Suy Niệm Tuần III Phục Sinh - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ hai - 24/04/2023 05:57  279
Thứ hai Tuần III Phục Sinh
Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông
Stêphanô là một trong những người theo Đức Giêsu và thực hiện những công việc của Thiên Chúa: nghĩa là tin vào Đức Giêsu như Đấng Chúa Cha sai đến. Chính Đức Giêsu cũng xác nhận điều này trong bài tin mừng hôm nay.
Tin và làm chứng cách trung thực rằng những ai nghe Stêphanô nói, không thể địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Không biết phải tìm lý lẽ nào để chống lại ông, họ dùng những lời dối trá. ‘Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông  Môsê và Thiên Chúa’.
Họ đã dùng cách thức ấy đối với Đức Giêsu. Đó là chính sách của những người không nhận biết và chối từ ánh sáng. Nhưng ánh sáng tự làm chứng chính mình, ngày trước cũng như ngày nay. Ánh sáng đó rạng sáng khuôn mặt của Stêphanô. Ai có thể tách ông ra khỏi Đấng mà ông đã gặp gỡ trong hành trình đời sống của mình? Lời lẽ trong thánh vịnh đáp ca diễn tả lòng trung thành của Stêphanô: ‘Mặc quan quyền họp nhau mưu hại, tôi tớ Ngài đây cứ gẫm suy thánh chỉ. Vâng thánh ý Ngài làm con vui sướng thỏa thuê, chỉ bảo con như những người cố vấn’ (Tv 118,23-24).
Biết bao kitô hữu ngày nay đang sống cùng một thực trạng như Stêphanô và họ bị vu cáo và kết án tử. Họ là hạt giống sống động của kitô giáo! Trong phút hồi tâm hôm nay tôi cầu nguyện bằng lời thánh vịnh 118: ‘Kẻ hai lòng con chê con ghét, nhưng luật Ngài con chuộng con yêu’.
+++
Chúng tôi phải làm gì?
Người ta mang nơi cổ sợi dây chuyền đính một vài ảnh thánh giá nhỏ như món đồ trang sức. Người ta in hình Đức Giêsu lên áo. Với dòng chữ: I love Jesus (tôi yêu Giêsu), nhưng lại không nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Là những người sống hời hợt; không có chiều sâu nên thiếu sự nghiêm túc. Câu lời Chúa sau đây áp dụng cho họ: ‘Các ngươi tìm Ta không phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê’. Các ngươi gọi danh Ta trên môi miệng, bởi vì các ngươi đọc thấy nơi Ta một con người đối đầu lại nhà cầm quyền thời đó? Các ngươi theo Ta hòng mong thoát khỏi cuộc sống hằng ngày? Những điều đó chẳng liên can gì đến Ta! (không phải chuyện của Ta).
Đấy là lối suy nghĩ của chúng ta, là cách chúng ta tin vào Đức Giêsu, và để tuyên bố rằng mình đứng về ‘phe’ Ngài. Nhưng Chúa không bảo thế. Ngài nhìn cuộc sống của mọi người. Chắc chắn hướng họ đang đi hoàn toàn không phải là hướng đi tốt nhất, nhưng dù sao đi nữa họ vẫn đang tiến bước. Và Ngài chấp nhận cách tiến của họ: ‘Hãy gắng tìm của ăn đích thực’. Họ không chống đối lại; họ hỏi Ngài đâu là đường phải theo: ‘Chúng tôi phải làm gì?’ Một hy vọng mới lóe lên cho họ, vì có ai đó không xem họ như những con người sống hời hợt.
Thứ ba Tuần III Phục Sinh
Thánh Mátcô.
Đoạn trình thuật tin mừng Mátcô hôm nay được gọi là ‘phần kết thúc tin mừng Mátcô’ góp lại những lần hiện ra và lệnh truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng (Mc 16,14) và cùng với các ngài là toàn thể Giáo Hội (Mt 28,18-20). Đoạn văn khởi đầu bằng lời hứa của Chúa. Những lời đầu tiên là một lệnh truyền và lời mời gọi: ‘Hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật’. Giáo Hội phải rao giảng, nghĩa là sứ vụ phúc âm hóa của giáo hội là một lệnh truyền của Chúa phục sinh. Đối tượng là tất cả mọi người hiện hữu trong thế giới (mọi thụ tạo). Điều này cho thấy tất cả mọi người cần biết lắng nghe tin mừng cứu độ. Nội dung của việc rao giảng là Tin Mừng, tin vui được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô, chính con người và công trình của ngài. Việc loan báo này được gọi là rao giảng nghĩa là công khai và công cộng, được thực hiện với lòng can đảm và tín thác vào Thiên Chúa cứu độ.
Đoạn văn tiếp tục  nhấn mạnh về tính siêu nhiên của việc loan báo và đón nhận: ‘Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu, nhưng ai không tin sẽ bị luận phạt’ (Mc 16,16). Như thế ta đối diện với những lời của sự sống; không tin là cửa của luận phạt (x. Ga 3,14-21).
Tiếp theo một loạt những dấu lạ đã được thuật lại đi theo những người được sai đi: khử trừ ma quỷ, nói các tiếng lạ, không bị rắn và thuốc độc làm hại, và sau cùng là ơn chữa lành bệnh. Tất cả những việc này là những hiện tượng ân sủng đồng hành với Giáo Hội suốt dòng lịch sử.
Đoạn văn kết thúc với việc loan báo Đức Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19) và với chỉ dẫn về việc thực hiện lệnh truyền rao giảng của các tông đồ, mang tin mừng đến mọi nơi cùng sự trợ giúp của Chúa (x. Mt 28,20). Nhiều dấu lạ đi theo với họ (Mc 16,20). Giáo hội truyền giáo đang lên đường.
+++
Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các người thế nào, thì các ông cũng vậy.
Những lời của Stêphanô thật nghiêm khắc, nhưng cũng chẳng khác nào những lời Thiên Chúa đã phán với Môsê và các tiên tri: ‘Các ngươi là một dân cứng đầu cứng cổ’ (Xh 33,5), ‘Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm’ (Is 29,13).
Đức Giêsu đã sống lại, tin vui bình an này đã được loan báo, nhưng những thủ lãnh dân, các kỳ lão và ký lục, những kẻ tự cho mình là người nắm giữ chân lý, chống đối, ‘họ chống lại Thánh Thần’, là Đấng kiến tạo nên mùa xuân này của lịch sử. Từ nay Đấng An Ủi mà Đức Giêsu hứa ban, mạc khải cho mọi người sự thật về Con Người thành Nagiarét. Ai không nghe theo thì đó là dấu chỉ khép kín và chối từ.
Người chống đối Thánh Thần, không nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì tình yêu đã hạ thân làm người. Ai không đón nhận sứ điệp sống động yêu thương và bình an của Người sẽ gây nên trong mình và chung quanh mình những tư tưởng và tình cảm chết chóc. Quả vậy họ đã giết chết Stêphanô, cũng như đã từng giết Đức Giêsu.
Trong phút hồi tâm, ta cầu xin cho được ơn can đảm để trung thành loan báo như Stêphanô. Ta sẽ được chiêm ngưỡng các tầng trời mở ra và được Đức Giêsu phục sinh ôm hôn và chúc lành.
+++
Bánh trường sinh
Bạn có thể dấn thân lo cho những người nghèo, phân phát của cải mình cho những người hành khất, với nguy cơ mất cả danh thơm tiếng tốt vì những kẻ bên lề xã hội: tất cả những điều đó chẳng có giá trị gì nếu bạn không là người quan trọng đối với họ. Họ sẽ nói với bạn: ‘Bạn làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin bạn’? Thôi cứ để mặc họ cho số phận của họ và quay về với những người cảm thấy đuợc khích lệ nhờ sự giúp đỡ của bạn, những người biết đón nhận sự giúp đỡ của bạn với niềm vui và lòng biết ơn!
Nhưng Chúa không xử sự theo cách đó! Ngài biết rằng bên trong cái vỏ ngoài cứng cỏi kia là cái ruột rất nhạy cảm. Lời nói xem có vẻ khiêu khích- cho dầu có phải là một sự ghét cay ghét đắng nào đi chăng nữa- tiềm ẩn một tiếng kêu cứu (giúp đỡ) thốt lên trong tuyệt vọng: ‘Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy’.
Thứ tư Tuần III Phục Sinh
Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa
Cuộc bách hại kitô hữu xảy ra tại Giêrusalem. Và những người kitô hữu này buộc phải tản mác khắp nơi…như hạt giống được gió mang đi hay được chim muông ăn rồi thả xuống trên các vùng khác, đã làm lan rộng khắp nơi.
Saolô lùng sục khắp nơi để bắt tống ngục những người tin vào danh Giêsu Nagiarét. Tuy nhiên lời Chúa được loan báo khắp nơi!
Mảnh đất đầu tiên tiếp nhận hạt giống lời Chúa là Samaria. Vùng đất gần vùng Galilêa xưa nay vốn bị ghét bỏ. Đây là việc truyền giáo đầu tiên ra khỏi Giêrusalem. Như người Samaritanô nhân hậu và như người phụ nữ Samaritana kín nước tại giếng Giacób, vùng đất này mở ra đón nhận tin mừng được Philipphê loan báo. Nơi đây cũng xảy ra những việc việc lạ lùng mà Đức Giêsu đã thực hiện.
Hình ảnh hạt giống gieo vải và chết đi để mang lại hoa trái ghi dấu ấn toàn bộ công trình của cộng đoàn tông đồ và của các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. Đức Giêsu đã nói: ‘Nếu hạt lúa mì không thối đi thì không sinh hoa quả’ (Ga 12,24). Từ hạt giống chết đi nảy sinh sự sống mới: giải thoát khỏi sự dữ, chữa lành các bệnh tật, niềm vui và hân hoan.
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi nhìn lại sự tự do tôi đang sống niềm tin của mình và kín múc Lời Chúa. Tôi có niềm vui không? Mong sao thói quen hàng ngày đón nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích làm cho tôi nên người của hòa bình và của niềm vui.
+++
Vì các người do thái không hiểu nên Đức Giêsu phải nói lên căn tính của mình cách rõ rệt để đặt họ trước sự chọn lựa cụ thể: ‘Ta là bánh trường sinh; ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ’. Ngài là bánh từ trời xuống để nuôi dưỡng và nâng đỡ dân mới của Thiên Chúa. Ngài là ân huệ của tình yêu Chúa Cha cho mọi người, đang còn lữ hành trần gian. Ngài là Lời mang lại sự sống trường sinh.
Đức Giêsu tố cáo sự kém lòng tin của người do thái. Họ đã nghe những lời của Ngài, đã thấy những dấu lạ Ngài thực hiện, nhưng lại từ khước gắn bó với Ngài.
Trong đoạn văn này Đức Giêsu giải thích lý do vì sao người do thái cứng lòng tin: họ không thuộc về nhóm những người mà Chúa Cha trao ban cho Chúa Con. Chúa Cha muốn cứu tất cả những ai mà Ngài trao cho Chúa Con, và ơn cứu độ này là sự sống lại trong ngày sau hết.
Ân huệ sự sống trường sinh và sự sống lại trong ngày sau hết liên kết với một điều kiện: chiêm ngắm Chúa Con và tin vào Ngài. Đó là cái nhìn chiêm ngắm của lòng tin và quy hướng toàn bộ đời sống theo Đức Giêsu.
Thứ năm Tuần III Phục Sinh
Thiên sứ của Chúa nói với ông Philipphê: Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giêrusalem xuống Gada; con đường này vắng. Ông đứng lên đi. Khi ấy có viên thái giám người Êthiopia, làm quan lớn trong triều của bá Canđkê, nữ hoàng nước Êthiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giêrusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaia.
Con đường từ Giêrusalem đến Gada vắng vẻ, Thánh Thần nói với Philiphê; và chính Người sai ông đến đó. Cách Thiên Chúa hoạt động thật huyền nhiệm! Tôi tự hỏi vì sao Thánh Thần lại sai Philipphê đến con đường vắng vẻ như thế?
Những người ngoại quốc đi trên con đường này, trên những con đường ít ai qua lại. Hôm qua là một người Samaritanô bị Lời Chúa đánh ngã, hôm nay một người Êthiopia, một viên thái giám, không quan trọng, Lời Chúa không chọn lựa. Quyền năng của Lời vượt trên mọi khác biệt và đi vào trong tim của con người.
Philiphê được Thiên Chúa dùng như trung gian trong giữa vị quan người Êthiopia đang tìm kiếm và Lời: chính Thiên Chúa sắp đặt để nên ánh sáng cho anh em. Nhờ đó lời các vị ngôn sứ mới có thể hiểu được: chính Lời nói về Đức Giêsu. Chính Ngài là nguồn nước hằng sống thanh tẩy: đổi mới từ bên trong con người và làm nên một tạo vật mới. Như thế Chúa Cha đã lôi kéo và dạy dỗ cho biết phải đi theo Đức Giêsu. Ai theo Đức Giêsu, cũng đạt đến Chúa Cha.
Chỉ có một điều cần thiết: lắng nghe Đức Giêsu qua lời của Ngài và qua biết bao người tiếp tục loan báo lời của Ngài bằng chính cuộc đời của họ. Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi mở đôi tai tâm hồn và cầu nguyện: Lạy Chúa, tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe
+++
Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ
Hãy coi chừng người đời; đừng tin vào bất kỳ ai trên 30 tuổi; hầu hết họ đều nghĩ đến lợi ích riêng họ! Đó là những lời đề phòng và khuyên răn mà những người lớn tuổi dành cho người trẻ thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Họ nói vậy vì ý ngay lành, cũng giống như câu tục ngữ sau đây (phát xuất từ trải nghiệm): ‘Trong gian nan mới biết ai là người bạn chân thật’. Người ở bên cạnh bạn mà không hề mưu lợi, thì bạn có thể tin tưởng.
Tại sao nhiều người đương thời của Đức Giêsu quan tâm đến Ngài? Điều gì khiến các địch thủ hướng về Ngài? Cách ăn nói khác thường của Ngài, hoặc thích ấn tượng mạnh? Hay họ bị những người đạo đức lôi kéo? ‘Không ai đến được với Ta mà không được Cha Đấng sai Ta lôi kéo’. ‘Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, mà không do thúc đẩy của Thánh Thần’ (1 Cor 12,3 ).
Thực vậy, Đức Giêsu trên 30 tuổi và nhiều người không tin Ngài; nhiều người theo Ngài chỉ vì tò mò. Nhưng nếu có một ai đến với Ngài trong khi tất cả những người khác xa cách Ngài, Ngài biết rằng chính Cha đã lôi kéo người ấy đến với Ngài và chính Thánh Thần giúp họ tuyên xưng đức tin.
Thứ sáu Tuần III Phục Sinh
Ông Saolô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không trông thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.
Thật đáng ngạc nhiên khi phụng vụ tuần III sau Phục sinh làm cho ta cảm nghiệm quyền năng của sự phục sinh.
Hôm nay chính Đức Giêsu can thiệp vào cuộc đời của Saolô, người đang làm cho các môn đệ sợ hãi. Trên đường đến Đamát, Đức Giêsu đã làm cho ông ngã ngựa. Kinh nghiệm này được đọc bằng nhiều cách khác nhau: lịch sử, tâm lý, biểu trưng, thiêng liêng. Saolô đang nằm dưới đất, mù lòa vì ánh sáng từ trời. trước đây không lâu ông là người dẫn các kitô hữu đi tiêu diệt, thì giờ đây chính họ lại cầm tay ông dắt vào thành Đamát, trên phố Thẳng, đến nhà ông Giuđa. Lưu lại đây ba ngày không ăn không uống.
Ba ngày! Chúng ta vừa mừng lễ Phục sinh, ba ngày nói với ta nhiều ý nghĩa. Ba ngày trong mộ là mở đầu cho một cuộc sống mới, hoàn toàn khác hẳn. Như thế Saolô được rửa tội, trở thành Phaolô: một con người khác, một thủ lãnh của Thiên Chúa.
Từ nay chỉ có một ước muốn trên môi miệng: loan báo tin mừng và sống vì Đức Kitô. Sau ba ngày không ăn không uống, nước và lương thực của ông từ nay sẽ là Đức Kitô, ở trong lòng ông cũng như trong lòng mọi kitô hữu: ‘Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết’.
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi để cho ánh sáng của Đấng phục sinh soi chiếu những bóng tối trong tôi, mang lại cho tôi cái nhìn sáng tỏ để nhận ra sự hiện diện sống động và hiện thực của Chúa nơi Thánh Thể. Tôi dành thời giờ để thờ lạy Thánh Thể trong khiêm hạ và thinh lặng.
+++
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
Chỉ trong một câu mà nhắc đến ba lần từ ‘sự sống’: nguồn sống là nơi Chúa Cha, dòng suối tuôn trào mang sự sống là Chúa Con, mỗi người chúng ta mở lòng đón nhận.
Hình ảnh thị kiến của ngôn sứ Êdêkien: dòng nước phát xuất từ Đền thờ và chảy thành sông mang lại sự sống cho mọi sinh vật trong đó và cây cối hai bên bờ.
Vì thế nên không thể ngăn chặn dòng chảy với Nguồn suối, vì đó là sự sống của chúng ta. Ăn Đức Kitô nghĩa là để cho Thánh Thần thấm nhuần đời sống mình đến độ có thể nói như Phaolô: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Suy tư của tôi, tình cảm của tôi, ý chí của tôi, toàn thể con người tôi cần phải thấm đẩm Đức Kitô. Nhưng điều này đòi hỏi phải được Ngài nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh. Trong cuộc sống thường ngày cuộc sống của Ngài trở nên chính cuộc sống của tôi và hành động của tôi mặc lấy một chiều kích mới: đầy tình yêu.
Hôm nay trong phút hồi tâm tôi tự nhủ luôn nuôi dưỡng mình mỗi ngày bằng Lời và Bánh. Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì Chúa tiếp tục bẻ bánh để nuôi dưỡng chúng con.
Thứ bảy Tuần III Phục Sinh
Hồi ấy trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững vàng và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông nhờ Thánh Thần nâng đỡ
Chúng ta đã thấy những ngày trước, Hội Thánh bị bách hại và buộc phải chạy trốn nhiều nơi. Bây giờ nói đến thời kỳ an bình. Ta biết trong lịch sử điều này không kéo dài lâu. Và cũng như thế cho đến ngày nay: thời kỳ yên lành tạm thời và thời kỳ bị bách hại chen lẫn nhau.
Như lịch sử minh chứng, cả hai thời kỳ đều cần thiết để xây dựng và phát triển Hội Thánh cho đến đạt đến mức thành toàn của Đức Kitô như lời thánh Phaolô nói.
Trong những thời kỳ yên lành, Hội Thánh đào sâu và củng cố niềm tin của mình, nhưng có nguy cơ rơi vào những hình thức thích nghi và lệ thuộc vào não trạng người đương thời. Một sự bế tắc nguy hiểm kéo dài giúp Hội Thánh thoát khỏi cám dỗ của quyền lực và sự liên kết thụ động. Đức tin khi ấy nhường bước cho những hình thức tôn giáo thích hợp với truyền thống hơn là với niềm xác tín, và như thế mở đường cho sự thỏa hiệp: một lớp sơn của hình thức chủ nghĩa trên một cuộc sống hoàn toàn ngoại giáo.
Trong những thời kỳ thử thách, đức tin được vững mạnh và thanh luyện. Dù trong khủng hoảng, nhưng thời kỳ này thúc đẩy ta tự hỏi và làm sự chọn lựa nghiêm túc và xác tín hơn. Người ta có một thái độ phê phán hơn, thúc đẩy mình xem lại độ chính xác của việc gắn bó đức tin và giũ bỏ những bụi bẩn che phủ khuôn mặt của Đức Kitô trong Hội Thánh ngài và trong mỗi kitô hữu. Sau cùng Hội Thánh trở nên đáng tin hơn.
Dù ở thời kỳ an bình hay thời kỳ bị bách hại, Hội Thánh được vững mạnh nhờ lòng tin rằng Thánh Thần không bỏ rơi Hội Thánh: chính Người là Đấng điều khiển Hội Thánh và không có gì có thể làm cho nó chao đảo
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi chăm chú vào tình trạng hiện nay mà Thánh Thần chỉ cho tôi con đường phải theo để khuôn mặt của Hội Thánh rạng sáng luôn nhờ ánh huy hoàng của Đức Kitô.
Lạy Chúa, xin ban cho con sống đến tận cùng kitô tính của con, ngay cả lúc chân trời hình như mờ tối. Lúc đó Ngài gọi con cần phải mạnh mẽ hơn để làm chứng với lòng can đảm và trong sáng.
Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai
Chương 6 tin mừng Gioan là một chương ‘cứng’. Một số người lấy làm chói tai vì nghe Đức Giêsu nói và muốn bỏ ra đi. Quay về phía các môn đệ, Đức Giêsu hỏi: ‘Các con có muốn bỏ đi không? Với những lời thật hay, Phêrô trả lời: ‘Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời hằng sống’. Có thể nói được rằng, cho dù không thiếu những khó khăn, các môn đệ đã nhất định chọn Chúa Giêsu. Họ hiểu rằng theo Chúa là con đường lên dốc, mệt nhọc, là từ bỏ tất cả, là bỏ cả mạng sống. Từ bỏ những của riêng, những quyến luyến riêng. Chưa đủ, theo Đức Giêsu còn đòi hỏi bỏ cả mạng sống mình nữa: trao ban thịt mình cho thế gian được cứu rỗi.
Tin không phải là khước từ việc tìm hiểu, tin là hiểu rằng vẫn còn điều tôi chưa biết: tôi biết rằng Ngài là Chúa. Thật đẹp nếu ta nối kết diễn từ này với Thánh Thể xảy ra cho 2 môn đệ đi đường Emmaus. Họ đã nhận ra Chúa lúc bẻ bánh. Qua một cử chỉ thật đơn sơ, thật bình dị, mắt trí khôn mở ra trước mầu nhiệm. Tin là nói vâng trước mầu nhiệm được mạc khải dần dần cho ta.
Người rút lui. Ai là những người rút lui? Có thể họ chẳng khác chúng ta là bao, nhiều lần thoái thác trước nhiệm vụ của mình, của một người công dân, của một người con cái Thiên Chúa. Chúng ta để cho những người khác làm, xây dựng, còn mình thì than thở: mọi việc không theo đúng định hướng, nào là chiến tranh không có hòa bình, nạn đói không có lương thực cho tất cả, bất công…Ta có thể nói rằng những kẻ rút lui là những người chỉ biết khoanh tay đứng nhìn và càu nhàu: Có thể làm tốt hơn thế! Là những kẻ từ chối trèo lên giây cùng với những kẻ khác, hoặc tệ hơn thế, là kẻ làm hỏng những kế hoạch hay vì sự rút lui của họ kéo theo những người khác.
Người tin. Có kẻ chỉ cần một khoảnh khắc, có kẻ cần thời gian dài hơn, nhưng họ không phải là kẻ rút lui trước đòi hỏi cứng rắn của việc theo Chúa Giêsu. Nhà văn Pháp André Frossard đã kể cảm nghiệm trở lại của mình trong tác phẩm mang tựa đề: Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Ngài. Và ông thú nhận bằng những lời thật hay: Ôi Tình Yêu, nói về Ngài cả vĩnh cữu cũng còn vắn vỏi, không đủ.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Atanasiô
Tin mừng trình bày cách cụ thể những khó khăn của các chứng nhân đức tin: Thánh Atanasio, bốn lần bị lưu đày, buộc phải trốn chạy vì niềm tin của Ngài vào thiên tính của Đức Giêsu. Đức Giêsu Con Thiên Chúa hoàn toàn vượt xa chúng ta về mọi mặt, chúng ta biết điều này trong trình thuật về việc biến hình, và chấp nhận bằng lòng tin. Nhưng trong lịch sử Hội Thánh từng có những người muốn giản lược Đức Giêsu vào trong phạm vi nhân loại, bình diện các thụ tạo. Điều này đã xảy ra thời thánh Atanasiô, với bè rối Ariô, cho rằng Đức Giêsu chỉ đơn thuần là con người, dẫu vĩ đại, thánh thiện được Thiên Chúa chọn, nhưng không phải là Con Thiên Chúa. Và nhiều người ngay cả các Giám mục và hoàng đế đã chấp nhận ý nghĩ này, vì quá dễ dàng, dễ hiểu, không đòi hỏi phải nại đến mầu nhiệm.
Thánh Atanasio đã bảo vệ chân lý đức tin này: là một mầu nhiệm có liên quan đến phần rỗi chúng ta, vì nếu Đức Giêsu không phải là Con Thiên Chúa, chúng ta không được cứu rỗi, bởi lẽ ơn cứu độ là công trình của Thiên Chúa. Đây là một việc làm gian truân và nặng nhọc của người tín hữu. Thật khó mà tin rằng Đức Giêsu đã chiến thắng thế gian khi mà phải chịu bao bách hại. Nhưng chiến thắng nào cũng đòi hỏi chiến đấu, phải trải qua cuộc thương khó của Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm toàn thể của Đức Giêsu: mầu nhiệm của sự chết bị tiêu diệt trong sự sống lại. Người kitô hữu không ngạc nhiên nhiều khi thấy mình cũng như Đức Giêsu, bị bách hại, vì nhờ thế họ đạt đến chiến thắng của niềm tin.
Chiến thắng của niềm tin nghĩa là gì? Nghĩa là tiếp tục tin, dẫu trong những cơn bách hại, rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và thử thách ta để ta được hưởng hạnh phúc lớn lao.
+++
Lễ Thánh Philipphê Và Giacôbê
Đức Giêsu loan báo việc Ngài sắp ra đi ngay trong bữa tiệc sau cùng (Ga 13,33), làm cho Phêrô phải hỏi ngay: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu’ (Ga 13,36). Sau khi tiên báo việc Phêrô chối Thầy, Đức Giêsu an ủi các tông đồ bằng cách bảo cho họ biết rằng Ngài ra đi là để dọn chỗ cho họ: ‘Thầy đi đâu, chúng con đã biết đường rồi’ (Ga 14,4). Những lời này của Đức Giêsu có hai mục đích theo suy tư của thánh sử. Trước hết nhắc đến lời giáo huấn của Đức Giêsu, đặc biệt là giới luật mới (Ga 13,34-35), chỉ cho biết đâu là con đường phải bước theo. Những lời ấy còn gợi lên những thắc mắc của Tôma. Tôma hỏi: ‘Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy’ (Ga 14,5-6). Câu trả lời của Đức Giêsu một lần nữa dẫn ta vào trong mầu nhiệm con người của Ngài. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là con đường dẫn đến Chúa Cha. Con đường duy nhất (Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy). Một con đường cá biệt. Con đường đồng hóa với mục đích vì Ngài là sự thật và là sự sống (Thánh Tôma Aquinô).
Ngài còn nói tiếp: ‘Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy’ (Ga 14,7). Biết Đức Giêsu nghĩa là biết Chúa Cha, Thiên Chúa tình yêu. Các tông đồ đã biết Chúa Cha và một cách nào đó đã thấy Người nơi Chúa Con, trong quà tặng tình yêu của Người. Câu hỏi của Philipphê và câu trả lời của Đức Giêsu (Ga 14,8-10) cho biết sự kết hiệp giữa Chúa Cha và Chúa con, mật thiết trong lời nói và hành động cứu độ, tình yêu, ân ban sự sống. Công việc của Đức Giêsu làm  là cách trình bày tốt nhất cho biết về sự kết hiệp này.
Trong ba câu cuối Đức Giêsu hứa cách long trọng. Trước hết Ngài hứa cho người tin Ngài sẽ làm những việc lớn hơn việc Ngài làm nữa (Ga 14,12) và còn hứa sẽ luôn thực hiện điều người tin cầu xin Chúa Cha nhân danh Ngài (Ga 14,13-14).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay32,939
  • Tháng hiện tại497,542
  • Tổng lượt truy cập47,795,350

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây