I. TỔNG QUÁT
Trong bản dịch Hi Lạp, sách này được gọi là sách Giáo sĩ (Ecclesiastes do từ Hi Lạp có nghĩa là Giáo hội), còn bản Hípri gọi là sách Qoheleth và được dịch là Giảng Viên trong tiếng Việt, vì Qoheleth có nghĩa là người nói với cộng đoàn. Tác giả sống vào khoảng năm 300-200 trước Công nguyên. Oâng là một giáo sư và tác phẩm được coi như suy tư của một triết gia về cuộc sống với những hiểu biết và kinh nghiệm từng trải của chính bản thân tác giả.
Xem ra tác phẩm không có cấu trúc rõ rệt. Để có tầm nhìn tổng quát, có thể chia ra thành những phần chính :
– Phần đầu (1,1 – 3,15): những suy tư về cuộc sống như sự theo đuổi các mục tiêu để cuối cùng khám phá thất vọng.
– Phần giữa (3,16 – 11,8): những ghi nhận về nhiều đề tài khác nhau, trong đó có nhiều câu châm ngôn.
– Phần cuối (11,9 – 12,8): mang một cung giọng mới. Tác giả khuyến khích người trẻ vui sống. Nhưng cuối cùng, ta sẽ đi tới đâu? Câu hỏi muôn thuở của trái tim con người.
– Phụ trương (12,9-12)
II. GIÁO HUẤN
Qoheleth thời trẻ xem ra nuôi lý tưởng rất cao về công bằng và chính trực, thế nhưng kinh nghiệm cuộc sống làm cho ông thất vọng: “Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời: có sự gian ác ngay tại chốn pháp đình, sự gian ác ngay tại nơi xét xử” (3,16). Tệ hơn nữa, càng lên bậc cao trong xã hội, lại càng tệ hại hơn: “Nếu trong một miền nào, bạn thấy người nghèo bị áp bức, luật pháp và công lý bị chà đạp, thì chớ ngạc nhiên, bởi vì một người làm lớn còn có người lớn hơn canh chừng, và cả hai lại có người lớn hơn nữa” (5,7).
Qoheleth nhìn thấy những bất công trong xã hội nhưng ông lại không phải là một tiên tri dám tố cáo bất công cho dù phải chết. Ngược lại ông có vẻ xu thời để sống: “Trong cuộc đời phù du của tôi, tôi đã thấy hết cả: có người công chính bị tiêu vong dù đã sống công chính, có kẻ gian ác lại được sống lâu dù làm điều gian ác. Đừng sống quá công chính, cũng chớ quá khôn ngoan. Tại sao bạn lại huỷ diệt chính mình?” (7,15-16). Tuy nhiên ông không tệ hại đến độ tìm mọi cách chỉ để tồn tại, mà khiêm tốn nhận ra sự thật về thân phận hữu hạn của con người: “Sau khi đã chú tâm tìm hiểu lẽ khôn ngoan, và quan sát công việc mà con người thực hiện cả ngày lẫn đêm không chớp mắt trên mặt đất này, tôi nhận ra tất cả là công việc Thiên Chúa làm. Quả thật, con người không thể khám phá những gì được thực hiện dưới ánh mặt trời, cho dù có ra công tìm kiếm cũng không khám phá nổi, cho dù người khôn ngoan có nói là đã biết được, thì người ấy cũng không thể khám phá ra” (8,16-17).
Nếu so sánh với sách Gióp, sách Giảng Viên có một cung giọng khác. Oâng Gióp cố gắng sống đời tốt lành, và cứ theo giáo huấn truyền thống thì ông phải được hưởng đời sống sung túc với gia đình êm ấm và mọi người kính trọng, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, và ông lên tiếng hỏi “tại sao?” Còn Qoheleth lại đau khổ từ một góc độ khác. Oâng đã đạt được mọi sự mà người đời mơ ước để rồi khám phá “tất cả chỉ là phù vân” (1,2). Dòng đời xem ra vẫn chảy theo nhịp của nó dù con người có làm gì chăng nữa. Sống và chết, chiến tranh và hoà bình, yêu thương và thù hận, mọi sự vẫn diễn ra như những điều không thể tránh được. Vậy cái gì ẩn sau những diễn biến này. Vấn đề căn bản là chúng ta nhận rằng những diễn biến này phải có một ý nghĩa, nhưng lại không tìm ra được ý nghĩa: “Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (3,9-11).
Nói như thế không có nghĩa là không nên sống vì “chỉ những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết” (9,4). Vì thế, “Cứ ăn cho vui vẻ, uống cho thoả thích, vì Thiên Chúa đã vui nhận những việc bạn làm. Lúc nào cũng hãy ăn mặc cho sang, mái tóc luôn xức dầu thơm phức” (9,7-8). Dẫu sao, tác phẩm vẫn kết thúc bằng cung giọng bi quan: “Và bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình… Phù vân quả là phù vân. Tất cả mọi sự đều là phù vân” (12,7-8). Tác giả không có câu trả lời về thế giới sau cuộc đời này. Chỉ nơi Con Thiên Chúa làm người, ta mới gặp được lời đáp trả.
Tuần 65: Sách Giôna
I. BỐI CẢNH
Sách Giôna được biên soạn tại Palestina khoảng thế kỷ V trước Công nguyên, khi người Do Thái vẫn đang ở trong thời kỳ hồi phục sau cuộc hồi hương từ Babylon. Trong suốt thế kỷ VIII và IX trước đó, nhiều thế lực ngoại bang đã tác động trên lịch sử Israel. Năm 722, đế quốc Assyria đã chiếm vương quốc Israel, đưa những thanh phần ưu tú của dân lưu đày, và đưa những nhóm dân khác đến đây định cư. Còn tại vương quốc Giuđa, quyền lực của Assyria phải nhường lại cho Babylon, và dân Israel lại chịu sự thống trị của một đế quốc khác.
Năm 587 vua Nabuchodonosor và quân đội của ông phá hủy thành Giêrusalem và lưu đày dân cư sang Babylon. 50 năm sau tức là năm 538, vua Kyrô của Ba Tư đánh bại Babylon, ra sắc lệnh cho người Do Thái hồi hương và xây lại Đền thờ. Có sự đấu tranh giữa những người hồi hương và những người vẫn ở lại từ trước, thêm vào đó là sự nghèo khổ và lao động vất vả để tái thiết đất nước. Tất cả những điều đó làm nên bối cảnh trong đó sách Giôna được biên soạn.
II. NỘI DUNG
1. Tổng quát
– Cuộc gặp gỡ giữa Giôna và Đức Chúa (1,1-16)
– Lời nguyện của Giôna (2,1-11)
– Giôna ở Ninivê (3,1-10)
– Thiên Chúa trả lời Giôna (4,1-11)
2. Ý nghĩa
Những người Do thái hồi hương xác tín rằng sở dĩ họ phải chịu đau khổ là vì họ đã bất trung với Thiên Chúa. Do đó họ chủ trương phải tuân giữ lề luật thật khắt khe, và phải xa tránh bất cứ điều gì có thể làm họ xa rời Chúa, cụ thể là theo những tập tục ngoại giáo và kết hôn với người ngoại giáo (x. Ezra 9,1-13; 10,10-15; Neh 13,23-30).
Sách Giôna được viết ra để chống lại thái độ loại trừ này, thái độ cho rằng phải xa lánh mọi người thì mới có thể trung thành với Chúa. Trong câu chuyện, Chúa gọi Giôna đi nói tiên tri không phải cho dân Người mà là cho dân Ninivê, thủ đô đáng ghét của Assyria. Và Giôna đã tìm mọi cách để trốn tránh tiếng gọi của Chúa, vì ông biết rằng Chúa là Đấng nhân từ, và ông sợ rằng nếu ông rao giảng và dân Ninivê ăn năn sám hối thì Chúa sẽ tha thứ cho họ. Ông thích một Thiên Chúa trừng phạt dân Ninivê hơn là một Thiên Chúa tha thứ. Câu chuyện của Giôna trình bày một chân lý làm dân Do thái sửng sốt, đó là cả các dân tộc khác cũng được Thiên Chúa yêu thương.
III. ƠN GỌI CỦA GIÔNA (1,1-16)
1. Chúa gọi Giôna
Trong Thánh Kinh, những trình thuật ơn gọi thường có những yếu tố sau: (1) Gặp gỡ, (2) Thiên Chúa ngỏ lời, (3) sai đi, (4) người được sai thoái thác, (5) Chúa trấn an với lời hứa ‘Ta ở với ngươi’ (6) hứa ban một dấu chỉ.
Trình thuật ơn gọi Giôna cũng theo thứ tự đó nhưng có vài điểm đặc biệt: Lời Chúa đến với ông (1,1) và sai ông đi giảng cho dân Ninivê (1,2). Giôna không những chống lại mệnh lệnh này mà còn tìm cách chạy trốn (1,3). Chúa đã không chỉ trấn an Giôna nhưng còn theo sát ông và dùng quyền năng của Người lôi ông trở về với sứ mạng tiên tri (1,4 – 2,10). Rồi trình thuật bắt đầu lại: “Lời Chúa đến với Giôna lần thứ hai” (3,1).
2. Rao giảng cho dân Ninivê
Ninivê là thủ đô của Assyria, một đế quốc hùng mạnh ở vùng Mesopotamia vào thế kỷ VIII trước Công nguyên. Assyria đã đánh bại Israel vào năm 722 và bắt họ đem đi lưu đày, vì thế dân Israel căm ghét Assyria. Giôna không muốn đi Ninivê không phải vì muốn trốn tránh tiếng gọi của Chúa cho bằng vì căm ghét Assyria, không muốn đem Lời Chúa đến cho dân đó.
3. Thiên Chúa hành động
Giôna mô tả Thiên Chúa là Đấng “làm ra biển khơi và đất liền” (1,9), Đấng chế ngự biển khơi và mọi loài trong đó. Hình ảnh được làm nổi bật ở đây là sự toàn năng của Đấng Tạo hoá, Đấng đã trao phó sứ mạng cho Giôna và thúc đẩy ông chu toàn sứ mạng. Điều buồn cười là nếu Giôna biết Chúa toàn năng như thế, tại sao ông lại nghĩ ông có thể chạy trốn khỏi bàn tay Chúa? Và mỗi người chúng ta cũng nghĩ rằng mình có thể chạy trốn được Chúa? (hãy đọc Thánh vịnh 139)
IV. THIÊN CHÚA TRẢ LỜI CHO GIÔNA (3,1-10)
1. Tại sao Giôna chạy trốn?
Vì ông biết rằng Chúa là Đấng “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (4,2). Ông nổi giận vì biết rằng Chúa không phải là vị thẩm phán thích trừng phạt tội ác nhưng là vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và hối hận vì đã thịnh nộ.
2. Thiên Chúa giáo huấn Giôna
Thiên Chúa không trừng phạt Giôna vì tội chạy trốn và đào ngũ và vì ông thiếu lòng thương xót, nhưng Chúa tìm cách giáo huấn ông bằng hành động cụ thể (x. 4,4-10)… và kết luận : “Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương Ninivê sao? (4,11). Giôna và mỗi người chúng ta tin Chúa như Chúa là hay chúng ta bắt Chúa phải hành xử theo tính toán nhỏ nhen và chật hẹp của mình.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn