Hai cuộc Thương khó của Chúa Kitô và Phêrô trong Tin mừng Matthêu

Thứ bảy - 01/04/2023 01:26  641
HAI CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA KITÔ VÀ PHÊRÔ TRONG TIN MỪNG MATTHÊU
 
Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật Lễ Lá.
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66.

 

 Chúa Kitô đội mão gai. Tranh của Matthias Stom (k.1633-1639)
 
Chúa nhật Lễ Lá gợi nhớ đến việc Chúa Giêsu được tiếp đón trọng thể khi tiến vào thành thánh Giêrusalem. “Kìa Ðức Vua đến với ngươi; Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5). Thế nhưng, Chúa nhật Lễ Lá cũng là dịp tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa. Trong mối liên hệ với kinh nghiệm của Đức Kitô trên thập giá, thuật ngữ ‘thương khó’ bắt nguồn từ danh từ Latin khoảng thế kỷ II-VII là passio-passionis, nghĩa là “đau khổ” hoặc “điều phải chịu đựng”.

Các bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật Lễ Lá nêu bật một số “cuộc thương khó” khi các cá nhân kinh nghiệm được nỗi thống khổ của Chúa Kitô. Tuần thánh là cơ hội để chúng ta suy ngẫm về kinh nghiệm của bản thân theo trình thuật của thánh Matthêu qua lăng kính hai cuộc thương khó: của Chúa Kitô và của Phêrô.

Khi suy gẫm về việc người được Chúa chọn chịu đau khổ, các tác giả của các bài đọc đã rất khó khăn để tìm thấy ý nghĩa. Văn chương Hy lạp trong khu vực Địa Trung Hải cổ đại không có một nhân vật tương đương với một con người thần thiêng, được xức dầu từ trời, lại phải chịu bản án đóng đinh trên thập giá như một tên tội phạm. Trong tư tưởng Hy lạp, những ai gắn kết với đời sống thần linh được xem là hạnh phúc, khác xa với tình trạng con người mà đau khổ là điều đặc trưng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay trong bối cảnh nguyên thủy của chúng đã giúp những người từ thế giới Hy lạp hiểu được bí nhiệm về cơn thống khổ của Chúa Giêsu.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia làm nổi bật hành vi bạo lực chống lại người vô tội. Bằng cách này cách khác, nỗi đau khổ của người đó lại có thể cứu chuộc, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi… tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50,6). Một cách hiểu đoạn này nhấn mạnh đến sự nhạo báng mà một người có thể phải chịu đựng khi quyết định quay về Giêrusalem sau khi thời lưu đày tại Babylon chấm dứt vào năm 538 TCN. Lời hứa Thiên Chúa đã dành cho dân Do thái đang chờ đợi họ tại đất Palestine, vào thời điểm đoạn văn Isaia được viết ra, có thể có những người Israel chống lại việc rời bỏ quê hương mới tại Babylon. Tuy nhiên, trong truyền thống Kitô giáo, đoạn văn này có chủ đề là “Người Tôi trung đau khổ của Thiên Chúa”. Điểm chính yếu ở đây không phải là sử dụng bạo lực để cứu chuộc. Đúng hơn, lòng quảng đại của Người Tôi trung đau khổ cho phép người đọc cầu nguyện với mầu nhiệm cứu độ phát sinh từ sự vâng phục của người tôi trung.

Hãy xem những gì thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê trong bài đọc II. Dựa trên một bài thánh thi Kitô giáo cổ, Phaolô đã tìm được ý nghĩa trong sự đau khổ của Đức Kitô qua hành động quảng đại của Ngài: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá… Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người” (Pl 2,8-9). Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chắc chắn không hề vô nghĩa khi diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho tha nhân bất kể cái giá phải trả.

Ngược lại, Tin mừng Matthêu mô tả cuộc thương khó của Phêrô như việc bỏ lỡ một cơ hội để bày tỏ lòng quảng đại của người môn đệ, bất kể cũng phải trả giá. Sau khi ăn lễ Vượt Qua và hát thánh vịnh, Chúa Giêsu trực tiếp nói với các môn đệ, cảnh báo niềm tin vào Ngài nơi các ông sẽ bị lung lay (Mt 26,31). Thoạt tiên, Phêrô tuyên bố đức tin của ông sẽ không bao giờ lay chuyển (x. Mt 26,33). Phêrô liền nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Diễn tiến tiếp theo chúng ta đều biết. Phêrô đã chối từ bạn hữu và cũng là Đấng Cứu độ của mình. Chúa Giêsu đã phải chịu khổ nạn một mình. Kinh nghiệm thương khó của Phêrô chính là ý thức về sự ích kỷ của mình.

Khi Giáo hội bước vào Tuần Thánh, các tín hữu cảm nếm và nhớ lại trình thuật thương khó của Chúa Kitô. Trong hành trình mùa Chay, khi ăn chay và cầu nguyện, chúng ta có thể đã bắt gặp những giây phút thể hiện lòng quảng đại khi sẵn sàng đi với Chúa Giêsu cho đến tận cùng và chết với Ngài. Phêrô cũng muốn điều này. Tương tự như Phêrô, kinh nghiệm cho thấy những giới hạn của chúng ta về lòng quảng đại dành cho Đức Kitô và những đau khổ của Ngài. Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa là thời gian để cầu xin Ngài ban ân sủng, giúp chúng ta trở nên quảng đại nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Chính trong danh Ngài mà chúng ta được cứu độ.

CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thể nhớ lại lúc nào mà đau khổ lại có mục đích trong đời sống của chúng ta?
Các bài đọc tuần này mời gọi chúng ta sống quảng đại như thế nào?
Có bao giờ chúng ta nhận thấy cuộc thương khó của Phêrô giống với kinh nghiệm của chính mình không?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (29/3/2023)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay26,484
  • Tháng hiện tại401,963
  • Tổng lượt truy cập53,386,998

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây