CHIẾM THÀNH GIÊ-RI-KHÔ – Gs 6: Lm. FX. Vũ Phan Long, Ofm
Thứ tư - 21/12/2016 03:38
1072
CHIẾM THÀNH GIÊ-RI-KHÔ – Gs 6
Giô-suê là nhân vật chính trong sách Giô-suê, thế nhưng Đất Hứa mới là đề tài chính, là đối tượng trung tâm mà sách bàn đến. Toàn cuốn sách nói về cuộc chiếm đất Ca-na-an và việc phân chia các phần đất cho các chi tộc Ít-ra-en. Lời hứa về Đất được loan báo trong suốt bộ Ngũ Thư nay được thực hiện. Việc dân Ít-ra-en vào chiếm đất Ca-na-an và họ phân chia đất làm sở hữu là bằng chứng về sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ và Người tái khẳng định điều đó với Mô-sê.
Sách Giô-suê nói về cuộc chinh phục đất Ca-na-an, thế nhưng đừng vội đọc sách Giô-suê như là tư liệu lịch sử tường trình từng điểm một về giai đoạn chiếm Đất Hứa và việc định cư trên Đất Ca-na-an. Phê bình lịch sử cho thấy trình thuật chiếm Đất Hứa được trình bày trong sách Giô-suê không mấy xác thực; ngành khảo cổ cũng khẳng định điều này.
Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu trình thuật chiếm thành Giê-ri-khô được trình bày trong Gs 6. Đây là một trong những đoạn Kinh Thánh điển hình về sự mâu thuẫn giữa những gì được nói đến trong Kinh Thánh và kết quả mà khảo cổ mang lại. Chúng ta sẽ bắt đầu với việc nhìn xem vấn nạn được đặt ra (Phần I). Tiếp đến, để có thể giải thích vấn nạn về sự mâu thuẫn này, chúng ta sẽ nghiên cứu bản văn Gs 6 để xem đâu là thông điệp mà Kinh Thánh muốn chuyển tải cho người đọc (Phần II). Sau đó mới đưa ra hướng nhìn giải thích vấn nạn trên (Phần III).
I. VẤN NẠN : Thành Giê-ri-khô và công trình khảo cổ
Trong khi sách Giô-suê chương 6 thuật lại rằng khi Giô-suê dẫn dân tiến vào đất Ca-na-an, thì thành Giê-ri-khô được phòng thủ rất vững chắc : “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en : nội bất xuất, ngoại bất nhập” (Gs 6,1). Sách còn trình bày việc chiếm thành hết sức ngoạn mục : con cái Ít-ra-en đã tận mắt chứng kiến tường thành Giê-ri-khô sụp đổ trước mặt họ sau tiếng hò reo xung trận của toàn dân. Thế mà vào đầu thế kỷ XX, ngành khảo cổ đã đưa ra những kết luận gây bất ngờ vì nó mâu thuẫn với những gì được thuật lại trong sách Giô-suê.
Kề bên thành Giê-ri-khô hiện nay, các công trình khảo cổ đã tìm thấy một thành cổ và gọi tên là Tell es-Sultan. Và từ rất sớm trong công trình khảo cứu, các nhà khảo cổ đã đi đến kết luận Tell es-Sultan là cổ thành Giê-ri-khô được nói đến trong sách Giô-suê. Nó thu hút rất lớn sự quan tâm và chú ý của nhiều người. Nhiều công trình khai quật quy mô và công phu đã dồn vào đây. Các công trình khảo cứu đã đưa đến những kết luận đầy thú vị bất ngờ khi so chiếu với những gì được nói đến trong sách Giô-suê. Ngày nay mọi người điều đồng ý rằng, thời Giô-suê tiến vào miền Ca-na-an, thành Giê-ri-khô không còn các tường thành nữa. Các tường thành Giê-ri-khô đã được củng cố vào thời đồ đồng Cổ đại và Trung đại (trước năm 2000 tCN), nhưng vào cuối thời đồ đồng (1550–1200), thời được cho là nhóm dân Ít-ra-en đến định cư ở vùng đất Ca-na-an, thì các bức tường của thành này không còn nữa, chúng đã sụp đổ trước đó (Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire L’Ancien Testament. Paris : Cerf, 2007, p. 28. La Bible – Notes Intégrales Traduction Oecuménique (TOB). Cerf – Biblio, 2011, p. 360-361). Nghĩa là khi Giô-suê đưa dân Ít-ra-en vượt sông Gio-đan, tiến vào đất Ca-na-an, đặt chân vào thành Giê-ri-khô, thì trước đó thành này đã bị bỏ hoang.
Rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa bản văn Gs 6 và kết quả khảo cổ mang lại ! Để có thể tranh luận về vấn đề này, chúng ta phải nghiên cứu bản văn Gs 6 một cách nghiêm túc.
II. NGHIÊN CỨU BẢN VĂN Gs 6
Trong phần nghiên cứu bản văn, chúng ta sẽ theo trình tự mà các nhà chú giải thường gọi là đọc bản văn Kinh Thánh theo cách cổ điển. Trước hết là giới hạn bản văn ; tiếp đến, tìm bố cục bản văn ; sau đó phần phân tích bản văn.
1. Giới hạn bản văn
Các câu từ Gs 5,12 trở về trước nói về những sự việc xảy ra ở một nơi được gọi là Ghin-gan. Từ Gs 5,13–6,27, các sự kiện được bàn đến xảy ra ở gần thành Giê-ri-khô (5,13 : “Khi ở gần Giê-ri-khô”) cho đến khi dân vào chiếm và làm chủ hoàn toàn thành Giê-ri-khô (6,26 : “Thuở ấy, ông Giô-suê bắt phải thề : ‘Trước nhan Đức Chúa, khốn cho kẻ đứng lên tái thiết thành Giê-ri-khô này’”). Bắt đầu từ chương 7, trọng tâm không còn là thành Giê-ri-khô nữa, nhưng là thành Ai.
Như vậy Gs 5,13- 6,27 làm thành một khối duy nhất nói về việc tiến vào thành Giê-ri-khô. Phần này lại gồm ba phần nhỏ :
- Gs 5,13-15 nói về cuộc thần hiện xảy ra gần Giê-ri-khô. Giô-suê gặp một nhân vật huyền nhiệm, vị này tự xưng là tướng chỉ huy đạo binh của Thiên Chúa. Người này cho Giô-suê biết nơi ông đang đứng là đất thánh và phải cởi dép để lòng tôn kính.
- Bắt đầu từ Gs 6,1 chuyển qua một trình thuật mới và nhân vật huyền nhiệm không còn được nhắc đến. Những câu tiếp theo trong chương 6 này tập trung vào việc chiếm thành Giê-ri-khô, trong đó ý tưởng liên quan đến con số bảy, hình ảnh tù và, tiếng hò reo xung trận được lặp lại nhiều lần trong đoạn Gs 6,1-21.
- Sang câu 22 chương 6, trình thuật bàn đến gia đình cô Ra-kháp và những điều liên quan đến việc sau khi thành đã hoàn toàn bị chiếm.
Phần nghiên cứu của chúng ta sẽ giới hạn trong phần chiếm đánh thành Giê-ri-khô : Gs 6,1-21.
2. Cấu trúc Gs 6,1-21
c. 1 : Giê-ri-khô, một thành bất khả xâm phạm
cc. 2-5 : Lệnh Thiên Chúa truyền cho Giô-suê
cc. 6-7 : Lệnh Giô-suê truyền cho các tư tế và dân
cc. 8-9 : Thi hành lệnh của Giô-suê
c. 10 : Lại một lần nữa, lệnh của Giô-suê truyền cho dân
cc. 11-16 : Lại một lần nữa, thi hành lệnh của Giô-suê
cc. 17-19 : Án tru hiến
cc. 20-21 : Trở lại chuyện thi hành các lệnh. Tường thành sụp đổ và án tru hiến.
3. Phân tích bản văn
a. Giê-ri-khô, một thành bất khả xâm phạm (Gs 6,1)
“Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en : nội bất xuất, ngoại bất nhập” (Gs 6,1), từng chữ trong câu này nhấn mạnh đến sự kiên cố vững chắc của thành Giê-ri-khô, một thành bất khả xâm phạm : nội bất xuất, ngoại bất nhập. Việc nhấn mạnh đến sự kiên vững của thành nhằm nói rằng không tài nào Ít-ra-en chiếm được Giê-ri-khô nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và ngay câu kế tiếp, c. 2, sẽ cho thấy điều này : chính Thiên Chúa sẽ nộp thành và vua thành này vào tay Giô-suê. Nói cách khác, Giê-ri-khô là món quà nhưng-không mà Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en.
b. Lệnh Thiên Chúa truyền cho Giô-suê (Gs 6,2-5)
Thiên Chúa truyền cho ông Giô-suê cách chiếm thành Giê-ri-khô. Sau lời hứa bảo đảm thành sẽ được ban cho dân (c. 2), các câu 3-5 là lệnh của Thiên Chúa chỉ cách bài binh bố trận để đánh chiếm thành Giê-ri-khô. Thế nhưng các chi tiết được nói đến lại mang đậm sắc thái phụng vụ: đoàn rước, con số bảy được nhấn mạnh (bảy tư tế, bảy bảy tù và, ngày thứ bảy, đi quanh thành bảy lần), các tư tế đi trước Hòm Bia. Những chi tiết này khiến nhiều nhà chú giải không ngần ngại coi đây là cuộc rước phụng vụ chứ không phải cuộc chiến (Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire L’Ancien Testament. Paris : Cerf, 2007. p. 28). Đúng là một cuộc rước phụng vụ, nhưng là một sự hòa lẫn giữa cuộc rước phụng vụ và cuộc xung trận (La Bible – Notes Intégrales Traduction Oecuménique (TOB). Cerf – Biblio, 2011. p. 369, note 6,2). Thật vậy, những người trong đoàn rước là người quân đội : “những người tham chiến” (Gs 6,2). Cụm từ “hò reo xung trận” (Gs 6,5), Híp-ri là גדולהתרועה, dịch sát nó chỉ là “tiếng hò la rất lớn” (xem bản dịch tiếng anh, chẳng hạn NAB : a great shout). Tuỳ theo bối cảnh cụm từ “tiếng hò la lớn” có thể hiểu theo hai nghĩa khác nhau : đó là tiếng reo hò xung trận (x. 1 Sm 17,20.52 ; Tl 7,8-20), và cũng là tiếng reo hò trong cuộc rước (x. 2 Sm 6,15 ; 15,10 ; 1 V 1,34-41). Trong bối cảnh của Gs 6, cuộc rước Hòm Bia vừa là cuộc rước trong phụng vụ vừa là vũ khí xung trận của Ít-ra-en. Phân tích trên cho thấy cuộc chiếm thành Giê-ri-khô mang cả hai yếu tố : đó là cuộc rước phụng vụ của một cuộc xung trận.
Việc sách Giô-suê miêu tả cuộc chiếm thành Giê-ri-khô vừa mang sắc thái cuộc rước phụng vụ vừa là cuộc xung trận có ý nghĩa riêng của nó : Đất Hứa chiếm được bằng cuộc chinh chiến của toàn dân, nhưng chính Thiên Chúa mới là người ban chiến thắng, và là người ban đất cho dân. Trong Kinh Thánh, con số bảy là con số của Thiên Chúa. Trời đất được Người tạo dựng và hoàn tất trong bảy ngày. Khi sách Giô-suê nhấn mạnh đến con số bảy, theo đó thành sụp đổ sau cuộc rước long trọng vòng quanh thành bảy lần vào ngày thứ bảy, và có bảy tư tế cầm bảy tù và, không gì khác hơn là khẳng việc chiếm thành Giê-ri-khô hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa (Jacques Nieuviarts, Décrypte le rôle essentiel des chiffres dans la Bible. Publié le 15 octobre 2014).
Với cách diễn tả cuộc xung trận vào thành Giê-ri-khô mang màu sắc cuộc rước phụng vụ, củng với việc nhấn mạnh đến con số bảy, Gs 6 muốn nói rằng chính Thiên Chúa đã ban đất Ca-na-an cho dân Người chọn.
c. Giô-suê truyền lệnh và lệnh được thi hành (Gs 6,6-21)
Sau mệnh lệnh của Thiên Chúa (Gs 6,2-5), phần còn lại của trình thuật chiếm thành Giê-ri-khô nhấn mạnh đến việc Giô-suê truyền lại cho tư tế và dân lệnh mà ông đã nhận từ Thiên Chúa, và lệnh đó đã được thi hành cách nghiêm túc. Trình thuật Gs 6,6-21 khá dài so với Gs 6,2-5. Nhưng ý tưởng không có gì khác ngoài việc lặp đi lặp lại những gì đã được nói đến trong lệnh truyền của Thiên Chúa ở Gs 6,2-5. Việc lặp lại nhiều lần ý tưởng đã được nói trong lệnh truyền của Thiên Chúa lại là cách nhấn mạnh hơn về con số bảy cũng như cuộc xung trận mang đậm sắc thái một cuộc rước phụng vụ được nói đến trong Gs 6,2-5. Lại một lần nữa, điều đó cho thấy chủ đích mà Gs 6 nhắm đến : Đất Hứa là quà tặng Thiên Chúa dành cho dân Người.
Bên cạnh đó, hai lần lệnh truyền của Giô-suê (Gs 6,6-7 và 6,10) đan xen với trình thuật nói về việc dân thực thi lệnh truyền đó (Gs 6,8-9 và 6,11-16). Việc đan xen này khiến bản văn có vẻ lủng củng, nhưng nó lại làm nổi bật sự tuân phục của dân : hễ lệnh ban ra là dân thi hành đúng như lệnh đã truyền. Đúng như Gs 6,8a ghi nhận : “Điều đó xảy ra như ông Giô-suê đã nói với dân”. Việc nhấn mạnh đến sự tuân phục này không gì khác là muốn nói rằng không phải do sức riêng mình mà Ít-ra-en chiếm được Đất Hứa, nhưng chính Thiên Chúa ban cho, còn dân chỉ việc tuân theo lệnh Thiên Chúa.
Câu kết về việc thành Giê-ri-khô sụp đổ mang nhiều ý nghĩa : “Bây giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ...” (Gs 6,20). Trước hết, việc chiếm thành quá dễ dàng : tường thành tự sụp khi tiếng reo hò xung trận của dân vang lên. Làm sao một thành cố thủ kiên vững đến nổi con cái Ít-ra-en không tài nào vào được : “nội bất xuất ngoại bất nhập”, thế mà lại sụp đổ tan tành chỉ vì tiếng reo hò xung trận nếu không phải là do Chúa làm. Đúng là Thiên Chúa đã hành động trong việc này. Mặt khác, Gs 6,20 lấy lại từng chữ của Gs 6,5, nghĩa là việc tường thành sụp đổ xảy ra đúng như lời Thiên Chúa nói khi ban lệnh truyền cho dân. Điều này càng củng cố ý tưởng theo đó tường thành sụp đổ là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực hiện điều Người đã phán với Giô-suê ngay từ đầu khi ban lệnh : “Ta nộp vào tay ngươi thành Giê-ri-khô, vua và các dũng sĩ của thành ấy” (Gs 6,2).
Thiên Chúa đã hành động cho dân, chính Người đã trao vào tay Ít-ra-en Đất Ca-na-an mà Giê-ri-khô là điểm khởi đầu cho một chuỗi đánh chiếm các thành khác sau này. Đất Hứa là quà tặng của Thiên Chúa, thế nhưng Ít-ra-en đã đóng góp phần mình hết sức có thể qua việc tuân hành đúng theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Cả cộng đồng Ít-ra-en cùng đồng lòng đồng sức làm theo lệnh Chúa truyền. Mỗi người một phận sự : nhóm thì khiêng Hòm Bia, nhóm thì mang tù và, nhóm là tiền phong, nhóm khác là hậu vệ... họ bên nhau cùng rước Hòm Bia và đi vòng quanh thành. Sau cuộc rước long trọng vào ngày thứ bảy, vừa nghe tiếng tù và, dân đồng thanh lớn tiếng reo hò xung trận và tường thành sụp đổ trước mặt họ. Thế đó, Đất Hứa vùa là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, vừa có công sức của toàn dân Ít-ra-en, và công lớn nhất ở đây phải là sự tuân phục.
d. Logic của bản văn
Điểm cuối cùng trong phần phân tích này là sự thiếu logic trong bản văn. Theo các câu 3-5 và 14-16, tất cả đoàn người tham chiến cùng rước Hòm Bia đi quanh thành mỗi ngày một lần trong sáu ngày; ngày thứ bảy họ đi vòng quanh bảy lần, rồi khi nghe tiếng tù và bằng sừng cừu rú lên, thì toàn dân lớn tiếng reo hò xung trận. Trong khi đó các câu 8-9 và 13 lại cho biết quân tiên phong đi trước Hòm Bia, các tư tế theo ngay sau quân tiên phòng, vừa đi vừa thổi tù và. Quân hậu vệ đi sau Hòm Bia. Ai nấy bước đi theo tiếng tù và. Nghĩa là tiếng tù và được thổi lên trong mỗi lần rước chứ không phải đợi đến vòng thứ bảy của ngày thứ bảy như được nói đến ở các câu 3-4 và 14-16. Hai trình thuật xem ra mâu thuẫn nhau. Các nhà phê bình lịch sử sẽ dễ dàng nhận ra ở đây sự nối ghép của hai truyền thống khác nhau về việc chiếm thành Giê-ri-khô. Thế nhưng chính sự thiếu logic này cho chúng ta thấy một điều hữu ích trong việc phân tích của chúng ta : khi ghép hai truyền thống lại với nhau, lẽ nào các nhà soạn thảo đã không để ý đến điều này để chỉnh sửa lại cho logic ! Phải chăng họ tôn trọng các truyền thống khác nhau như là gia sản niềm tin của mỗi nhóm. Và như thế chúng ta thấy rõ hơn rằng sách Giô-suê nói riêng và Kinh Thánh nói chung, không phải cuốn sách ghi lại các sự kiện lịch sử hay khoa học, nên vấn đề logic không phải là bận tâm hàng đầu của soạn tác giả. Sách Thánh được viết ra là nhằm chuyển tải một thông điệp thần học xuyên qua các biến cố của lịch sử thánh. Thông điệp mà Gs 6 muốn chuyển tải không gì khác đó là Đất Hứa là quà tặng của Thiên Chúa. Chính Người đã trao vào tay Ít-ra-en miền đất Ca-na-an.
III. KINH THÁNH VÀ KHẢO CỔ
Trở lại mâu thuẫn không thể chối cãi giữa những gì được nói đến trong Gs 6 và kết quả khảo cứu mang lại như đã nêu ban đầu, chúng ta sẽ dựa vào chủ đích của sách Giô-suê mà chúng ta vừa bàn đến để đưa ra hướng giải thích.
1. Chủ đích của Gs 6
Nguyên tắc cần nhắc lại đó là Kinh Thánh không phải là bản văn viết về lịch sử hay khoa học. Mục đích của Sách Thánh nhằm chuyển tải một chân lý thần học cho người tin. Cũng vậy, sách Giô-suê không nhằm thuật lại biến cố lịch sử về việc chiếm đất Ca-na-an nhưng là một bài suy tư của niềm tin về việc chiếm Đất Hứa : sách Giô-suê khẳng định rằng Đất Hứa vừa là quà tặng của Thiên Chúa vừa do công sức của toàn dân Ít-ra-en. Đất Ca-na-an là miền đất của lời Hứa, đất của dân riêng Thiên Chúa, và như thế nó là miền đất bất khả xâm phạm. Không dân tộc nào có quyền và có thể xâm chiếm lãnh thổ mà Thiên Chúa đã định cho dân riêng của Người. Ngược lại, điều kiện được đặt ra cho dân để họ có thể có Đất Hứa làm gia nghiêp đó là phải trung thành với lệnh truyền của Thiên Chúa, nghĩa là trung thành với Luật. Sách cũng nhấn mạnh đến tình gắn kết của toàn dân với nhau.
Theo kết quả của ngành khảo cổ thì thành Giê-ri-khô bị bỏ hoang vào khoảng những năm 1500. Còn theo các nhà phê bình lịch sử, thì dân Ít-ra-en tiến vào đất Ca-na-an vào những năm 1200. Nghĩa là khi Ít-ra-en tiến vào Ca-na-an thì thành Giê-ri-khô đã sụp đổ và bị bỏ hoang. Cứ cho như giả thuyết này đúng, thì khi tiến vào thành Giê-ri-khô bị bỏ hoang, thay vì xem đó là chuyện ngẫu nhiên, Ít-ra-en nhận ra đây là phép lạ Chúa làm cho dân Người. Chính Người đã trao đất Ca-na-an cho Ít-ra-en như lời Người đã hứa với các tổ phụ. Khi Gs 6 nói rằng vì con cái Ít-ra-en mà Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, nội bất xuất ngoại bất nhập, và rằng chính mắt con cái Ít-ra-en đã chứng kiến tường thành sụp đổ, tác giả sách Giô-suê chỉ muốn nói rằng nếu không do Chúa an bài, Ít-ra-en không thể có được thành Giê-ri-khô – một thành trù mật quá lòng mong đợi. Ít-ra-en chiếm được Giê-ri-khô rất dễ dàng, họ không mất một sinh mạng nào cũng chẳng tiêu hao sức lực, họ nhận ra đó chỉ có thể là việc của Chúa mà thôi.
Kinh Thánh không phải là bản văn khoa học hay lịch sử, vì thế đừng tìm trong Kinh Thánh những khẳng định về khoa học hay dữ liệu lịch sử đích thực – điều mà một thời người ta đã làm, và sự kiện Ga-li-lê là một bằng chứng. Đừng tìm trong Gs 6 những dữ kiện để đối chối với kết luận của khảo cổ hay của lịch sử. Thay vào đó hãy đọc trong Gs 6 thông điệp mà tác giả muốn nhắn gởi qua biến cố dân Ít-ra-en chiếm được thành Giê-ri-khô.
2. Các giai đoạn soạn thảo sách Giô-suê (Colectif, Introduction à l’Ancien Testament / sous la dir. De ROMER Thomas, Genève : Labor et Fides, 2004, p. 260-262)
Nếu nhìn thoáng qua các giai đoạn mà sách Giô-suê được soạn thảo, sẽ càng thấy rõ hơn sách Giô-suê không phải là một bản tham chiếu lịch sử để phải bàn luận đến vấn đề mà khảo cổ xuất hiện như là một thách đố. Chúng ta chỉ cần điểm qua một vài điểm đơn giản.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sách Giô-suê sử dụng một số thành ngữ và hệ tư tưởng rất gần với các bản văn thời Át-sua – Ba-by-lon. Từ đó các nhà chuyên môn cho rằng sách Giô-suê được soạn thảo vào thời vua Giô-si-a, với các nguồn tư liệu đã có trước. Đó là giai đoạn Át-sua đang thống lãnh vùng Ca-na-an. Trước sự đe doạ mất nước này, Sách Giô-suê là lời tuyên bố chống lại Át-sua : Át-sua không có quyền hành gì trên mảnh đất Ít-ra-en. Đó là miền đất bất khả xâm phạm vì đây là miền đất mà chính Thiên Chúa đã ban cho Ít-ra-en ; vừa do công sức của toàn dân đồng lòng làm theo lệnh Chúa truyền. Sách Giô-suê cũng là lời khẳng định về sự trổi vượt của Thiên Chúa Ít-ra-en trên thần Át-sua và tất cả các thần của nước này.
Thế rồi Giê-ru-sa-lem đã mất, không phải vào tay quân Át-sua, nhưng là vào tay Ba-by-lon. Thời lưu đày nổi trội một luồng suy tư có tầm ảnh hưởng khá lớn, các nhà chú giải gọi đó là truyền thống Đệ Nhị Luật. Theo luồng suy tư này, lưu đày chính là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống dân Người vì tội của họ. Trong bối cảnh đó, người ta ngẫm lại sách Giô-suê và thêm vào vài đoạn nói, trong đó có di ngôn của Giô-suê báo về viễn tượng lưu đày : “Nếu anh em vi phạm giao ước mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em phải giữ, để đi theo các thần khác và sụp xuống lạy chúng, thì Đức Chúa sẽ bừng bừng nổi cơn thịnh nộ chống lại anh em, và anh em sẽ mau chóng biến khỏi đất tốt lành Người đã ban cho anh em” (Gs 23,16).
Nếu nghiên cứu tiếp sẽ còn thấy nhiều đoạn được thêm vào theo dòng thời gian mà dân Chúa ngẫm lại sách Giô-suê. Chẳng hạn chuyện án tru hiến trong Gs 6-7, chuyện cô kỹ nữ Ra-kháp và cả gia đình cô được cứu sống. Những chuyện này đã được thêm vào để trả lời cho những vấn nạn mà dân Chúa đang phải đối phó, đó là nguy cơ dân có thể bị lây nhiễm những thói thờ tà thần và phản bội giao ước khi phải sống giữa dân ngoại.
Những ghi nhận trên cho ta hiểu thêm rằng sách Giô-suê nói chung và Gs 6 nói riêng không nhằm thuật lại các sự việc đã xảy ra như thế nào. Sách được viết nhằm chuyển tải một thông điệp niềm tin cho cộng đoàn người tin trong bối cảnh cụ thể của nó. Đây không phải là một bản tường trình lịch sử nhưng là bài suy niệm thần học qua biến cố lịch sử mà dân Chúa đã sống, đã có kinh nghiệm, một kinh nghiệm về Thiên Chúa họ thờ. Đó là điều họ muốn chuyển tải đến người đọc như chúng ta.
KẾT
Đọc sách Giô-suê như thế có lẽ không ít người ngỡ ngàng thắc mắc : vậy ra những điều trong Kinh Thánh không có gì là xác thật hay sao ?
Về điều này, xin được trích dẫn lời của C-harpentier : “Đôi khi ta nghe hỏi ‘những điều viết trong Kinh Thánh có thực không ? phép lạ này có thực không ?’ Trước khi trả lời, có lẽ phải xác định chữ ‘thực’ (vrai). Nó có thể mang nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn người ta nói : ‘chuyện này có thực, quyển tiểu thuyết này là thực, bài thơ này thực’. Nghĩa của những chữ "thực" này khác nhau : quyển tiểu thuyết này dù tất cả chỉ là tưởng tượng, nhưng nó thực vì nó viết đúng tâm lý ; chẳng có gì chínhxác theo lịch sử nhưng tất cả đều thực, vì viết đúng thực trạng con người” (Etienne C-harpentier, Pour lire l’Ancien Testament, Paris : Cerf, 1980, 2006, p. 8-9).
- Chính xác (exact) là viết thật đúng như đã xảy ra trong lịch sử, y như chụp hình hoặc ghi âm vậy. Nếu xét theo khía cạnh chính xác thì những gì được thuật lại trong Gs 6 là không.
- Thực (vrai) là viết đúng tâm tình, ý tưởng. Xét theo khía cạnh thực thì những gì được chuyển tải trong Gs 6 là thực.
Trong Kinh Thánh có rất nhiều điều không chính xác, những lời lẽ không chính xác. Nhưng tất cả đều thực vì chúng chứa đựng những ý nghĩa mà ta khám phá ra trong đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Etienne C-harpentier, Pour lire l’Ancien Testament, Paris : Cerf, 1980, 2006, p. 8-9.
- Gérard BILLON & Philippe GRUSON, Pour Lire L’Ancien Testament, Paris : Cerf, 2007.
- Collectif, Introduction à l’Ancien Testament / sous la dir. De Thomas ROMER, Genève : Labor et Fides, 2004.
- La Bible – Notes Intégrales Traduction Oecuménique (TOB), Cerf – Biblio, 2011.