Nguồn nuôi dưỡng đích thực cho những ai đói khát và kém tin
Chúa nhật XX Thường niên B
Cn 9,1-6; Tv 34; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Trong ba Chúa nhật trước, các bài đọc tập trung vào Đức Giêsu là bánh ban sự sống. Và còn thêm hai tuần nữa nói về Thánh Thể. Đến giờ, các tín hữu tham dự thánh lễ có lẽ đã tin vào lập luận cốt lõi [Đức Giêsu là Bánh ban sự sống], ngoại trừ thực tế là không có lập luận thực sự nào ngoài một lời tuyên xưng đức tin được lặp lại nhiều lần. Đức Giêsu nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Thay cho một lập luận thực sự, các bài đọc Chúa nhật XX Thường niên B mời gọi đọc giả suy ngẫm về nguồn nuôi dưỡng đích thực chứ không phải về “thức ăn” ẩn dụ cho hành trình cuộc đời.
Những yếu tố quan trọng của cuộc sống không cần bất kỳ tranh luận nào. Những nhu cầu của con người như: ngủ nghỉ, ăn uống, sức khỏe, tình yêu, tình cảm và sự an toàn thì cũng không cần phải giải thích. Người ta có thể lập luận rằng có những nhu cầu cấp thiết khó diễn đạt hơn như nhu cầu sáng tạo, niềm vui và sự hiệp thông thiêng liêng. Đáp lại tất cả những nhu cầu này và hơn thế, Tin mừng Gioan mang đến một khoảnh khắc phản tỉnh để suy ngẫm: “Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Bài Tin mừng báo trước sự khước từ hay hiểu sai về diễn từ bánh ban sự sống như một nguồn lương thực vật chất, trần tục. Trong phần sau của bài Tin mừng, ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nghi ngờ về những lời của Ngài theo như nghĩa đen. Việc từ chối của các ông không vô lý, vì ngôn ngữ mang tính biểu trưng và ẩn dụ về lương thực thiêng liêng hết sức bình thường trong Kinh thánh. Người ta đọc thấy trong bài đọc I: “Sự khôn ngoan đã xây nhà mình;” “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi!” (Cn 9,1.5). Hai tuần liên tiếp, Thánh vịnh 34 đã lặp lại “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.” Không có lý lẽ thần học, hay Kinh thành nào không xem những lời của Đức Giêsu như nguồn nuôi dưỡng tượng trưng cho tâm hồn giống như thức ăn cho thể xác.
Tuy nhiên, những điều đọc được trong Tin mừng tuần này là lời từ chối đón nhận cách giải thích tượng hình này. Chúa Giêsu kiên quyết đáp lại: “Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55). Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về lời này, Chúa Giêsu lặp lại lời tuyên xưng đức tin theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56).
Tất cả những điều này trở thành một thời khắc giảng dạy tại hội đường Capharnaum. Trước tất cả những nhu cầu thiết yếu của những người đói khát, Chúa Giêsu đáp lại khi phán Ngài là của ăn và thức uống đích thực. Những người bên trong hội đường phải đối mặt với mọi mức độ của cơn đói khát, từ tinh thần, đến tình cảm và thể xác, và phải ít ra xem xét cách Chúa Giêsu có thể thỏa mãn tất cả những nhu cầu đó: Điều này hẳn là vô lý!
Chúa Giêsu không đổi hướng đi. “Kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta” (Ga 6,57). Diễn từ về bánh hằng sống có thể đi theo hai hướng: như ẩn dụ về nguồn nuôi dưỡng thiêng liêng hoặc như nguồn lương thực không giới hạn. Công giáo đã giải thích lời này triệt để. Bạn đang đói? Hãy ăn Đức Giêsu. Chết khát? Hãy uống máu Đức Giêsu. Cảm thấy tinh thần mệt mỏi và cảm xúc bất ổn? Hãy đón nhận Đức Giêsu như của ăn và thức uống thực sự.
Các thần học gia đã nỗ lực đưa ra một cách thức suy tư hợp lý về nguồn nuôi dưỡng đích thực của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Tôma Aquinô là người lên tiếng đầu tiên. Kinh thánh thì khác. Trong Kinh thánh, sự nuôi dưỡng đích thực của Đức Giêsu như là thịt và nước cho một thế giới đang đói khát vẫn là một mầu nhiệm. Tuy nhiên, đây không phải một kiểu ẩn dụ về lương thực. “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,58).
Vẫn còn một điều cuối cùng cần xem xét. Như một mầu nhiệm, có một gợi ý từ các bài đọc của Chúa nhật tuần này và tuần sau rằng những ứng viên sẵn sàng đón nhận lời dạy khó nghe về nguồn nuôi dưỡng đích thực chính là người nghèo - những người đang bị cơn đói dằn vặt “Bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo” (Tv 34,11). Chúa nhật tới báo trước những người nghèo không có gì ngoài những lời ban sự sống đời đời của Đức Giêsu.
Cầu nguyện
Chúng ta dành bao nhiêu không gian trong đời sống của mình cho mầu nhiệm?
Bí tích Thánh Thể trở nên nguồn nuôi dưỡng đích thực cho hành trình cuộc sống bằng cách nào?
Chúng ta cần Chúa Giêsu thỏa mãn cơn đói nào nhất?