I. TỔNG QUÁT
9,1 – 13,8 : Những niềm hi vọng giả tạo. Thay vì lắng nghe Lời Chúa qua miệng các ngôn sứ như Amos và Hosê, vua cũng toán chính trị, cuối cùng dẫn đến kết thúc bi thảm.
13,9 – 14,1 :Vương quyền chấm dứt và vương quốc sụp đổ.
14,2-9 : Hoán cải, chữa lành và sự sống mới.
II. ĐÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN CHÚA?
1. Bối cảnh lịch sử: các triều đại
– Jeroboam II (786-746) :tự do và thịnh vượng
– Zec-hariah (746-745) :thoả hiệp nhưng không hiệu quả (bị ám sát)
– Shallum (745) :chống đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Menahem (745-737) :phò đế quốc Assyria
– Pekahiah (737-736):phò đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Pekah (736-732) :chống Assyria (bị ám sát)
– Hoshea (732-724) :phò đế quốc, sau đó lại chống (bị bắt và xử tử)
2. Sức mạnh đích thực của dân Chúa ở đâu?
Các triều đại thay đổi chính sách liên tục, lúc thì nghiêng về Ai Cập, lúc lại chạy theo Assyria, để mong tìm bình an và thịnh vượng “ “Ephraim vô tâm vô trí tựa bồ câu khờ dại. Chúng cầu cứu Ai Cập, chạy đến với Assyria” (7, 8-12; 8,11-14). Nhưng kết quả chỉ là điêu tàn và đổ vỡ: “Israel đã quên Đấng tác tạo ra nó và lo xây đền đài; còn Giuđa thì xây thêm những thành kiên cố. Nhưng Ta sẽ phóng lửa xuống những thành này, và lửa sẽ ngốn hết các dinh thự” (8,14).
Dân Chúa cần tìm sức mạnh đích thực ở nơi Chúa, cần trung thành với giao ước tình yêu đã ký kết với Chúa : “Chúng con sẽ không cầu cứu Assyria, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm do tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới gặp được lòng thương xót” (14, 2-9).
3. Bài học cho Dân Chúa mọi thời
Đừng tìm kiếm sự thành công và phát triển dựa vào những thế lực trần gian như tiền bạc, tính toán chính trị, quyền lực. Lịch sử Giáo Hội làm chứng rằng những thành công và phát triển đó, nếu có, chỉ là những thành công bên ngoài và chóng qua. Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá và các thánh tử vì đạo là lời nhắc nhớ thường xuyên về sự thành công sâu xa, đích thực của Nước Trời.
Quả thật, “Đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (14,10).
III. TÌNH YÊU THA THỨ (11, 1-9)
1. Thiên Chúa là tình yêu
Tiên tri Hôsê vận dụng nhiều hình ảnh để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người: hình ảnh vợ chồng (2,4-9), hình ảnh cha con (11,1-4), hình ảnh bạn tình (2,16). Tất cả để làm nổi bật tình yêu Thiên Chúa. Và đặc điểm của tình yêu đó là sự tha thứ: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11,9).
2. Lời mời gọi cho người Kitô hữu
Tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa không có nghĩa là an tâm ở lại mãi trong tội lỗi vì không sợ Thiên Chúa trừng phạt. Niềm tin đích thực vào tình yêu này thúc đẩy ta hoán cải không ngừng. Đồng thời một khi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa, cảm nghiệm đó dẫn ta vào một lối sống mới trong tương quan với tha nhân, lối sống quảng đại và tha thứ (x. Mt 18, 21-35).
IV. SA MẠC
1. Sa mạc trong ngôn ngữ của Hôsê
– “Ta sẽ biến nó thành sa mạc hoang vu,
cho nó trở nên đất khô khan cằn cỗi, và làm cho nó chết khát” (2,5b).
– “Này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (2,16)
2. Sa mạc trong đời sống đức tin
Sa mạc là nơi chết chóc vì không có nước là yếu tố căn bản của sự sống, vì cái nắng gay gắt đe doạ sự sống. Không những đe doạ sự sống tự nhiên, sa mạc còn đe doạ sự sống siêu nhiên vì là nơi chốn của cám dỗ. Chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong sa mạc.
Thế nhưng sa mạc cũng là miền đất ân sủng. Sa mạc là cõi thinh lặng và cô tịch, vắng mọi ồn ào và tiếng động bên ngoài. Chính trong cõi cô tịch và thinh lặng đó, ta được mời gọi trở về với chiều sâu cuộc sống: sống với Chúa, sống nhờ Chúa, sống cho Chúa. Vì thế, hãy tự tạo nên những khoảnh khắc sa mạc trong đời sống hằng ngày.
Sau khi học hỏi sách tiên tri Amos và Hôsê (hoạt động tại Israel), chúng ta sẽ học hỏi sách ngôn sứ Isaia. Isaia là vị ngôn sứ lớn, hoạt động tại Giuđa. Sách Isaia đóng vai trò quan trọng không những với Do thái giáo nhưng còn với Kitô giáo. Nhưng trước khi đọc sách Isaia, cần hiểu bối cảnh lịch sử thời ngài hoạt động. Vì thế cần đọc Sách Các Vua 2 từ chương 14 đến 23.
I. LƯU ĐÀY
1. Nhìn lại những cuộc lưu đày trong lịch sử Israel
Lịch sử Israel ghi nhận hai cuộc lưu đày: cuộc lưu đày thứ nhất thời vua Jehoiachim (2V 24,10-17), và cuộc lưu đày lần II thời vua Zedekiah (2V 25, 8-21).
Lưu đày là đánh mất quê hương, phải sống trên đất khách quê người. Sâu xa hơn, lưu đày là mất quyền làm chủ, quyền tự quyết của dân tộc. Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng bí đát này? Thánh Kinh nhiều lần nói đến việc dân làm sự dữ trước mặt Chúa: “Vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, hệt như tổ tiên vua” (23,37; 24,19). Từ quan điểm đức tin, tác giả Thánh Kinh coi đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lưu đày, ẩn sau những biến cố lịch sử về mặt chính trị, xã hội.
Cũng trong tầm nhìn đức tin, tác giả Thánh Kinh nói đến giá trị tích cực của tình trạng lưu đày. Lưu đày giúp con người ý thức lại tội lỗi của mình mối tương quan với Thiên Chúa của giao ước, từ đó biết sám hối và hoán cải. Vì thế, cũng chính trong cảnh lưu đày mà các tiên tri rao giảng sứ điệp chứa chan hi vọng.
2. Bài học cho người Kitô hữu
Nhìn từ góc độ thiêng liêng, ta cũng có thể rơi vào tình trạng lưu đày, nghĩa là đánh mất chính mình (vong thân, tha hoá) cho dù bên ngoài có vẻ thành công. Cũng có thể đánh mất khả năng làm chủ bản thân, nô lệ hoàn toàn cho những ham muốn và đam mê xấu.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Con người dễ có khuynh hướng đổ lỗi cho những nguyên nhân bên ngoài, vd. môi trường sống, sự lôi kéo của bạn bè… Tuy nhiên, như gợi ý của tác giả Thánh Kinh về tình trạng lưu đày của dân Israel, cần phải tìm nguyên nhân sâu xa ở bên trong. Đó là sống không phù hợp với ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, thiếu tỉnh thức và cầu nguyện.
Một khi khám phá lại con người thật của mình như thế, ta cũng sẽ khám phá Thánh Kinh là nguồn ơn giải thoát vì Lời Chúa công bố dung nhan Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đồng thời chỉ vẽ cho ta nẻo đường của sự thật và sự sống.
II. SỐ SÓT (19,4. 31)
1. Số Sót trong Thánh Kinh
Từ Số Sót xuất hiện khá nhiều trong Thánh Kinh:
“Xin ông dâng lời cầu nguyện cho số sót còn lại” (2V 19,4)
“Vì từ Giêrusalem sẽ nẩy sinh số sót còn lại” (2V19,31)
– Dấu hiệu buồn thảm và thất bại (Is 10,19; 17,5-6)
– Đồng thời là hạt mầm của tương lai sáng lạn (Is 10, 20-23)
Vậy Số Sót là ai? Là những người chỉ nương tựa nơi một mình Chúa thay vì nương tựa nơi bất cứ sức mạnh nào khác: “Đức Chúa đã củng cố Sion, và kẻ nghèo khó trong dân Người vào đó ẩn náu” (Is 14,32). Chỉ có Chúa mới là Chúa của họ: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến” (Giêrêmia 23,3).
2. Và đời sống Hội Thánh
Tin Mừng Ga 6,60-71 ghi nhận phản ứng của nhiều người sau khi nghe Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống: “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi!” Và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Chúa Giêsu nữa. Nhưng cũng chính lúc ấy, Phêrô tuyên xưng: “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.
Ngày nay, nhiều tín hữu cũng chối từ hoặc xa rời giáo huấn của Tin Mừng và Hội Thánh, với đủ thứ lý lẽ, đôi khi nghe rất hấp dẫn. Đức Gioan Phaolô II nói đến Hội Thánh hôm nay như đàn chiên nhỏ bé của Chúa. Còn nhà thần học Karl Rahner nói đến Hội Thánh trong tình trạng diaspora, nghĩa là những cộng đoàn nhỏ rải rác. Tuy nhiên, chính những nhóm nhỏ trung tín với Chúa Giêsu đang làm nên mùa Xuân mới của Hội Thánh. Còn bạn, bạn chọn thái độ nào? Bạn có muốn tuyên xưng cùng với thánh Phêrô “Bỏ Thầy, con biết theo ai?”
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn