SỐNG NHƯ LAZARÔ
Chúa nhật V Mùa Chay năm A.
Ed 37,12–14; Rm 8,8–11; Ga 11,1–45.
Trong mỗi thánh lễ, việc chuẩn bị bàn thờ là lúc chuyển tiếp nối kết phần Phụng vụ Lời Chúa với phần Phụng vụ Thánh Thể. Lúc này, linh mục rót rượu và một chút nước vào chén thánh và thầm dâng lời nguyện: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”.
Khi Ladarô được sống lại, cả khung cảnh và dấu chỉ trong Tin mừng Gioan đều đánh dấu điểm chuyển tiếp bắt đầu trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong bài Tin mừng Chúa nhật V Mùa Chay này, việc Chúa Giêsu quyết định trở lại làng Bêtania và cho Lazarô sống lại, có những hệ quả quan trọng đối với sứ vụ của Ngài. Mặc dù Chúa Kitô chia sẻ thiên tính với Lazarô khi cho ông sống lại, phân cảnh này cũng cho thấy sự căng thẳng của tính yếu đuối con người cũng như tiên báo khổ hình đóng đinh của Chúa. Giống như lời nguyện của linh mục lúc rót rượu và nước vào chén thánh, Chúa Giêsu cũng chia sẻ thân phận làm người với chúng ta.
Thần học đằng sau dấu lạ uy quyền trong đoạn Tin mừng hôm nay phải được nhấn mạnh. Thánh Gioan dùng một câu chuyện chữa lành và tạo nên một trình thuật, không nhằm nêu bật sự hồi sinh của Lazarô, nhưng nhằm đề cao là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tôma đã hiểu sai lý do Chúa đến Bêtania là để “đánh thức Lazarô đang ngủ”, nên nói với các bạn môn đệ là “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người” (Ga 11,16). Ông khiến bầu khí thêm căng thẳng khi nói rằng người Do Thái tại Giêrusalem sẽ lại tìm ném đá Chúa Giêsu (x. Ga 10,31). Trong khi Tôma quyết cùng sống chết với sứ vụ của Chúa thì Chúa lại quyết tâm giúp các môn đệ tin vào kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa (x. Ga 11,15).
Bài Tin mừng tuần trước về việc chữa lành người mù bẩm sinh nhắc nhớ rằng dấu lạ được thực thi là để “để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi anh” (Ga 9,3). Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này, Chúa Giêsu giải thích cho Martha, chị của Lazarô: “Ta đã chẳng bảo con rằng, nếu con tin thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11,40). Câu hỏi làm nổi bật sự nghịch lý quan trọng của Tin mừng Gioan. Con Người chỉ bày tỏ “vinh quang của Thiên Chúa” khi bị “giương cao” trên thập giá. Nghịch lý này nên rõ ràng khi Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại. Việc tỏ bày ấn tượng về quyền năng thần linh của Chúa Giêsu trực tiếp dẫn đến việc chuẩn bị lễ Vượt Qua sắp tới, biến cố làm nền cho hy tế thập giá của Chúa Giêsu.
Càng đọc trình thuật Lazarô được hồi sinh sau khi chết, người ta mới nhận thức sâu sắc hơn về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật này trình bày một mầu nhiệm kép. Nó mời gọi người ta sống như người môn đệ, giống như Lazarô với sự chia sẻ ơn ích của thiên tính Chúa Kitô. Nhưng nó cũng hướng đến mầu nhiệm lớn lao hơn về nhân tính và cái chết của Chúa Kitô, là cuộc khải hoàn cứu độ mà Giáo hội sẽ cử hành trong những tuần tới.
CẦU NGUYỆN
Các dấu lạ trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này nói với chúng ta điều gì?
Cho đến nay, chúng ta đã trải nghiệm sự chết và sống lại thiêng liêng trong Mùa Chay như thế nào?
Đâu là những hệ quả cuộc sống mà Chúa Giêsu chia sẻ trong thân phận làm người của chúng ta?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (22/3/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn