Tuần 84: Thư thứ hai Côrintô (chương 8 -13)
I. LẠC QUYÊN CỨU TRỢ THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO (8-9)
Cứu trợ, giúp đỡ những người đang lâm cảnh hoạn nạn là việc tốt lành được khuyến khích ngay trên bình diện tự nhiên như người Việt Nam thường nói, “Lá lành đùm lá rách.” Đương nhiên người Kitô hữu được khuyến khích thực hiện công việc tốt lành này, và trong thực tế, đây là một trong những nét nổi bật của Giáo hội suốt dòng lịch sử. Vậy đâu là động lực, thái độ cần có khi làm việc bác ái này?
1. Động lực
Động lực sâu xa nhất là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng “vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Co 8,9). Đó là lô-gích của tình yêu đích thực, tình yêu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, tình yêu hiến dâng mạng sống trên thập giá. Niềm tin vào Chúa Kitô thúc đẩy các Kitô hữu sống tình yêu đó ngay trong cộng đoàn, và tình yêu đó làm nên sự hiệp thông, chia sẻ, bình đẳng trong cộng đoàn tín hữu: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em lúc anh em lâm cảnh túng thiếu” (8,14).
2. Thái độ
Nếu niềm tin vào Chúa Kitô là động lực thúc đẩy thì niềm tin đó cũng định hướng cho cung cách thi hành việc bác ái: hăng hái, vui vẻ, quảng đại. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Khi người ta hăng hái dâng cái mình có thì Thiên Chúa chấp nhận, còn nếu không có thì thôi” (8,12); “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (9,7).
3. Hiệu quả
Những việc bác ái được thực hiện trong tinh thần trên sẽ đem lại những hiệu quả phong phú, không những đáp ứng nhu cầu của những người đang lâm cảnh túng thiếu, mà còn là cách thế tôn vinh Chúa: “Việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người” (9,12-13).
Giáo huấn của thánh Phaolô về việc bác ái soi sáng cho ta điều gì khi thực hiện các việc bác ái? Còn cần phải chấn chỉnh và sửa đổi những gì?
II. TỰ HÀO VÀ KHIÊM TỐN CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ (12,1-10)
Để trả lời cho những người cáo buộc và lên án ngài, thánh Phaolô nhắc lại mạc khải và thị kiến ngài đã có khoảng năm 42-45. Ngài nói về mình nhưng dùng ngôi thứ ba, “Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô…” (12,2) như để nhấn mạnh rằng bản thân ngài hoàn toàn không xứng đáng với ân huệ đó. Sau đó thánh nhân kể lại kinh nghiệm thần bí ngài đã trải qua: ngài đã được Thiên Chúa chiếm lấy đến độ ngài không còn ý thức về chính mình và về thân xác của mình: “có ở trong thân xác không, tôi không biết; có ở ngoài thân xác không, tôi cũng không biết” (12,2). Và thánh Phaolô nhấn mạnh, “Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi” (12,5).
Cũng vì thế, cùng với việc nhắc lại thị kiến cao cả đã lãnh nhận, thánh Phaolô cũng nhắc đến cái dằm trong thân xác (2Co 12,7; x. Phil 1,29). Ta không biết chắc chắn cái dằm này là gì, nhưng điều chắc chắn là ý thức về cái dằm đó làm cho Phaolô khiêm tốn. Cái dằm đó như khí giới của Satan và sự hiện diện của nó giúp Phaolô ý thức sự yếu đuối của mình. Đã ba lần ngài khẩn khoản nài xin Chúa cất cái dằm đó đi (như Chúa Giêsu cầu nguyện ba lần trong vườn Cây Dầu, x. Mt 26,39.42.44), nhưng Chúa trả lời, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (12,9).
Từ kinh nghiệm thiêng liêng đó, Phaolô reo lên, “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (12,10). Kinh nghiệm này của thánh Phaolô nói với ta điều gì?
Ghi chú
“Tôi đã không trở nên gánh nặng cho anh em; nhưng vốn là người xảo quyệt, tôi đã dùng mưu mà lừa gạt anh em” (2Co 12,16) (CGKPV)
“Let it be assumed that I did not burden you. Nevertheless (you say) since I was crafty, I took you in by deceit” (The New Oxford Annotated Bible)
Tuần 85: Thư Rôma (chương 1 – 6)
Vào đầu hành trình truyền giáo lần thứ ba, thánh Phaolô đã viết Thư gửi tín hữu Galata. Bây giờ, vào cuối giai đoạn này, trong thời gian ba tháng lưu lại tỉnh Achaia, ngài viết Thư gửi tín hữu Roma, khoảng từ cuối năm 56 đến đầu năm 58.
Dĩ nhiên thánh Phaolô không phải là người thiết lập Giáo hội tại Roma. Có lẽ Giáo hội này đã được cộng đoàn Kitô hữu gốc Do thái thiết lập từ trước, khi họ đến Roma. Nhưng vào năm 49, hoàng đế Claudius đã ra lệnh trục xuất người Do thái ra khỏi Roma. Sau khi Claudius băng hà vào năm 54, các Kitô hữu Do thái trở lại Roma, và họ ngạc nhiên khi thấy có nhiều Kitô hữu gốc ngoại giáo. Những cuộc trở lại gia tăng rất nhanh. Vì thế, cộng đoàn mà thánh Phaolô viết thư này là cộng đoàn có số đông các Kitô hữu gốc ngoại giáo.
Trong hoạt động truyền giáo của mình, thánh Phaolô đã khuyến khích các Kitô hữu gốc ngoại giáo lạc quyên giúp đỡ người nghèo ở Giêrusalem, và ngài đích thân đem đến cho họ (Rm 15,25-27) nhân dịp đến Giêrusalem, đồng thời có dự định thăm Roma trên đường đi Tây ban nha (15,28). Ngài cũng dự trù những chống đối có thể xẩy ra nên ngài gửi thư trước khi đi. Như thế, lá thư này có thể là cơ hội thánh Phaolô giới thiệu bản thân ngài với một cộng đoàn hầu hết chưa biết ngài. Đồng thời, ngài tóm tắt trong thư những gì dự định sẽ trình bày ở Giêrusalem. Ngoài ra, ngài rất quan tâm đến thiểu số Kitô hữu Do thái ở Roma, được thể hiện qua các chương 9-11 và 14-15.
Có thể trình bày lược đồ tổng quát của Thư Roma như sau :
1,1-17 Lời chào và phần mở đầu
I. Tóm tắt Tin Mừng mà Phaolô rao giảng (1,18 – 11,36)
1,18 – 3,20 Thân phận con người không có Chúa Kitô
3,21 – 4,25 Cứu độ nhờ đức tin vào Chúa Kitô
5,1 – 8,39 Đời sống Kitô hữu
9,1 – 11,36 Hi vọng của Israel
II. Khuyên nhủ và khích lệ (12,1 – 15,13)
Kết (15,14 – 16,27)
II. CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
“Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (R, 1,20). Dựa vào những lời này của thánh Phaolô và nhiều văn bản Thánh Kinh khác (Cv 14,15.17; 17,27-28; St 13,1-9), Hội Thánh Công giáo khẳng định rằng căn cứ vào vận hành và biến hoá của thế giới, tính vô thường, trật tự và vẻ đẹp của thế giới, người ta có thể nhận biết Thiên Chúa như là nguyên thuỷ và cùng đích của vũ trụ (x. GLHTCG số 32).
Trong thực tế, con người vẫn khó nhận biết Thiên Chúa nếu chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí tự nhiên, vì có nhiều trở ngại ngăn cản lý trí vận dụng hữu hiệu năng lực tự nhiên của nó : (1) những chân lý liên quan đến Thiên Chúa vượt hẳn lãnh vực khả giác, (2) muốn hành động và sống theo chân lý, con người phải xả thân và quên mình, (3) tác động của những ham muốn xấu do nguyên tội gây ra. Vì thế chúng ta cần đến mạc khải soi sáng và hướng dẫn.
III. CÔNG CHÍNH HOÁ BỞI ĐỨC TIN
“Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất kể là người Do thái hay dân ngoại. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22-24). Dựa vào những lời này của thánh Phaolô, Hội Thánh cho thấy những điểm căn bản về ơn công chính hoá:
– Ơn công chính hoá mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người. Về phía con người, ơn công chính hoá được biểu lộ qua sự ưng thuận tin vào Lời Thiên Chúa mời gọi hoán cải, và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần.
– Ơn công chính hoá là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Ơn này phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa giầu lòng thương xót và hằng tha thứ; được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha thứ cho những ai tin” (Rm 3,25); và được Chúa Thánh Thần ban tặng.
– Chúng ta lãnh nhận ơn công chính hoá nhờ bí tích Thánh tẩy, bí tích đức tin. Nhờ đó, ta được giải thoát và tâm hồn được thanh luyện khỏi những tội lỗi nghịch lại với tình yêu Thiên Chúa. Ơn công chính hoá giúp ta sống phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng dùng quyền năng của lòng thương xót biến đổi nội tâm ta nên công chính.
Tổ phụ Abraham được coi như mẫu mực cho mọi tín hữu (Rm 4,1-25). Thánh Phaolô vận dụng hai bản văn để làm nổi bật đức tin của Abraham : St 15,6 tường thuật rằng Abraham “tin vào Đức Chúa và vì thế, Đức Chúa coi ông là người công chính”, Tv 32,1-2 lập lại ý tưởng này : hạnh phúc cho người được Chúa kể là công chính, chứ không phải nhờ chu toàn Lề luật.
IV. AĐAM VÀ CHÚA KITÔ (5,12-19)
Rm 5,12-19 là bản văn quan trọng vẫn được Hội Thánh Công giáo dựa vào để giải thích về tội nguyên tổ. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng mọi người đều liên luỵ với tội của Ađam : “Do một người bất tuân, muôn người đã mang tội” (5,19); “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (5,12). Tuy nhiên thánh Phaolô nhấn mạnh tính phổ quát của tội lỗi và sự chết là để làm nổi bật tính phổ quát của ơn cứu độ được ban tặng cho ta trong Chúa Kitô: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (5,18). Và ơn cứu độ được ban trong Chúa Kitô cao quý hơn nhiều : “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, sẽ được sống và được thống trị” (5,17-18). Và thánh Phaolô reo lên, “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (5,20).
Để giải thích sự liên đới trong tội lỗi cũng như trong ơn cứu độ, giáo lý Công giáo nhấn mạnh đến tính thống nhất của nhân loại như thánh Toma Aquino nói, “toàn thể nhân loại ở trong Ađam, như một thân thể duy nhất của con người duy nhất.” Chính vì tính thống nhất này mà mọi người đều liên luỵ với tội Ađam cũng như đồng hưởng sự công chính của Chúa Kitô. Thực ra việc lưu truyền tội nguyên tổ là một mầu nhiệm mà ta không thể hiểu thấu trọn vẹn. Chỉ nhờ mạc khải ta mới biết rằng Ađam đã được hưởng sự thánh thiện và công chính không phải cho riêng mình nhưng cho cả bản tính nhân loại. Vì thế, khi Ađam và Eva phạm tội, họ phạm tội với tính cá nhân nhưng tội đó ảnh hưởng đến cả bản tính con người, và bản tính bị suy yếu đó được truyền lại cho nhân loại. Cũng vì bản tính nhân loại đã bị suy yếu và nghiêng chiều về sự dữ, nên con người phải chiến đấu liên lỉ.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn