Tuần 50: Sách Êzêkiel, chương 37-48
I. THỊ KIẾN VỀ NHỮNG BỘ XƯƠNG KHÔ (37,1-14)
Thị kiến này là một trong những trình thuật được biết đến nhiều nhất trong sách Ezekiel. Trình thuật gồm hai phần: thị kiến (câu 1-10) và giải thích (câu 11-14). Cơ hội để vị tiên tri công bố thị kiến này là lúc dân lưu đày đã mất hết hi vọng vào tương lai. Họ đã từng nghĩ rằng Giêrusalem là bất khả xâm phạm nhưng thực tế chứng minh đó chỉ là niềm hi vọng hão huyền, và bây giờ chỉ còn lại niềm tuyệt vọng: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” (câu 11).
Trong bối cảnh tuyệt vọng đó, tiên tri công bố thị kiến tràn ngập hi vọng. Trong một thung lũng tràn ngập những bộ xương khô, nghĩa là những dấu chứng của chết chóc và tuyệt vọng, Lời Chúa tra vấn vị tiên tri, “Liệu các xương khô này có hồi sinh được không?” Vị tiên tri trả lời hết sức dè dặt, “Chỉ một mình Người mới biết được!” Thế rồi Chúa sai vị tiên tri tuyên sấm trên những bộ xương khô để một linh khí mới cùng với da thịt, các đường gân sẽ làm cho nó hồi sinh (câu 4-6). Lần thứ hai, Chúa lại sai tiên tri gọi linh khí từ bốn phương đến, và linh khí đã làm cho cả cánh đồng xương khô thành một đạo quân hùng mạnh (câu 9-10).
Trong phần giải thích tiếp theo, Thiên Chúa tuyên bố rằng những con người tuyệt vọng sẽ được hồi sinh và có đời sống mới tại Israel. Tuy nhiên hình ảnh được vận dụng ở đây lại là hình ảnh những huyệt mộ được mở ra (câu 12) chứ không phải là cả cánh đồng xương khô. Đồng thời câu 13 và 14 không chỉ nhấn mạnh đến miền đất mà dân sẽ được định cư nhưng còn nhấn mạnh đến việc hiểu biết Chúa, “các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” Thị kiến này không nhằm trình bày niềm tin vào sự phục sinh cá nhân cho bằng sự hồi sinh của một dân tộc về mặt xã hội.
Thánh Phaolô dạy, “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng” (Dt 11,1). Như thế, đức tin gắn liền với hi vọng, và sống đức tin là sống trong hi vọng. Niềm hi vọng Kitô giáo có những nét đặc thù. Đó là niềm hi vọng cậy dựa vào một mình Chúa là Thiên Chúa của sự sống và là Cha yêu thương, chứ không dựa vào sức mạnh người đời. Đó là niềm hi vọng vượt qua cả biên cương sự chết chứ không chỉ dừng lại ở những thành công trần thế. Chính niềm hi vọng đó ban sức mạnh cho ta trong mọi nghịch cảnh. Tôi phải tự hỏi mình: tôi hi vọng điều gì? Tôi hi vọng vào ai?
II. DÒNG NƯỚC TỪ ĐỀN THỜ (47,1-12)
Phần cuối trong sách Ezekiel (40,1 – 48,35) gồm có một phác thảo kiến trúc về Đền thờ (40,1 – 42,20), mô tả việc thờ phượng trong Đền thờ (43,1 – 44,3), những lề luật về Đền thờ (44,4 – 47,12) và những ranh giới phân chia đất đai (47,13-48,35). Ở đây chỉ tập trung vào thị kiến về dòng nước chảy ra từ Đền thờ.
Tiên tri Ezekiel và người hướng dẫn trở lại phía cửa Đền thờ và thấy có nước vọt ra từ ngưỡng cửa và chảy về phía đông. Càng đi xa về phía đông, tiên tri thấy dòng nước càng dâng cao. Người hướng dẫn lấy thước đo bốn lần và mỗi lần nước lại dâng cao hơn, cuối cùng thành dòng thác (câu 3-5). Ezekiel thấy nhiều cây cối hai bên bờ, và được giải thích rằng dòng nước ban sự sống phát xuất từ ngai Thiên Chúa sẽ làm cho nước mặn chát của Biển Chết thành nước trong lành, làm cho cây cỏ tốt tươi trổ sinh hoa trái, và lá không bao giờ tàn tạ. Hình ảnh này phát xuất từ huyền thoại cổ xưa về thành phố trên đồi, từ đó phát sinh những dòng sông trên trái đất (x. St 2,10-14). Hình ảnh này cũng được vận dụng trong văn chương khải huyền (x. Kh 22).
Thị kiến của tiên tri Ezekiel loan báo việc thờ phượng sẽ được hồi sinh trong Đền thờ được tái thiết. Tuy nhiên người Kitô hữu lại khám phá nơi thị kiến này những tầng ý nghĩa khác. Trong trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thánh Gioan ghi nhận rằng, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (19,34). Chúa Giêsu chính là Đền thờ sống động (x. Ga 2,21), và dòng nước cùng máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người chính là nguồn nước ban sự sống, được thông ban qua các bí tích, cho tất cả những ai tin vào Người. Chính vì thế trong Đêm Vọng Phục Sinh, chủ tế cử hành nghi thức làm phép nước để rửa tội cho các dự tòng và rẩy trên dân chúng, khi đó cộng đoàn cùng hát lên, “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên: Alleluia, Alleluia.”
Trong cuộc sống ngày nay, có quá nhiều “biển chết,” những vùng biển nhìn thật hấp dẫn và đẹp mắt nhưng chỉ toàn cung cấp thứ nước mặn chát và chết chóc. Chỉ có nguồn nước mà Chúa Giêsu ban cho mới đem đến sự sống dồi dào như Người đã hứa: “Ai khát, hãy đến với Tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: từ lòng Người sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống” (Ga 7,38). Liệu chúng ta có dám tin vào lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Nếu tin, ta đã đáp lại lời mời gọi đó như thế nào?
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Tuần 51: Sách Isaia II, chương 40-48
Câu hỏi đặt ra là tại sao đã đọc sách Isaia từ trước, bây giờ lại quay lại? Bắt đầu từ Isaia 40,1 chúng ta được đưa vào bối cảnh mới là thời điểm chấm dứt cuộc lưu đày Babylon (539 trước Công nguyên), và những lời sấm được trình bày trong những chương sau này mang một cung giọng khác với các chương 1-39. Vì thế những chương sau này được gọi là Isaia II hay Sách an ủi. Các chương sau này có thể được chia thành hai phần chính: phần thứ nhất (40-48) chủ yếu nói đến cuộc giải thoát khỏi cảnh lưu đày Babylon, phần thứ hai (49-55) nói về việc khôi phục Sion. Một số chủ đề lớn sẽ được đề cập tới ở đây.
I. LOAN BÁO NGÀY GIẢI THOÁT (40,1-11)
Chủ đề chính ở đây là sự giải thoát Israel khỏi cảnh lưu đày. Trong Ezra 1, biến cố giải thoát này được gán cho Kyrô vua Ba Tư vì ông đã ra chiếu chỉ cho phép dân hồi hương. Nhưng ở đây tiên tri Isaia làm nổi bật nguyên do sâu xa của ơn giải thoát là chính Thiên Chúa, Đấng tuyên bố rằng “Thời phục dịch của Giêrusalem đã mãn, tội của Thành đã đền xong” (câu 1). Vì thế, cuộc giải thoát này làm nổi bật quyền năng và vinh quang Đức Chúa. Ai cũng nghĩ Babylon hùng mạnh lắm nhưng thực ra cũng không hơn gì hoa cỏ ngoài đồng, chỉ có lời Thiên Chúa đời đời bền vững, “Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua… nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (câu 7-8).
Trong Tân ước, thánh Matthêu và Gioan trích dẫn Is 40,3 “có tiếng hô trong sa mạc” để áp dụng cho thánh Gioan Tẩy giả (Mt 3,3 và Ga 1,23). Cách trích dẫn này giúp ta hiểu vai trò của Gioan Tẩy giả là loan báo và chuẩn bị cho hành động cứu độ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô.
II. CUỘC XUẤT HÀNH MỚI (43,14-44,5)
Is 43,15-21 là lời sấm về việc dân Israel sẽ được giải thoát khỏi cảnh lưu đày bên Babylon, và lời sấm này được xây dựng dựa trên biến cố Xuất Hành:
“Đây là Lời Đức Chúa,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
Một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
Đấng đã cho xuất trận
Nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
Tất cả đã nằm xuống và không còn trỗi dậy,
Đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (43,16- 17)
Xuất hành là biến cố trung tâm của lịch sử Israel, cũng là tâm điểm niềm tin của Israel. Qua cuộc Xuất hành, Thiên Chúa tạo dựng dân Israel. Nhưng trong lời sấm của tiên tri Isaia, dân Israel được nhắc nhớ: “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” vì “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao?” (43,17).
Như thế, Xuất hành không chỉ là biến cố của quá khứ mà là biến cố của hôm nay. Xuất hành trở thành mẫu mực cho hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và trong từng giây phút hiện tại. Điều quan trọng không phải là những gì Thiên Chúa đã làm thời Môsê mà là những gì Thiên Chúa làm hôm nay. Vì vậy Isaia khuyến khích ta đọc lại câu chuyện Xuất Hành để áp dụng cho chính hoàn cảnh hiện tại.
III. CUỘC XUẤT HÀNH VÀ ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
Phụng Vụ Chúa nhật V Mùa Chay (năm C) chọn lời sấm trên đây của tiên tri Isaia làm bài đọc I và trình thuật về người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11) làm bài Tin Mừng. Việc kết hợp hai bài đọc cho ta một cái nhìn mới về câu chuyện Tin Mừng. Thiên Chúa là Đấng luôn mở cho con người cánh cửa đi về phía tương lai. Ngài đã mở cánh cửa hi vọng cho dân lưu đày, và Ngài cũng mở cánh cửa hi vọng cho người nữ ngoại tình, “Tôi không lên án chị đâu! Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Niềm tin vào Thiên Chúa của hi vọng, Thiên Chúa của tương lai không cho phép ta tuyệt vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, không cho phép ta khoá chặt mình trong những mặc cảm tội lỗi, nhưng luôn mời gọi ta đứng dậy và đi về phía đằng trước. Hơn ai hết, thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý này khi ngài viết, “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thuởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 3,13-14). Đồng thời, trong mối quan hệ với người khác, ta cần học với Chúa cách ứng xử này, là không bao giờ khóa chặt anh em mình trong những định kiến về họ hoặc những lỗi lầm của họ, nhưng phải mở cho họ một cánh cửa đi về phía tương lai. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu con người biết đối xử với nhau như thế.
Cuộc xuất hành mới mà tiên tri Isaia loan báo cho dân lưu đày còn giúp người Kitô hữu ý thức về cuộc xuất hành nội tâm của chính mình. Dân Israel đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhưng rồi họ lại tiếp tục rơi vào tình trạng nô lệ khác khi họ rời bỏ Thiên Chúa của giao ước để chạy theo các thần ngoại lai. Vì thế họ cần một cuộc xuất hành mới, ban tặng tự do mới, tự do đích thực. Mỗi Kitô hữu cũng có kinh nghiệm tương tự trong đời sống. Đã được trở nên tạo vật mới trong bí tích Thánh Tẩy nhưng ta lại tiếp tục làm nô lệ cho những đam mê và dục vọng xấu. Vì thế ta cần phải tham dự vào cuộc xuất hành mới được hoàn thành trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cuộc xuất hành ban tặng cho ta sự tự do nội tâm đích thực. Mùa Chay là thời gian đặc biệt hằng năm để ta ý thức và sống lời mời gọi này.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn