Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 52 và 53.

Thứ sáu - 24/02/2017 21:03  1540

Tuần 52: Sách Isaia II, chương 49-55.

I. NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ (Isaia 52,13 – 53,12)

Đây là bài ca thứ tư về Người Tôi tớ đau khổ trong sách Isaia. Vậy Người Tôi tớ này là ai? Phải chăng là tiên tri Giêrêmia vì tiên tri Giêrêmia được mô tả như con chiên bị đem đến lò sát sinh (Gier 12,19), và người tôi tớ đau khổ cũng vậy (Is 53,7). Kinh nghiệm của Giêrêmia cho thấy một tiên tri phải chấp nhận đau khổ mới có thể chu toàn sứ mạng.

Phải chăng Người Tôi tớ là dân Israel? Người tôi tớ đau khổ bị giết chết (Is 53,8-9) nhưng rồi sẽ được trường tồn và được thấy hậu duệ của mình. Israel cũng thế, coi như đã chết trong cảnh lưu đày nhưng sẽ trỗi dậy như trong thị kiến của Ezekiel về cánh đồng xương khô cũng như trong Is. 26.

Truyền thống Kitô giáo vẫn đọc bài ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ như lời tiên tri về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Chính vì thế, cùng với trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, bài ca này được chọn làm bài đọc I trong Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Những chi tiết trong bài ca về Người Tôi Tớ được tái diễn nơi Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người một cách cụ thể. Hãy đọc kỹ bài ca này và chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá để khám phá mầu nhiệm cứu độ.

Chúa Kitô chịu đau khổ vì chúng ta và thay cho ta, nhờ đó ta được chữa lành: “Chính Người đã mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, bị nhục nhã ê chề” (53,4)

“Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho ta được chữa lành” (53,5)

Bài ca về Người Tôi tớ đau khổ còn trình bày một cách nhìn mới về đau khổ. Truyền thống lâu dài trong Kinh Thánh vẫn coi đau khổ là hình phạt tội lỗi. Thiên Chúa thuởng phạt nhãn tiền tùy theo đời sống tốt lành hay xấu xa của mỗi người. Quan niệm này vẫn là quan niệm quen thuộc vào thời Chúa Giêsu, được thể hiện qua thái độ của những người Pharisêu, kể cả các môn đệ của Chúa (x. Ga 9,2).

Nhưng trong bài ca về Người Tôi Tớ, Người Tôi Tớ phải chịu đau khổ không do tội lỗi của mình mà do Ngài gánh chịu đau khổ của chúng ta (Is 53,4). Như thế, đau khổ có giá trị cứu độ: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).

Cách nhìn này cũng soi sáng cho linh đạo Kitô giáo về đau khổ. Người Kitô hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Kitô trong đau khổ: “Điều quan trọng là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (Phil 3,10). Đồng thời, đón nhận đau khổ là cách thế để ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).

II. CHAY TỊNH (58,1-14)

Sau khi Giêrusalem bị thất thủ năm 586 trước Công nguyên, dân Israel có thói quen giữ bốn ngày chay vào các tháng tư, năm, bảy và mười. (x. Zacaria 8,18). Tiên tri Isaia cho rằng việc giữ chay này không có giá trị nội tâm nào. Ngài không chống đối nghi thức giữ chay nhưng cho rằng chay tịnh đích thực phải liên kết với công bằng xã hội. Câu 6-7 đưa ra những nét chính yếu của tôn giáo đích thực: giải thoát người bị áp bức, nuôi dưỡng kẻ đói nghèo, cho người vô gia cư nương nhờ… Những điều được nói đến ở đây làm ta liên tưởng đến dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (Mt 25,31-46).

Giáo huấn của tiên tri Isaia cũng giúp người Kitô hữu nhìn lại việc giữ chay, vốn là đòi hỏi được nhấn mạnh trong mùa Chay. Chay tịnh đích thực phải bắt nguồn từ trong tâm hồn như Chúa Giêsu dạy, “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn” (Mt 6,17). Hơn thế nữa, trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, ta hiểu rằng chay tịnh là sự tập luyện sống mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu (x. Phil 2,5-11) để tình yêu được triển nở trong ta. Chính vì thế, trong mùa Chay, việc giữ chay thường được gắn liền với việc cầu nguyện và làm việc bác ái. Hiểu như thế, chay tịnh không chỉ là một nghi thức phải giữ hay một lề luật phải chu toàn nhưng là phương thế huấn luyện đời sống Kitô hữu, không chỉ giới hạn trong mùa Chay nhưng cần trải dài trong suốt hành trình ơn gọi làm người và làm môn đệ Chúa Giêsu.
 

Tuần 53: Sách Ezra và Nehemia.

I. LỊCH SỬ

Bối cảnh của sách Ezra và Nehemia là thời kỳ 200 năm của đế quốc Ba Tư. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 539 trước Công nguyên khi Kyrô đại đế của Ba Tư nắm quyền kiểm soát toàn vùng Cận Đông, cho đến năm 333 trước Công nguyên là lúc Alexander đại đế của Hi Lạp giành quyền thống trị. Sách Ezra và Nehemia tập trung vào hai giai đoạn: (1) giai đoạn thứ nhất (538-515) khi những người lưu đày đầu tiên trở về Giuđa dưới quyền lãnh đạo của Sheshbazzar và tái thiết Đền thờ dưới sự lãnh đạo của Zerubbabel và Jeshua, và (2) giai đoạn thứ hai (445-398) với việc xây dựng tường thành Giêrusalem và cải tổ tôn giáo dưới quyền lãnh đạo của Nehemia.

1. Hồi hương và tái thiết Đền thờ (538-515 trước Công nguyên)

Trong năm đầu tiên của triều đại vua Kyro (538), nhà vua ra chiếu chỉ cho phép dân Do Thái lưu đày được trở về quê hương. Nhưng không phải mọi người dân lưu đày đều trở về. Một số người cảm thấy thoải mái với cuộc sống trên miền đất lưu đày, có người lại làm ăn phát đạt, đang khi đó quê hương họ (Giuđa) vẫn còn là miền đất nghèo khổ và bị tàn phá. Do đó lúc ban đầu chỉ có một số ít người trở về, sau này sẽ đông hơn.

Sau khi vua Kyro qua đời (530), Cambyses lên ngôi và đã có công chinh phục được Ai Cập. Tuy nhiên ông bị lật đổ và Darius I lên ngôi trị vì từ 522-485 trước Công nguyên. Trong thời Darius, cộng đồng Do thái ở Giuđa đã phát triển rất nhanh. Dưới sự lãnh đạo của Zerubbabel (một nhà lãnh đạo dân sự) và Jeshua (một tư tế), Đền thờ đã được tái thiết và được cung hiến bằng một nghi lễ trọng thể năm 515. Đây là ngôi Đền thờ thứ hai sau Đền thờ do vua Salomon xây và đã bị tàn phá. Ngôi Đền thờ này đã trở thành trung tâm đời sống của người Do Thái cho đến khi bị quân Roma tàn phá vào năm 70 sau Công nguyên. Việc tái thiết Đền thờ là công trình lớn lao đầu tiên mà dân thực hiện, và được coi là đá nền cho việc tái thiết cộng đồng.

2. Tái thiết tường thành Giêrusalem và cải cách tôn giáo (445-398 trước Công nguyên)

Sách Ezra và Nehemia hầu như không nói gì đến giai đoạn 70 năm từ khi tái thiết Đền thờ đến khi bắt đầu sứ vụ của Nehemia (515-445). Sau khi vua Darius qua đời, Xerxes lên ngôi trị vì từ 485-465, kế đó là Artaxerxes I (465-425). Chính trong triều đại của Artaxerxes, cộng đồng Do Thái lại một lần nữa phát triển rất mạnh.

Trong thời lưu đày, Nehemia đã trở thành một viên chức cao cấp trong triều đình nhà vua. Năm 445 ông được Artaxerxes sai đến Giuđa lãnh đạo cộng đồng Do Thái (Neh 2,1). Trong nhiệm kỳ đầu làm người lãnh đạo Giuđa, Nehemia đã tiến hành việc xây dựng tường thành chung quanh Giêrusalem mặc dù bị một số người chống đối. Khi hoàn thành công việc này, ông đã trở lại Ba Tư năm 443 nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông quay lại Giuđa. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông tiến hành nhiều cuộc cải cách nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh của cộng đồng Do Thái, không chỉ vì cộng đồng này mà còn vì ích lợi của Ba Tư.

Ezra là hậu duệ của Aaron và là một ký lục. Khi cuộc hồi hương bắt đầu, ông được nhà vua trao trách nhiệm hoà giải người Giuđa và người Samari. Là một ký lục, ông đã thu thâp những bản thảo Thánh Kinh và Truyền Thống để làm thành một tổng thể dễ hiểu. Ông chủ trương tách biệt người Do Thái với người nước ngoài, và cố gắng kêu gọi dân chúng tuân theo những nguyên tắc sống của Do Thái giáo.

II. NỘI DUNG THẦN HỌC

1. Lịch sử và những sách viết về lịch sử

Trong toàn bộ Thánh Kinh Do Thái, có ba khối sử liệu trình bày về những biến cố lớn trong lịch sử Israel: (1) Bốn sách đầu tiên của Thánh Kinh trình bày giai đoạn từ khi hình thành nhân loại đến khi con cái Israel chuẩn bị đặt chân vào Đất Hứa, (2) từ sách Đệ nhị luật cho đến sách Các Vua II trình bày giai đoạn từ khi dân vào Đất Hứa rồi qua thời quân chủ cho đến khi lưu đày bên Babylon, và (3) sách Biên Niên Sử và sách Ezra, Nehemia trình bày giai đoạn từ khi vua Đavít nổi lên cho đến khi tái thiết Đền thờ thời hậu lưu đày.

Tất cả những sử liệu này không chỉ mang tính biên niên sử nhưng còn nhắm mục đích trình bày ý nghĩa thần học. Đối với sách Ezra và Nehemia cũng vậy. Tuy hai sách này cung cấp nhiều thông tin về mặt lịch sử nhưng mục đích chính vẫn là tuyển chọn và sắp xếp các tư liệu cho phù hợp với mối quan tâm thần học của tác giả.

Hãy thử nhìn lại cách sắp xếp trong hai sách này:

Phần I (Ezra 1-6) : Tái thiết Đền thờ
Phần II (Ezra 7-10) : Củng cố việc thờ phượng của cộng đoàn
Phần III (Neh 1-7) : Tái thiết Đền thờ Giêrusalem
Phần IV (Neh 8-13) : Củng cố cộng đoàn chung quanh lề luật

Nền tảng của Do thái giáo thời hậu lưu đày là Đền thờ và việc thờ phượng. Do đó phần I tập trung vào việc tái thiết Đền thờ cho dù cả Ezra và Nehemia đều không phải là những người dấn thân vào việc này từ đầu. Việc thờ phượng tại Đền thờ đòi hỏi dân Chúa phải thanh sạch, phải là dân được tách riêng ra cho Chúa. Vì thế phần II nhấn mạnh đến cuộc cải cách do Ezra khởi xướng nhằm bảo vệ dân khỏi những ảnh hưởng ngoại lai. Giêrusalem được gọi là thành thánh vì có Chúa hiện diện, mà như thế thành phải có sức mạnh và được bảo đảm. Do đó phần III nói đến việc xây dựng tường thành dưới quyền lãnh đạo của Nehemia. Tất cả những công việc trên đều nhằm mục đích củng cố cộng đồng Dân Chúa sống theo Lề luật, và đó là trọng tâm của phần IV. Nhìn như thế, ta sẽ thấy rõ ý hướng thần học của tác giả khi sắp xếp các sử liệu trong sách.

2. Những ý tưởng thần học chính

Công trình của Thiên Chúa và sự trợ giúp của người Ba Tư: Giống như các tác giả thời trước, những người biên soạn sách Ezra và Nehemia cho rằng chính Giavê, Thiên Chúa của Israel, điều khiển lịch sử thế giới. Kể cả sự sụp đổ của dân tộc và tình trạng lưu đày cũng là việc Chúa làm. Bây giờ cũng chính Thiên Chúa đem dân lưu đày trở về. Sự trợ giúp của chính quyền Ba Tư trong việc tái thiết đất nước được trình bày như là do Chúa sắp xếp.

Đền thờ và việc phụng tự: Sách Ezra và Nehemia chú trọng đặc biệt đến Đền thờ và việc thờ phượng, do đó việc tái thiết Đền thờ được trình bày như mục tiêu chính yếu của dân lưu đày. Đồng thời những chi tiết về tế lễ cũng như tư tế được quan tâm đặc biệt trong sách này.

Một dân được tách riêng ra cho Chúa: Trước thời lưu đày, dân Israel có căn tính rất rõ ràng. Họ là một dân độc lập, có lãnh thổ riêng với thủ đô là Giêrusalem, có các vua của mình từ Đavít cho đến các vua khác, có Đền thờ là nơi Chúa ngự. Thế nhưng họ đã đánh mất tất cả khi bị đem đi lưu đày. Bây giờ khi được trở về, họ cố gắng xây dựng lại căn tính của dân tộc trong hoàn cảnh mới bằng cách bảo vệ tính riêng biệt của mình so với các dân khác. Từ đó ta hiểu được tại sao có những quy định khắt khe, vd. không được kết hôn với người nước ngoài. Tất cả nhằm bảo vệ căn tính của dân tộc mình. Ngày nay khi đọc sách Ezra và Nehemia, cần đặt mình trong bối cảnh trên để hiểu được tâm tư ý hướng của tác giả.

Tính liên tục: Sách Ezra và Nehemia tìm cách khẳng định rằng dân Do Thái giáo sau lưu đày và Israel trước lưu đày chỉ là một. Israel ngày xưa được làm thành từ 12 chi tộc, bây giờ hầu hết những người từ lưu đày trở về cũng định cư ở những vùng đất tổ tiên họ đã ở. Đền thờ cũng được xây trên nền cũ. Việc tế tự cũng được trao cho hâu duệ của những vị tư tế ngày xưa. Sinh hoạt phụng tự cũng lấy lại những nghi thức cũ, và lề luật hướng dẫn cộng đồng là luật Môsê. Tất cả đều nhấn mạnh tính liên tục giữa cộng đoàn sau lưu đày và Israel trước thời lưu đày.

III. NHỮNG BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Có thể rút ra nhiều bài học cần thiết cho đời sống đức tin khi đọc sách Ezra và Nehemia. Ở đây chỉ xin nêu ra hai bài học lớn:

1. Củng cố căn tính tôn giáo

Dân Israel từ miền đất lưu đày trở về đã cô gắng củng cố căn tính tôn giáo của dân tộc họ là dân được tách riêng ra để dành cho một mình Chúa. Để thực hiện công việc này, họ được mời gọi:
– trung thành với việc cử hành các ngày lễ tôn giáo ( lễ Vượt Qua, lễ Lều, lễ Ngũ Tuần…)
– quy tụ mỗi ngày sabat để nghe Lời Chúa và giữ luật sabat
– cầu nguyện hằng ngày

Trong thời đại tục hoá ngày nay, căn tính Kitô giáo nơi nhiều Kitô hữu đang bị đe doạ. Liệu người Kitô hữu có quan tâm đến việc bảo vệ căn tính của mình không, và nếu quan tâm, ta có thể rút ra được những bài học nào khi đọc sách Ezra và Nehemia?

2. Gia đình, môi trường chuyển giao đức tin

Ngoài việc tuân giữ những lề luật tôn giáo như đã trình bày, sách Ezra và Nehemia cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc chuyển giao đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, cộng đoàn sau lưu đày chủ trương không kết hôn với người nước ngoài bởi vì nếu người mẹ không cùng tôn giáo, làm sao bà có thể giúp con cái duy trì và phát triển đời sống đức tin? Chủ trương này có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh ngày nay, tuy nhiên vẫn hàm chứa một sứ điệp quan trọng về tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đức tin, nhất là trong hoàn cảnh ngày nay khi đời sống gia đình bị tan rã rất nhiều. Hơn bao giờ hết, các gia đình công giáo – nhất là những gia đình trẻ – cần ý thức điều này, và các lớp chuẩn bị hôn nhân cần xem đây là một chủ đề phải được nhấn mạnh.

 

 

 

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại682,069
  • Tổng lượt truy cập52,851,017

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây