Tuần 78: (Tuần 3 phần Tân Ước) Thư Thessalonica I và II
I. THESSALONICA I
Ngày nay các học giả Thánh Kinh quan tâm đến thư Thessalonica I nhiều hơn vì hai lý do:
(1) đây là một trong những văn bản Tân Ước sớm nhất ta có được (khoảng năm 51),
(2) trước kia người ta thường đọc Thessalonica I dựa vào sách Công Vụ nhưng bây giờ phải làm ngược lại, nghĩa là nhờ Thessalonica I mà ta hiểu sách Công Vụ tốt hơn, vì sách Công Vụ được viết sau Thessalonica 30-35 năm, và khi đó thánh Phaolô đã qua đời.
Chủ đề lớn của Thessalonica I là Ngày quang lâm của Chúa. Thánh Phaolô khuyên nhủ cộng đoàn giữ vững đức tin khi Ngày của Chúa gần kề, và họ phải sống cuộc sống thường ngày của mình cách bình tĩnh, có trách nhiệm và đầy tình yêu thương.
II. THESSALONICA II
Thư Thessalonica II là thư mục vụ bàn đến một số vấn đề nẩy sinh từ lời loan báo rằng Ngày Chúa đến đã gần kề. Một số người trong cộng đoàn đã phản ứng cách tiêu cực: sợ hãi, bỏ công ăn việc làm, gây phiền hà cho mình cũng như cho cộng đoàn.
Theo các học giả Thánh Kinh, lá thư này không do thánh Phaolô viết nhưng được viết dưới uy thế của thánh Phaolô. Dựa vào thế giá của thánh nhân, tác giả bàn đến cơn khủng hoảng đang xảy ra trong cộng đoàn của mình. Tác giả cũng tỏ ra rất quen với ngôn ngữ, ý tưởng và cách diễn tả của thư Thessalonica I.
III. NGÀY CỦA CHÚA
1. Ngày của Chúa và niềm an ủi cho các tín hữu đã qua đời (đọc 1 Thes 4,13-18)
Thánh Phaolô nói đến điều sẽ xảy ra cho các tín hữu đã qua đời trước Ngày Chúa quang lâm. Ngài khẳng định rằng những người này sẽ không bị gạt ra bên ngoài khi Chúa đến. Vì thế người Kitô hữu cũng buồn phiền khi mất người thân nhưng họ không thất vọng như những người không có đức tin. Nền tảng cho niềm hi vọng Kitô giáo là “chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại.” Như thế những gì đã xảy ra cho Chúa thì cũng xảy đến cho người tin Chúa, nghĩa là họ được Thiên Chúa đưa về cùng với Đức Giêsu. Để diễn tả chân lý này, thánh Phaolô vận dụng ngôn ngữ khải huyền với tiếng loa, tiếng tổng lãnh thiên thần vang lên… Chúa từ trời ngự xuống (x. Mc 13; 1Cor 15,24-28). Điều quan trọng là mọi tín hữu, dù sống hay chết, đều được ở cùng Chúa mãi mãi.
2. Ngày của Chúa và niềm an ủi cho những người còn sống (1 Thes 5,1-11)
Vì Ngày của Chúa là biến cố cứu độ nên các Kitô hữu còn sống không phải sợ hãi và lo lắng về việc Ngày đó sẽ đến lúc nào và cách nào. Dù Chúa đến cách bất ngờ như kẻ trộm trong đêm tối (5,2), người Kitô hữu cũng không sợ hãi vì họ là con cái ánh sáng (5,5). Lý do sâu xa của niềm hi vọng đầy lạc quan này là hành động cứu độ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì ta, để dù thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người” (5,9). Thức hay ngủ về mặt thể lý không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là thái độ tỉnh thức bên trong, được thể hiện qua lối sống “tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hi vọng” (5,8).
3. Ngày Chúa quang lâm và những điềm báo trước (2 Thes 2,1-12)
Tác giả trấn an những Kitô hữu bị dao động vì những lời tiên báo Ngày Chúa đến đã gần kề. Vào thời đó, có những lời tiên tri tự xưng là do Thánh Thần hoặc do những nhân vật quan trọng nói, khiến nhiều người bị dao động. Tác giả khuyến khích họ phải cố gắng tìm hiểu đâu là những thông tin chính xác và đáng tin. Lại chẳng phải là lời cảnh giác cho chính các Kitô hữu ngày nay sao, vì đôi khi chính chúng ta cũng bị dao động khi nghe những lời tiên báo về ngày tận thế. Đừng quên rằng đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy Hội Thánh phải ấn định Kinh Bộ, tức là những sách được Hội Thánh nhìn nhận là do Chúa Thánh Thần linh hứng.
Cùng với lời trấn an, tác giả nói đến một vài biến cố sẽ xảy ra trước Ngày Chúa đến. Ở đây cần lưu ý là tác giả sử dụng truyền thống khải huyền để mô tả. Trước hết là hiện tượng chối đạo hàng loạt. Điều này khó xảy ra vào thời thánh Phaolô vì còn rất ít Kitô hữu, nhưng có thể phù hợp vào những thời cấm cách bách hại tôn giáo. Rồi sẽ có sự xuất hiện của “tên gian ác”, tên này không phải là Satan nhưng là một con người dưới sự thống trị của Satan, có quyền năng làm đủ thứ điềm thiêng dấu lạ để lường gạt con người. Tác giả nhấn mạnh đến “lòng yêu mến chân lý” như thái độ cần thiết để được cứu độ (câu 10). Đây cũng là lời cảnh giác cụ thể cho người Kitô hữu trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, để ta không dễ dàng chạy theo những lý thuyết hấp dẫn nhưng sai lạc mà đánh mất chân lý cứu độ.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
I. TỔNG QUÁT
1. Nội dung
Đối tượng của thư Ga-lát là những Kitô hữu gốc ngoại giáo (x. 4,8; 5,2-3; 6,12-13). Thánh Phaolô đã giúp họ tin vào Chúa Kitô nhưng không bao lâu sau khi ngài rời Ga-lát, các Kitô hữu gốc Do thái đến và nói với họ rằng muốn làm người Kitô hữu tốt thì trước hết phải là người Do thái tốt bằng cách chịu phép cắt bì và tuân giữ luật Tora. Lập luận này chạm đến điều cốt lõi trong đức tin Kitô giáo và làm cho các Kitô hữu hoang mang. Nghe tin về nỗi hoang mang này, thánh Phaolô đã viết thư để trấn an và khẳng định chân lý đức tin : “Không có Tin Mừng nào khác đâu nhưng chỉ có một vài kẻ phá rối anh em và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!”
2. Lược đồ tổng quát
1,1-10 Lời chào và dẫn nhập
1,11 – 2,21 Phaolô, Tin Mừng của ngài, và Phêrô
3,1 – 4,31 Giáo thuyết
5,1 – 6,10 Khuyên nhủ
6,11-18 Kết luận
II. THÁNH PHAOLÔ VÀ TIN MỪNG NGÀI RAO GIẢNG
1. Thánh Phaolô đã đón nhận Tin Mừng như thế nào? (1,11-17)
Thánh Phaolô nhắc lại gốc gác Do thái cũng như lối sống của ngài trước khi có kinh nghiệm trên đường đi Damas. Ngài là người nhiệt thành với các truyền thống của cha ông và hăng say bắt bớ, tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Thế nhưng cũng như trong trường hợp của tiên tri Gieremia (1,5) và Isaia (42,1), Thiên Chúa đã chọn Phaolô và trao cho ngài một nhiệm vụ đặc biệt. Chúa đã tỏ cho Phaolô biết Đức Giêsu – Con của Người để Phaolô đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ngay sau đó, Phaolô đã sang Ả Rập để giảng đạo.
Thánh Phaolô khẳng định rằng “Tôi là Phaolô, Tông đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy… Không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải” (1,1.12). Đối chiếu với những đoạn thư khác, vd. 1Cor 15,3, nên hiểu rằng Phaolô không có ý phủ nhận vai trò của truyền thống và huấn quyền trong Giáo Hội, nhưng muốn nhấn mạnh đến mạc khải mà Thiên Chúa ban cho ngài và giúp các tín hữu xác tín vào lời ngài rao giảng.
2. Ba lần gặp gỡ thánh Phêrô
Lần gặp gỡ thứ nhất (1,18-24): Khoảng ba năm sau khi trở lại với Chúa, Phaolô đã lên Giêrusalem để gặp Kêpha (Phêrô). Nhiệm vụ lớn nhất của Phaolô trong chuyến đi này là thuyết phục thánh Phêrô rằng ngài đã thực sự trở lại với Chúa Kitô và đang hăng say loan báo Tin Mừng của Chúa.
Lần gặp gỡ thứ hai (2,1-10): 14 năm sau cuộc viếng thăm lần thứ nhất, Phaolô lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và Titô. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là các vị lãnh đạo đã bắt tay Phaolô và Barnaba để tỏ dấu hiệp thông; đồng thời có sự phân chia công việc: Phaolô lo cho dân ngoại, còn Phêrô và các vị lãnh đạo tại Giêrusalem lo cho những người được cắt bì.
Lần gặp gỡ thứ ba (2,11-21): Sau lần gặp gở thứ hai (sau năm 50) và trước khi viết thư Ga-lát (khoảng năm 55), thánh Phaolô còn gặp thánh Phêrô vào một dịp khác. Phêrô đến Antiochia và dùng bữa với những Kitô hữu gốc dân ngoại, nhưng khi có những Kitô hữu Do thái từ Giêrusalem đến thì ngài lại tránh né. Thái độ này đã có ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác. Vì thế Phaolô đã lên tiếng phê phán. Các câu 2,15-21 trình bày nội dung chính yếu mà thư Ga-lát muốn nhấn mạnh: chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật.
III. TỰ DO ĐÍCH THỰC
Đức Giêsu Kitô làm cho ta trở thành những con người tự do (2,4), nhưng tự do không có nghĩa là buông thả nhưng là “lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (5,13). Lập luận của Phaolô là: trước khi Chúa Kitô đến, tất cả chúng ta đều là nô lệ cho thế gian và những đòi hỏi của Lề luật (4,21-31). Nhưng khi Đức Giêsu chấp nhận cái chết mà chính Lề luật lên án và sau đó ngài được Thiên Chúa cho sống lại, thì hiển nhiên Đức Giêsu là người làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Nói cách khác, khi cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã hủy bỏ Lề luật và ban cho ta sự tự do mới. Trong Đức Kitô, điều quan trọng không phải là cắt bì hay không cắt bì nhưng là “đức tin hành động nhờ đức ái” (5,6) và “lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (5,13).
Trong thực tế, làm thế nào để phục vụ? Thánh Phaolô dùng hình ảnh “xác thịt” và Thần Khí” để giải thích: “Hãy sống theo Thần Khí và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn những đam mê của tính xác thịt nữa” (5,16). Để cụ thể hoá, Phaolô liệt kê những hành động phải tránh (5,19-21) và những hành động phải làm (5,22-23). Đây là những chỉ dẫn cụ thể không chỉ cho các tín hữu Ga-lát nhưng còn cho các Kitô hữu ở mọi thời đại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn