cây Vông theo hành chính gồm xã Diên Sơn và thị trấn Diên Khánh.
Đông: giáp xã Diên Điền. Tây: giáp xã Diên Lâm. Nam: giáp thị trấn Diên Khánh. Bắc: giáp núi Am Chúa (huyện Ninh Hòa)
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo cuốn lịch sử truyền giáo Nam bộ (Histore de la Mission de Cochinchine, 1658-1823) của Linh mục Adrien Launay thuộc các dòng thừa sai Bale (MEP) thì vào ngày 11.06.1730 Linh mục Gouge, trong thư viết cho Linh mục M.X (một Lm bạn) Ngài nói ngay từ tháng 3.1730 nhân ngày lễ Chúa Giêsu Thăng thiêng và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài đã tới thăm hai giáo xứ Hà Dừa và Nhà Gai và Ngài đã ở lại đó 3-4 ngày. (nhà Gai hay Lò Gai là tên địa điểm cũ của Cây vông cách thánh đường hiện tại chừng vài ba cây số về hướng tây).
Trong cuốn nhật ký của Linh mục Flopy, thừa sai người Pháp, Ngài viết: "Ngày 16.4.1731 Linh mục cho nhà phước 12 quan tiền để cứ mỗi tháng giao cho họ là 1 quan và khu vườn nơi có nhà thờ nhà Gai, do Ðức Cố Giám Mục Tilopolis đã mua. Còn tiền mua nhà thì giáo dân trả một nửa. Linh mục Gouge đã cho họ 20.000 đ. Và Linh mục Flopy cho 5.000đ.
Vào những ngày 21-24.9.1740, các Linh mục thừa sai trở lại thăm ba giáo xứ Hà Dừa, Nhà Gai và Vũ Cang (Bình Cang) ngày 23.9.thăm nhà Gai. Về nhà thờ Nhà Gai sách có ghi: nhà thờ Nhà Gai đã được xây dựng do lệnh và công lao của Cha Gouge. Nhà thờ nhà Gai được dâng hiến cho Thánh Phêrô tông đồ. Lúc bấy giờ đã có 6 thầy giảng, có kinh nghiệm làm việc rất tốt.
Ngày 10.8.1747 Linh mục Bennetat viết thư cho Linh mục G.B Maigre. Trong thư ngài kể lại việc Ngài trở lại Nha Trang và đi ban bí tích cho các xứ trong mùa chay năm 1747. Ngài viết "tuy tôi mới trở về Nha Trang, thì ngay ngày hôm sau, tôi lên thăm nhà thờ Nhà Gai. Nhà thờ này cách xa chỗ tôi ở (Nha Trang) chừng non nữa ngày đàng. Ở đấy giáo dân đang chờ tôi để hoà giải cho một vài gia đình. Tôi giải quyết xong các việc tranh chấp của họ và làm cho mọi người nhất trí với nhau, tuy mới đầu họ làm cho tôi thấy khó mà làm cho họ vừa lòng. Trong vòng 6 ngày, tôi ban bí tích cho giáo dân xứ này: có cả thay 130 người xưng tội, 110 người chịu lễ,12 người rửa tội, trong số đó có 2 người lớn. Tôi cũng chứng hôn cho 3 đôi vợ chồng và ban bí tích Xức Dầu cho 3,4 bệnh nhân và vài ngày sau họ qua đời,. Phần lớn giáo dân trong xứ này càng ngày họ càng thêm lòng đạo đức sốt sắng.
Lịch sử cận đại:
Trên đây là vài dòng lịch sử cách đây gần 300 năm, cho thấy giáo xứ Cây Vông là một trong các giáo xứ kỳ cựu nhất của vùng Nha Trang, được hình thành cùng một thời gian với Hà Dừa, Bình Cang. mà thánh đường và khu vườn của Nhà Gai là do Cố Giám Mục Tilopolis và các Linh mục thừa sai người Pháp cùng với sự đóng góp của giáo dân đã mua từ những năm 1730. Nhà Gai, Hà Gai, Nà Gai hay Lò Gai nằm trên khu đất tục danh xứ Tiên Hương, thuộc thôn Phú cốt trên bờ tả ngạn sông cái, xây mặt vào núi Hòn Ngang. Di tích nền thánh đường, nghĩa địa hiện nay vẫn còn và gần đó mấy sào đất thổ là tài sản của giáo xứ.Lúc bấy giờ chưa có cha sở.
Năm Tự Ðức ngũ niên 1851, sắc chỉ triều đình cấm đạo, giáo dân chạy tản mác. Nhà thờ bị đốt phá bình địa. Thời gian sau, tình hình lắng dịu, giáo dân tề tựu về xây cất lại thánh đường ở thôn Ðại Ðiền Tây, trên vùng đất của Ông Nguyễn Nay, bấy giờ do Cha Lão làm cha sở tiên khởi.
Năm Văn Thân nổi lên chống Pháp, Ðồng thời bách hại Công giáo, trong khi cố Minh Ganier lãnh đạo giáo dân Hà Dừa di tản vào Sài Gòn thì giáo dân Cây Vông một số lánh nạn ngoài Hòn Khói (Ninh Hoà) Tu Bông (Vạn Giã) hoặc đón tàu đi Quinhơn, một số còn lại theo Cha Lão lẫn trốn trên núi Hòn Ngang hay chạy trốn trong nhà người lương ở thôn Ðại Ðiền Nam ngày đêm núp trong mái (loại lu lớn) dùng chứa đường, bỏ trống. Thánh đường lại bị đốt phá. Việc tiếp tế cho cha Lão và các chức việc trên núi thật gây go, nguy hiểm. Lúc đầu giáo dân còn đưa cơm trong ống tre, sau hết gạo, phải lấy trấu rang nghiền nát bỏ vào ống tre đưa lên cho Ngài nấu cháo ăn với lá cây và thịt rừng. Chúa quan phòng sắp đặt, trong thời gian lẫn trốn trên núi. Cha và các chức việc được ăn thịt hươu nai do cọp beo bắt an bỏ dở.Khi tạm yên, cha con tề tựu nhau về chung nhau xây cất thánh đường mới trên khu đất hiện nay. Cha Lão đã qua đời và được an táng trong thánh đường. Cũng từ đó, Cây Vông không còn cha sở nữa, giáo dân phải đi dự lễ khi ở Bình Cang, khi ở Hà Dừa, (đời Cố Ngoan và cố Bình) hoạ hoằn mới có một Cha về dâng Thánh lễ chúa Nhật một lần. Mãi đến năm 1910, cố Quới được thuyên chuyển về hà Dừa, luân phiên một tuần ở Hà Dừa, một tuần ở Cây Vông, giáo dân mới được thường xuyên dự lễ. Cố Quới coi sóc Hà Dừa, kiêm cả Cây vông và Ðại Ðiền. Ngài qua đời năm 1924
Trận cuồng phong năm nhâm tý 1912 tàn phá khốc liệt Khánh Hoà, đã làm sập đỗ ngôi thánh đường. Ðến năm 1913, cố Quới cho xây cất lại đồ sộ hơn, cột kèo, bàn thờ được chạm trổ tinh vi, tồn tại đến ngày nay.
Bão năm nhâm tuất 1922 làm hư tiền đưòng và mãi đến 1939, Cha Stêphanô Phan văn Bính, với sụ cộng tác đắc lực của chức việc và giáo dân, nhất là ông câu nhì Nguyễn Ðiểu (vẽ kiểu và đôn đốc) đã trùng tu lại tiền đường, có tháp chuông kiên cố, song phải đợi đến năm 1952, tháp chuông mới có chuông, do ông Antôn Nguyễn Lâu (đệ tử cố Quới) dâng cúng.
Năm 1938, Cố Quý (P.Tourte) đến làm cha sở trong vòng 6 tháng. Chính Ngài tự tay cưa đục, sửa chữa lại bàn thờ gọn gàng hơn.
Năm 1941 Linh mục Antôn Nguyễn Chẩm được bổ nhiệm đến coi sóc giáo xứ và cũng từ
đó Cây vông liên tục có Linh mục coi xứ Cây vông từ 1941-1996:
Như vừa nói: từ 1941 Cây Vông liên tục có Cha Xứ, nhưng Cây vông lại phải trải qua một thời kỳ điêu đứng nữa. Cha già Antôn đã có công mở mang giáo xứ và để lại trong lòng mọi người một kỷ niệm xương máu và nước mắt.
Năm 1945, Ngài bị vu cáo là Việt Gian và bị tống giam cùng với ông câu nhứt Hồ Khải, ông biện Nguyễn Dược (thân phụ của Linh mục Phêrô Nguyễn quang Sách) ông biện trần Lục và ông hội đồng sự (người Nha Trang tản cư) Khi Ngài còn trong vòng lao lý thì một hôm trời mưa tầm tả, bổn đạo kéo nhau đi xem xử tử việt gian tại bãi Hàn Sao (bãi cát xã Diên Thuỷ) cứ nghĩ rằng vị chủ chăn của mình phải bị rơi đầu, nhưng mọi người đã thở phào nhẹ nhõm khi không thấy có Cha sở mình trong số 7 tử tội bị trói vào cột tre. Sau đó Ngài được thả tự do và bí mật theo dõi. Vào đầu năm 1946, một hôm vào khoảng nửa đêm, có tiếng đập cửa nhà xứ gọi cha đi kẻ liệt, gọi mãi không được nhóm người khủng bố nổ súng, đại xuyên qua cửa chính vào nhà may không có ai bị thương. Riêng cha già đêm ấy lánh mặt, nghĩ đêm ở phòng mặt áo sau bàn thờ. Gian nan khốn khó chưa phải đã qua. Khoảng tháng 3.1946 nhà xứ bị bao vây, tấn công cha Già bị thương suýt chết. Sau khi được cứu thoát, Cha được đưa đi chữa bệnh.. giáo dân hoảng sợ, kéo nhau sang tá túc bên Hà Dừa và Thành. Một số tìm kế sinh nhai nơi khác. Số còn lại tiếp tục cuộc sống trong lo âu hồi hộp, ngày bươn chải làm ăn. Tối đi ngủ đồn. Cuộc tản cư đánh dấu sự tan tác của xứ đạo. Sau khi điều trị 3 tháng tại bệnh viện các bà Vinh Sơn, cha Chẩm về lại giáo xứ với thân xác mặt mũi đầy những vết tích dọc ngang. Sau này khi nhổ tóc ngứa cho Ngài các em nhỏ thỉnh thoảng còn nhổ được những mãnh lựu đạn nhỏ trồi lên trên da đầu Ngài.
Khoảng năm 1948 Linh mục Nguyễn Khắc Cần được bổ nhiệm phụ tá cho Ngài và sau đó thay thế Ngài, để Ngài coi sóc giáo xứ Ðại Ðiền nhỏ hơn. Với sức trẻ trung cha đã hoạt động mạnh, nhiều đoàn thể, công giáo tiến hành được tổ chức, trường học được xây cất, nhà thờ nới rộng và có ánh sáng đèn điện. Một phòng phát thuốc được mở để giúp đỡ đồng bào trong vùng.. Sau 8 năm công khó, Cha Cần đã được bổ nhiệm nơi khác. Cố Vị tiếp đến là Linh mục Martinô Hộ, Cố Thơm mỗi vị lãnh đạo giáo xứ ít tháng, sau đó Cha Gioan Phùng văn Như đến làm quản xứ từ thánh 11.1957 đến đầu năm 1976. Thời gian này, cũng có lúc gian nan: 1965 khuôn viên thánh đưòng bị pháo kích. Tình hình an ninh địa phương bị đe doạ, phân nữa giáo dân lại ra đi lánh nạn. Năm 1967 lần lượt họ quy tụ về cùng với Cha xứ tu bổ thánh đường, trường học khang trang. Năm 1970 cha lại cho nới thêm một phòng học nữa để đủ chỗ cho các em học sinh. Với dân số trên 1000 người lúc đó, Cây Vông đã tổ chức được nhiều hội đoàn công giáo tiến hành, sinh hoạt đều đặn. Về ơn gọi, Cây vông đã cung cấp cho Giáo hội 5 Linh mục và nhiều tu sĩ, tu sinh thuộc các dòng. Ða số giáo dân sống nghề nông, nương rẫy, mức sống tạm đủ.
Sau ngày 30.04.1975 vì tuổi già sức yếu. Cha già Như lâm bệnh cần đi chữa trị và giải phẫu tại Nha Trang, trong khi ấy Ðức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận từ dạo tháng 8.1975 đã được nhà nước đưa về tạm giam tại Nhà xứ Cây vông. Ðức Giám mục Phaolô Nguyễn văn Hoà, với sự đồng ý của chính quyền cách mạng đã cho Linh mục Vincent Lê công Khương về Cây Vông vừa để coi sóc giáo xứ thay cha già Như vừa để giúp đỡ Ðức Cha Thuận bị quản thúc.
Linh mục Lê Công Khương quản xứ từ dầu năm 1976-1990. Sống vào thời buổi khó khăn, hầu như mọi sinh hoạt tôn giáo đèu phải có phép của nhà nước, nên giáo xứ hầu như bị tê liệt, chỉ còn thánh lễ chúa Nhật là chính. Vào khoảng đầu năm 1990, cha già ra đi nghĩ hưu, Ðức Cha Nguyễn văn Hoà chỉ định Linh mục Alosiô Nguyễn hùng Vị đương kim phó xứ Bình Cang lên Cây Vông dâng lễ và ban các bí tích vào các ngày Chúa nhật.
Mãi đến ngày 6.12.1990 Linh mục Benedicto Nguyễn công Phú được Ðức Cha Hoà bổ nhiệm quản xứ Cây Vông mới được phép nhà nước cho nhận xứ và Linh mục Tổng Ðại Diện Phêrô Nguyễn Quang Sách lên Cây Vông chủ toạ nghi thức nhận chức.Với tinh thần phục vụ nhiệt tình, sinh hoạt của giáo xứ như đang ở vào thời kỳ phục hưng và tiến mạnh lên về mọi mặt. Diện tích khuôn viên thánh đường rộng 8 sào được hoàn toàn lát đá, xi măng, có vườn dừa tỏa mát, và đứng hiên ngang trước nhà xứ hai tượng đài Đức Mẹ và thánh Giuse. Có bức thành đá bê tông bao quanh thánh đường làm tăng thêm vẻ uy nghiêm và ngoạn mục. Núp vào phía sau nhà xứ, có hội trường rộng rãi, khang trang, cùng với một số phòng dành cho các nữ tu và các lớp giáo lý, một cơ ngơi cần thiết và thuận tiện cho các sinh hoạt đa đạng của một giáo xứ đang vươn lên rõ rệt.
Thời khóa biểu sinh hoạt của từng giới, từng lứa tuổi được trải dài suốt tuần và đặc biệt là Chúa Nhật, sinh hoạt nhộn nhịp của nhiều giới từ sáng đến chiều tối. Hai ca đoàn lớn và nhỏ, phục vụ thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng. Ngoài ra mỗi giới có ca đoàn riêng, phục vụ thánh lễ dành riêng cho họ. Nổi bật nhất là việc dạy giáo lý: 24 lớp giáo lý phổ thông và mỗi năm một lớp giáo lý dự bị hôn nhân. Ngoài ra ngay từ những ngày đầu nhận xứ, cha đã tổ chức nhiều khóa đào tạo giảng viên giáo lý. Ý thức được nạn mù chữ còn tệ hại hơn nạn đói cơm, cha tổ chức những lớp học tình thương, bổ túc văn hóa. Con số các em nam nữ dâng mình cho Chúa ngày càng đông, có sinh hoạt học tập và uốn nắn thường xuyên. Cung cấp cho Giáo Hội nhiều linh mục tu sĩ phục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Trong đó không thể không nói đến sự đóng góp tích cực của cộng đoàn giúp xứ của quý nữ tu dòng Mên Thánh Giá Qui Nhơn gần 50 năm qua.
Giáo xứ đã đề ra phương châm: tất cả dành cho năm thánh 2000, năm hoàn thành một ngôi thánh đường mới, rộng rãi, khang trang. Để thực thi ý chí đó, nhà nhà đều có thùng quỹ tiết iệm xây dựng thánh đường. Với số tiền 400.000.000 do quỹ tiết kiệm của giáo dân và của ân nhân dâng cúng, Đức Cha giáo phận cho phép khởi công và Ngài đặt viên đá đầu tiên vào ngày 23.11.1998 áp lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trải qua biết bao là gian khổ rủi ro, may mắn, trong vòng 13 tháng và 2 tháng mưa bão lụt lội, ngôi nhà thờ mới đã được hoàn thành.
Ngày 17.2.2000 thánh lễ khánh thành và cung hiến do Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hòa chủ lễ, cùng đồng tế có Đức Cha Phero Nguyễn Soạn cùng 100 linh mục trong và ngoài giáo phận. Hòa trong niềm vui với ngôi thánh đường mới đầy uy nghi.
Vì tuổi già sức yếu, cha Benedicto Nguyễn Công Phú về nhà hưu của linh mục giáo phận. Nhiệm vụ quản xứ được trao cho Cha Augustino Mai Hứa, cùng với Ngài có Cha phó Giuse Lê Đức Hòa.
Giáo xứ đã khởi sắc nay tiến triển mạnh mẽ hơn về nhiều mặt. Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ca ngợi Ngài.
III. CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH GIÁO XỨ TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NAY
Linh mục R.P Salomez (Cô Quới) 1913
Linh mục Stêphanô Phan Văn Bính 1939
Linh mục Antôn Nguyễn Chẩm 1941
Linh mục Augustinô Nguyễn Khắc Cần 1948
Linh mục R.P Jeanningros (Cố Vị) 1955
Linh mục Martinô Nguyễn Hộ 1956
Linh mục R.P Thomeret (Cố Thơm) 1957
Linh mục Gioan Phùng Văn Như 11.1957- 1.1976
Linh mục Vincent Lê Công Khương 1.1976- 6.1990
Linh mục Alosiô Nguyễn Hùng Vị 6.1990 - 12.1990
Linh mục Benedicto Nguyễn công Phú 6.12,1990 - 8.10.2006
Linh mục Nicolas Nguyễn Hoà - Phó xứ 2005 - 10.2006
Linh mục Augustinô Mai Hứa 8.10.2006 - 20.02.2013
Linh mục Anton Nguyễn Ngọc Chiến 2013
Linh mục Luy Nguyễn Phúc Hải 8.6.2013 - nay
IV. CÁC ĐOÀN THỂ TRONG GIÁO XỨ
- Hội Legio Mariae: 35 hv
- Hội Các Bà Mẹ Công Giáo: 91hv
- Hội Phan Sinh Tạ Thế + Giới Trẻ: 35 hv
- Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu: 70 hv
- Hội Thánh Thể: 52 hv
- Giáo Lý Viên: 49 hv
- Nhóm Niềm Vui Và Hy Vọng: 35 hv
- Ca đoàn lớn: 34 hv
V. HOA QUẢ ƠN GỌI TRONG GIÁO XỨ
Linh mục: 15
Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn: 20
Nư tu dòng Khiết Tâm Đức Mẹ: 21
Nữ tu dòng Đaminh Tam Hiệp: 1
Nữ tu dòng Đaminh Phú Cường: 1
Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế: 1
Nữ tu dòng LaSan Nữ: 1
Đan nữ dòng kín (Carmel) Nha Trang: 4
Nữ tu dòng Carmel Thánh Giuse: 1
Đại Chủng Sinh Chủng Viện Sao Biển Nha Trang: 7
Chủng Sinh Lâm Bích: 4
Dòng Phanxico: 1
Dòng Chúa Cứu Thế: 1
Dòng Đồng Công: 1
Dự tu tại giáo xứ:35
VI. NHỮNG SINH HOẠT GIÁO XỨ
Sinh hoạt tôn giáo thuần túy: thánh lễ, hội họp các hội đoàn
VII. NHỮNG CƠ SỞ TRONG GIÁO XỨ
Trường mẫu giáo
-Trường mẫu giáo Mai Anh: do cộng đoàn các Soeur Mến Thánh Giá Qui Nhơn quản lý
-Trường mẫu giáo Ánh Dương: do giáo dân giáo xứ quản lý
VII. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
- Trùng tu lại thánh đường
- Xây dựng và sửa sang các phòng học giáo lý