Tuần 70: Sách Daniel, chương 1 – 6
PHẦN I. DANIEL VÀ CÁC VUA BABYLON (chương 1-6)
I. NỘI DUNG
Phần đầu của sách Daniel là một tuyển tập sáu câu chuyện ngắn về Daniel và các bạn của ngài. Theo các câu chuyện này, từ khi còn trẻ, Daniel đã bị đem đi lưu đày bên Babylon năm 606 trước Công nguyên (1,1), ở đó cậu sống đạo đức và được Chúa ban cho khả năng giải thích các giấc mộng và thị kiến. Những câu chuyện được trình bày thuộc hai loại: những truyện kể về lòng trung thành (chương 1,3,6) và những truyện kể về sự khôn ngoan (chương 2,4,5). Những truyện này làm nổi bật giáo huấn: nhờ vâng phục lề luật, người tín hữu sẽ chiến thắng địch thù và làm chứng cho quyền năng Thiên Chúa.
1. Những truyện kể về lòng trung thành
a) Thử thách về thực phẩm (1,1-21)
Truyện kể đầu tiên này giới thiệu Daniel và các bạn của ngài cũng như việc huấn luyện họ trong triều đình vua Nabuchodonosor, đồng thời nói đến những thử thách và cám dỗ nhằm đồng hoá họ với văn hoá ngoại giáo, cụ thể là dùng những thực phẩm mà Lề luật Do thái cho là ô uế.
b) Lò lửa (3,1-97)
Truyện này đề cao dung nhan Thiên Chúa đích thực, Đấng mà Shadrach, Meshach và Abednego thờ phượng. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, kể cả cái chết, còn hơn là phải thờ phượng thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa của Israel.
c) Hầm sư tử (6,2-29)
Truyện kể về sự ghen tị của các quan chức trong triều đình đối với Daniel. Họ tìm cách tố cáo ngài với vua Darius. Họ đã thành công khi Daniel bị ném vào hầm sư tử, nhưng thành công đó đã trở thành án phạt cho họ khi Daniel được Chúa gìn giữ và cứu thoát.
2. Những truyện kể về sự khôn ngoan của Daniel
a) Daniel giải mộng cho nhà vua (2,1-49)
Thiên Chúa mạc khải cho Daniel những mầu nhiệm mà các pháp sư của nhà vua không biết được, nhờ đó nhà vua nhìn nhận sự siêu việt của Thiên Chúa mà Daniel tôn thờ.
b) Thị kiến về một thân cây vĩ đại (3,98-4,34)
Vua Nabuchodonosor có giấc chiêm bao về một cây vĩ đại, ngọn cây chạm tới trời (4,7-14) nhưng không ai giải thích thị kiến này được. Chỉ một mình Daniel có thể giải thích, và cuối cùng những lời giải thích của ngài đã thành hiện thực.
c) Những dòng chữ trên tường (5,1 – 6,1)
Truyện kể về sự phạm thánh của vua Belshazzar khi ông lấy những chén vàng và bạc đã lấy từ Đền thờ Giêrusalem về để uống rượu vui chơi. Ngay lập tức, những dòng chữ xuất hiện trên tường… và Daniel đã giải thích ý nghĩa của những dòng chữ đó, loan báo hình phạt dành cho nhà vua.
II. NHỮNG BÀI HỌC CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
1. Thiên Chúa là nguồn sức mạnh và sự khôn ngoan
Dù không dùng những thực phẩm cao lương mỹ vị, dù bị ném vào lò lửa hay hang sư tử, Daniel và các bạn của ngài vẫn sống vì Thiên Chúa bảo vệ, chở che họ. Thánh Phaolô nói thật hùng hồn: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?… Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?…Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31-37).
Nhờ ơn soi sáng của Chúa, Daniel còn lĩnh hội được sự khôn ngoan vượt trên mọi người, có thể giải thích được những điều bí nhiệm và đọc được ý nghĩa của lịch sử. Chúa Giêsu đoan quyết với các môn đệ: “Chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21,15).
Người tin Chúa đón nhận được sức mạnh và sự khôn ngoan này nhờ cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, Daniel đón nhận được ơn soi sáng của Chúa (x. 2,14-24). Ngay giữa lò lửa, các bạn của Daniel cất lời ngợi khen Chúa (3,24-90).
2. Trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh
Sách Daniel được viết trong bối cảnh Dân Chúa đang chịu áp lực nặng nề của văn hoá ngoại giáo, và những câu truyện trong sách khuyến khích mọi người trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, cụ thể là trung thành với Lề Luật. Cho dù trong thời điểm hiện tại, có thể thấy những lề luật đó không còn phù hợp, nhưng điều quan trọng là sự thể hiện lòng trung thành.
Trong bối cảnh thời đại ngày nay, người Kitô hữu cũng cần trung thành với Lời Chúa. Đó là cách thể hiện cụ thể đức tin và lòng trung thành của ta với Chúa.
Tuần 71: Sách Daniel ( Chương 7-12 )
PHẦN II. NHỮNG THỊ KIẾN CỦA DANIEL ( Chương 7-12 )
Trong những chương này, sách Daniel trình bày những thị kiến mang tính khải huyền. Khải huyền là một thể văn phát triển mạnh từ năm 200 – 100 trước Công nguyên (x. Is 24-27; Ezekiel 38-39; Daniel 7-12). Những tác phẩm khải huyền mạc khải những điều mà trí khôn bình thường của con người không hiểu được. Những mạc khải này được trình bày qua trung gian của các thiên sứ, thị kiến và biểu tượng. Trong sách Daniel, những chương 7-12 khuyến khích những người đang phải chịu bách hại dưới thời Antiochus IV hãy vững tâm vì thời đau khổ đã sắp hết. Những chương này trình bày 4 thị kiến.
1. Thị kiến về bốn con thú (7,1-28)
Cảnh thứ nhất (7,2-8): gió bốn phương trời khuấy động biển cả và bốn con thú từ biển xuất hiện với những hình dạng đáng sợ (x. Kn 7,11), đặc biệt con thú mười sừng: sừng nhỏ xuất hiện, có mắt người và miệng nói những lời ngạo mạn.
Cảnh thứ hai (7,9-12): cảnh xử án trên trời, với Đấng Lão thành ngự trên ngai lửa và hàng ngàn tôi tớ hầu hạ (x.1Ks 22,19). Khi các cuốn sách được mở ra, bốn con thú bị đem ra xử, và con thú thứ tư bị phân thây, làm mồi cho lửa. Những con thú còn lại bị tước quyền thống trị nhưng còn được sống một thời hạn.
Tiếp đó, Daniel thấy một vị giống như Con Người, ngự trên đám mây mà đến. Vị này được Đấng Lão thành trao cho quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
Sau khi chứng kiến, Daniel được giải thích. Bốn con thú tượng trưng cho bốn vương quốc (Babylon, Median, Ba Tư, Hi Lạp) mà Dân thánh của Chúa sẽ chiến thắng. Mười sừng của con thú thứ tư tượng trưng cho vương quốc Hi Lạp bị chia cắt, và cái sừng nhỏ phạm thượng tượng trưng cho Antiochus IV Epiphanes là người đã bách hại dân Do thái ở Giêrusalem (x. 1 Macabê 1,20-63). Thiên thần bảo đảm với Daniel rằng mặc dù cái sừng nhỏ này chống lại Dân Chúa nhưng quyền lực của nó chỉ tạm thời (câu 24-26). Con Người ở đây là hình ảnh của Dân Chúa sẽ được trao quyền thống trị trong tương lai.
2. Thị kiến về cừu đực và dê đực (8,1-27)
Thị kiến kể lại cuộc chiến giữa con cừu hai sừng (Median và Ba Tư) và con dê đực (Alexander đại đế). Tuy dùng những hình ảnh khác, nhưng thị kiến này cũng nói đến diễn tiến lịch sử như trong chương 7. Con dê đực hạ gục con cừu hai sừng cách dễ dàng, ám chỉ việc Alexander đại đế đánh hạ Ba Tư trong các cuộc chiến từ năm 334-331 trước Công nguyên. Tuy nhiên khi nó đang sung sức thì cái sừng lớn bị gãy, ám chỉ cái chết yểu mệnh của Alexander năm 323, và bốn sừng khác mọc lên, có ý nói về vương quốc của Alexander bị chia thành bốn: Macedonia, Tiểu Á, Syria-Babylonia, và Ai Cập. Từ một trong các sừng lại xuất hiện cái sừng nhỏ, ám chỉ Antiochus IV Epiphanes, là ông vua dám xúc phạm đến Đền thánh.
Được thiên sứ Gabriel giải thích, Daniel hiểu rằng cơn giận của Thiên Chúa sắp nổ ra và Antiochus sẽ bị lật đổ. Câu “cho đến hai ngàn ba trăm chiều và sáng” được hiểu là 1150 ngày, tức là 3 năm và 70 ngày. Thời gian này tương ứng với thời gian từ khi Đền thánh bị xúc phạm năm 167 đến khi được thánh hiến lại năm 164 (x. 1 Macabê 4,52-59 và 10,3).
3. Thị kiến thứ ba: Gabriel và 70 tuần (9,1-27)
Thị kiến thứ ba là mạc khải trực tiếp cho Daniel qua trung gian thiên sứ Gabriel. Chương này được chia thành hai phần: lời cầu của Daniel (9,3-19) và Thiên Chúa trả lời (9,20-27).
Lời cầu nguyện của Daniel phát xuất từ việc suy niệm lời của tiên tri Giêrêmia (x. Gier 25,11-12; 29,10): 70 năm phải trôi qua trước khi Giêrusalem mãn thời kỳ điêu tàn.
Sau đó, Gabriel được Chúa sai đến để giải thích cho Daniel về lời tiên tri của Giêrêmia. 70 năm ở đây là 70 tuần năm, nghĩa là 490 năm. 70 tuần năm này được chia thành ba thời kỳ:
(1) bảy tuần (49 năm) cho đến khi vị lãnh đạo được xức dầu xuất hiện (nghĩa là từ năm 587 trước Công nguyên (lưu đày lần II) đến năm 538 (Kyrô xuất hiện).
(2) 62 tuần (434 năm) đến khi một vị xức dầu bị thủ tiêu: từ khi chấm dứt lưu đày năm 538 đến khi khi thượng tế Onias III bị ám sát năm 170. Như thế phải tính là 368 năm chứ không phải 434 năm. Tuy nhiên các nhà chú giải cho rằng sai sót này có thể hiểu được tác giả sách Daniel không nắm rõ thời kỳ cai trị của Ba Tư.
(3) một tuần (7 năm) từ 170 – 163 trước Công nguyên: thời bách hại của Antiochus IV Epiphanes trong vòng nửa tuần, sau đó bị tiêu diệt.
4. Thị kiến về các cuộc chiến tranh Hi Lạp (10,1 – 12,13)
Thị kiến thứ tư này được chia làm ba phần:
– Dẫn nhập dài mô tả sự xuất hiện của sứ giả và
cuộc trò chuyện với Daniel (10)
– Cho biết về những cuộc chiến giữa nhà Ptolemies
tại Ai Cập và nhà Seleucides tại Syria, và kết thúc
là cái chết của Antiochus (11-12,4)
– Phần kết (12,5-13)
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn