Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 38 và 39.

Thứ ba - 27/12/2016 22:24  1307

Tuần 38: Sách Isaia (chương 13 – 23)

I. TỔNG QUÁT: HẠCH TỘI CÁC DÂN (13,1 – 23,8)

Trong truyền thống, các tiên tri nhiều lần loan báo thảm hoạ đổ xuống các dân tộc. Tuy nhiên lời loan báo này lại mang giá trị tích cực cho những tâm hồn biết lắng nghe. Những lời loan báo này xem ra không có liên hệ gì với chúng ta ngày nay nhưng cũng có thể rút ra một số bài học cho đời sống đức tin.

13,1-22 : Babylon bị tàn phá
14,1-32 : Cái chết của vua Babylon. Hạch tội Assyria. Hạch tội người Philitinh.
15,1-9 : Hạch tội Moab
16,1-14 : Dân Moab thỉnh cầu và than vãn
17,1-14 : Hạch tội Damas và Israel
18,1-7 : Hạch tội dân Cút
19,1-25 : Hạch tội Ai Cập và tương lai của Ai Cập
20,1-6 : Ngôn sứ ở trần
21,1-16 : Babylon sụp đổ. Hạch tội người Ả Rập.
22,1-25 : Sự sụp đổ của Giêrusalem. Tranh cãi tại tòa.

II. SỰ SỤP ĐỔ CỦA BABYLON (14,1-22)

1. Ý nghĩa

Bài ca của Isaia về sự sụp đổ của Babylon là bài ca nổi tiếng vì đã so sánh vua Babylon với “Lucifer, con của bình minh” (14,12). Hình ảnh này được rút từ huyền thoại Canaan về các thần Helel và Shahar (Sao Mai và Sao hôm) bị sa xuống từ trời sau cuộc nổi loạn. Trong Kitô giáo, ta nhớ đến sự sa ngã của Lucifer và các thiên thần hầu cận Lucifer (x. Lc 10,18).

Nội dung chính của bài ca này là những kẻ kiêu căng muốn trèo lên thật cao rồi sẽ bị hạ xuống thật thấp. Adam và Eva cũng được liên tưởng đến ở đây, “Ta sẽ vượt ngàn mây, sẽ nên như Đấng Tối cao” (x. 14,14). Hai ông bà đòi nên như Thiên Chúa nhưng cuối cùng bị đuổi khỏi vườn Eden.

2. Trong tương quan với Tân Ước

Am vang bài ca này thể hiện rõ nét trong sách Khải Huyền (chương 17-18). Tác giả dùng những hình ảnh biểu tượng để diễn tả sự trừng phạt dành cho đế quốc Roma vì đã bắt bớ và bách hại các chứng nhân của Chúa Giêsu. Cho đời sống thiêng liêng, bài ca này cũng nhắc nhớ ta về lời Chúa Giêsu, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Nếu bài ca của Isaia lên án lối đi của kẻ kiêu căng thì thư Philip 2,5-11 lại trình bày con đường ngược lại: Chúa Giêsu hủy mình ra không, vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh.

III. TIÊN TRI Ở TRẦN (20,1-6)

1. Sư kiện

Trong ba năm, Isaia ở trần và đi chân không (20,3) để nên điềm báo sự sụp đổ của Ai Cập: dân phải đi tù và bị đi đày. Đây là lời cảnh báo cho dân Giuđa và miền duyên hải vì quá cậy dựa vào sự trợ giúp của Ai Cập: “Đâu rồi niềm hi vọng của chúng ta, nơi chúng ta đến ẩn náu để được giúp đỡ hầu thoát khỏi tay vua Assyria?” (20,6).

2. Rao giảng Lời Chúa bằng hành động

Các tiên tri không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng những hành động biểu tượng, vd. Hôsê với cuộc hôn nhân kỳ lạ, Ezekiel cũng có nhiều hành động lạ lùng (x. chương 4). Hành động cụ thể có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta và mời gọi họ suy nghĩ.

Kitô hữu cũng phải rao giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả đời sống. Theo nghĩa thiêng liêng, hình ảnh ở trần và đi chân không có thể giúp ta ý thức đến (1) sự từ bỏ, khó nghèo và khiêm tốn, và (2) sự nương tựa vào một mình Chúa. Đây cũng là những chỉ thị của Chúa Giêsu cho các môn đệ trên đường truyền giáo: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (x. Mt 10,5-10).


Nguồn: tgpsaigon.net
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tuần 39: Sách Isaia, chương 24-39.

I. TỔNG QUÁT

24,1 – 27,13 : Khải huyền của Isaia: mặt đất tan 
hoang – ngày chung thẩm – tiệc cánh chung – thánh thi tạ ơn – Israel được phục hồi.
28,1 – 33,24 : Những tính toán chính trị và Ơn Cứu độ: Samaria thất thủ – Số sót – Các ngôn sứ giả – Dụ ngôn về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Giêrusalem – Lời tiên tri về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Assyria – Sion được giải thoát – Vị vua công chính và ơn giải thoát.
34,1 – 35,10 : Những lời sấm sau lưu đày: lời sấm chống Edom – Giêrusalem toàn thắng.
36,1 – 39,8 : Những câu chuyện từ thời vua Hezekiah: cuộc xâm lăng của Sennacherib – Cầu cứu ngôn sứ Isaia – Thánh thi tạ ơn – Phái đoàn Babylon.

II. CUỘC CHUNG THẨM (24,21-23)

1. Ngày của Chúa

“Ngày của Chúa” là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh. Tuy nhiên ở đây có một điểm đặc biệt: Đức Chúa sẽ trừng trị cả đạo binh thiên quốc (các vì sao được coi như các thiên thần, các thần ngoại giáo (Đnl 4,19; Gier 8,2). Chi tiết này làm nổi bật chiều kích vũ trụ của ngày chung thẩm.

Câu 21 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa “đạo binh thiên quốc” và “vua chúa trần gian”: “Trên trời, Đức Chúa sẽ trừng trị đạo binh thiên quốc; dưới đất, Người trừng trị vua chúa trần gian.” Các vua chúa trần gian có vị bảo trợ cho họ trên trời, nhờ đó họ có sức mạnh, đây là ý tưởng quen thuộc thời xưa. Đỉnh cao trong “Ngày của Chúa” là Đức Chúa sẽ hiển trị trên núi Sion và vinh quang của Ngài tỏ rạng trước muôn dân (24,23).

2. Người Kitô hữu và ngày chung thẩm

Khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm dành cho người công chính cũng như kẻ bất lương, “Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hi vọng này, như chính họ cũng hi vọng, là người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24,15), rồi được hạnh phúc vĩnh hằng hay bị kết án muôn đời.

Ngày chung thẩm xảy ra lúc nào, chỉ một mình Thiên Chúa biết. Sau cuộc chung thẩm, vũ trụ được giải thoát khỏi cảnh hư nát và được chia sẻ vinh quang với Chúa Kitô, bắt đầu Trời Mới Đất Mới (2Pet 3,13). Vương quốc Thiên Chúa sẽ được hoàn thành và Thiên Chúa nắm toàn quyền trên muôn loài (1Cor 15,28). Niềm tin đó phải hướng dẫn đời sống của ta ngay từ bây giờ, “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách, và sống bình an” (2Pet 3,14).

III. TIỆC CÁNH CHUNG (25,6-8)

1. Ý nghĩa

Bữa tiệc là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh cũng như trong nhiều truyền thuyết của các dân tộc. Ở đây, bữa tiệc là tiệc mừng sau khi chiến thắng. Tuy nhiên Isaia trình bày một số nét đặc biệt: đây là tiệc mừng cho mọi dân tộc, “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc” – Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời, “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân” – Thiên Chúa sẽ cất bỏ mọi nỗi đe doạ trên nhân loại, “Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người.”

Gắn với lời loan báo về tiệc cánh chung là thánh thi tạ ơn (26,1-19). Thiên Chúa sẽ trả thù cho người nghèo nhưng sống công chính. Hơn nữa, “các vong nhân sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên; những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng” (26,19). Một vài học giả cho rằng câu này là lời khẳng định sớm nhất trong Thánh Kinh về niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên nhiều nhà chú giải lại cho rằng câu này có ý nói đến sự phục sinh một dân tộc chứ không phải sự phục sinh của những người đã chết. Dù sao, ý tưởng này cũng dọn đường cho niềm tin vào sự phục sinh kẻ chết.

2. Trong Tân Ước

Trong Kitô giáo, “miền đất không còn nước mắt” được hiểu là thiên đàng, Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Trong sách Khải Huyền 19,6-10, Khải hoàn ca trên thiên quốc được diễn tả bằng hình ảnh tiệc cưới: “Nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng … Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên.” Hình ảnh tiệc cưới cũng là hình ảnh quen thuộc trong giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, “Nước Trời giống như chuyện một vị vua mở tiệc cưới cho con mình…” (x. Mt 22,2-14; Lc 14,16-24).

Ghi chú: Sách Isaia được chia ra làm ba phần: Isaia đệ nhất (chương 1-39), Isaia đệ nhị (chương 40-55) và Isaia đệ tam (chương 56-66). Isaia đệ nhị và đệ tam được viết vào cuối thế kỷ VI trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là sau thời ngôn sứ Isaia đến hai trăm năm. Vì thế, chúng ta ngưng đọc sách Isaia ở đây để sang các ngôn sứ khác, rồi sau này sẽ tiếp tục đọc Isaia đệ nhị và đệ tam.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG

 


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập401
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm367
  • Hôm nay58,995
  • Tháng hiện tại519,245
  • Tổng lượt truy cập46,880,849

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây