Thứ hai Tuần V Mùa Chay
Chương 8 Tin Mừng của Thánh Gioan gồm tóm một loạt những xung đột khởi đầu từ việc tự mạc khải mình của Đức Giêsu. ‘Ta là ánh sáng thế gian’ là lời tự mạc khải được thực hiện trong suốt thời gian lễ Lều, người ta thắp sáng đèn trong những khu vực Đền thờ.
Chống đối mà các người Biệt phái chống Đức Giêsu là điều Người tự làm chứng chính mình. Trong lời đáp trả gồm tóm quan niệm đời sống trần thế của Đức Giêsu trong bốn quyển tin mừng: Đức Giêsu từ Chúa Cha mà đến và sẽ trở về với Chúa Cha.
Lời chứng của Người, cho dẫu đơn độc, nhưng đích thực vì thực ra có hai người chứng: Người và Chúa Cha (Đnl 17,6; 19,15).
Người Biệt phái không biết Người từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nên họ không biết Chúa Cha và Đức Giêsu.
+++
Luôn mở cửa cho tương lai
Đức Giêsu Kitô giảng dạy trên núi Cây Dầu và sau đó, trong Đền Thờ. Ngài quy tụ quanh Ngài nhiều hạng người khác nhau, có kẻ vui lòng chăm chú nghe Ngài, có kẻ rình rập xem thử Ngài có vi phạm luật và chống đối chính quyền hay không. Cả hai hạng người đó đều được một bài học. Các luật sĩ giăng bẫy cho Đức Giêsu bằng cách dẫn đến Ngài một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, nhưng Đức Giêsu tái khẳng định giá trị và tính không thay đổi của lề luật và những đòi hỏi của Thiên Chúa, chứng tỏ cho thấy phải có thái độ nào đối với tội nhân, là người cần phải được tôn trọng nhân phẩm: ‘Ta cũng vậy, Ta không kết án chị. Hãy đi và đừng phạm tội nữa’.
Sự dữ vẫn là sự dữ, tội vẫn là tội, nhưng con người luôn được kêu mời để sống thánh. Luôn hoạt động nơi con người bước chuyển đổi từ con người cũ, tội lỗi, sang con người mới, tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Không ai trong thế gian mà không mắc tội. Chúng ta cần liên đới giúp nhau trên đường quay về với Thiên Chúa. Ai trong chúng ta vô tội, hãy ném đá trước đi. Nhiều viên đá đã được ném đi từ đa số những con người không phải là không có tội. Cũng có biết bao nhiêu người, gặp được lòng thương xót của Đức Kitô, lại ra đi mà không phạm tội nữa? Hãy học lắng nghe Đức Kitô, Đấng luôn mở cánh cửa cho tương lai. Giáo huấn cần phải theo chính là tình yêu!
Thứ ba Tuần V Mùa Chay
Tin vào Danh Chúa
Đức Giêsu tuyên bố một phán quyết hết sức lạ lùng, ngược lại toàn bộ tin mừng, nếu ta tách nó ra khỏi ngữ cảnh: ‘Nơi ta đi các ngươi không thể đến được’. Nói cách khác, chúng ta không thể theo Đức Kitô nếu chúng ta còn ở trong tội lỗi, nghĩa là nếu chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến, Đức Giêsu Kitô. Theo thánh Gioan, việc chối bỏ Đức Kitô là tội lớn nhất. Cũng như Môsê trước mặt dân của ông thế nào thì Đức Kitô cũng phán dạy nhân danh Thiên Chúa như vậy. Khi Môsê chăn dắt dân Israel, ông đã được nghe những lời này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em…Đức Chúa Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em’ (Xh 3,14-15). Danh Thiên Chúa đã đủ cho người do thái rồi vì họ tin vào Môsê, nên chạy thoát khỏi ách nô lệ về Đất Hứa. Danh này chứa đựng quyền năng và và là năng lực cho công cuộc Xuất Hành. Nhờ danh này, mà lễ Vượt Qua được thực hiện, không thiếu manna cũng không thiếu nước uống. Cũng đã xảy ra những rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người và con rắn đồng đã được giương lên cao để cứu khỏi chết.
Nêu bật danh của Ngài, Đức Giêsu nhắc nhớ lại cả đoạn đường trải qua từ nô lệ đến tự do, vì mỗi người chúng ta cần phải trải nghiệm con đường từ sự chết đến sự sống. Để cảm nghiệm nơi chính mình lễ Vượt Qua này, cần tin vào Đức Giêsu, tin Đức Giêsu. Tin rằng Ngài là Đấng thiên sai, Đấng Messia, và tin vào lời của Ngài. Như thế ta học biết theo Ngài trong mầu nhiệm vượt qua, trong cuộc khổ nạn, trong cái chết trên thập giá và trong việc phục sinh.
Thứ tư Tuần V Mùa Chay
Con cháu Abraham
Tự do hay nô lệ tội lỗi, đó là tình trạng khó xử mà mỗi người phải đối diện. Tự do nghĩa là thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa, làm theo ý Ngài, bởi vì Ngài muốn cứu rỗi chúng ta. Tự do bằng cách thi hành điều thiện là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại, nô lệ nghĩa là đi theo con đường ý riêng, làm chủ chính mình. Hãy biết kiên trì học tập giáo huấn của Đức Kitô. Kiên trì nghĩa là bền chí luôn luôn. Kiên trì nghĩa là vững tin dù đi ngược lại kiểu lý luận người đời và những gì người đời tin tưởng. Có nghĩa là can đảm tín thác vào Đức Giêsu, luôn lưu lại trong nhà Chúa Cha. Abraham đã chứng tỏ niềm tín thác của ông vào Thiên Chúa. Quê hương mà suốt cả cuộc đời ông đã không ngừng lên đường tiến về, chính là Thiên Chúa. Giả như chúng ta thật là con cháu của Abraham, cuộc sống chúng ta lẽ ra đã đi theo một hướng khác rồi. Con Thiên Chúa đã đến thế gian để tìm cứu những gì hư mất. Nếu Con Thiên Chúa giải thoát các bạn, các bạn sẽ thật sự tự do.
Mùa Chay mang ý nghĩa này: với việc nghe lời Chúa và những việc làm phát xuất từ lòng tin sâu xa chúng ta muốn Đức Giêsu Kitô giải thoát chúng ta. Là miêu duệ của Abraham không theo nghĩa xác thịt, nhưng theo nghĩa tinh thần: tiếp tục tinh thần của vị tổ phụ, nghĩa là mỗi ngày tín thác mạnh mẽ hơn.
Trong đức tin, Abraham đã vâng theo tiếng Chúa gọi và đã đến cư ngụ trong đất ông sở hữu. Trước khi đến đất hứa, ông đã trải qua nhiều cuộc hành trình, mong chờ xây dựng trên nền móng vững chắc, một thành phố mà kiến trúc sư và người thi công chính là Thiên Chúa. Còn chúng ta, có thể tiến đi cho đến thành trì mà Thiên Chúa xây dựng sẳn?
Thứ năm Tuần V Mùa Chay
Tuân giữ lời Chúa
Để không phải chết chỉ cần tuân giữ giáo huấn của đức Giêsu, cách toàn vẹn. Nhiều lúc để giữ thể diện trước mặt công chúng, chúng ta nói mình giữ giáo huấn của Chúa, nhưng thực ra chỉ một phần thôi! Làm như thế là chúng ta không nhìn nhận Thiên Chúa, vì chúng ta coi thường những đòi buộc của Ngài. Tân Ước là sự hoàn tất giáo huấn Cựu Ước. Chúng ta không thể hiểu thấu hết Cựu Ước nếu chúng ta không đọc chung với Tân Ước như một toàn thể. Nhưng Tân Ước sẽ không dễ hiểu với tất cả những hàm ẩn ngụ ý của nó nếu ta đọc cách riêng lẽ. Đức Giêsu hôm nay nhắc ta nhớ tính duy nhất của hai giao ước. Những kẻ đối thoại với Đức Giêsu không muốn chấp nhận điều này. Abraham ngược lại đã chấp nhận một cái nhìn toàn diện, vì, nhờ vào lòng tin, ông đã hướng đến tương lai, về Đấng Messia. Đức Giêsu là Đấng Messia được hứa ban, được mong đợi, là Đấng sẽ cứu Israel, nhưng người do thái không tin. Họ cứng đầu khi chỉ nhìn vào cuộc sống dương thế, trong vòng lẩn quẩn sinh ra-chết đi, trong khi cuộc sống mà Đức Giêsu nói đến, khởi đầu từ việc sinh ra trong nước và thần khí, là cuộc sống vĩnh cữu. Để đạt được cuộc sống vĩnh cữu, cần tuân giữ toàn vẹn giáo huấn của Đức Giêsu.
Thứ sáu Tuần V Mùa Chay
Liên kết với Đức Kitô
Một lần nữa Đức Giêsu sắp bị ném đá, và những lời Ngài trao đổi với những kẻ bách hại nêu rõ lý do thực của cuộc tử nạn gần kề. Đức Giêsu không bị kết án tử, như Gioan Tẩy Giả, vì đã rao giảng sự công bình và cũng chẳng phải vì những phép lạ làm các nhà cầm quyền lo lắng, nhưng đúng hơn là vì Ngài tự xưng mình là Con Thiên Chúa, và theo luật Môsê, một lời quả quyết như thế đáng tử hình. Suốt cuộc đời Ngài đã muốn nếm cái đau khổ bị chối bỏ vì là Con của Chúa Cha, trong khi khát vọng duy nhất của Ngài là trao ban Cha của Ngài cho chúng ta.
Một ít người đã nhận biết điều đó và đã đến với Ngài. Đó là những kẻ, qua lời êm dịu mà sắc bén như gươm của Ngài, qua những việc làm nhân từ của Ngài, các phép lạ, những việc cho kẻ chết sống lại, tỏ rõ vinh quang Thiên Chúa, hoặc qua chứng từ của vị tiền hô, đã nhận ra Thánh Thần của Chúa, Đấng chạm đến nơi sâu thẳm lòng họ và họ có đủ lòng khiêm tốn và khó nghèo để mở lòng ra tôn thờ Ngài. Như thế họ là những người được vững mạnh trong đức tin và nhìn nhận Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài.
Thứ bảy Tuần V Mùa Chay
Chúng ta phải làm gì đây?
Các thượng tế và biệt phái ra lệnh bắt Đức Giêsu. Họ ganh ghét vì tất cả những gì xảy ra sau khi Đức Giêsu cho ông Lagiarô sống lại. Rất nhiều người đã tin theo Đức Giêsu.
Vị Thượng Tế nói ‘tiên tri’ rằng thà một người chết cho toàn dân được nhờ. Thực ra chưa đến lúc quân Lamã lo lắng về người do thái, như được minh chứng trong cuộc xét xử Đức Giêsu: Quan tổng trấn miền Giuđêa không quan tâm nhiều đến sự việc Đức Giêsu tự xưng là Vua dân Do Thái. Ông đã truyền lệnh cho đóng tấm bảng trên đầu thập giá ghi rằng: ‘Vua dân Do thái’.
30 năm sau, lời tiên tri của Caipha có ý nghĩa thực sự, khi mà quân Lamã đến phân tán toàn dân đi khắp nơi và phá hủy đền thờ.
Nhưng Đức Giêsu không phải là một mối nguy! Ngài chết cho dân của Ngài, để quy tụ trong một thân thể những con cái Thiên Chúa tản mác. Trước khi chết, Ngài đã xin Cha cho tất cả được nên một như Ngài ở trong Cha.
Nhiều người tìm kiếm Đức Giêsu trong dịp lễ Vượt Qua. Họ hỏi nhau: ‘Ngài có đến dự Lễ không?’ Chắc chắn Đức Giêsu đến tham dự Lễ Vượt Qua, bởi lẽ, không có ngài, lễ Vượt Qua không mang ý nghĩa sâu xa.
Cũng thế, trong cuộc đời chúng ta, một lễ Vượt Qua vắng bóng Đức Giêsu Kitô, không có ý nghĩa gì cả. Hôm nay chúng ta cần phải đặt ra cho mình những câu hỏi của các thượng tế và biệt phái xưa: ‘Chúng ta phải làm gì đây? Người này đã làm quá nhiều dấu lạ?’
Còn chúng ta, chúng ta muốn Đức Kitô làm gì cho cuộc đời mình?
Trong những ngày cuối cùng trước tuần khổ nạn, Giáo Hội thúc đẩy chúng ta, bằng một niềm tin yêu thương tròn đầy, liên kết với Đấng mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến gian trần.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê