Thứ hai Tuần II Phục Sinh
Sinh ra bởi Thần Khí
Nicôđêmô, một trong những thủ lãnh người do thái, đến gặp Đức Giêsu ban đêm; ông muốn thảo luận với Ngài về ơn cứu độ. Trong số những biệt phái, cũng có một ít người cảm tình với Đức Giêsu. Có thể nói được là bất cứ ai thao thức về vấn đề ơn cứu độ; tất cả những ai đặt vấn đề về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống.
Đức Giêsu vượt lên trên câu hỏi đặt ra; việc trao ban của Thiên Chúa luôn ở bình diện cao hơn khát vọng riêng của con người, là điều thuộc bình diện trần thế và chóng qua. Ơn cứu độ của con người chính là việc con người tham dự vào cuộc sống mai sau. Vì thế cần phải ‘tái sinh’.
Rõ ràng là vị thủ lãnh do thái cũng biết đến những tôn giáo ngoài do thái giáo, trong đó người ta thường đề cập đến vấn đề tái sinh. Trong các thủ bản Tân Ước khác, bí tích Thánh Tẩy kitô giáo được định nghĩa như là sự sinh ra một lần nữa (thư gởi Titô và thư thứ 1 của Phêrô). Đức Giêsu nêu cho thấy rằng việc sinh lại này không thuộc khả năng của con người: là sinh bởi nước và Thần Khí. Thần Khí là ơn huệ của Chúa Phục sinh ban cho cộng đoàn.
Thứ ba Tuần II Phục Sinh
Gió muốn thổi đâu thì thổi
Sinh ra bởi Thần Khí, đây chính là nguồn cội của con người. Chính là cái quyết định mức độ việc con người hiểu về chính mình, về hiện hữu của mình, về những quan điểm của mình và về cung cách sống của mình. Sinh bởi xác thịt, chỉ có thể cho chúng ta hiểu những gì thuộc thế gian. Nhưng sinh bởi Thần khí cho chúng ta có được một nhận thức mới về chính chúng ta. Con người cũ không chỉ, một cách giản đơn, trở nên tốt hơn khi được sinh lại, nhưng nó còn thủ đắc một nguồn gốc mới. Việc sinh lại là thiết yếu, Đức Giêsu quả quyết như thế. Qua điều mạc khải này, Thiên Chúa trả lời cho vấn nạn của con người về ơn cứu độ, để con người không còn một mình đi tìm lời giải đáp nữa.
Thế nhưng người ta không thể một cách giản đơn bảo rằng con người trở nên tốt hơn ngay khi tái sinh; cuộc sống của người đó có định hướng (ý nghĩa). Việc ấy cũng giống như gió; người ta không thể quy định nó theo sở thích của mình. Người ta không thể nắm bắt lấy nó, để nó thổi theo ý mình. Có điều gì đó diễn ra trong cuộc sống của người sinh bởi Thần Khí: tư tưởng và hành động của họ không thể rập theo những tiêu chuẩn của thế gian. Điều thiện mà người ấy làm không phát xuất tự mình nó.
Nhiều lúc, cũng giống như Nicôđêmô, chúng ta chỉ chấp nhận là mới mẽ nếu điều đó phù hợp theo những ý nghĩ sẵn có của chúng ta. Nếu chỉ tin những điều phù hợp với luận chứng của mình, thì niềm tin của người đó không hoàn hảo. Hãy làm như người ngư phủ: khám phá ra hướng gió thổi và giương buồm lên để đón lấy gió.
+++
Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý
Với một vài từ chính yếu thánh Luca vẽ cho ta thấy khuôn mặt lý tưởng của Hội Thánh từ thuở ban đầu, một lòng một ý với nhau.
Nhiều đoạn Tân ước khác cũng cho thấy cộng đoàn không hoàn toàn đẹp như thế, vừa có những điều đáng trân trọng nhưng cũng không thiếu những nhỏ nhen. Ta cũng gặp thấy ngay cả trong nhóm Mười Hai ngay khi Thầy còn sống giữa họ.
Tuy nhiên điều đó không làm mất đi cái cùng đích. Lời khẩn xin của Chúa ‘Lạy Cha xin cho chúng nên một’ vẫn là lời mời gọi để mỗi người cố gắng vượt lên trên những nhỏ nhen, ích kỷ để sống hiệp nhất với nhau.
Ở đây thánh Luca nhấn mạnh đến vấn đề nhu cầu vật chất mà người ta tìm cách đáp ứng nhờ tình bác ái. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự cần thiết quan tâm đến những người yếu đuối để không một ai bị hư mất. Cách thức khác nhau để sống tình huynh đệ, quan tâm đến tha nhân để đến giúp đỡ họ ngay khi họ có nhu cầu.
Tắt một lời: đây là những con tim mở rộng để đón nhận nhau và được tiếp nhận, hiểu và được thông cảm. Những khác biệt vẫn còn đó, nhưng mọi tấm lòng hòa nhịp trong một nhịp yêu thương xuất phát từ trái tim Đức Kitô: chính Ngài là điểm tựa, là trung tâm của sự hiệp nhất mà mọi người phải hướng đến, mang đến cả sự phong nhiêu cũng như những giới hạn của mình.
Lạy Chúa xin dạy con biết những nẻo đường của sự hiệp thông.
Thứ tư Tuần II Phục Sinh
Thiên Chúa yêu thế gian
Thiên Chúa mà đoạn văn hôm nay nói đến không có điểm chung với những vị thần linh xưa kia. Quả thật Thiên Chúa đã yêu thế gian. Và không chỉ thế giới do thái mà thôi, nhưng toàn thế giới. Theo thánh Gioan, quan niệm ‘thế gian’ bao gồm toàn thể tạo thành. Tình yêu của Thiên Chúa trao ban cách công bình cho cả những ai không thuộc đoàn chiên của Ngài nữa. Trong đó có cả những người chống lại sự thiện. Là thế giới trong toàn thể tiến trình tục hóa của nó, như ta đang thấy hiện nay. Và chắc rằng cũng là thế giới thời Đức Giêsu, cùng với những hệ lụy luân lý, chính trị và tôn giáo, một thế giới tìm cách tránh xa tầm ảnh hưởng của Đức Giêsu, bởi lẽ không chấp nhận Thiên Chúa xen vào công việc của họ. Thánh Gioan nói rằng Thiên Chúa yêu cả những người làm điều dữ. Nếu Thiên Chúa chỉ yêu những con người tốt lành, Ngài đã tự giới hạn mình. Ngài không tránh xa kẻ dữ. Ngài không nhìn từ trời cao tất cả những điều vô vị của thế giới. Ngài còn đồng hóa mình với cái thế giới đầy sự gian ác này!
+++
Những người các ông đã tống ngục, kìa họ đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy cho dân
Việc liên kết giữa Thánh Thần và các môn đệ của Đức Giêsu đã đặt cho các thủ lãnh đạo đời của Palestina hai nghìn năm qua không ít vấn đề. Họ bắt các tông đồ tống giam vào ngục nhưng ngày hôm sau người ta gặp thấy các ngài trong đền thờ giảng dạy dân chúng, tuy không ai mở cửa ngục và lính canh vẫn còn đó. Thánh Luca nhấn mạnh đến biến cố này như là tác động của Thánh Thần mạnh mẽ, hiệu quả và hiền hòa. Đối lại với những phản ứng bạo lực là sự giải thoát nhẹ nhàng của Thánh Thần, làm cho các vị lãnh đạo bối rối: cảm thấy mình bị thất bại, lật đổ, cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tín thác vào Thánh Thần để được Ngài hướng dẫn để đi tìm sự sống nơi mà, với con mắt người đời, chỉ thấy toàn chết chóc…
Thứ năm Tuần II Phục Sinh
Ai có Chúa Con thì có sự sống
Thánh Gioan nhận ra những mối liên hệ giữa trời với đất một cách rõ ràng hơn so với những thánh sử khác viết trước Ngài. Để trình bày, Ngài đã dùng những hình thái mới của ngôn ngữ. Nói đến một thế giới trên cao: nơi Thiên Chúa ngự. Và nói đến một thế giới bên dưới: nơi con người sinh sống. Thánh Gioan biết điều này là: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài ở cùng Chúa Cha và sẽ mãi ở cùng Cha.
Đức Giêsu đến thế gian trong một giai đoạn của lịch sử. Cái chết của Ngài trên thập giá là biểu tượng cho sự hướng thượng mới. Theo cái nhìn nhân loại, thập giá là sự thất bại hoàn toàn của Đức Giêsu; cái chết dập tắt mọi dự tính của Ngài. Theo cái nhìn của Thiên Chúa, thập giá của Đức Giêsu biểu trưng chiến thắng của Thiên Chúa trên thế gian và là ơn cứu độ của chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng ta đã có sự sống vĩnh cữu. Đức Giêsu là mầm giống của niềm hy vọng qua đó Thiên Chúa hoạt động trong thế gian.
Trong sự kết hiệp với Con Thiên Chúa, Đấng mạc khải và thông ban sự sống, người tín hữu có sự sống vĩnh cữu. Ai có Chúa Con thì có sự sống (1 Ga 5,12).
+++
Bấy giờ Phêrô và các tông đồ khác đáp lại rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông trêo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người chỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng cứu độ…Về những sự kiện đó chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần…Nghe vậy họ giận điên lên và muốn giết các ông
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Lời này ngày nay vẫn còn hiện thực. Trước mặt vị Thượng tế, giờ đây là một Phêrô hoàn toàn mới mẽ sau sự Phục Sinh của Đức Giêsu, đứng lên tuyên bố nhân danh các tông đồ khác, là nền tảng của sự tự do đức tin và sự nhất trí trong đời sống của các tín hữu. Phải vâng lời Thiên Chúa, cho dầu có phải đi ngược lại với người đời. Ngày nay, có nhiều kitô hữu, cho dẫu không phải vì có nguy cơ bị loại trừ hay khinh rẻ, vẫn thích chạy theo thói sống của người thời đại, nói rằng: tôi làm giống như mọi người.
Vâng lời Thiên Chúa có nghĩa là biết lựa chọn cách can đảm, không chỉ trong những lúc quan trọng nhưng còn trong những tình huống hàng ngày, trong những cử chỉ nhỏ nhặt thường ngày. Thế giới ngày nay đang cần những chứng nhân đích thực, biết loan báo tin mừng bằng một cuộc sống phù hợp với điều mình rao giảng, lội ngược dòng nếu cần thiết.
Lạy Chúa xin biến con nên một chứng nhân Tin mừng khiêm nhường và can đảm, ngay cả khi đòi hỏi phải chiến thắng tính nhút nhát, sợ hãi muốn che giấu căn tính kitô hữu của con trước mặt người đời.
Thứ sáu Tuần II Phục Sinh
Tấm bánh bẻ ra
Chúng ta không thể hiểu đoạn tin mừng thuật lại phép lạ hóa bánh, và cũng không thể họp nhau để bẻ bánh, nếu chúng ta lãng quên nạn đói đang dằn vật biết bao người trên thế giới. Đói là một sự bất lực; no nê, một loại quyền lực. Chính cái đói là dấu chỉ phân biệt người chẳng có gì với người có. Sự bất bình đẳng này là một bất công. Cả người nghèo, cả người giàu là thành phần trong Giáo Hội, không được nhân nhượng cho điều bất công này. Không có giải pháp vật chất nào cho nạn đói, vì đây là một vấn nạn của con người mang tính toàn cầu nhất. Sự nghèo đói và sự đàn áp đập lên những con người đang đói nhân phẩm. Nên người ta không thể chữa lành sự thiếu thốn này bằng những tặng phẩm để xoa dịu.
Đức Giêsu loại trừ sự đói: đói của sự tha hóa thể lý, chính trị, đói của việc đánh mất nhân phẩm. Và chính vì thế mà Ngài không để dân chúng ra về trong sự đói khổ của họ nhưng kêu gọi các môn đệ chuẩn bị cho họ ăn. Sự vâng phục của các môn đệ đã mở đường cho hành động của Thiên Chúa. Đức Giêsu không muốn hành động một mình mà không có sự cộng tác của Nhóm Mười Hai. Và cuối cùng, chính Đức Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Chỉ mình Ngài mới có thể phân phát ân sủng của Ngài.
+++
Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: Hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.
Gamaliel vị Thầy của Phaolô, đã cho Thượng Hội đồng lời khuyên thật hay vì các vị này đang muốn chống lại quyền năng của Thánh Thần được diễn tả qua các môn đệ Đức Giêsu. Cứ để họ làm. Nếu sự việc là do Thiên Chúa sẽ có kết quả. Ngược lại sẽ chỉ là những hạt gieo trên đất khô cằn, chẳng sinh hoa quả nào, nhưng sẽ chết ngay tức khắc.
Việc can thiệp của Gamaliel cũng là một cách thế Thánh Thần dùng để cho sự sống được phát triển từ sự sống lại của Đức Giêsu, sinh ra những sự sống mới.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ Gamaliel, cũng như bất cứ một ai khác, qua mọi thời đại, chúng con nhận ra rằng sự hiện diện sống động của Chúa vẫn tồn tại nơi những con người, những biến cố, những hoàn cảnh nguy hiểm.
Thứ bảy Tuần II Phục Sinh
Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu do thái theo văn hóa Hy lạp kêu trách những tín hữu do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên (Cv 6,1)
Thực tế sách Công vụ không có ý trình bày một cộng đoàn lý tưởng, hoàn toàn xa rời với đời thường cụ thể, nhưng chỉ cho ta một phương cách cảm hứng do tình yêu để giải quyết những vấn đề.
Trong các chương đầu ta lưu ý đến sự mọi người quan tâm đến nhau, làm giảm thiểu những bất bình đẳng ‘kinh tế’, làm sao để bảo đảm cho mọi người có cái cần thiết. Ở đây ta thấy vài người than trách vì sự thiếu thốn: một số người không hưởng được sự phân phối bình đẳng đó.
Bối cảnh cho ta thấy điều này xảy ra không do thiếu bác ái hoặc thiên vị, nhưng chỉ vì số các tín hữu gia tăng.
Phong cách sống như trong một gia đình cần phải nhường bước cho một bối cảnh có tổ chức hơn, trong đó người ta dự kiến một sự phân chia các phận vụ và vai trò khác nhau, làm sao toàn thể cộng đoàn có thể nhận được một cách tương xứng mọi nhu cầu của mình: vật chất cũng như tinh thần.
Việc chọn lựa, trong sự tôn trọng sự hiệp nhất của thân thể giáo hội, là để tránh một chủ nghĩa tinh thần trừu tượng, nơi đó chỉ có lo việc loan báo mà thôi, hoặc là chủ nghĩa duy vật tuyên bố mọi quan tâm chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người. Những đòi hỏi của việc loan báo, là dành riêng nhưng không một cách độc hữu cho các tông đồ, được nối kết cách hòa hợp với thực hành bác ái như là hệ quả, đó là phận vụ của các phó tế.
Sự hiệp nhất của Giáo hội và sự trung thành với lệnh truyền của Đức Kitô được bảo đảm từ sự quan tâm (được soi sáng) vào những dấu chỉ thời đại.
Lạy Chúa, xin ban cho con một lòng trung thành năng động và sáng tạo, để có thể để nhập thể vào thế giới ngày hôm nay những giá trị trường tồn của đức tin.
+++
Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông. Biển động, vì gió thổi mạnh.
Chiều đến, các môn đệ Đức Giêsu quyết định quay trở lại Caphanaum, có lẽ họ cảm thấy một chút thất vọng, vì đám đông đã muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài đã trốn đi!
Tác giả tin mừng với ngôn ngữ biểu tượng diễn tả tâm trạng đó bằng đêm tối, biển động, gió thổi mạnh; thiên nhiên phản ánh tâm trạng của các môn đệ, một mình không có Thầy ở cùng. Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ và ngay lập tức sự tĩnh lặng và đã tới bờ. Các môn đệ hoảng sợ nhưng Đức Giêsu làm các ông yên tâm: ‘Thầy đây mà, đừng sợ! Như thế Ngài tỏ mình là đấng làm những điều phi thường: hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, đi trên mặt nước, khiến gió yên lặng…Ngài là Chúa, hiện thân và quyền năng của Thiên Chúa. Các môn đệ bắt đầu hiểu được cảm nghiệm của họ về Đức Giêsu với ánh sáng phục sinh.
Đây cũng chính là khám phá nền tảng cho ta ngày nay: Đức Giêsu vẫn còn thực hiện trong đời sống con người mỗi ngày; mỗi người nhờ Lời và Thánh Thể soi sáng, học biết nhận ra sự hiện diện năng động của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Bánh Hằng sống, xin làm cho con ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi ngày của con, để con cũng có thể nghe: ‘Thầy đây mà, đừng sợ!
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Mátcô.
Đoạn trình thuật tin mừng Mátcô hôm nay được gọi là ‘phần kết thúc tin mừng Mátcô’ góp lại những lần hiện ra và lệnh truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng (Mc 16,14) và cùng với các ngài là toàn thể Giáo Hội (Mt 28,18-20). Đoạn văn khởi đầu bằng lời hứa của Chúa. Những lời đầu tiên là một lệnh truyền và lời mời gọi: ‘Hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật’. Giáo Hội phải rao giảng, nghĩa là sứ vụ phúc âm hóa của giáo hội là một lệnh truyền của Chúa phục sinh. Đối tượng là tất cả mọi người hiện hữu trong thế giới (mọi thụ tạo). Điều này cho thấy tất cả mọi người cần biết lắng nghe tin mừng cứu độ. Nội dung của việc rao giảng là Tin Mừng, tin vui được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô, chính con người và công trình của ngài. Việc loan báo này được gọi là rao giảng nghĩa là công khai và công cộng, được thực hiện với lòng can đảm và tín thác vào Thiên Chúa cứu độ.
Đoạn văn tiếp tục nhấn mạnh về tính siêu nhiên của việc loan báo và đón nhận: ‘Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu, nhưng ai không tin sẽ bị luận phạt’ (Mc 16,16). Như thế ta đối diện với những lời của sự sống; không tin là cửa của luận phạt (x. Ga 3,14-21).
Tiếp theo một loạt những dấu lạ đã được thuật lại đi theo những người được sai đi: khử trừ ma quỷ, nói các tiếng lạ, không bị rắn và thuốc độc làm hại, và sau cùng là ơn chữa lành bệnh. Tất cả những việc này là những hiện tượng ân sủng đồng hành với Giáo Hội suốt dòng lịch sử.
Đoạn văn kết thúc với việc loan báo Đức Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19) và với chỉ dẫn về việc thực hiện lệnh truyền rao giảng của các tông đồ, mang tin mừng đến mọi nơi cùng sự trợ giúp của Chúa (x. Mt 28,20). Nhiều dấu lạ đi theo với họ (Mc 16,20). Giáo hội truyền giáo đang lên đường.