Lựa chọn ở lại thật khó khăn nhưng hạnh phúc

Thứ bảy - 24/08/2024 06:32  157
Lựa chọn ở lại thật khó khăn nhưng hạnh phúc
Suy niệm Chúa nhật XXI Thường niên B.
Gs 24,1-8; Tv 34; Ep 5,21-32; Ga 6,60-69.
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org.

Sau năm Chúa nhật liên tiếp, diễn từ về Bánh hằng sống của Tin mừng Gioan đã đi đến hồi kết gây thất vọng. Một vài môn đệ của Đức Giêsu cảm thấy vỡ mộng trước vị Thầy đầy sức thu hút mà họ đã chọn. Phải chăng những môn đệ thân cận nhất của Đức Giêsu cũng muốn rời bỏ Ngài?
Tuyến phát triển trong chương 6 Tin mừng Gioan cho thấy những cao vọng mà dân chúng mong đợi nơi Đấng được tuyển chọn và xức dầu. Mở đầu Tin mừng Gioan, Đức Giêsu được giới thiệu như là ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, Đấng ban phát “ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Giờ đây, sau năm Chúa nhật suy gẫm về Đức Giêsu là Bánh ban sự sống từ trời xuống, câu kết thúc chúng ta bừng tỉnh: “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa” (Ga 6,65-66). Những gì đã diễn ra là một thời điểm thử thách quan trọng trong việc trở nên môn đệ. Những môn đệ thân cận nhất của Đức Giêsu, trong trình thuật gọi là Nhóm Mười Hai, giờ đây phải đào sâu hơn để hiểu những liên hệ thực sự từ con đường mới này, ngoài việc ban phát của ăn kỳ diệu và giáo huấn về Bánh hằng sống.

Bài đọc I cũng phản ánh yếu tố lựa chọn này. Giôsuê, người kế nhiệm Môsê dẫn dắt dân Israel, đã đến lúc sắp qua đời. Ông tập hợp các chi tộc Israel lại với nhau, tất cả 12 chi tộc, và đưa ra một lựa chọn: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn… Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (Gs 24,15). Ký ức tập thể của dân đã gợi lại tất cả cách thức Thiên Chúa đã tham gia vào hành trình của họ cho đến hiện tại: Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi ra khỏi cảnh nô lệ; Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi (Gs 24,17-18). Với sự trợ lực của Thiên Chúa như thế, tất cả các chi tộc có thể đáp lại câu hỏi của Giôsuê với lời khẳng định “Chúng tôi cũng sẽ tôn thờ Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa chúng tôi.”

Kết thúc có hậu ở trên không diễn ra trong bài Tin mừng tuần này. Một vài môn đệ đã rời đi và trở về với lối sống cũ trước đây. Họ rời bỏ Đức Giêsu. Lời kêu gọi tin tưởng vào diễn từ Bánh hằng sống cũng chính là lời mời từ bỏ triệt để ý muốn và ngay cả sự an toàn cá nhân. Một cách nào đó, Bánh hằng sống từ trời xuống có thể mang lại sự sống đời đời bởi vì Bánh ấy đi qua sự hiến dâng trọn vẹn mạng sống của một con người. Có một cái giá đích thực đối với người môn đệ, cũng giống như có một lời hứa thực sự về nguồn nuôi dưỡng từ Đức Giêsu. Ngài là thịt và máu, nhưng cũng là thần khí và sự sống. Tuy nhiên, mọi thứ đều đi qua lăng kính của sự hy sinh.

Các bài đọc của Chúa nhật XXI Thường niên B cung cấp những chìa khóa ẩn giấu cho dòng suy tư này. Khi khích lệ những người vợ hãy phục tùng chồng mình, thánh Phaolô đang xây nên sự tương đồng về cô dâu và chàng rể giống như về Giáo hội và Đức Kitô. Sự phục tùng của người vợ phù hợp với sự hy sinh trọn vẹn của người chồng. “Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Mỗi vế, trong những câu Kinh thánh thường sử dụng sai này đều dùng từ Hy Lạp agape là loại tình yêu hy sinh phổ biến. Vợ chồng trao ban trọn vẹn cho nhau như Đức Kitô trao ban mạng sống của mình cho tất cả mọi người để họ được sống đời đời. Điều này cũng có ý nghĩa là gắn chặt với diễn từ Bánh hằng sống, nơi đó một cách nào đó sự sống vĩnh cửu được ban tặng luôn là một loại tình yêu hy sinh được trao ban, được bẻ ra và được nhận lãnh. Được xướng lên trong ba Chúa nhật vừa qua, Thánh vịnh 34 hát khen cách Thiên Chúa đáp lại những người bị vùi giập trên thế giới, những người nghèo, những người gần như không có gì. “Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát” (Tv 34,19).

Quan điểm về sự hy sinh này, được những người bị vùi dập trên thế giới hiểu rõ, thật khó để chấp nhận. Phải chăng đây là một bức tường thiêng liêng mà một vài môn đệ Đức Giêsu không thể nhìn thấu và vì thế họ rời bỏ Ngài. Lời chứng hùng hồn của Nhóm Mười Hai ở cuối trình thuật, sự kiện các ông ở lại với Thầy và Chúa, gắn liền với một loại nghèo khó cụ thể như Thánh vịnh đáp ca diễn tả. Họ không có gì, ngoại trừ việc họ cũng có mọi thứ khi theo Đức Kitô. Thay mặt cho tất cả những người ở lại, Phêrô thưa với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin” (Ga 6,68-69).

Cầu nguyện
Chúng ta có thể gợi lại một khoảnh khắc thử thách quan trọng trên hành trình đức tin không?
Chúng ta có đang được mời gọi tin sâu sắc hơn vào Đức Giêsu không?
Những lời của Đức Giêsu về sự sống đời đời có ý nghĩa gì cho cộng đoàn của chúng ta?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay19,339
  • Tháng hiện tại216,275
  • Tổng lượt truy cập50,628,882

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây