Tuần 42: SÁCH GIÊRÊMIA (Chương 1 – 12)
I. TỔNG QUÁT VỀ SÁCH GIÊRÊMIA
Năm 604 trước Công nguyên, Giêrêmia đọc cho Baruch là thư ký của ông viết lại những gì ông đã rao giảng trong 23 năm qua (x. chương 36 và 25,1-14). Khi nhà vua đốt đi cuộn sách của Giêrêmia (36,21-23), Giêrêmia lại giao cho Baruch viết một cuộn khác (36,32). Các học giả tin rằng phần lớn cuộn sách thứ hai này đã được giữ lại trong các chương 1-20 và chương 25 như ta có ngày nay. Các câu 1-14 trong chương 25 có vẻ như là phần kết của cuộn sách đã viết năm 604. Phần còn lại của sách Giêrêmia (chương 26-52) gồm những chất liệu mang tính tự thuật về Giêrêmia (26-44), một tuyển tập những lời sấm chống các dân ngoại (45-51) và chương cuối cùng 2V 25.
Một trong những khó khăn khi đọc sách Giêrêmia là cuốn sách không được viết theo thứ tự thời gian. Ví dụ, chương 21 nhắc đến cuộc vây hãm Giêrusalem năm 588-587, nhưng đến chương 25, người đọc lại bị lôi về năm 604. Và điều này xảy ra thường xuyên. Phải lý giải thế nào về tình trạng này? Theo các học giả Thánh Kinh, có nhiều tuyển tập về lời giảng của Giêrêmia, những câu chuyện về cuộc đời vị tiên tri cũng như những bài tường thuật lịch sử về những ngày cuối cùng của vương quốc Giuđa. Khi biên soạn những tài liệu này, thay vì sắp xếp các tư liệu theo thứ tự thời gian, vốn là công việc hết sức khó khăn, người biên soạn cứ xếp tư liệu này nối tiếp tư liệu khác, do đó tạo cảm giác không rõ ràng về thứ tự thời gian.
Có thể phân chia sách Giêrêmia như sau:
Phần I : Ơn gọi của Giêrêmia (1,1-19)
Phần II : Lời rao giảng của Giêrêmia từ năm 626 đến 604 (2,1 – 20,18)
Phần III : Những lời tiên tri chống lại các vua và các tiên tri giả (21,1 – 25,38)
Phần IV : Những tư liệu mang tính tự thuật và giao ước mới (26,1 – 33,26)
Phần V : Bất trung và sự tàn phá (34,1 – 39,18)
Phần VI : Bất trung đến cùng (40,1 – 45,5)
Phần VII : Những lời sấm chống lại các dân và kết luận (46,1 – 52,34)
II. ƠN GỌI CỦA GIÊRÊMIA (1,1-19)
1. Bài tường thuật về ơn gọi (1,4-10)
“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi… Ta đặt ngươi làm tiên tri cho chư dân”: Giêrêmia sử dụng ngôn ngữ tượng hình để nhấn mạnh sứ mạng Thiên Chúa trao cho ông không những trong lịch sử Israel mà cả trong lịch sử các dân tộc.
“Lạy Đức Chúa là Chúa thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói”: lời này nhắc ta nhớ đến Môsê tìm cách thoái thác những khó khăn của sứ vụ tiên tri (x. Xh 4,10-13). Giêrêmia biết rằng các tiên tri phải sống cuộc đời đơn độc, phải chấp nhận bị người ta chế giễu và kể cả bách hại; vì thế ông tìm cách tránh né.
“Đừng nói ngươi còn trẻ…Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”: Sự nâng đỡ duy nhất mà Giêrêmia nhận được là lời hứa của Chúa “Ta ở với ngươi”. Đây cũng là lời hứa Chúa dành cho những người Chúa sai đi thi hành sứ mạng Người trao phó (x. Xh 4,12; Gios 1,5; Tp 6,16; 1Sam 3,19; 16,13).
Chúa giơ tay chạm vào miệng Giêrêmia (câu 9): câu này muốn khẳng định rằng những lời Giêrêmia rao giảng không phải là lời của loài người mà là Lời của Thiên Chúa (so sánh với Is 6,6-7; Ez 3,1-4.10-11).
Câu 10 cho thấy sứ mạng của Giêrêmia không chỉ dành cho dân Israel nhưng còn cho các dân khác, và lời rao giảng của ông có cả hai mặt tiêu cực và tích cực, “Hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ để lật, để huỷ để phá, để xây để trồng.” Một đàng, ông loan báo sự chấm dứt giao ước cũ và triều đại hiện hữu của Đavít, nhưng đàng khác ông loan báo giao ước mới và Davít mới (x. chương 30-33).
Trình thuật ơn gọi này soi sáng cho bạn điều gì cho ơn gọi của mình (ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi tu trì)?
2. Hai thị kiến (1,11-16)
Thị kiến về “cây canh thức”: những cây này nở hoa vào đầu tháng hai. Điều được nhấn mạnh ở đây là chính Chúa đang canh thức để làm cho Lời của Người được hoàn thành. Thị kiến “cái nồi đang sôi… và mặt nồi từ phía Bắc nghiêng xuống” ám chỉ hướng mà quân xâm lăng Babylon sẽ tấn công Giêrusalem.
Bài tường thuật về hai thị kiến được xếp vào phần nói về ơn gọi của Giêrêmia vì những thị kiến này báo trước việc thực hiện những lời tiên tri của Giêrêmia về Giêrusalem thất thủ.
3. Thiên Chúa khích lệ Giêrêmia (1,17-19)
Những câu này kết thúc trình thuật về ơn gọi của Giêrêmia. Thiên Chúa nhấn mạnh với vị tiên tri: ông không ở một mình khi đối diện với quân thù (câu 17), chính Chúa sẽ làm cho ông mạnh sức (câu 18) và cuối cùng ông sẽ chiến thắng vì Chúa ở với ông (câu 19).
Giêrêmia rất cần sự khích lệ của Chúa, nhất là trong những lúc chán nản và thất vọng như ta sẽ thấy sau này. Bạn có dám tin vào quyền năng che chở của Chúa trên cuộc đời mình không?
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: WGPSG
Tuần 43: Sách Giêrêmia, chương 13 – 23
I. TỔNG QUÁT
Các chương từ 11,1 – 20,18 tiếp tục trình bày những lời tiên tri Giêrêmia tố cáo và lên án Giuđa. Tuy nhiên những lời tố cáo và lên án này được trình bày bằng nhiều hình thức khác nhằm lôi kéo sự chú ý của Dân Chúa hơn. Cách cụ thể, lời tố cáo và lên án của Giêrêmia được trình bày qua những bài giảng (các chương 11, 16, 17, 19, 20), một số dụ ngôn (các chương (13, 18, 19), và năm lời tự thú rất nổi tiếng của vị tiên tri.
II. NHỮNG LỜI TỰ THÚ
Tiên tri Giêrêmia có năm lời tự thú (11,18 – 12,6; 15,10-21; 17,12-18; 18,18-23; 20,7-18). Đây là những tâm tình sâu kín vị tiên tri bày tỏ với Chúa về ơn gọi, về sứ mạng, về những đau khổ phải gánh chịu cũng như những giằng co nội tâm của mình. Những đoạn văn này có chiều sâu nội tâm và giá trị giáo huấn đặc biệt.
Hãy thử tập trung vào lời tự thú thứ năm (20,7-18). Hầu như tuyệt vọng, vị tiên tri than trách Chúa rằng chính Chúa đã “quyến rũ” ông chấp nhận một sứ mạng vốn chỉ đem đến toàn là tai hoạ và đau khổ, “suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.” Vì thế, vị tiên tri chán nản đến độ nguyền rủa chính ngày sinh của mình, “tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ, để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi?”… và toan tính rũ bỏ sứ mạng, “Có lần con tự nhủ: tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Thế nhưng chính lúc ấy ông lại cảm thấy Lời Chúa như ngọn lửa thiêu đốt tận xương tủy khiến ông không chịu nổi, “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim.” Dẫu biết rằng sứ mạng tiên tri mang đến quá nhiều đau khổ, Giêrêmia tin rằng Chúa ở với ông và kẻ thù của ông sẽ không thể chiến thắng. Và với niềm tín thác vào Chúa, ông kêu cầu Chúa trả thù thay cho mình.
Bạn hãy đọc lại những lời tự thú của Giêrêmia và tâm niệm rằng con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa không phải là con đường dễ dãi. Ai nghĩ rằng đó là con đường dễ dãi, người ấy cần nhìn lại xem mình đang đi trên nẻo đường Phúc âm hay một con đường nào khác! Tuy nhiên, dù khó khăn và đau khổ, ta không cô đơn trên con đường này vì có Chúa đồng hành, và có rất nhiều anh chị em cũng phải kinh qua những khổ đau và thử thách đó như Giêrêmia, và họ đang đồng hành với ta.
III. CÁC DỤ NGÔN
Giống như Chúa Giêsu, tiên tri Giêrêmia hay sử dụng các dụ ngôn khi rao giảng. Hầu hết các dụ ngôn là những câu chuyện được sáng tác, vd. Người Samari nhân hậu, Người con hoang đàng, Người giàu cóù và Ladarô. Một vài dụ ngôn được thể hiện bằng hành động, vd. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Khác với tỷ ngôn mang tính so sánh từng chi tiết, mỗi dụ ngôn có một trọng điểm và ta cần khám phá ý nghĩa đó.
– Đai lưng tốt đã trở thành vô dụng (13,1-11): Lưu ý các từ “huỷ diệt” (13,9) và “thắt chặt” (13,11).
– Người thợ gốm (18,1-12: Lưu ý câu “Ta lại không thể làm được như người thợ gốm này hay sao?” (18,6).
– Cái bình vỡ (19,1 – 20,6): Lưu ý hành động Giêrêmia đập vỡ bình và những lời kèm theo.
IV. GIÊRÊMIA VÀ CHÚA GIÊSU
Trong lịch sử Israel, không có vị tiên tri nào giống Chúa Giêsu cho bằng Giêrêmia:
– Giảng dạy bằng dụ ngôn,
– Bị chính dân mình ruồng bỏ
– Khóc cho dân
– Bị tù tội, đánh đập và giết chết.
– Thảm kịch của Giêrusalem thời Chúa Giêsu cũng tương tự thảm kịch Giêrusalem thời tiên tri Giêrêmia.
– Cả Chúa Giêsu và tiên tri Giêrêmia đã tiên báo sự sụp đổ của Giêrusalem và đền thờ, và cả hai lời tiên tri đều đã ứng nghiệm.
Vì tiên tri Giêrêmia giống Chúa Giêsu như thế nên nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu đã tự hỏi không biết ông này có phải là Giêrêmia trở về từ cõi chết không (x. Mt 16,14).
ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn