Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục sinh - Lm GB Phạm Hồng Thái

Thứ ba - 04/04/2023 22:56  712

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A

          Biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu có khởi đầu từ ngôi mộ trống. Trước hết chúng ta cần biết tục lệ chôn xác của người Do thái đặc biệt là trường hợp của Chúa Giêsu như thế nào. Sau khi Chúa chịu chết thì hai môn đệ của Chúa là ông Giuse Arimathia và ông Nicôđêmô lo táng xác Chúa. Ông Giuse xin quan Philatô cho tháo xác Chúa xuống khỏi Thập Giá, rồi  xác Chúa được ướp bằng thuốc thơm, tiếp đến bọc bằng vải trắng từ đầu tới chân có buộc giây băng và đặt trong huyệt đá mới. Đây là huyệt đá ông Giuse đã làm sẵn cho mình nhưng nay ông dâng cho Chúa, sau đó họ lấp của huyệt lại bằng một tảng đá lớn.

Bà Madalena là người đã đứng dưới chân Thánh Giá Chúa, bà đã chứng kiến việc táng xác này, bà để ý nơi đặt xác Chúa rồi mới ra về. Bà áy náy vì khi đó không có dịp được xức thuốc thơm cho xác Chúa, hơn nữa ngày Sabat là ngày nghỉ việc đã gần kề rồi nên bà phải đợi sau ngày Sabat, mới có thể hoàn tất việc xức thuốc thơm cho xác Chúa được vì thế ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần tức là sáng sớm ngày Chúa nhật bây giờ bà đã vội vã cùng với mấy phụ nữ nữa ra mồ từ lúc trời còn nhá nhem tối. Các bà rất nhiệt tình, nhưng khi đang đi đường các bà mới nghĩ tới trở ngại đầu tiên: Ai sẽ lật tảng đá ra cho các bà đây vì sức phụ nữ như các bà làm sao vần nổi tảng đá lớn? Nhưng khi tới nơi thì trái với dự kiến, các bà  thấy tảng đá lấp cửa mồ đã được lật qua một bên và mộ không còn xác Chúa nữa! Bà Madalena liền chạy về báo tin cho ông Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến tức là Gioan. Nhóm phụ nữ đi thăm mộ Chúa Giêsu có mấy bà nhưng Tin Mừng Gioan tập trung vào khuôn mặt nổi bật là bà Maria Madalena, vì chính bà Madalena đã nói với ông Phêrô và Gioan: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Như vậy khi thấy mộ trống, bà chưa có ý tưởng gì là Chúa  sống lại mà chỉ đơn giản cho là người ta đã lấy trộm xác Chúa thôi.

Còn ông Phêrô và Gioan thì sao? Nghe bà Madalena báo tin, hai ông cùng chạy ra mộ Chúa. Phêrô không thể chạy nhanh bằng Gioan: đơn giản vì ông lớn tuổi hơn. Nhưng hai ông mỗi người có một cái nhất: Gioan tới mộ trước nhưng chỉ ngó vào chứ chưa có bước vào, còn Phêrô lẽo đẽo chạy tới sau nhưng vừa tới nơi ông bước ngay vào trong mộ rồi Gioan mới theo vào. Họ thấy gì trong mộ? Thấy khăn liệm, khăn che mặt cuộn lại để riêng một bên, thấy giây băng để riêng nghĩa là các ông thấy sự ngăn nắp đâu vào đó, chứ không có sự lộn xộn: điều này nói lên xác Chúa không có bị lấy trộm vì nếu lấy trộm thì những kẻ trộm sẽ ôm đi nguyên con chứ có thời giờ đâu mà xếp đặt ngăn nắp như vậy! Đàng khác chúng ta cũng thấy khác với trường hợp Ladarô mà Chúa Giêsu cho sống lại: Chúa  bảo người ta lật tảng đá ra và khi gọi Ladarô ra khỏi mộ, Chúa phải bảo người ta cởi khăn liệm, khăn che mặt cho anh. Còn đây Chúa Giêsu tự lo tất cả những công chuyện này. Chứng kiến mộ trống, phản ứng của Phêrô và Gioan thế nào? Phêrô chỉ giữ sự im lặng. Còn Gioan chứng kiến mộ trống và nhớ lại lời Kinh thánh, ông đã sớm có lòng tin như lời ông viết: “Ông thấy và ông tin vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng theo Kinh thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”

Ngôi mộ trống các môn đệ khám phá ngày hôm nay chỉ là bước đầu của lòng tin. Để cho tập thể các môn đệ đi tới lòng tin Chúa Giêsu đã sống lại thật thì còn phải có cả một quá trình: đó là những lần hiện ra của Chúa Giêsu. Có những lần Chúa hiện ra cho tập thể các tông đồ, cho các người phụ nữ, cho rất nhiều người như thánh Phaolô nói là cho hơn 500 anh em một lúc (1 Cor 15,6), có những lần hiện ra cho cá nhân như cho ông Phêrô, cho bà Madalena, cho Giacôbê, cho hai môn đệ đi làng Emmaus, chúng ta cũng không quên lần Chúa hiện ra cho ông Saolô tức là thánh Phaolô tông đồ đang trên đường đi Damas bắt bớ những người tin Chúa Giêsu (Cv 9, 1-9)

 Thánh Phêrô trong bài đọc Sách Tông đồ Công vụ hôm nay đã thay mặt anh em đứng lên làm chứng cho Chúa Giêsu Phục sinh bằng những lời xác tín như sau: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại và truyền cho chúng tôi rao giảng và làm chứng cho toàn dân… Tất cả những ai tin vào Người thì nhờ danh Người mà được ơn tha tội”

Chúng ta có lòng tin Chúa Giêsu Phục sinh nhờ các tông đồ truyền lại. Tin Chúa chúng ta sẽ được nhiều ơn phúc: được tha tội, được ơn cứu độ,  được niềm vui và nhất là luôn có niềm hi vọng ngay trong cuộc sống trần thế này.

 Một anh lính Xô viết thấy một bà tín hữu hôn tượng Chúa Giêsu chịu nạn liền nói: “Sao bà không hôn vị lãnh tụ mà lại hôn một người chịu đóng đinh trần trụi như vậy?” Bà trả lời: “tôi không hôn lãnh tụ vì lãnh tụ không có chịu chết cho tôi còn Chúa Giêsu đã chịu chết chuộc tội cho tôi”. Chúng ta tin kính yêu mến Chúa Giêsu vì Chúa đã chịu chết và sống lại để chúng ta được ơn tha tội và sẽ được sống lại cùng Chúa. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập331
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay25,430
  • Tháng hiện tại582,109
  • Tổng lượt truy cập50,994,716

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây