Lược sử Giáo Xứ Tân Bình

Chủ nhật - 29/08/2021 09:04  3116
Giáo xứ Tân Bình - Giáo hạt Cam Lâm - Giáo Phận Nha Trang
Địa chỉ: Thôn Văn Tứ Tây- Xã Cam Hòa- Huyện Cam Lâm
Số điện thoại: 058. 3863239
E-mail : gxtanbinh@gmail.com
Ngày thành lập: 1957
Thánh bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8)
Số giáo dân: 3757(số liệu thống kê 2015) gồm 5 giáo họ:
  • Giáo họ Phêrô: 886
  • Giáo họ Mactinô: 708
  • Giáo họ Phanxicô Xavie: 880
  • Giáo họ Gioan : 523
  • Giáo họ Giuse: 760
  1. Giờ lễ:
  •  Tối Thứ Bảy: 19h 00
  •  Chúa Nhật: 5h00 ; 16h 30
  •  Ngày thường: 4h 30; 17h 30
         
  1. VỊ  TRÍ  ĐỊA LÝ
1. Phía Đông giáp Giáo xứ Bắc Vĩnh (Đầm Thủy Triều  và Giáp Thôn Bắc Vĩnh, Xã Cam Hải Tây)
2.       Phía Tây  giáp Giáo xứ  Hòa Tân (Thôn Cửu Lợi và Núi Hòn Thẻ, Xã Cam Hòa)
     3.       Phía Nam giáp Giáo xứ Bắc Vĩnh, Xã Cam Hải Tây
* Ranh giới:
-        Lấy Cầu Cụt (Quốc Lộ 1A cũ) làm mốc phân chia ranh giới.
-        Lấy Cầu Cụt (Quốc Lộ 1A), gần Nghĩa Trang Giáo xứ Bắc Vĩnh, làm mốc phân chia ranh giới.
     4.       Phía Bắc giáp Giáo xứ Hòa Tân
Theo ranh giới địa lý hành chánh Thôn Cửu Lợi thuộc Giáo xứ Hòa Tân và Thôn Văn Tứ Tây thuộc Giáo xứ Tân Bình.
  • Ðịa hình địa thế khí hậu thuận lợi, khí hậu ôn hoà, gần biển, gần núi thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và ngư nghiệp.
  1. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
          Dòng đời của con người được các nhà thi sĩ ví von như một dòng sông. Theo dòng thời gian, con người cứ mãi trưởng thành. Thế hệ này qua đi, thế hệ khác lại tiếp nối. Tre già rồi măng lại mọc, cứ thế…cứ thế dòng sông mãi lững lờ trôi. Để rồi thời gian dần trôi qua và mọi người nhận ra rằng: thời gian trôi qua thật nhanh. Thế là trang sử vàng của mãnh đất Tân Bình thân thương được lật lại: một mãnh đất trù phú, màu mỡ và được thiên nhiên ưu đãi.
          Nhưng trong lòng mỗi người dân Giáo xứ chúng ta có mấy ai biết rõ bề dày lịch sử của mảnh đất thân yêu này chưa? Cách đây gần 60 năm, nơi đây nổi tiếng là mảnh đất hung dữ “beo vồ cọp xé”, “rừng thiêng nước độc” ai đi vào khu rừng này như lạc vào chốn mê cung. Có lẽ vì thế trong suốt gần 20 thế kỷ qua, khu đất này vẫn bị bỏ hoang. Cho đến năm 1954… bắt đầu có chiến dịch Miền Bắc di cư vào Nam. Trên đường tìm đất lập nghiệp, gần 100 gia đình thuộc các xứ đạo của Giáo phận Vinh được Chúa chăm sóc và dẫn dắt đến lập nghiệp tại khu rừng bí ẩn này. Tất cả các biến cố và sự kiện trong vòng gần 60 năm qua được xâu chuỗi lại một cách tài tình để giờ đây ta có thể giới thiệu cho mọi người về Giáo xứ Tân Bình.
          Giáo xứ Tân Bình phần lớn được nằm trọn giữa đường Quốc Lộ I cũ và mới, cách thành phố Nha Trang 32km, phía Bắc giáp với Giáo xứ Hòa Tân, phía Nam giáp với Giáo xứ Bắc Vĩnh. Với số giáo dân gần 4000 người, Tân Bình được xếp vào một trong những Giáo xứ lớn và kì cựu của Giáo hạt Cam Ranh. Với bề dày truyền thống đạo đức, nơi đây đã và đang đóng góp cho Giáo hội nhiều ơn gọi linh mục và  tu sĩ nam nữ. Đặc biệt có sự hiện diện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, trước có tên là Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình, đã từng đồng cam cộng khổ, đồng hành với Giáo xứ trong suốt 60 năm qua. Chúa cũng đã gởi đến cho Giáo xứ những vị mục tử tốt lành, tài ba, mỗi người một vẻ dẫn dắt Giáo xứ suốt cuộc hành trình 60 năm. Người kiến thiết xây dựng, người chăm lo đời sống đức tin. Tất cả đã nói lên tình yêu thương bao la của Thiên Chúa luôn ở với đàn chiên của Người được tuyển chọn ngay chính trên mảnh đất Tân Bình này. Cùng lật lại những trang lịch sử hào hùng của Giáo xứ để thấy được công việc kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm qua các thời linh mục quản nhiệm.
  1. Thời linh mục Gioan Nguyễn Văn Dũng (1954 -1957): Giai đoạn hình thành.
Ngày 20-7-1954 hiệp định Genève đã chia đất nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Dân chúng được tự do đi lại chọn vùng làm ăn sinh sống. Trong số đó có một số bà con tỉnh Quãng Bình gồm 100 gia đình thuộc các xứ đạo: Mỹ Trung, Ngoại Hải, Xuân Hòa, Mỹ Hòa, Cồn Sẻ, Nội Hà và Hòa Ninh thuộc Giáo phận Vinh. Trên đường đi tìm đất lập nghiệp, họ đã dừng chân tại bến cảng Nha Trang và được Cha Gioan Nguyễn Văn Dũng là người đồng hương đón tiếp. Ngày 04-11-1954, cha con kéo nhau về ở tạm tại Giáo xứ Hòa Tân, lúc đó cha Lê Công Khương làm quản xứ. Được sự giúp đỡ và hướng dẫn của cha Khương, của các bậc lão thành trong Giáo xứ và của chính quyền thời đó, cha con đi tham quan một khu rừng già cách Giáo xứ Hòa Tân 1km. Nhận thấy đây là một vùng đất tương đối bằng phẳng, ít đá, có thể khai khẩn được nên đã xin lập trại định cư tại đây với tên gọi “Trại định cư Tân Bình”.
          Diện tích ban đầu của trại còn hẹp, chỉ ở chung quanh nhà thờ và hai bên đường Quốc lộ cũ từ Chùa Cửu Lợi đến Xóm Chài thôn Bắc Vĩnh(nay là Giáo xứ Bắc Vĩnh). Đến năm 1955 số dân Nghệ An, Hà Tĩnh vào thêm, ở hết Thôn Văn Tứ Tây gọi là Giáp Tây, dân sống nghề ngư chọn vùng đất Xóm Cát hiện nay. Dân số lúc đó không ổn định, có khi rất đông mà lại có khi rất ít. Người đến ở, kẻ khác lại đi vì ai cũng muốn chọn cho mình một chỗ để lập nghiệp. Lúc đó, người ta tìm đến các trại định cư khác như:  Hà Lan A, Hà Lan B, Đức Minh..vv….đầu năm 1956 trại định cư Tân Bình tiếp nhận gần cả vạn người gốc Nghệ Tĩnh Bình và hầu hết là người Công Giáo.
          Ngày 20-01-1955, 33 chị em Dòng Mến Thánh Giá (nhà mẹ ở xứ Hướng Phương -
Quãng Trạch, Quãng Bình), được sự cho phép của Đức Cha Piquet, Giám mục Giáo Phận Nha Trang, đến định cư  tại Tân Bình. Cha Gioan Dũng rất vui mừng đón tiếp và đã dành riêng cho các chị một khu đất độc lập nằm ở phía Bắc Giáo xứ để xây dựng cơ sở. Các chị em vừa xây dựng nơi ăn, chốn ở, vừa đồng hành với giáo dân xây dựng Giáo xứ. Các chị đã phụ giúp cha Dũng trong việc dạy giáo lý cho con em và trong công tác mục vụ Giáo xứ.
          Năm 1957 trại định cư Tân Bình được ổn định từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần. Giờ đây đã hội đủ các yếu tố cần thiết của một xứ đạo: có linh mục quản xứ, có nhà thờ và giáo dân nên đã được Đức Cha Piquet, Giám mục Giáo Phận Nha Trang chính thức quyết định thành lập Giáo xứ Tân Bình, thuộc Giáo phận Nha Trang. Giáo xứ gồm 3 giáo họ: Họ Đông, Họ Tây và Họ Bắc Vĩnh với số giáo dân là 9500 người dưới sự lãnh đạo của cha Gioan Nguyễn Văn Dũng. Thời gian đầu mới thành lập, công tác điều hành trại với cha Gioan Dũng có ban quản trị gồm có Trưởng ban, Phó trưởng ban, Thư ký và Thủ kho. Các đại diện của các làng như Hướng Phương, Hòa Ninh, Tam Đa… đến nhận và phân phát tiền, lương thực và dụng cụ viện trợ của chính phủ. Điều hành công tác như phát rừng, chia lô viên cư. Sau khi đã ổn định chỗ ăn chỗ ở, thì chia ra 6 giáp, mỗi giáp có nhiều liên gia và mỗi liên gia gồm 15 gia đình. Ngoài việc lo nơi ăn chốn ở và nơi thờ phượng. Cha Gioan Dũng còn lo tốt việc giáo dục đức tin và văn hóa cho các em nữa. Lúc đó mới có Bình dân giáo dục và Tiểu học. Giáo viên thì cha nhờ và chỉ định những người có trình độ văn hóa khá làm thầy dạy chữ như các thầy: Tống Lự, Nguyễn Tào,Tống Viết Hóa, Cao Minh Sơn, Nguyễn Văn Thành (Trì)vv…
          Sau khi công việc thành lập Giáo xứ tạm ổn định, năm 1958 cha Gioan Dũng đưa một số giáo dân đi lập nghiệp ở Phú Nhơn (Đồng Lác). Phụ giúp ngài có cha G.B Nguyễn Quang Dung, tuyên úy tu viện Mến Thánh Giá và Thầy Phêrô Cao Nguyện, cả hai đều già và đã nghỉ hưu. Trong thời gian ngài vắng mặt, hàng tuần có cha Đinh Công Tráng từ Dòng Mỹ Ca về làm lễ. Sau đó có cha Đinh Tuấn Ngạn rồi đến cha Vũ Đình Hoạt coi sóc Giáo xứ trong một thời gian ngắn. Ngoài 2 Giáo xứ Tân Bình và Phú Nhơn, cha Gioan Dũng còn lập thêm các Giáo xứ: Bắc Vĩnh, Vĩnh Thái (Suối Cát) và Sông Mỹ (Sông Pha). Ngài qua đời ngày 29/11/1975 tại Giáo xứ Phú Nhơn. Hưởng thọ 61 tuổi.
  1. Thời linh mục Phêrô Lê Trọng Nghĩa(1958-1972): Thời kỳ phát triển.
          Ngày 17 tháng 11 năm 1958, linh mục Phêrô Lê Trọng Nghĩa đổi từ Giáo xứ Hà Dừa về làm Quản xứ Tân Bình thay cha Đinh Tuấn Ngạn. Ngài bắt tay ngay vào việc mua đất của ông Nhung, bà Lý để xây dựng trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên tại Cam Ranh lúc bấy giờ. Trường được đặt tên Trường Trung Học Văn Tứ và tháng 08 năm 1959 đã khai giảng năm học 1959-1960 đầu tiên. Trường đã đáp ứng được nổi ưu tư của các bậc phụ huynh trong và ngoài Giáo xứ về nơi chốn học hành cho con cái. Nay đã có nơi thuận tiện để trau dồi văn hóa mở mang trí óc, bắt kịp đà tiến của xã hội.
          Ổn định đời sống văn hóa xong, ngài nghĩ đến việc xây dựng nhà thờ mới vì nhà thờ cũ lợp tôn, làm bằng gỗ ván nay đã xuống cấp và quá chật hẹp. Ngài mua đất bà Hòa, bà Đoan để nới rộng khuôn viên nhà xứ.
          Tháng 06 năm 1961, nhà thờ được khai móng khởi công xây dựng và đã được khánh thành vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, giữa sự ngạc nhiên và trầm trồ của mọi người. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Âu-Á hài hòa, đẹp, rộng rãi, thoáng mát. Cũng vào năm xây dựng nhà thờ, linh mục Nguyễn Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Cha Phó. Công trình cuối cùng là xây dựng nhà xứ với nhiều phòng ốc rộng rãi, có chỗ ở cho Cha Phó và khách xa tới thăm nghỉ ngơi.
          Ngoài việc mở mang cở sở vật chất, ngài còn thành lập các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành như Lêgiô Mariae, Con Cái Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công, và Dòng Ba Phanxicô. Việc dạy giáo lý cho con em vẫn do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đảm trách.
          Đời sống đạo đức văn hóa vật chất của Tân Bình trong giai đoạn này được phát triển toàn diện. Tân Bình thay da đổi thịt khi người Mỹ đến Cam Ranh. Dân chúng có công ăn việc làm, nhà tranh vách đt được thay bằng tường gạch mái ngói. Đời sống thiêng liêng đạo đức của giáo dân ngày càng phong  phú nhờ sự chăm sóc mục vụ tận tình của các cha xứ, sự dạy dỗ giáo lý chu đáo cho con  em của các nữ tu và sự hoạt động đắc lực của các đoàn thể trong Giáo xứ.
Ngày 13 tháng 9 năm 1970, xét theo nhu cầu sinh hoạt của giáo dân, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Giáo Phận Nha Trang tách giáo Họ Bắc Vĩnh để thành lập một Giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Bắc Vĩnh, do linh mục Nguyễn Đăng Khoa, cha phó Tân Bình làm linh mục Quản xứ. Như vậy, Giáo xứ Tân Bình nay chỉ còn hai giáo họ Đông và Tây.
Sau những năm tháng vất vả chăm lo đời sống đạo đức và xây dựng cơ sở vật chất cho con chiên, năm 1972, linh mục Phêrô Lê Trọng Nghĩa đã đi nhậm nhiệm sở mới tại Giáo xứ Tân Tạo ở Bình Tuy, sau 14 năm làm quản xứ Giáo xứ Tân Bình.
  1. Thời linh mục Phêrô Nguyễn Đình Phượng(1972-1999): Đức tin cắm rễ và ơn gọi phát triển.
          Ngày 03  tháng 08 năm 1972, linh  mục Phêrô Nguyễn Đình Phượng từ Giáo xứ Chợ Mới về làm Quản xứ Giáo xứ Tân Bình. Giáo xứ giờ đây đã tương đối ổn định từ cơ sở vật chất đến đời sống đạo đức. Cha Tân Quản xứ tập trung vào việc rèn luyện trí dục và  đức dục cho thanh thiếu niên, dự định thực hiện một vài dự án nhỏ như xây tường rào khuôn viên nhà thờ, xây tháp chuông, và đài Đức Mẹ. Nhưng biến cố lịch sử năm 1975 xảy ra làm gián đoạn các dự tính trên. Giáo dân hoang mang lo sợ trước sự thay đổi lớn lao này. Nhưng với sự bình tĩnh khôn ngoan và sáng suốt, cha đã trấn an và dẫn dắt đời sống con chiên đi vào ổn định. Mọi người quen dần với cuộc sống mới và đức tin được thể hiện rõ nét qua cuộc sống biết bao khó khăn và vất vả ở giai đoạn này.
          Trong những năm đầu giải phóng, tháp chuông cũ làm bằng gỗ lâu ngày đã bị mục ải nên Cha xứ và Ban Hành Giáo phải khó khăn lắm mới thay lại tháp chuông mới bằng sắt chữ V. Cũng trong thời gian này,Thầy Phêrô Nguyễn Xuân Phong, vì thời cuộc, nên tiếp  tục ơn gọi tại gia và giúp Cha xứ trong việc mục vụ và dạy giáo lý cho thanh thiếu niên.
          Năm 1985, hàng rào bao bọc chung quanh nhà thờ bị rỉ sét nên được xây lại bằng tường gạch chắc chắn. Nhân cơ hội này một tượng đài Đức Mẹ đã được xây với tượng Mẹ Fatima cao 2,5m càng làm cho tinh thần giáo dân được phấn khởi, lạc quan tin tưởng vào Chúa và Mẹ.
          Ngày 06.04.1990 một biến cố trọng đại chưa tùng xảy ra trong Giáo xứ: Thầy Phêrô Nguyễn Xuân Phong được thụ phong linh  mục ngay tại Giáo xứ và được bổ nhiệm làm Cha phó cho đến năm 1993.
          Năm 1995 tháp chuông nhà thờ làm bằng sắt nay lại bị rỉ sét sau 10 năm sử dụng. Cha xứ và ban hành giáo quyết định làm lại tháp chuông mới. Thời gian này kinh tế bà con giáo dân khấm khá hơn nhờ lợi tức thu được ở các đìa tôm nên đã đóng góp tài chánh và công sức rất tích cực cho việc xây dựng tháp chuông. Sau 3 tháng thi công, một tháp chuông chắc chắn vươn cao 24m đã được hoàn thành. Mặt tiền nhà thờ cũng được tu sửa để tạo vẻ hài hòa với tháp chuông mới.
          Cũng trong năm này, nhiều tin vui đến với Giáo xứ: hai người con của Giáo xứ được bước lên bàn thánh: Thầy Antôn Nguyễn Ngọc Kính, dòng Phanxicô  và Thầy Phanxicô Trần Quang Láng, Đại Chủng Viện Sao Biển. Tháng 8 năm 1995, Giáo xứ lại hân hoan chào đón Cha Phêrô Nguyễn Kim Thăng về làm Cha phó giúp cha Phêrô Nguyễn Đình Phượng nay đã tuổi già sức yếu. Tháng 6 năm 1997, thêm một tin vui cho Giáo xứ: Thầy Giuse Nguyễn Văn Minh thụ phong linh mục tại dòng Mỹ Ca.
          Sau hơn hai mươi năm đất nước thống nhất, số con em trong Giáo xứ ngày càng đông nên nhu cầu dạy và học Giáo lý là một vấn đề cấp bách. Các bước chuẩn bị cho việc xây dựng một nhà giáo lý với nhiều phòng ốc đã được thực hiện. Giáo xứ đã mua đất ông Bùi Văn Khanh sau lưng nhà thờ để thêm mặt bằng xây dựng. Kêu gọi lòng hảo tâm của giáo dân  trong và ngoài nước góp công góp của. Thuê mướn kỷ sư và nhân công thực hiện công trình. Ngày 10 tháng 03 năm 1998, việc xây dựng Nhà Giáo Lý đã được khởi công với 2 tầng, gồm 10 phòng tiện lợi cho việc dạy dỗ và hội họp nên còn lại là “Nhà đa dụng”. Năm học giáo lý 1998-1999 đầu tiên được khai giảng trong hân hoan và phấn khởi của mọi người.
          Sau ngày giải phóng, Trường trung học Văn Tứ tạm thời giao cho Nhà Nước mượn làm trường Tiểu học. Vì thế việc học văn hóa của con em xứ nhà thời kỳ này bị chững lại. Con em chỉ học cao lắm là hết cấp II vì trường cấp III ở xa Giáo xứ.
          Việc dạy Giáo lý ban đầu do các giáo họ chọn các thanh niên nam nữ có trình độ dạy tại giáo họ. Sau này do chính sách tôn giáo cởi mở hơn, các thầy và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá lại đóng góp một cách tích cực trong việc dạy Giáo Lý Bao Đồng và Thêm sức cho thiếu nhi.
          Những dự tính ban đầu theo thời gian cũng đã được thực hiện. Nay tuổi đã già, sức đã yếu sau 27 năm hết mình phục vụ vì đoàn chiên. Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Phượng đã rời Giáo xứ Tân Bình về hưu dưỡng tại giáo họ Phêrô, thuộc Giáo xứ Hòa Yên vào ngày 30 tháng 08 năm 1999.
  1. Thời linh mục Phanxicô Xavie Phan Văn Hướng(1999-2011) Phục hưng và canh tân Giáo xứ
          Ngày 03 tháng 09 năm 1999, linh mục Phanxicô Xavie Phan Văn Hướng từ Giáo xứ Nghĩa Phú về làm quản xứ Tân Bình. Chỉ sau một thời gian ngắn về tại Giáo xứ, ngài đã thấy được những việc cần phải làm: đó là chỉnh đốn cơ cấu tổ chức và canh tân Giáo xứ. Trước đây Giáo xứ chỉ có hai giáo họ Đông và Tây. Nay được chia thành năm giáo họ. Mỗi giáo họ chọn một vị thánh làm Bổn Mạng cũng là tên của giáo họ, gồm có : Giáo họ Phêrô, Phanxicô xavie, Gioan, Giuse và Martinô và có bốn năm tổ liên ái là những gia đình sống liên canh liên cư, hỗ trợ nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn và đọc kinh gia đình luân phiên mỗi tuần một lần.
          Ngày 17 tháng 06 năm 2001, ngài tổ chức bầu lại hội đồng Giáo xứ vì các thành viên
cũ đã cao niên và phục vụ lâu năm. Với sự bầu chọn tự do và bằng phiếu kín, Giáo xứ đã có một Tân Hội Đồng Giáo xứ trẻ trung và năng động. Cũng giai đoạn này, số con em học giáo lý ngày càng đông nên một đội ngũ giáo lý viên đông đảo đã ra đời gồm:
  • Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá phụ trách các lớp đồng cỏ non đến sơ cấp
    - Anh chị em giáo dân nhiệt tình, có trình độ đảm trách các lớp Kinh Thánh đến lớp vào đời.
          Ổn định xong cơ cấu, ngài cho sửa sang cơ sở vật chất: quét vôi lại nhà thờ, nhà xứ, rào lại nghĩa trang cũ để tránh tình trạng dần lấn chiếm và cho xây tại đây một bệ đài để hành lễ vào dịp lễ các đẳng. Con đường lên nghĩa địa mới ở Hòn Thẻ được tu bổ hàng năm và đến năm 2004 đã được hoàn chỉnh. Ngoài ra để chuẩn bị xa cho việc tu sửa hoặc làm nhà thờ mới, ngài đã đề xướng mỗi gia đình bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào hòm “xây dựng nhà Chúa trong vòng ba năm, mỗi gia đình đóng góp một triệu đồng
          Về đời sống đạo đức, lâu nay vì hoàn cảnh xã hội, chỉ thể hiện một cách âm thầm nhưng đầy lòng sốt mến, cậy tin. Vào những năm đầu thế kỷ 21 này, chính sách tôn giáo được cởi mở hơn. Tiếng chuông nhà thờ sáng tối lại được ngân vang. Đêm đêm tiếng đọc kinh râm ran vọng ra từ các gia đình trong Giáo xứ. Vào những dịp lễ trọng như Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng Sinh, thánh lễ được tổ chức ngoài trời một  cách long trọng  và sốt sắng. Các buổi ngắm nguyện, các hoạt cảnh Giáng Sinh và những trang trí bên ngoài cho buổi lễ đã lôi cuốn được nhiều người, đặc biệt những người khô đạo và những người lương dân. Cũng vào các dịp lễ lớn này, mọi người đều sốt sắng tham dự bí tích hòa giải nhờ cha xứ linh động mời các cha xứ khác về giúp.
          Thánh lễ hằng ngày càng có nhiều người tham dự. Trong tuần có thánh lễ riêng cho từng giới và có giờ chầu thánh thể vào mỗi chiều thứ bảy. Cách giáo họ, các đoàn thể được phân công phục trách phụng vụ trong tuần, phụ trách giờ chầu, soạn lời nguyện giáo dân vv…tạo điều kiện cho giáo dân trưởng thành và tham gia tích cực sinh hoạt phụng vụ. Các đoàn thể trong Giáo xứ đều được cha xứ quan tâm nâng đỡ nên ngày càng phát triển mạnh và đã có sự cộng tác đắc lực trong  các sinh hoạt của Giáo xứ. Năm 2003 Giáo xứ lại có thêm hai đoàn thể mới: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo và Hội Gia Trưởng.
          Về ơn gọi thiên triệu, Giáo xứ lại vui mừng có thêm hai tân chức: linh mục PhêrôLê Quốc Hùng, thụ phong vào tháng 06 năm 2004 và linh mục Antôn Thái Bá Đại, tháng 05 năm 2005 tại Hoa Kỳ.
          Sau bốn năm chuẩn bị cho công việc xây dựng nhà thờ, nay đã đến lúc đặt vấn đề xây dựng, tu sửa hay làm nhà thờ mới?. Sau cuộc trưng cầu dân ý, 98% đã đồng ý làm nhà thờ mới. Với số tiền tiết kiệm của giáo dân trong ba năm, chuyến đi lạc quyên của cha xứ tại Hoa Kỳ, sự ủng hộ của giáo dân trong và ngoài nước, cộng thêm sự động viên quý báu của Đức Giám Mục Giáo Phận, Cha xứ và Hội Đồng Giáo xứ đã quyết định khởi công xây dựng nhà thờ mới. Tiến trình xây dựng diễn ra như sau:
  • Ngày 16.07.2004: Tháo gỡ nhà thờ cũ để làm mặt bằng xây dựng
  • Ngày 11.08.2004: Khởi công đào móng với diện tích 1234m2
  • Ngày 10.12.2004: Đức Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã đến đặt viên đá lưu niệm.
  • Ngày 28.07.2006 : Lễ cung hiến và khánh thành nhà thờ mới do hai Đức Giám Mục Giáo Phận Nha Trang: Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Đức Giám Mục Phó Giuse Võ Đức Minh chủ trì.
  1. Thời kỳ linh mục Giuse Đặng Xuân Hương( năm 2011 đến nay): Tiếp nối và phát triển
          Vào năm 2011 linh mục Giuse Đặng Xuân Hương từ Giáo xứ Vĩnh Bình về làm quản xứ Giáo xứ Tân Bình. Với thao thức của người mục tử, ngài đã tiếp nối và phát  triển những gì mà các vị quản xứ tiền nhiệm để lại. Bên cạnh đó, ngài cũng quan tâm nhiều về mặt đạo đức và giáo dục cụ thể là ngài đã cho thành lập Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót của Giáo xứ Tân Bình. Chính điều này càng tăng thêm lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân. Ngày 02 tháng 11 năm 2014 chính thức hợp nhất hai Hội Tang Sự Phêrô & Giuse thành Hội Tang Sự Giáo Xứ Tân Bình với Nội Quy sinh hoạt rõ ràng nhằm tương trợ cho nhau trong việc tang sự. Hội Tang Sự Giáo Xứ Tân Bình là một nét đẹp văn hóa với truyền thống đạo lý của người Việt Nam “nghĩa tử là nghĩa tận” và là một nghĩa cử bác ái, yêu thương phục vụ cho nhau như Lời Chúa dạy “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Hơn nữa, ngài cũng có những dự tính và phương án để xây dựng thêm cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sinh hoạt và mục vụ của Giáo xứ cụ thể là Ngôi Nhà Sinh Hoạt Cộng Đồng với mục đích là dạy nhạc, vi tính, làm nơi  hội họp cho các sinh hoạt của Giáo xứ.
  1. CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH GIÁO XỨ TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NAY
Linh mục Gioan Nguyễn Văn Dũng 1954-1958
Linh mục Phêrô Trương Trọng Nghĩa 1958 – 1972
Linh mục Phêrô Nguyễn Đăng Khoa
Linh mục Phêrô Nguyễn Ðình Phượng 1972 – 1999
Linh mục phó Phêrô Nguyễn Xuân Phong
Linh mục phó Phêrô Nguyễn Kim Thăng
Linh mục Phanxicô Xavie Phan Văn Hướng 1999- 2011
Linh mục phó G.B Nguyễn Văn Thanh Toàn
Linh mục phó Phêrô Phạm Ngọc Lắm
Linh mục phó Giacôbê Thái Ngọc Sanh
Linh mục Giuse  Đặng Xuân Hương 2011à đến nay
 
  1. CÁC ĐOÀN THỂ TRONG GIÁO XỨ
  1. LÊGIÔ MARIAE
          - Thành lập: 04- 1956
- Số hội viên:
  + Số hội viên hoạt động: 75 trong đó nghĩa sĩ : 40
  + Hội viên tán  trợ: 58 trong đó bảo trợ giáo dân: 10
  + Hội viên Junior: 125
  + Bảo trợ tu sĩ: 40 nữ tu nhà tập dòng MTG Nha Trang.
  •  Hoạt động:
          Mỗi tuần các hội viên hoạt động dự họp một giờ tại nhà giáo lý. Mỗi tháng một lần các ủy viên tham dự họp Curia. Hằng năm Lêgiô có hai ngày lễ lớn:
      - Đại lễ Acies (dâng mình cho Đức Mẹ) vào dịp lễ Truyền Tin 25 tháng 03
      - Tổng hội  thường niên vào dịp lễ Mẹ Vô Nhiễm 08 tháng 12. 
  1. ĐOÀN PHAN SINH TẠI THẾ (Huynh đệ đoàn Phêrô Tân Bình)
          - Thành lập: 1963
          - Số hội viên: 120 ACE
          - Hoạt động:
     Đoàn  thường tổ chức thăm viếng và đọc kinh cầu nguyện cho người đau ốm, phúng điếu và đọc kinh cầu hồn cho kẻ qua đời trong Giáo xứ. Hằng năm anh chị em quyên góp lương thực, áo quần và  tiền bạc để làm quà cho những người già yếu, neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài Giáo xứ, các anh chị em dân tộc, trại cùi và Hội Người Mù Cam Ranh.
  1.  HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO
          - Thành lập: 04- 2002
          - Số hội viên: 400
          - Hoạt động:
          Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cùng chia sẻ các công việc phục vụ trong Giáo xứ như đọc Sách Thánh trong tuần, soạn lời nguyện giáo dân. Mỗi tuần vào thứ bảy phụ trách giờ Chầu Thánh Thể, quét dọn vệ sinh khuôn viên nhà thờ. Mỗi  tối thứ bảy hằng tuần, đọc kinh và sinh hoạt theo nhóm. Hàng tháng, có tĩnh tâm học hỏi về vai trò của Các Bà Mẹ và đời sống hôn nhân gia đình và Cha xứ dâng thánh lễ riêng cho Các Bà Mẹ trong Giáo xứ  vào lúc 19giờ.
  1. ĐOÀN THANH SINH CÔNG THIỆN CHÍ
          - Thành lập: 1960
          - Số hội viên: 50
          - Hoạt động:
          Cùng với các bạn thanh niên trong Giáo xứ, anh chị em trong đoàn luôn học hỏi và sống Lời Chúa trong môi trường sống của mình, giúp nhau sống ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, đoàn còn tích cực cộng tác với Cha Quản xứ và Hội Đồng Giáo xứ trong các việc tông đồ giáo dân và các công tác khác của Giáo xứ. Ngoài ra, hằng tuần vào tối thứ ba, anh chị em cùng quây quần lại đọc kinh luân phiên tại nhà một thành viên trong đoàn. Hằng năm vào dịp lễ giáng sinh, đoàn cùng Giáo xứ phụ trách chương trình hoạt cảnh Giáo xứ; giúp đỡ và chia sẻ với những anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn về vật chất lẫn tinh thần.
  1.  ĐOÀN DẤN THÂN
          - Thành lập: Sau 04-1975 các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành tạm nghỉ hoạt động do hoàn cảnh xã hội và đến năm 1999 được Cha Quản xứ F.X Phan Văn Hướng khôi phục trở lại và đoàn được đổi tên là “ĐOÀN DẤN THÂN”.
          - Số hội viên: 50
          - Hoạt động:
     Hằng tuần vào mỗi tối Chúa Nhật, anh chị em đoàn lại quây quần dưới bàn thờ Chúa, luân phiên trong nhà của mỗi đoàn viên. Sau những điều chia sẻ cho nhau, anh chị em cùng đưa ra một câu Ý Lực Sống cho  tuần kế tiếp, giúp nhau sống tốt hơn ơn gọi người Kitô hữu, tích cực tham gia các buổi đọc kinh cho người hấp hối và người đã qua đời. Ngoài ra, đoàn cũng nhiệt tình trong việc phân phát quà tặng của một số ân nhân đến tận tay những người già cả, neo đơn và bệnh tật trong Giáo xứ, thăm và trao quà cho người dân tộc và trại phong ở Cam Tân.
  1. GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM GIÁO XỨ TÂN BÌNH
          - Thành lập và chính thức ra mắt và tuyên hứa: 04-11-2008
          - Cha linh hướng: Lm Phanxicô Xavie Phan Văn Hướng
          - Tổng số hội viên hiện nay: Nam: 35                   Nữ: 100
          - Hoạt động:
          Làm việc bác ái xã hội: xây dựng một ngôi nhà tình thương cho đoàn viên Nguyễn Gốc. Hằng tháng, đoàn sinh hoạt và cùng với giáo xứ làm các công tác được giao trong các ngày lễ lớn, ngày tết…các toán sinh hoạt hằng tuần và chia phiên đọc kinh tại các gia đình của từng đoàn viên. Hơn nữa, hằng năm vào tháng 6 đoàn tổ chức đọc kinh suốt tháng tại tượng đài Thánh Tâm giáo xứ.
          Mỗi khi trong giáo xứ có người qua đời, đoàn đến thăm viếng phúng điếu và đọc kinh.  Đoàn cũng tổ chức thăm viếng và tăng quà cho các đoàn viên đau yếu, neo đơn.
          Vào mỗi sáng thứ 6 hằng tuần đoàn tổ chức đi Đàng Thánh Giá sau thánh lễ sáng và được bà con giáo dân tham dự rất đông.
  1. CỘNG ĐOÀN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO XỨ TÂN BÌNH.
          Trong Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhiều lần đề cập tình yêu của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, Ngài thật sự đáng được nhận biết và yêu mến. Vì thế, ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, trong khi tiến hành phong thánh cho nữ tu Maria Fauxtina Kawalska, Đức Gioan-Phaolô II thông báo, trong bài giảng của Ngài, ước ao của Ngài được thấy ngày Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh nầy “mang tên Chúa Nhật Lòng Chúa xót thương”. Vì thế Thánh Bộ Phượng Tự mấy ngày sau đó đã công bố sắc lệnh áp dụng cho phép bắt đầu trong phụng vụ.
     Khởi đi từ ước muốn của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, nhiều Giáo xứ đã thành lập Cộng đoàn Lòng Chúa thương xót để tôn thờ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót Giáo xứ Tân Bình cũng đã được thành lập với cùng một mục đích trên.
     - Cha linh hướng: Lm Giuse Đặng Xuân Hương
     - Chính thức sinh hoạt ngày 15.04.2012.
     - Sinh hoạt thường ngày: Chầu Lòng Chúa Thương Xót vào lúc 15g00 mỗi ngày
- Sinh hoạt hàng tháng: vào thứ Sáu đầu tháng, cùng các Cộng đoàn Lòng Chúa Thương    Xót của các Giáo xứ: Bắc Vĩnh, Hòa Tân, Hòa Bình... tham dự thánh lễ suy tôn Lòng Chúa  Thương Xót của Chúa tại thánh đường Giáo xứ Tân Bình vào lúc 15g00.
     - Ngoài ra, cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót Giáo xứ Tân Bình còn có những hoạt động từ thiện như tặng:
            + Sách vỡ cho các em thiếu nhi nghèo trong Giáo xứ.
            + Những phần quà cho các em chậm phát triển tại các Giáo xứ Bắc Vĩnh, Hòa Tân, Vĩnh Bình...
           + Cùng Cha quản xứ tặng quà (gạo, sách vỡ...) cho những người mù, tàn tật trong Giáo Hạt Cam Lâm trong những dịp Tết, Phục Sinh, Giáng Sinh.
  1. BAN GIÁO LÝ
Ngày thành lập: 9 - 1995
Số giáo lý viên: 31
Ngày bổn mạng: 25 - 4 (thánh Máccô)
Thời gian hoạt động từ ngày thành lập cho đến nay: Theo chu kỳ hoạt động của Ban giáo lý mỗi tháng BGL họp với cha quản xứ một lần. Ngoài ra, hàng quý BGL họp với Ban giáo lý hạt. Mỗi năm, BGL gởi các giáo lý viên các khối tham gia các khóa bồi dưỡng các lớp do BGL Giáo phận tổ chức vào dịp hè. Hội Phụ huynh học sinh giáo lý được thành lập để hổ trợ cho BGL và hướng dẫn các em trong việc học hỏi giáo lý và sống đạo nhờ sự cộng tác tích cực này mà việc dạy dỗ giáo lý đạt được kết quả tốt đẹp hơn.
Những hoạt động trong năm học, từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau: Công việc chính là dạy dỗ, truyền đạt kiến thức giáo lý cho các em từ khối Đồng cỏ non đến khối vào đời. Đặc biệt, vào Mùa Chay - Phục Sinh và Mùa Vọng - Giáng Sinh tổ chức phát phiếu dự lễ, nhất là trong dịp lễ Giáng Sinh, BGL tổ chức cho các em diễn hoạt cảnh, làm hang đá ngoài trời từ khối Căn Bản đến khối Vào đời. Riêng Mùa Chay - Phục Sinh BGL hướng dẫn các em tham gia vào việc bác ái xã hội bằng cách đóng góp giúp đỡ cho các học sinh nghèo, neo đơn, khó khăn và trẻ em dân tộc. Hằng năm, tổ chức cho các em các lớp tham gia các kỳ thi giáo lý cấp giáo hạt và giáo phận. Tổ chức lễ lên đường và phát chứng chỉ Giáo lý phổ thông cho lớp Vào đời 3.
Thời gian nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8. BGL tổ chức, hướng dẫn và dạy dỗ cho các lớp Xưng tội-Rước lễ lần đầu và Thêm Sức.
  1. CA ĐOÀN
          Hiện nay giáo xứ có 3 ca đoàn phục vụ cho các thánh lễ ngày thường và Chúa nhật. Ca đoàn lớn, khoảng 45 ca viên, Bổn mạng Thánh Gioan Maria Vianey phụ trách lễ sáng Chúa Nhật; Ca đoàn trung, khoảng 30 ca viên, Bổn mạng Đức Maria Trinh Nữ Vương phụ trách lễ chiều thứ 7; Ca đoàn thiếu nhi, khoảng 80 em,  Bổn mạng Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu phụ trách lễ chiều Chúa nhật. Nhờ sự hy sinh chuyên cần tập hát và siêng năng tham dự thánh lễ dâng lời ca tiếng hát của mình góp phần làm cho Phụng vụ Thánh lễ thêm trang trọng và sốt sắng.
 
  1. HOA QUẢ ƠN GỌI TRONG GIÁO XỨ
          Cha quản xứ đã cho thành lập BAN BẢO TRỢ ƠN GỌI để cầu nguyện, cổ động, hướng dẫn và giúp đỡ cho các em Dự Tu Nam Nữ trong Giáo xứ nhất là vào dịp Lễ Chúa Chiên Lành Bổn Mạng của các em và các sinh hoạt hằng năm ở cấp Giáo hạt. Hoa quả ơn gọi của giáo xứ từ khi thành lập cho đến hiện nay:
  1. Lm Nguyễn Phương (1954)
  2. Lm Gioan Baotixita Nguyễn Duy Lượng(06-1966)
  3. Lm Anrê Ngô Anh Nhơn (06-1970)
  4. Lm Anrê Hoàng Minh Tâm (11-1970)
  5. Lm Phêrô Nguyễn Văn Kính (03-1972)
  6. Lm Gioan Vianey Nguyễn Quang Ngọc (10-1974)
  7. Lm Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thi (10-1974)
  8. Lm Giuse Ðặng Thanh Minh(V)(12-1974)
  9. Lm Phêrô Mai Tính (9-1975)
  10.  Lm Phêrô Nguyễn Xuân Phong (04-1990)
  11.  Lm Giuse Trương Văn Phúc (11-1993)
  12.  Lm Giuse Hoàng Vinh (03-1995)
  13.  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Kính (05-1995)
  14.  Lm F.X Trần Quang Láng (06-1995)
  15.  Lm Maria Giuse Nguyễn Văn Minh (06-1997)
  16.  Lm Phêrô Lê Quốc Hùng (06-2004)
  17.  Lm Antôn Thái Bá Đại (05-2005)
  18.  Lm G.B Phan Tiến Dũng (2007)
  19.  Lm Phêrô Nguyễn Đình  Phong (12-2008)
  20.  Lm Phêrô Nguyễn Viết Duy (2010)
  21.  Lm Đôminicô Ngô Anh Quốc (2010)
  22.  Linh mục F.X Nguyễn Quách Tiến
  23.  Lm F.X Trần Đức Thái
  24.  Lm Giuse Nguyễn Tiến Dũng(2012)
                Nam tu sĩ: 2
                Nữ tu sĩ: 30
                Đại chủng sinh: 4                      Tiểu chủng sinh: 2
                Dự tu:         110 em (gồm Nam: 67 và Nữ: 43)
 
  1. NHỮNG SINH HOẠT GIÁO XỨ
  1. Giờ lễ:
  •  Tối Thứ Bảy: lúc 19h 00
  •  Chúa Nhật: Lễ sáng: 5h00 và lễ chiều: 16h 30
  •  Ngày thường: Lễ sáng: 4h 30  và lễ chiều: 17h 30
  1.  Bác ái xã hội: Hàng năm, vào dịp Tết nguyên đán, lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Bổn mạng giáo xứ có phát quà cho người nghèo, người dân tộc không phân biệt tôn giáo.
  2.  Giao lưu với các tôn giáo bạn: Hàng năm, vào dịp lễ Phật Đản và Tết nguyên đán đến thăm và chúc mừng nhà chùa và các phật tử. Dịp lễ Giáng Sinh mời các tăng ni và phật tử đến tham dự và chia sẻ niềm vui giáng sinh
 
  1. NHỮNG CƠ SỞ  TRONG GIÁO XỨ
1.     Trạm y tế của các sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá
2.     Trường Tiểu học cấp I xã Cam Hòa
3.     Trường Văn Tứ cũ
4.     Trường Mẫu Giáo Hoàng Yến
  1.  HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
Vì giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội, nên Giáo xứ rất quan tâm cho giới trẻ: Thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên. Cổ võ các em rèn luyện học hỏi về giáo lý, văn hóa, nhân bản và sống bác ái nhằm giúp các em rèn luyện đạo đức và sống đạo giữa đời. Hằng ngày, vào lúc 19 giờ có “Tiếng chuông học đường” nhắc nhở các em đọc kinh tối và học bài trước khi đi ngủ. Nhờ truyền thống hiếu học đó, rất nhiều con em trong giáo xứ đã tiếp tục bước vào Đại học Cao đẳng hay các ngành nghề khác ở khắp nơi trong nước và ngoài nước.
 

Tác giả: BTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá


Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây