Tuần 92: Tin mừng theo Thánh Matthêu (Chương 13-18)
CÁC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (13,1-53)
Bài giảng lớn thứ ba của Chúa Giêsu là những dụ ngôn về Nước Trời. Dụ ngôn là một hình ảnh mang tính ẩn dụ được rút ra từ thiên nhiên hoặc từ cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh sống động ấy thu hút sự quan tâm của người nghe, đồng thời mời gọi họ tìm kiếm ý nghĩa chính xác của dụ ngôn. Chúa Giêsu đã vận dụng nhiều hình ảnh để rao giảng về Nước Trời, những hình ảnh đơn sơ cụ thể nhưng hàm chứa nội dung sâu sắc đến nỗi qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn tiếp tục suy tư tìm kiếm và ngỡ ngàng trước sự phong phú ấy.
Chương 13 trong Tin Mừng Matthêu ghi lại nhiều dụ ngôn: Người gieo giống (13,3-9); Cỏ lùng (13,24-30); Hạt cải (13,31-32); Men trong bột (13,34-35); Kho báu và ngọc quý (13,44-46); Chiếc lưới (13,47-50).
Để giúp cho việc tìm hiểu các dụ ngôn, xin ghi lại đây những chỉ dẫn của Giáo Hội: “Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người. Qua các dụ ngôn, Người mời mọi người vào dự tiệc Nước Trời, nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt tới Nước Trời, phải cho đi mọi sự; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất màu mỡ? Họ làm gì với những nén bạc đã nhận? Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn” (GLHTCG, số 546).
Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ: “Tại sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Chúa Giêsu trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (13,10-11). Câu trả lời hàm nghĩa rằng để hiểu được ý nghĩa các dụ ngôn về Nước Trời, người ta cần có dự trạng thiêng liêng, thái độ tinh thần thích hợp; nếu không, chỉ thấy được bề mặt mà không hiểu nội dung, nhất là dấn thân theo tiếng gọi của Nước Trời.
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (18,1-35)
Trong năm bài giảng lớn của Chúa Giêsu, bài thứ tư là những chỉ dẫn về đời sống cộng đoàn. Thánh Matthêu nhìn thấy những vấn đề trong cộng đoàn như khuynh hướng kiếm tìm địa vị, gương xấu, lối sống buông thả. Ngài vận dụng những lời nói của Chúa Giêsu từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tập trung và sắp xếp lại thành bài giảng.
Ai là người lớn nhất trong Nước Trời (18,1-4). Các môn đệ đặt câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Câu hỏi này xuất hiện trong bối cảnh xã hội Do thái lúc bấy giờ, vì người ta quan tâm đến vị trí của mỗi người trong Nước Thiên Chúa. Những thủ bản tìm được ở Biển Chết còn cho biết có sự sắp xếp vị trí trong những bữa ăn của cộng đoàn, và sự sắp xếp này được hiểu như phản ánh điều sẽ xảy đến trong Nước Thiên Chúa.
Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến và nói với các ông hãy nên như trẻ nhỏ (18,3). Trong xã hội Do thái ngày xưa, trẻ nhỏ không có quyền về mặt pháp lý và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Đứa trẻ đón nhận mọi sự như quà tặng. Cũng vậy, không ai trong cộng đoàn, dù có địa vị cao thấp ra sao, có quyền đòi hỏi gì trong Nước Trời. Chỉ những ai biết đón nhận Nước Trời như một quà tặng thì mới được vào. Trẻ nhỏ được trình bày ở đây không phải để làm mẫu mực cho sự khiêm tốn hay ngây thơ, nhưng để nhấn mạnh rằng chúng ta không có quyền đòi hỏi vị trí trong Nước Trời, nhưng phải biết đón nhận như một quà tặng.
Đừng làm cớ cho người ta sa ngã (18,5-11). Trong đoạn văn này, “trẻ nhỏ” là hình ảnh của những thành viên đơn sơ mộc mạc trong cộng đoàn, họ có thể lạc xa Chúa vì gương xấu của người khác. Chúa Giêsu cảnh báo những người làm gương xấu :
– Thà chết còn tốt hơn là gây gương xấu cho người bé mọn;
– Trách nhiệm cá nhân của người gây gương xấu;
– Không có gì, dù phải chặt tay chặt chân, tồi tệ hơn là gây gương xấu.
Chiên lạc đàn (18,12-14). Điều gì xảy ra nếu một trong những người bé mọn này bị lạc lối? Chúa Giêsu mô tả Thiên Chúa như người chăn chiên “để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”. Không nhất thiết sự tìm kiếm sẽ thành công: “Nếu may mà tìm được…”. Thiên Chúa không muốn cho kẻ bé mọn nào phải hư mất. Nên ghi nhận sự khác biệt giữa “lạc đường” và “hư mất”.
Hòa giải và tha thứ (18,15-35). Chúa Giêsu chỉ dẫn từng bước phải thực hiện để đưa một người anh em lỗi lầm: gặp gỡ cá nhân, với sự hiện diện của người làm chứng, đưa ra cộng đoàn. Ở cả ba bước, mục đích lớn nhất vẫn là đưa người anh em về với cộng đoàn. Kể cả trong trường hợp phải áp dụng “sự tuyệt thông” thì cũng vẫn là một biện pháp “trị liệu mạnh” (gây sốc!) nhằm giúp người anh em tỉnh ngộ.
Sau khi nói đến trường hợp không thể sửa chữa và hình phạt cuối cùng là tuyệt thông, bài giảng nhấn mạnh sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Một lần nữa, Phêrô xuất hiện như phát ngôn viên của nhóm khi đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (18,21). Và ông hình dung ‘bảy lần’ là nhiều lắm! Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “bảy mươi lần bảy”. Vấn đề không phải ở con số nhưng là vô giới hạn. Lý do và động lực của sự tha thứ vô giới hạn được trình bày trong dụ ngôn kế tiếp (18,23-25). Ông vua trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa: Ngài đòi thanh toán sổ sách (câu 23), đầy tớ phải sấp mình mà thưa: “Thưa Ngài” (câu 26), và Ngài hết sức độ lượng (câu 27). Thế nhưng tên đầy tớ lại không học được bài học quảng đại của ông vua. Anh ta cư xử quá độc ác với người khác. Vì thế, ông vua rút lại ơn tha thứ đã ban cho anh ta (câu 28-34). Dụ ngôn cảnh cáo người Kitô hữu rằng Thiên Chúa không tha thứ cho họ nếu họ không biết tha thứ cho anh chị em mình. Như thế ở đây, Matthêu trình bày lại lời cầu trong kinh Lạy Cha dưới hình thức một dụ ngôn: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Tuần 93: Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 19-25)
SỰ CHỐNG ĐỐI GIA TĂNG (19,1 – 23,39)
Thánh Matthêu ghi nhận: “Khi Chúa Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđêa, bên kia sông Giođan” (19,1). Với Matthêu cũng như với Marcô, Galilê là nơi chốn của mạc khải: “Khi Chúa Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê… Từ lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,12-17). Còn Giuđêa là nơi chốn của khước từ và chết chóc.
Sau khi trình bày một số giáo huấn của Chúa: về việc ly dị (19,1-12), đời sống khiết tịnh (19,13-15), mối nguy hiểm của của cải (19,16-26), thánh Matthêu nói đến việc Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Người lần thứ ba (20,17-19). Tiếp theo đó, Matthêu kể lại việc Chúa vào thành Giêrusalem trong tư cách Mêsia (21,1-11).
Trong trình thuật này, thánh Matthêu vận dụng sách tiên tri Isaia và Dacaria. Ngài kể lại: “Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphagiê, phía núi Oliu” (21,1). Câu này gọi về Dac 14,4-9: “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Oliu, đối diện với Giêrusalem, về phía đông… Ngày ấy, Đức Chúa sẽ là Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất”. Sự kiện Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, tiến vào thành Giêrusalem, cũng tương ứng với Dac 9,9 và Isaia 62,11: “Nào thiếu nữ Sion, hãy mừng vui hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu và hò reo vang dậy bằng những lời Thánh vịnh 118,25-26: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời”.
Như thế, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia, hoàn toàn hợp với những điều các tiên tri loan báo và dân chúng trông chờ. Tuy nhiên, Người không vào thành Giêrusalem như một nhà lãnh đạo quân sự hay một chính khách, mà như vị vua khiêm tốn. Hình ảnh ấy mở đường cho những gì sẽ xẩy ra trong suốt cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế.
Hành động đầu tiên của Đấng Mêsia tại Thành thánh là thanh tẩy Đền thờ: “Người đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (21,12). Hành động này cũng được trình bày như sự ứng nghiệm lời các tiên tri. Theo Isaia 56,7, Đền thờ phải là Nhà cầu nguyện; còn theo Giêrêmia 7,11 thì những kẻ buôn bán đã biến Đền thờ thành hang trộm cướp.
Ngoài việc thanh tẩy Đền thờ, Chúa Giêsu còn chữa lành những kẻ mù lòa, què quặt (21,14). Cho đến thời điểm này, nhóm Pharisêu là những người chống đối Chúa Giêsu nhiều nhất. Tuy nhiên, ở đây và trong những chương còn lại, các thượng tế và trưởng lão mới là những địch thù chính. Sự bực bội của họ thể hiện qua câu hỏi Chúa Giêsu: “Ông có nghe chúng nói gì không?” Sự tức tối không chỉ ngưng ở đây nhưng mở màn cho sự gia tăng chống đối, dẫn đến mưu toan triệt hạ Chúa Giêsu.
BÀI GIẢNG VỀ THỜI CÁNH CHUNG (24,1 – 25,46)
Bài giảng thứ năm cũng là bài giảng cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu được gọi là bài giảng cánh chung với ba phần chính:
– Phần 1 (24,1-36) mô tả những biến cố xảy ra trước thời điểm tận cùng. Phần này chủ yếu dựa vào Mc 13,1-37;
– Phần 2 (24,37 – 25,30) gồm những dụ ngôn và những tư liệu khác với mục đích kêu gọi tỉnh thức;
– Phần kết (25,31-46) trình bày khung cảnh ngày phán xét chung.
Phần 1 (24,1-36)
Bối cảnh của bài giảng được giới thiệu ngay trong phần mở đầu. Chúa Giêsu đã vào khu vực Đền thờ (21,23) và Người đã báo trước rằng “Nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang” (23,38). Ở đây, khi Người từ trong Đền thờ đi ra, các môn đệ chỉ cho Người xem công trình kiến trúc Đền thờ thì Người tiên báo: “Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ” (24,1-3). Đối với cộng đoàn của Matthêu sau năm 70, thì lời tiên báo này đã thành hiện thực. Sau đó, các môn đệ đặt câu hỏi liên quan đến hai việc: (1) khi nào Đền thờ bị phá hủy? và (2) khi nào là ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm?
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái tin rằng sẽ có những đau khổ lớn trước khi Nước Thiên Chúa đến. Trong câu trả lời cho các môn đệ, trước hết Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ: “Đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng ‘Chính Ta đây là Đấng Kitô’… Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng” (24,4-6).
Cộng đoàn Kitô hữu sẽ bị thử thách từ bên ngoài như bị người đời thù ghét, bắt bớ, giết chết (24,9-10) và cả từ bên trong: lạc đạo, tiên tri giả, sự nguội lạnh (24,10-12). Thái độ đúng đắn mà các Kitô hữu phải có là sự kiên trì, bền đỗ: “Kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu thoát” (24,13). Chúa Giêsu đoan quyết với họ rằng thời tận cùng sẽ không đến cho tới khi Tin Mừng được loan báo trên toàn thế giới (24,14). Cộng đoàn của Matthêu lúc đó đã thấy những dấu hiệu được nói đến trên đây, nhưng Tin Mừng Matthêu cho biết chưa phải là thời tận cùng, và kêu gọi cộng đoàn phải rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi dân tộc (x. Mt 28,19).
Cơn gian nan khốn khó sẽ đến “khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại” (24,15). Câu này nhắc lại sự kiện vua Syria là Antiôkô IV Epiphanê muốn dựng một bàn thờ thần Baal Shamen trong Đền thờ Giêrusalem năm 167 trước Công nguyên. Được sử dụng ở đây để ám chỉ hoàng đế Caligula muốn dựng tượng của ông trong Đền thờ năm 40 sau Công nguyên. Có lẽ thánh Matthêu muốn đồng hóa sự kiện này với việc quân Rôma xúc phạm và phá hủy Đền thờ vào năm 70.
Dù thế nào đi nữa, giáo huấn của Chúa Giêsu trong 24,16-18 là hãy tránh cơn gian nan bằng cách đi tìm nơi ẩn náu: trốn lên núi, đừng xuống lấy đồ đạc, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng. Trong câu 19-20, Người tỏ lòng cảm thương những bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú, và hi vọng rằng cơn gian nan sẽ không xảy ra trong mùa Đông mưa gió hoặc ngày sabát.
Đây là cơn gian nan khốn khó “đến mức từ thưở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa” (24,21). Nhưng vì những thành viên kiên trì trong cộng đoàn Kitô hữu, Thiên Chúa sẽ rút ngắn thời kỳ thử thách; nếu không, không ai có thể sống sót (24,22).
Sau đó, Chúa Giêsu nói đến Ngày Quang Lâm của Con Người (24,39-41). Việc mô tả Ngày Quang Lâm được đặt ở giữa hai lời cảnh giác (24,23-28 và 24,32-36). Các môn đệ Chúa Giêsu đừng để mình bị đánh lừa bởi các Kitô giả và các tiên tri giả, dù họ có làm phép lạ đi nữa (24,23-26). Ngày Con Người ngự đến sẽ rất bất ngờ như tia chớp, với những dấu chỉ rõ ràng, cũng như “xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó”.
Trong phần mô tả Ngày Quang Lâm (24,29-31), hầu như từng câu đều có thể tìm thấy những đoạn tương tự trong Cựu Ước khi nói về Vương quốc Thiên Chúa. Sau những chuyển động lớn trong vũ trụ, Con Người sẽ ngự đến trong đám mây (x. Daniel 7,13-14). Các chi tộc trên trái đất sẽ đấm ngực (x. Zacaria 12,10), tiếng loa cất lên bắt đầu cuộc phán xét (x. Isaia 27,13) “tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (24,31).
Về thời điểm xảy ra Ngày Quang Lâm, Chúa Giêsu khẳng định: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (24,36).
Phần 2 (24,37 – 25,30)
Trong phần này, thánh Matthêu ghi lại một số dụ ngôn: Người đầy tớ trung tín (24,45-51), Mười trinh nữ (25,1-13), Những yến bạc (25,14-30). Chủ đề chung của những dụ ngôn này là sự tỉnh thức: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (24,44).
Phần kết (25,31-46)
Bài giảng về cánh chung đạt đến cao điểm là quang cảnh Ngày Phán Xét Chung. Cho dù trình thuật so sánh Con Người với hình ảnh mục tử, nhiều nhà chú giải cho rằng không thể coi trình thuật này là một dụ ngôn, vì cuộc phán xét được trình bày cách trực tiếp và thẳng thắn chứ không qua những hình ảnh ẩn dụ.
Khi Con Người ngự đến trong vinh quang (x. 24,29-31), Người sẽ phân chia các dân thành hai nhóm (25,31-33). Những ai đã làm điều tốt cho “một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây” (câu 40) sẽ được chúc phúc. Còn những ai không làm điều tốt cho “những người bé mọn này” sẽ bị kết án. Những việc tốt là cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, an ủi người đau yếu, thăm viếng tù nhân. Những việc tốt lành này đem lại phần thưởng cho họ, vì Con Người tự đồng hóa mình với “người bé mọn”: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (25, 40).
“Các dân” ở đây là ai? (câu 32) và “người bé mọn” là ai (câu 40, 45)? Cách giải thích quen thuộc là mọi dân tộc, toàn thể nhân loại, và người bé mọn là những người túng thiếu, nghèo khổ. Theo đó, vào Ngày Phán Xét chung, toàn thể nhân loại sẽ bị xét xử dựa vào những việc tốt lành họ đã làm hay không làm cho người nghèo và người đau khổ.
Tuy nhiên, các nhà chú giải đặt vấn đề: Có thực sự đây là điều thánh Matthêu muốn trình bày? Trong Tin Mừng Matthêu, “các dân” hoặc “tất cả các dân” thường được hiểu về những dân ngoài Israel (xem 4,15; 6,32; 10,5; 18,12; 20,19). Đồng thời, trong nhiều đoạn văn, “người bé mọn” được về các Kitô hữu (xem 10, 40-42; 18,6.14). Nếu áp dụng nội dung này vào trình thuật về cuộc phán xét chung, thì “các dân” ở đây có thể hiểu là những ai không thuộc Do thái giáo hoặc Kitô giáo; còn “người bé mọn” là các Kitô hữu mà dân ngoại đã gặp. Theo cách giải thích này, dân ngoại sẽ bị xét xử tùy theo thái độ của họ đối với các Kitô hữu: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (10,42).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn