Tuần 40: Sách Mica
I. BELEM EPHRATA (5,1-14)
1. Lời tiên tri
“Phần ngươi, hỡi Belem Ephrata…” Ephrata là tên của một địa điểm ở phía bắc Giêrusalem, gần Rama là nơi bà Rachel qua đời (x. 1 Sam 10,2; Gier 31,15). Đây cũng là tên một bộ tộc là dòng dõi của Ephrata, vợ thứ hai của Caleb (x. 1 Ks 2,18-19, 50-55 nhắc đến Bethgader và Belem).
“Nguồn gốc của Người có từ thuở trước, từ thuở xa xưa” (5,1): bản văn Hípri dùng từ “nguồn gốc” ở số nhiều, có ý nhắc đến lịch sử ba trăm năm của triều đại Đavít. Nhưng người Kitô hữu quy chiếu bản văn này về Chúa Kitô, và đọc bản văn này như nói về nguồn gốc vĩnh cửu của Ngôi Hai Thiên Chúa.
“… cho đến thời một phụ nữ sinh con” (5,2): Giống như Isaia (7,14), Mica làm nổi bật khuôn mặt người mẹ của vị vua tương lai. Trong Cựu Ước, hoàng hậu chiếm vị trí quan trọng tại triều đình (x. 1 V. 1,11-37). Bản văn không nói gì đến người cha của vị vua tương lai. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi đây như lời ám chỉ về việc thụ thai đồng trinh của Mẹ Maria.
“Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (5,4): Truyền thống Kitô giáo nối kết câu này với phần trên nói đến vị vua tương lai (x. Bài đọc I, Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm C)
2. Lời tiên tri và phụng vụ Công giáo
Vào Chúa nhật IV Mùa Vọng năm C, Hội Thánh đọc Mk 5,1-4a cùng với bài Tin Mừng Lc 1,39-45. Sự chọn lựa này làm nổi bật những điểm chính yếu:
(1) Mica đã nói tiên tri về việc giáng sinh của Chúa Giêsu,
(2) Hài nhi trong lòng Mẹ Maria là Thiên Chúa “nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”,
(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”Các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng có mục đích giúp ta chuẩn bị tâm hồn cử hành lễ Giáng Sinh. Trong thực tế, người Công giáo ngày nay cử hành lễ Giáng Sinh thế nào? Có còn đầy đủ ý thức đức tin không hay chỉ còn là dịp vui chơi và mua sắm?
II. ĐỨC CHÚA KIỆN CÁO DÂN NGƯỜI (6,1-8)
1. Đọc bản văn
Mica dùng từ “vụ kiện” nên bản văn cũng được trình bày như diễn tiến một vụ kiện ở toà án:
– Triệu tập phiên toà (6,1-2): cả vũ trụ trở thành toà án, chứng nhân là “các núi và nền tảng vững bền của cõi đất,” còn nguyên cáo là chính Đức Chúa.
– 6,3-4 : những câu hỏi liên tiếp được đặt ra, không những nhắc lại những việc tốt lành Thiên Chúa đã làm cho Dân Người, mà còn diễn tả nỗi đau đớn của Thiên Chúa khi chứng kiến sự vô đạo của dân.
– 6,5 : nhắc đến câu chuyện vua Balak triệu Balaam đến để nguyền rủa Israel nhưng thay cho lời nguyền rủa, Balaam lại chúc phúc (x. Ds 22-24). Shittim là giai đoạn cuối trong hành trình từ Ai Cập đến phía đông sông Jordan. Gilgal là thánh điện nổi tiếng gần Jericho (Amos 4,4). Như thế câu này nhắc lại toàn bộ lịch sử Israel từ khi ra khỏi Ai Cập đến khi vào Đất Hứa. Tất cả để làm nổi bật những việc tốt lành Chúa đã làm.
– 6,7-8 : Dân tìm biện hộ cho mình bằng những nghi thức tế tự: lễ toàn thiêu, dâng bê một tuổi, dâng ngàn dê đực, dâng vạn suối dầu, dâng cả con trai đầu lòng… tưởng rằng có thể làm nguôi cơn giận của Đức Chúa trước tội ác của họ. Thế nhưng điều Thiên Chúa muốn là “thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước đi với Chúa.”
2. Liên kết với cử hành phụng vụ
Mica 6,1-2 đã gợi hứng cho thánh thi Improperia (Những lời trách cứ) được hát trong Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi cộng đoàn hôn kính Thánh Giá Chúa Giêsu.
Bạn hãy sống lại bầu khí của Thứ Sáu Tuần Thánh, đặt mình đối diện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá, và lắng nghe lại những lời này:
“Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi?
Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng?
Hãy trả lời Ta đi?”
Chúa đã làm gì cho bạn, và bạn đã làm gì cho Chúa?
Tuần 41: Sách Nahum, Sophonia, Habakuc
I. CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA TIÊN TRI HABAKUC VÀ THIÊN CHÚA (1,2 – 2,5a)
Cuộc đối thoại gồm hai phần, trong mỗi phần vị tiên tri đặt câu hỏi với Chúa và than khóc (1,2-4; 1,12-17), sau đó là lời đáp trả của Thiên Chúa.
Vị tiên tri đặt ra những câu hỏi thật đau đớn, cũng là những câu hỏi của người tín hữu khi lâm vào tình trạng khổ đau: “Tại sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?” “Tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?” (1,3.13)
Câu trả lời của Thiên Chúa được đúc kết trong 2,4: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính, nhờ đức tin, sẽ được sống.” “Đức tin” ở đây là sự thành tín (Xh 34,5-8). Đây cũng là từ chìa khoá trong thần học của thánh Phaolô về sự công chính hoá bởi đức tin: “Trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Thư Do Thái nối kết đức tin với sự kiên nhẫn: “Người công chính của Ta nhờ đức tin sẽ được sống, nhưng nếu người ấy bỏ cuộc thì Ta không hài lòng về người ấy” (Dt 10,38).
II. SỐNG TRONG HI VỌNG (Sophonia 3,9-20)
1. Số Sót
“Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ, chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa” (3,12). Từ anawim trong tiếng Hipri nói đến những người nghèo hèn nhưng còn hàm chứa ý nghĩa thần học về sự khiêm tốn, nghèo khó, thấp hèn. Đó là những người không cậy dựa vào thế lực người đời nhưng hoàn toàn cậy dựa nơi Thiên Chúa. Thánh Matthêu đặt vào môi miệng Chúa Giêsu lời mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 21,29).
2. Thánh thi ngợi khen (3,14-18a)
Đối chiếu thánh thi này với trình thuật Truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1,26-38) sẽ thấy nhiều điểm tương đồng:
– Reo vui lên (câu 14)
– Đừng sợ (câu 16)
– Thiên Chúa ở giữa ngươi (câu 17)
– Vị Cứu tinh hùng mạnh (câu 17)
Việc đối chiếu này giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của trình thuật Truyền Tin cũng như ý nghĩa của kinh Kính Mừng và chuỗi Mân Côi. Mẹ Maria đang mang Chúa Giêsu trong lòng dạ, Mẹ được giới thiệu như là Giêrusalem mới, và là mẫu mực cho những người nghèo của Thiên Chúa, những người đặt trọn niềm tín thác và cậy trông nơi Thiên Chúa.
III. THIÊN CHÚA KHÔNG DUNG THA SỰ BẤT CÔNG (Nahum 3,1-7)
Chủ đề thần học của sách Nahum là Thiên Chúa sẽ không dung tha mãi mãi cho sự bất công. Chủ đề này xuất hiện rõ nét trong lời sấm về Ninivê (thủ đô của Assyria) sụp đổ. Lời sấm này cảnh báo rằng đế quốc Assyria ở bất cứ thời đại nào và nơi chốn nào, kể cả tên bạo chúa đang ngự trị trong lòng người, sẽ đều bị Thiên Chúa trừng phạt.
Theo luật của Assyria, người nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình sẽ bị tước lột quần áo và thành phương tiện thoả mãn cho bất cứ ai. Nahum dùng những sự kiện này để mô tả về án phạt cho Ninivê (3,5-6). Ở đây cũng có thể liên tưởng đến sách Khải Huyền, chương 17, nói về sự trừng phạt Babylon. “Ai còn cảm thương nó?” (3,7) Tên của Nahum có nghĩa là “người được an ủi,” còn ở đây Nahum đảo ngược ý nghĩa “Ai còn cảm thương nó” để mô tả án phạt giáng xuống trên Ninivê.
“Halleluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng Cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền… Người đã xét xử con điếm khét tiếng từng dùng chuyện gian dâm mà làm cho mặt đất ra hư hỏng, và Người đã bắt nó phải đền nợ máu các tôi tớ của Người mà chính tay nó đã giết…
Halleluia! Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19,1-2.6-8).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn