Tuần 66: Sách Tobia
I. TỔNG QUÁT
Sách Tobia được viết khoảng đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Lúc đó quyền lực của Alexandre đại đế trải rộng khắp vùng Cận Đông, và Palestine nằm dưới sự thống trị của ông từ năm 332. Khi Alexandre đại đế qua đời vào năm 323, đế quốc của ông bị phân quyền: Syria dưới quyền Seleucids và Ai Cập dưới quyền Ptolemies. Palestine nằm giữa hai quyền lực này, lúc đầu do Ptolemies kiểm soát, sau đó dưới quyền Seleucids từ năm 198.
Thời kỳ này đánh dấu tiến trình Hi Lạp hoá. Ngôn ngữ cũng như tập quán của người Hi Lạp càng lúc càng trở nên thông dụng trong dân Do thái. Đứng trước sự đe doạ của văn hóa Hi Lạp, người Do thái có những phản ứng khác nhau. Có nhóm chống đối quyết liệt và có nhóm tìm cách thích nghi, dùng ngôn ngữ cũng như triết học Hi Lạp phục vụ cho Do thái giáo. Sách Tobia được viết ra trong bối cảnh này nhằm trả lời vấn nạn làm sao trung thành với Thiên Chúa giữa những áp lực văn hoá ngoại lai.
Tác giả sách Tobia đưa ra câu trả lời qua một câu chuyện mô tả sự trung tín của Chúa cũng như lòng can đảm của các tín hữu. Tobia cũng như Sara trong truyện đều chạy đến với Chúa trong cơn khốn quẫn, và lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời khi Chúa sai thiên thần đến để chữa lành. Thế nhưng chính họ lại không biết điều đó và vẫn phải lầm lũi bước đi trong đêm tối của đức tin. Chính ở đây lại nổi bật lên niềm tin tín thác của Tobia và Sara, tin rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín và giàu lòng thương xót, đồng thời thể hiện niềm tin đó qua lối sống đạo đức và bác ái.
Có thể thấy bố cục của sách Tobia như sau :
Phần I : Nỗi đau khổ của Tobia và Sara (1,1 – 3,17)
Phần II : Hành trình (4,1 – 6,18)
Phần III : Tobia và Sara được chữa lành (7,1 – 11,18)
Phần kết : Khám phá ý định của Thiên Chúa (12,1– 4,15)
II. SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN (2,1 – 3,17)
1. Lời cầu nguyện của Tobia và Sara
Lời cầu của Tobia (2,1 – 3,6): một đời làm việc lành phúc đức nhưng lại bị tai hoạ ập xuống, đến cả người thân cũng trách móc, “Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!” (2,14). Tobia xin Chúa cho được chết, “Quả thật, chết đối với con còn hơn sống, vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian, khiến con phải buồn phiền quá đỗi” (3,1-6).
Lời cầu của Sara (3,7-15): đối diện với thảm họa trong đời, Sara cầu xin Chúa hoặc cho cô chết đi, “Xin Chúa phán, thì con sẽ được biến khỏi mặt đất và không còn phải nghe những lời nhục mạ nữa” (3,13), hoặc cho cô một phương thế giải thoát khỏi bế tắc, “Nếu Chúa không ưng làm cho con chết, thì lạy Chúa, xin đoái nghe con kể lể nỗi nhục nhằn” (3,15).
2. Cầu nguyện, hơi thở của đời sống đức tin
Đừng ngại trình bày với Chúa những tâm tư ước nguyện của mình, kể cả những suy nghĩ có vẻ tiêu cực! Cả Tobia và Sara đều xin Chúa cho được chết vì chết còn hơn là sống mà phải chịu quá nhiều đau khổ và nhục nhã.
Đồng thời hãy phó thác trọn vẹn nơi Chúa vì tin rằng Chúa là Cha toàn năng, nhân từ và giàu lòng thương xót. Dù bị nhận chìm trong đau khổ, cả Tobia và Sara đều ngước nhìn lên Chúa, và lời cầu nguyện của họ tràn đầy tín thác: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (3,2), “Chúc tụng Danh Chúa đến muôn đời, và mọi công trình của Ngài phải chúc tụng Ngài muôn muôn thuở” (3,11).
III. GIÁO DỤC CON CÁI (4,1-18)
Lời căn dặn của Tobia dành cho con trai trước khi lên đường hàm chứa những định hướng căn bản trong việc giáo dục con cái. Ông dạy con sống lòng hiếu thảo: “Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người” (4,3). Ông cũng dạy con sống theo lề luật của Chúa, “Hãy tưởng nhớ Chúa mọi ngày, đừng phạm tội và làm trái mệnh lệnh của Người” (4,5). Sống theo lề luật Chúa là sống theo sự thật và sẽ thành công (4,6), sống tình bác ái và như thế là tích lũy kho tàng vững chắc (4,7-11.16-17), xa tránh thói dâm ô (4,12-13), sống khiêm tốn và lắng nghe lời khôn ngoan (4,18).
IV. THIÊN THẦN, NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH (12,1-22)
Thiên sứ Raphael tỏ mình ra cho cha con Tobia và nói, “Phần tôi, tôi đã ở với các ngươi không do lòng tốt của tôi, mà do ý muốn của Thiên Chúa. Vậy ngày ngày các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa, hãy ngợi khen Người” (12,18).
Bạn có tin rằng Chúa vẫn không ngừng che chở hướng dẫn bạn như thế không? Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hướng dẫn chở che đó chưa?
Tuần 67:Sách Giuditha và sách Esther
SÁCH GIUĐITHA
I. TỔNG QUÁT
Sách Giuđitha được viết vào thế kỷ II nhằm trả lời cho cuộc khủng hoảng đe dọa các tín hữu Do Thái ở Palestine. Năm 175 trước Công nguyên, Antiochus IV Epiphanes chiếm đóng Syria và Palestine. Ông ép buộc người Do thái không những phải chấp nhận văn hoá và phụng tự theo Hi Lạp, mà còn phải bỏ những thực hành truyền thống của họ như cắt bì và những luật lệ về chay tịnh.
Ở đỉnh cao của cuộc bách hại này (năm 167), ông Mattathias là một người Do thái can đảm, khi bị ép buộc phải dâng lễ tế trên bàn thờ ngoại giáo, đã giết sứ giả của nhà vua rồi cùng với 5 đứa con chạy trốn lên núi. Những người Do thái khác đã đi theo ông, bắt đầu phong trào chống đối của nhà Macabê (tên gọi Macabê bắt nguồn từ biệt danh của Giuđa, con ông Mattathias). Nhà Macabê đã chiếm lại Đền thờ và thánh hiến lại năm 164. Sau thời gian chiến tranh, cuối cùng người Do thái được hưởng nền độc lập tương đối dưới quyền nhà Hasmorean là hậu duệ của Mattathias.
Sách Giuđitha được viết trong thời kỳ chống Hi Lạp của nhà Macabê. Câu truyện kể về một thành Israel bị Holofernes chiếm đóng. Ông này là chỉ huy trưởng quân đội Assyria. Các vị lãnh đạo của thành này thất vọng vì không thấy Chúa trợ giúp nên quyết định sẽ đầu hàng nếu trong 5 ngày mà Chúa không giải thoát họ. Khi nghe biết quyết định này, một người Do thái đạo đức và cũng là một goá phụ có nhan sắc đã lên án những nhà lãnh đạo là thiếu đức tin. Bà cầu nguyện và phó thác mọi sự cho Chúa. Cuối cùng bà quyết định dùng chính nhan sắc của bà làm khí giới chống lại quân thù. Bà đã chặt đầu tướng Holofernes và giải thoát cho toàn dân.
Câu truyện muốn đề cao sứ điệp: chiến thắng không do sức mạnh loài người nhưng do quyền năng Thiên Chúa. Cho dù đường lối Chúa xem ra thật khó hiểu và người tin Chúa có thể bị coi là điên rồ, nhưng chính những kẻ không dám phó thác vào Chúa mới là kẻ điên rồ.
II. GIUĐITHA, NGƯỜI TÍN HỮU MẪU MỰC
1. Giuđitha, người đại diện của Chúa (8,1-8)
Cuộc chiến bùng nổ giữa Đức Chúa và Nabuchodonosor (tự coi mình như thần linh). Đại diện của ông là Holefernes, còn đại diện của Đức Chúa là bà Giuđitha. Trong tiểu sử của bà có bản gia phả 16 đời, nhằm mục đích chứng minh bà thực sự thuộc dòng dõi Abraham.
Bà Giuđitha được coi là người tín hữu mẫu mực. Theo tập tục, bà kết hôn trong dòng tộc, sống đạo đức (chay tịnh, mặc áo nhặm, kính sợ Chúa). Nhan sắc của bà, theo Kinh Thánh, là sự phản ánh nhân đức (St 29,17; 39,6). Bà lại là người goá bụa, và trong Kinh Thánh, người goá bụa nương tựa hoàn toàn nơi Chúa. Nhiều bà goá đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Dân Chúa, vd. Tamar (St 38), hoặc bà Ruth.
2. Bà Giuđitha và các trưởng lão (8,9-36)
Trong cuộc trao đổi với các trưởng lão, bà Giuđitha nhấn mạnh hai điều: (1) Dân thiếu đức tin vào Chúa nên dám thử thách Chúa (8, 12), và (2) Dân không tự tin vào chính mình nên thất vọng chán nản (8,18-20). Từ đó, bà nói với mọi người: Thiên Chúa hoàn toàn tự do, không phải hành động theo đường lối của loài người; và dân phải tuyệt đối tin cậy vào Chúa.
3. Bà Giuđitha chuẩn bị cuộc chiến
a) Chuẩn bị bằng cầu nguyện (9,1-14)
Thái độ cầu nguyện: cầu nguyện vào giờ dâng hương trong đền thờ, như thế bà nối kết lời cầu nguyện của mình với lời cầu của Dân Chúa. Bà cầu nguyện với lòng khiêm tốn (phủ phục) và sám hối (rắc tro). Lời cầu nguyện của bà Giuđitha phản ánh những xác tín căn bản: (1) phó thác nơi Chúa chứ không tin tưởng vào sức mạnh người đời, (2) quyền năng của Chúa vượt trên quyền năng con người, (3) chiến thắng thuộc về những người khiêm hạ vì họ chỉ nương tựa một mình Chúa. Khi đối đầu trực tiếp với Holefernes, bà Giuđitha thường xuyên cầu nguyện (x. 12,4-6).
Mỗi người Kitô hữu cần tự hỏi: Trong cuộc chiến đấu chống lại các cơn cám dỗ, tôi có thường xuyên cầu nguyện?
b) Chuẩn bị bằng trang điểm nhan sắc (10,1-10)
10,1-4 nói đến việc bà Giuđitha trang điểm rất kỹ trước khi đến gặp Holefernes. Bà hiểu rằng nhan sắc là do Chúa ban và là điều tốt đẹp. Bà cũng biết rằng nhan sắc bên ngoài cần đi đôi với vẻ đẹp bên trong mới làm nên giá trị và sức mạnh thực sự. Nhan sắc Chúa ban là để phục vụ Chúa; ở đây Chúa dùng nhan sắc của bà để giải thoát dân Người.
Ngày nay, bạn quan niệm thế nào về nhan sắc và dùng nhan sắc để làm gì?
———————
SÁCH ESTHER
I. NỘI DUNG
1. Bản văn tiếng Hípri
Câu chuyện kể về ông Mordecai, một người Do thái phục vụ trong triều vua Ahasuerus. Ông đã báo cho nhà vua biết một âm mưu sát hại nhà vua, nhờ đó vua thoát nạn; nhưng vua quên ban phần thuởng cho ông. Sự kiện kế tiếp là vua chọn một hoàng hậu mới. Ông Mordecai có cơ hội tiến cử Esther là cháu ông và cô đã được chọn làm hoàng hậu. Esther được biết về một âm mưu của Haman nhằm tiêu diệt dân Do thái vì ông ghét người Do thái, cách riêng là Mordecai. Một đêm kia, vua nhớ lại Mordecai và công trạng của ông, và vua gọi Haman vào, yêu cầu ông tôn vinh người đã cứu nhà vua thoát chết (đúng lúc Haman chuẩn bị sẵn giá treo cổ cho Mordecai).
Esther đã có cơ hội trình bày với nhà vua về âm mưu của Haman nhằm tiêu diệt dân Do thái. Haman phải đến năn nỉ Esther nhưng chính lúc ấy nhà vua bước vào, cho rằng Haman tìm cách xâm phạm hoàng hậu nên đã quyết định treo cổ ông ta bằng chính giá treo ông đã dọn sẵn cho người khác. Nhà vua ban sắc chỉ phục hồi quyền của người Do thái và ngày này đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
2. Bản văn tiếng Hi Lạp
Bản Hi Lạp thêm vào một số đoạn. Những đoạn này được đánh dấu theo thứ tự từ A đến F. Bản dịch tiếng Việt của Nhóm PVCGK đánh dấu theo các chương và thêm mẫu tự alphabet.
Những phần thêm vào ở chương đầu và chương cuối nói về giấc mơ, một loại văn chương Khải Huyền. Các phần thêm khác là những lời cầu nguyện.
II. ĐỌC VÀ SUY NIỆM MỘT SỐ ĐOẠN VĂN
1. Sắc chỉ tru diệt người Do thái (3,7-9.13b-13g)
Những lời lên án trong sắc chỉ về lối sống của người Do thái khiến ta nhớ đến những cuộc bách hại trong lịch sử Giáo Hội:
– Đế quốc Roma: những thú vui chơi như nhà tắm công cộng, hí trường Colisê. Người Kitô hữu xa lánh những nơi và những kiểu vui chơi đó, thì lại bị lên án.
– Tại Việt Nam: nhớ đến cuốn Gia Tô Bí Lục lên án Đạo Chúa (móc mắt, gian dâm… và đủ thứ tội). Lý do sâu xa là sự ghen ghét và thù nghịch với Tin Mừng Chúa Kitô.
– Nhớ đến Lời Chúa: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Và lời thánh Phêrô: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Ngài đến viếng thăm” (2Phero 2,12).
2. Lời cầu nguyện của ông Mordecai (4,17a-17h)
Lý do ông Mordecai không chịu cúi đầu trước vua: “Không phải vì xấc xược, kiêu kỳ hoặc háo danh mà con làm thế… nhưng con đã làm thế để khỏi đặt cái vinh của người phàm trên vinh quang Thiên Chúa.” Các Kitô hữu trong đế quốc Roma cũng thế, họ không chịu thờ hoàng đế vì hoàng đế cũng chỉ là con người nhưng lại xưng mình là “Đấng cứu thế” và bắt mọi người phải thờ phượng như thần thánh. Các Kitô hữu tại Việt Nam cũng vậy, họ không chấp nhận bỏ Đạo dù là lệnh vua ban xuống, và dù phải chấp nhận tù tội, gông cùm, kể cả cái chết.
Lịch sử để lại cho ta bài học này: khi con người phủ nhận Thiên Chúa, họ lại có khuynh hướng tôn sùng một cá nhân hay cái gì đó thay cho Thiên Chúa. Vào thời quân chủ hoặc trong những chế độ độc tài, người ta tôn thờ vua chúa hoặc suy tôn lãnh tụ. Trong thời đại ngày nay, người ta lại tôn thờ tiền bạc, hưởng thụ… Tất cả những loại ngẫu tượng đó chỉ làm cho con người vong thân và tha hoá vì thay thế Thiên Chúa vinh quang bất tử bằng hình tượng người phàm là những loài phải chết (x. Rm 1,23).
3. Giấc chiêm bao của ông Mordecai (1,1d-1k; 10,3a-3k)
Trình thuật về giấc chiêm bao vận dụng văn chương khải huyền là thể loại sử dụng ngôn ngữ hình tượng để diễn tả đức tin. Chúng ta có thể gặp thứ ngôn ngữ này trong lời rao giảng của các tiên tri, trong những diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu, nhất là trong sách Khải huyền. Có cả trong Phúc âm.
Cách giải thích của Mordecai nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Chủ của lịch sử: “Thấy mình sắp bị tiêu diệt, họ kêu lên cùng Thiên Chúa. Từ tiếng kêu cứu đó, người ta thấy như từ dòng suối nhỏ phát ra một con sông lớn, nước đầy tràn. Mặt trời mọc lên, toả lan ánh sáng. Kẻ thấp hèn được cất nhắc lên và nuốt sống người cao sang quyền thế.”
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn