Chương 26 – 28 là trình thuật về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Matthêu giống trình thuật của Marcô đến 80% cả về nội dung lẫn từ ngữ. Tuy nhiên Matthêu có thêm vào một số tư liệu để triển khai những gì đã nói trong Tin Mừng Marcô. Chúa Giêsu xem ra đóng vai trò chủ động hơn trong mọi biến cố, và tất cả mọi sự đều diễn ra theo thánh ý Thiên Chúa như được mạc khải trong Cựu Ước.
LỄ VƯỢT QUA VÀ VIỆC THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ (26, 17-29)
Trình thuật của Matthêu về việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của Chúa Giêsu. Chính Người đưa ra những chỉ thị và các môn đệ làm y như vậy (26, 17-19). Trong bữa ăn, Chúa Giêsu báo trước: “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (câu 21), và Matthêu cho thấy Chúa Giêsu biết rõ người đó là Giuđa (câu 25). Các môn đệ khác gọi Chúa Giêsu là “Thưa Ngài”, còn Giuđa thì gọi “Rabbi” (câu 22 và 25). Điều đau đớn trong sự phản bội này là: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”. Cho dù “Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (câu 24), nghĩa là chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là Giuđa không có trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (26, 24).
Cũng trong bữa ăn, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Hành động và lời nói của Chúa vừa báo trước vừa giải thích ý nghĩa cái chết sắp đến của Người. Những gì Người làm với tấm bánh (cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ) sẽ diễn ra với thân thể Người: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (câu 26). Những gì Người làm với chén rượu cũng diễn ra như thế với máu của Người: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (câu 27).
“Máu giao ước” làm chúng ta liên tưởng đến việc Môsê ký kết giao ước bằng cách lấy máu rẩy trên dân (Xh 24,8). “Cho nhiều người được tha tội” gợi ý mối liên hệ với những đau khổ của Người Tôi Tớ trong Isaia 53,12: những đau khổ có giá trị đền tội. Theo câu 29, bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ báo trước bữa tiệc thiên quốc: “cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”.
Như thế, việc cử hành Thánh Thể trong Giáo Hội chứa đựng nhiều ý nghĩa: tiệc Vượt Qua, tưởng niệm sự chết của Chúa Giêsu, giao ước, hiến tế, và loan báo trước Vương quốc sẽ đến.
CHÚA GIÊSU SINH THÌ TRÊN THÁNH GIÁ (27, 45-54)
Cái chết của Chúa Giêsu được trình bày như cái chết của người công chính phải chịu đau khổ trong Thánh vịnh 22. Những lời cuối cùng của Chúa: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con!” (27,46) là câu trích nguyên văn từ Tv 22,1.
“Tối tăm bao trùm mặt đất” (câu 45) nhắc lại lời trong sách Amos: “Trong ngày ấy, Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng” (Amos 8,9).
Việc Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 22 khi bị đóng đinh trên thập giá diễn tả nỗi đau không chỉ của thân xác nhưng còn là đau khổ nội tâm. Thật vậy, Thánh vịnh này diễn tả cảm nhận bị bỏ rơi, nhất là bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng không kết thúc bằng sự thất vọng mà bằng sự tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
Khi nghe Chúa Giêsu kêu lớn tiếng “Eli, Eli…”, một vài người cho rằng Người gọi tiên tri Elia (câu 47). Sự lẫn lộn này có lẽ phản ánh truyền thống Do thái về vai trò của tiên tri Elia như người dọn đường cho Đấng Mêsia và là người trợ giúp những ai gặp khó khăn. Thánh Matthêu mô tả cái chết của Chúa Giêsu rất ngắn gọn, chỉ trong một câu: “Chúa Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (27,50).
Cái chết của Chúa được tiếp nối bằng nhiều dấu chỉ nói lên ý nghĩa và giá trị của cái chết đó. Trước hết, bức màn trong Đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm hai (câu 51), cho thấy sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người đã chấm dứt, hoặc sự kết thúc giao ước cũ. Rồi các câu kế tiếp kể ra những dấu hiệu khác, chỉ có trong Matthêu, là những dấu chỉ xảy ra khi Nước Thiên Chúa đến: đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, xác nhiều vị thánh trỗi dậy (27, 51-53). Những dấu chỉ này được tìm thấy trong sách Ezekiel 37, làm nổi bật ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu như sự khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử. Cuối cùng, viên đại đội trưởng và thuộc hạ của ông, vốn không phải là người Do thái, đã tuyên xưng: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (27, 54). Lời tuyên xưng này trở thành mẫu mực cho dân ngoại đón nhận và tin vào Chúa Giêsu.
MỆNH LỆNH TRUYỀN GIÁO (28, 16-20)
Trình thuật Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ trên núi ở Galilê là một cảnh quan trọng trong toàn bộ bố cục của Tin Mừng Matthêu. Núi (xem Mt 5,1; 17,1) và Galilê (xem Mt 4,12-16) là những nơi chốn đặc biệt của mạc khải. Mười một môn đệ ở đây chính là Nhóm Mười Hai, nay không còn Giuđa. Theo phản ứng tự nhiên của con người, khi thấy Chúa hiện đến, một vài môn đệ hoài nghi (28,17) như tự hỏi không biết đây có phải là sự thật không. Tuy nhiên, sự hoài nghi ấy nhanh chóng tan biến như trong trường hợp các phụ nữ (28,9), và các ông bái lạy Người.
Mệnh lệnh của Chúa Giêsu (28, 18b-20) bao gồm ba điều:
(1) khẳng định quyền bính của Đấng Phục sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”;
(2) sai các môn đệ ra đi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”;
(3) lời hứa của Đấng Phục sinh: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Theo đó, mệnh lệnh này tóm tắt ba chủ đề lớn trong Tin Mừng Matthêu.
Thứ nhất là quyền bính tối cao và phổ quát Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu. Do đó Chúa Giêsu vượt trên mọi bậc thầy trong thiên hạ và Người xứng đáng mọi danh hiệu cao cả nhất.
Thứ hai là các môn đệ phải chia sẻ hồng ân họ đã lãnh nhận cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho người Do thái. Cộng đoàn của Matthêu là cộng đoàn có số đông người Do thái và ngài khuyến khích họ phải đến với “muôn dân”, dạy cho họ giáo huấn của Chúa Giêsu và làm phép Rửa cho họ.
Thứ ba là niềm tin chắc chắn vào sự hiện diện và đồng hành của Chúa Giêsu. Ngay từ trang đầu của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu đã được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta (1,23). Giờ đây, ở những dòng cuối cùng của Tin Mừng, lời hứa của Chúa Giêsu đưa nội dung tên gọi ấy đến mức hoàn thành: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa này cũng giả thiết “thời kỳ của Giáo Hội”, tức là thời kỳ ở giữa thời điểm khai mạc Nước Trời nơi Chúa Giêsu và thời điểm tận cùng của lịch sử nhân loại. Trong “thời kỳ của Giáo Hội”, chính Thánh Thần của Đấng Phục sinh sẽ hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội. Người môn đệ Chúa vững tin lên đường thi hành sứ vụ ngay giữa những gian truân thử thách của cuộc đời.
CHÚA GIÊSU TRONG TIN MỪNG MATTHÊU
Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh một số nét nổi bật trong chân dung Chúa Giêsu.
1. Matthêu gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Vua Đavít, Con Người. Những danh hiệu này đều bắt rễ sâu trong Thánh Kinh và truyền thống Do thái, và ta có thể đọc được ở đây phản ánh về cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và người Do thái về niềm tin vào Đấng Mêsia. Đừng quên cộng đoàn Matthêu là cộng đoàn bao gồm các Kitô hữu gốc Do thái và Kitô hữu gốc dân ngoại, đồng thời sống giữa môi trường Do thái. Tuy nhiên cách diễn tả mạnh mẽ nhất trong Matthêu về Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”. Có thể nói đây là đỉnh cao và là kinh Tin Kính của Matthêu, mặc cho người Do thái lúc đó cho là xúc phạm.
2. Matthêu thường xuyên trích dẫn các tiên tri. Đối với Matthêu, Chúa Giêsu không huỷ bỏ Cựu Ước nhưng làm cho trọn bằng cách đem lại một ý nghĩa mới, sâu xa và bất ngờ. Con Thiên Chúa vừa là người thừa kế di sản Cựu Ước vừa là đấng có thẩm quyền giải thích Thánh Kinh đúng đắn nhất.
3. Cũng vì thế, Tin Mừng Matthêu làm nổi bật chân dung Chúa Giêsu như Đấng giảng dạy và là vị thầy duy nhất của Giáo Hội. Theo đó, Matthêu đã tập hợp giáo huấn của Chúa Giêsu thành năm bài giảng để dạy dỗ Giáo Hội lúc đó cũng như bây giờ:
bài giảng trên núi (5,1 – 7,27),
bài giảng về sứ vụ truyền giáo (10,5-42),
bài giảng bằng dụ ngôn (13,1-52),
bài giảng về Giáo Hội (18,1-35),
bài giảng về cánh chung (24,1 – 25,46).
4. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ mạng công bố Nước Trời. Trong hành trình trần thế, Nước Trời bao hàm lãnh vực hữu hình là Giáo Hội và Giáo Hội ấy vẫn có cỏ lùng xen lẫn; đồng thời Nước Trời cũng bao hàm lãnh vực vô hình gồm những người tuy không nhận biết Thiên Chúa nhưng đã cố gắng sống những giá trị Thiên Chúa yêu mến. Vượt lên trên lịch sử trần thế này, Nước Trời ôm lấy tất cả vũ trụ trong quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.
5. Trong viễn tượng vĩ đại đó, Thiên Chúa ban cho Con của Người mọi quyền năng. Chính vì thế, Tin Mừng Matthêu trình bày Chúa Giêsu với dung mạo vị thẩm phán: Chúa Giêsu xét xử những cơ chế chống lại sứ vụ của Ngài, xét xử các môn đệ khi các ông chỉ muốn dành đặc quyền đặc lợi cho riêng mình, cuối cùng xét xử mọi người trong ngày phán xét chung (25,31-46). Đừng quên rằng dụ ngôn về Ngày phán xét chung là phần kết thúc về sứ mạng của Chúa Giêsu trước khi đi vào cuộc thương khó và khổ nạn.
6. Nếu Chúa Giêsu được hưởng những quyền năng lớn lao đó, chính là vì Ngài đã chọn vâng phục Chúa Cha trong mọi sự đến nỗi đổ máu mình ra, và vì Ngài đã trở thành anh em của mọi người, hiền lành và khiêm nhường (11,29), khước từ mọi hình thái bạo lực. Ước mơ của người Do thái (và cả Kitô hữu?) về Đấng Mêsia dũng mãnh xem ra bị khước từ và Chúa Giêsu muốn ta hiểu điều đó.
7. Khi đối diện với chân dung Chúa Giêsu như Matthêu mô tả, tôi có thể học được điều gì cho đời sống cá nhân của mình cũng như cho Giáo Hội ngày nay?
Tuần 95: Thư Do Thái ( Chương 01-07 )
Các học giả ngày nay cho rằng tác phẩm mà ta gọi là Thư Do Thái thật ra không phải là một lá thư, cũng không phải do thánh Phaolô viết, và cũng chẳng gửi cho tín hữu Do thái. Thế nhưng những khẳng định đó vẫn không làm mất đi tầm quan trọng của tác phẩm này. Thật vậy, có thể xem tác phẩm này là một bài giảng được biên soạn công phu, và là một trong những bài giảng cổ xưa còn giữ lại được.
Tác phẩm này quan trọng vì hai lý do. Trước hết, tác phẩm chứa đựng nền thần học phong phú về ơn cứu độ trong Chúa Kitô, tập trung vào sự chết của Chúa Kitô như hành động cứu độ. Kế đến, hơn bất cứ tác phẩm nào khác, thư Do thái cho thấy việc giải thích Thánh Kinh Cựu Ước quan trọng như thế nào trong đời sống Giáo hội thời sơ khai.
Cách cụ thể hơn, có thể tóm lược nội dung giáo lý của Thư Do thái trong ba điểm chính:
(1) Chúa Kitô được trình bày như Lời tối hậu của Thiên Chúa, Lời đó được thể hiện trong cuộc sống và cái chết của một con người có tên là Giêsu và cũng chính là Con Thiên Chúa; (2) Chúa Kitô được trình bày như vị thượng tế duy nhất và vĩnh cửu, và cái chết tự hiến của Người đã chuộc mọi tội lỗi, khai mở giao ước mới và mở đường cho ta đến với Thiên Chúa; (3) Chúa Kitô là mẫu mực mà các Kitô hữu phải noi theo trong đức tin và hi vọng.
Có thể chia Thư Do Thái thành 4 phần chính:
– Thiên Chúa ngỏ lời nơi Con của Ngài (1,1 – 4,13)
– Cậy trông vào hiến tế của Chúa Giêsu (4,14 – 10,31)
– Quyền năng của đức tin (10,32 – 12,29)
– Những chỉ thị cuối cùng và kết luận (13,1-25)
LỜI TỰA (1,1-4)
Giống như Tin Mừng Gioan và Thư thứ nhất của Gioan, Thư Do thái mở đầu bằng Lời tựa, nhấn mạnh đến ý tưởng về Lời (x. Ga 1,1-18; 1Ga 1,1-4). Tuy nhiên, điểm nhấn của mỗi tác phẩm có thể khác nhau. Thư Do thái nhấn mạnh việc làm sao để nghe và đáp lại mạc khải của Thiên Chúa. Thưở xưa, Thiên Chúa đã ngỏ lời bằng những cách khác nhau trong Thánh Kinh, nhưng đến thời sau hết này, Ngài trao ban một sứ điệp mới nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu. Đây là khẳng định vô cùng quan trọng đối với các Kitô hữu vì ta xác tín rằng chỉ nơi Chúa Giêsu, nhân loại mới gặp được Lời sự thật và sự sống. Xác tín này giúp ta vững tâm tiến bước theo những giá trị của Tin Mừng cho dù chung quanh ta luôn có những lời mời mọc đầy hấp dẫn của đủ thứ chủ thuyết và lối sống được gọi là hiện đại, tân thời.
Đấng Thiên Chúa đã ngỏ lời trong Cựu Ước và cuối cùng ngỏ lời nơi Chúa Con chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Cũng vì thế, có thể vận dụng Thánh Kinh Cựu Ước để giải thích về con người và công trình của Chúa Giêsu, và ta sẽ thấy điều này rất rõ trong Thư Do thái. Người Kitô hữu tôn kính Sách Thánh gồm cả Cựu Ước và Tân Ước. Phương pháp Học Thánh Kinh trong 100 tuần mời gọi chúng ta đọc toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Học hỏi Cựu Ước không những không làm ta xa cách Chúa Giêsu nhưng trái lại, giúp ta hiểu Tân Ước hơn và đến gần Chúa Giêsu hơn.
Câu 2 và 3 làm ta liên tưởng đến những thánh thi thời Giáo hội sơ khai (Phil 2,6-11; Col 1,15-20), nhấn mạnh mối liên hệ thiết thân của Chúa Giêsu và Chúa Cha, kể cả sự tiền hữu của Chúa Con và vai trò của Người trong công trình tạo dựng: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa… Người dùng lời quyền năng mà duy trì vạn vật.”
Phần cuối của câu 3 nói đến hoạt động cứu độ của Chúa Con, hy tế chuộc tội, sự tôn vinh… tất cả sẽ là chủ đề của phần II trong Thư Do thái. Câu 4 giới thiệu chủ đề sẽ được khai triển tiếp theo là sự cao trọng của Con Thiên Chúa.
NHÂN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU (2,5-18)
Tác giả Thư Do thái nhấn mạnh rằng Chúa Kitô cao trọng hơn các thiên thần, và ông nhấn mạnh điều này từ hai góc độ. Trong chương 1, Chúa Kitô cao trọng hơn các thiên thần vì Người là Con Thiên Chúa. Trong chương 2, tác giả tiếp tục nhấn mạnh sự cao trọng này nhưng từ góc độ con người. Tác giả trích dẫn Thánh vịnh 8 để nói đến sự cao cả của con người, nhưng ông có cách giải thích độc đáo. Trước hết, tác giả hiểu Thánh vịnh này không phải nói về nhân loại cách chung nhưng nói về con người Giêsu: “Con người đó chính là Đức Giêsu” (2,9). Kế đến, tác giả giải thích cách khác ý nghĩa nguyên thuỷ của Thánh vịnh. Thánh vịnh viết: “Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn.” Tác giả giải thích về Chúa Giêsu rằng con người Giêsu cao trọng hơn các thiên thần nhưng đã phải thua kém các thiên thần trong thời gian ngắn, tức là khi Người chịu khổ hình (2,9) nhưng rồi được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (2,10).
Điều đáng quan tâm nhất là tác giả nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu phải chia sẻ nhân tính của loài người cách trọn vẹn: “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó” (2,14) và Người nên giống anh em mình về mọi phương diện (2,17). Thế nhưng chính nhờ đó mà sự chết của Người mới đem lại ơn cứu độ cho mọi người, giải thoát họ khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
ĐỨC KITÔ THƯỢNG TẾ (4,14-16; 5,1-10)
Chủ đề của phần thứ hai trong Thư Do thái (4,14-10,31) là vai trò và hoạt động của Đức Kitô xét như vị thượng tế. Người đã hiến dâng chính mình làm hy lễ, một lần thay cho tất cả, mang lại ơn tha thứ tội lỗi, và như thế, Người đã hoàn tất điều mà các nghi lễ trong Cựu Ước không thể làm được. Riêng trong đoạn văn ta tìm hiểu (4,14-16; 5,1-10), tác giả nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thượng tế Giêsu. Lòng thương xót này được thể hiện cách trọn vẹn trong việc Người chia sẻ bản tính nhân loại với ta: “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
Để trình bày về Đức Kitô thượng tế, trước hết tác giả định nghĩa vị thượng tế bằng cách đưa ra ba đặc điểm:
(1) được chọn giữa loài người và đại diện cho họ để dâng lễ đền tội;
(2) vị thượng tế có thể chu toàn nhiệm vụ làm đại diện vì ông chia sẻ những yếu đuối của phận người;
(3) vị thượng tế được Thiên Chúa tuyển chọn chứ không do ông tự chọn.
Sau đó, tác giả áp dụng cho Chúa Giêsu:
(1) Người không tự tôn mình làm thượng tế nhưng Người đón nhận từ Thiên Chúa;
(2) Người chia sẻ kiếp phàm nhân với nhân loại, phải trải qua nhiều đau khổ;
(3) Người trở nên đại diện của dân và dâng lễ đền tội cho họ.
Sự can thiệp của Người mạnh mẽ và hiệu quả đến độ Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
Niềm tin vào Đức Kitô thượng tế thúc đẩy ta “giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (4,14) và “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (4,16).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn