Lịch sử Giáo xứ Hà Dừa
Thứ hai - 28/03/2022 21:36
6419
GIÁO XỨ HÀ DỪA
Địa chỉ: thôn Trường Thạnh, xã Diên Thạnh, Diên Khánh, Khánh Hoà
Điện thoại: 258.3850062
Thành lập: khoảng năm 1720
Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Giáo dân: 2.300
Linh mục quản xứ: Giuse Võ Quý
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo tỉnh lộ 4 về hướng tây, qua cửa Đông và cửa Tây thành Diên Khánh rồi qua cầu Hà Dừa, chúng ta sẽ gặp ngôi thánh đường Hà Dừa. Đây là một trong những giáo xứ lâu đời tại Khánh Hoà, có lẽ hầu hết giáo dân đầu tiên là những người di cư từ các tỉnh Quảng Nam và Phú Yên vào khoảng năm 1720 bởi phong trào Nam tiến thời Chúa Nguyễn. Trong báo cáo của Cha Flory thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1731, đã có nhắc đến nhà thờ Hà Dừa.
Thánh đường đầu tiên được xây dựng vào khoảng năm 1730, nhưng sau các cuộc bắt đạo thời vua Tự Đức (1848-1861), giáo dân phải ly tán và nhà thờ bị hư hại. Mãi đến khi Hoà ước năm 1862 ký kết, giáo dân trở về. Vào năm 1870, Cố Geffroy Bửu sửa lại nhà thờ theo kiểu Á đông. Thánh đường hiện nay được xây dựng qua 2 giai đoạn: Năm 1897, Cố Ngọc chuẩn bị vật liệu xây dựng, vận động giáo dân đốn gỗ, phái ông Tích chức việc đi Làng Sông và Kim Châu (Qui Nhơn) lấy kiểu chạm trổ,sau đó nhờ Cha Nhuận vẽ sơ đồ rồi khởi công xây dựng; tiếp đến Cố Salomez Quới xây tháp chuông, đóng trần nhà thờ và xây nhà xứ vào năm 1917.
Các cha ở giáo xứ Hà Dừa đã đóng góp nhiều vào việc tu sửa và xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học, nhà lẫm gồm: Cha Hy, Cha Vận, Cố Bửu (1871-1879), Cố Đoài (1879-1885), Cố Định (1886), Cố Garnier Minh (1890), Cố Ngọc (1893 - 1897), Cố Ngoan (1897-1899), Cha Nho (1899), Cố Bình (1905 với Cha Hương làm phó), Cố Quới (1910), Cố Nghiêm (1924), Cha Đoàn (1932), Cha Bính (1936), Cha Hiến (1943), Cố Thơm và Cha Nghĩa (1957), Cha Antôn Hồ Ngọc Hạnh (1957 – 1964), Cố Vị (1964 - 1973), Cha Phêrô Nguyễn Quang Sách (1973 - 1979).
Trong thời gian Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho làm quản xứ (1979 - 1991), ngài đã sửa lại cung thánh, đóng trần bằng gỗ, làm gác đàn, lót gạch men nền nhà thờ, nhất là xây lại nhà xứ vào năm 1987. Sau đó, Cha Phêrô Phạm Ngọc Lê (1993 - 2002) đã sơn sửa lại tường nhà thờ, ghế quỳ và xây hội trường, nhà giáo lý của giáo xứ.
Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần làm quản nhiệm giáo xứ từ năm 2002 - 2003.
Năm 2005, do nhu cầu giáo dân gia tăng, Cha Tađêô Lê Văn Thanh (2003 - 2007) đã tăng cường thêm ghế đá hai bên hành lang nhà thờ. Khi Cha Phanxicô Xaviê Trịnh Hữu Hưởng về quản xứ vào ngày 21.10. 2007, ngài đã từng bước thay ngói nhà thờ, nối dài và sửa sang cung thánh, phòng thánh, dỡ bỏ gác đàn cho hợp với kiến trúc của nhà thờ ban đầu, xây dựng công viên Phục sinh, đài Thánh tâm, tu sửa nghĩa trang cũ, trồng dừa đất sân banh, sửa lại nhà kho và xây thêm phòng giáo lý. Đầu năm 2016, giáo xứ khởi công xây dựng nhà xứ mới thay cho nhà xứ cũ xây năm 1987. Công trình đã hoàn thiện và được khánh thành vào ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 05.06.2016.
ĐOÀN THỂ, DÒNG TU VÀ HOA QUẢ ƠN GỌI
Hội Thánh thể chuyên lo đọc kinh cầu nguyện và chầu Thánh Thể vào 12g trưa hàng ngày, Legio Mariae, Phan sinh Tại thế, Giới trẻ Phan sinh, Các Bà mẹ Công giáo, 3 Ca đoàn, Ban Thanh niên giữ trật tự trong các giờ phụng vụ, giữ xe. Các đoàn thể sinh hoạt vào các buổi tối trong tuần và ngày Chúa nhật.
Giáo xứ đã dâng hiến cho Giáo hội 17 linh mục triều và 3 linh mục dòng, 2 chủng sinh Đại Chủng viện Sao Biển, 2 chủng sinh Chủng viện Lâm Bích, 1 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, 26 nữ tu thuộc các hội dòng khác nhau và 2 đệ tử. Tại giáo xứ có 12 em dự tu nam nữ.
Năm 1964, Cố Jeanningros Vị xây trường mẫu giáo và nhà cộng đoàn cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đến giúp giáo xứ nhưng hiện nay cộng đoàn này không còn.
Cộng đoàn Thánh Tâm thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ hiện diện trong khuôn viên nhà xứ từ năm 1990. Hiện nay, ngoài việc điều hành trường Mầm non Tư thục, các nữ tu còn dạy giáo lý, tập hát, phục vụ phòng thánh.
SINH HOẠT GIÁO XỨ
Các lớp Giáo lý Phổ thông khai giảng hằng năm, gồm 13 lớp từ Đồng cỏ non 2 đến Vào đời 3. Mỗi năm giáo xứ mở 2 khóa (mỗi khóa 5 tháng ) Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân.
Ngoài ra, giáo xứ hỗ trợ gạo mỗi tháng cho một số hộ nghèo cả lương lẫn giáo tại địa phương và lập quỹ an táng cho giáo dân nghèo.
HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
Về cơ sở vật chất, giáo xứ cố gắng tôn tạo và bảo tồn các cơ sở hiện có. Về đời sống đạo, giáo xứ nỗ lực nâng cao đời sống đức tin, tích cực loan báo Tin mừng cho lương dân, trau dồi kiến thức giáo lý nơi giới trẻ và quan tâm đặc biệt đến ơn gọi trong giáo xứ.