Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục sinh - Lm GB Phạm Hồng Thái

Thứ ba - 18/04/2023 22:55  698

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A

          Trong Giáo hội hiện nay, chúng ta thường hay nói đến hai chữ hiệp hành hay là đồng hành, nhưng thiết tưởng không có tấm gương hiệp hành nào tốt đẹp bằng gương Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Hai môn đệ bỏ Giêrusalem về Emmaus với tâm trạng buồn chán và thất vọng. Trong bài thánh ca “Trên đường Emmaus”, tác giả linh mục Thành Tâm có ca từ: “Mộng vàng tan mây”, hai người môn đệ kì vọng Đức Giêsu sẽ lập nên kì tích chính trị, nhưng bây giờ thì hết rồi: Chúa đã chịu chết đau thương và đã bước sang ngày thứ ba rồi, tuy họ có nghe một vài tín hiệu tốt do các người phụ nữ, nhưng họ vẫn cho rằng chẳng đi đến đâu, nên họ cứ lầm lũi bước đi trong u buồn.

          Chính lúc đó Chúa Giêsu phục sinh với hình dạng một khách bộ hành tiến đến cùng đi với họ. Chúa hỏi họ: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” để rồi Chúa đưa đẩy câu chuyện để có dịp giải thích Kinh thánh cho hai ông và Chúa đi tới kết luận là: “Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Trên đường đi Chúa Giêsu đã dùng Kinh thánh để giải thích cho hai ông. Do đó chúng ta thấy vai trò quan trọng của Kinh thánh giúp chúng ta hiểu biết đúng về Chúa, nên thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”. Giải thích Kinh thánh, Chúa không dừng lại ở tri thức như một môn học mà Chúa còn soi sáng tâm hồn, nên hai ông đã nói lên cảm tưởng: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh thánh cho chúng ta đó ư?”

          Khi tới làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Chúa Giêsu không ép hai môn đệ phải mời Chúa nhưng Chúa sẵn sàng đáp lại tâm tình hai ông muốn mời Chúa ghé lại nhà mình. Chính với lòng hiếu khách đó và qua việc Chúa vào bàn ăn với hai môn đệ: lúc này tuy Chúa là khách nhưng lại hành động như chủ nhà: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Cử chỉ này giống như Chúa làm trong bữa Tiệc ly và khi Hóa bánh ra nhiều khiến mắt hai ông sáng ra và nhận ra Chúa Giêsu. Trước đây  mắt hai ông bị che phủ không nhận ra Chúa nhưng lúc này thì trái ngược lại: mắt họ lại sáng ra và nhận ra Chúa.

Nhận ra Chúa Giêsu rồi, mặc dù trời đã về chiều, hai ông vội vã hăng hái về lại Giêrusalem quãng đường dài 11, 5 km để chia sẻ việc được đồng hành với Chúa và đã nhận ra Chúa khi bẻ bánh. Nhưng lúc này Chúa đã hiện ra với ông Phêrô rồi, nên chuyện ông Phêrô được gặp và tin Chúa phục sinh còn quan trọng hơn chuyện hai môn đệ nhận ra Chúa, nên các bạn nói trước hai ông: “Thật Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Simon”.

          Việc Chúa đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus khiến chúng ta liên tưởng tới Thánh lễ: trên đường đi, Chúa Giêsu giải thích Kinh thánh tương đương với phần Phụng vụ Lời Chúa và khi vào nhà, Chúa Giêsu bẻ bánh trao cho hai ông tương đương với phần Phụng vụ Thánh Thể. Cũng như hai môn đệ cảm thấy lòng mình được cháy bừng lên khi nghe Chúa giải thích Kinh thánh, tâm hồn chúng ta cũng sẽ được sốt sắng lên khi ta lắng nghe và đón nhận Lời Chúa trong Thánh lễ, để rồi sẽ nhận ra Chúa như hai môn đệ khi chúng ta rước Mình thánh Chúa trong Phụng vụ Thánh Thể. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực thiêng liêng bồi dưỡng linh hồn chúng ta, giúp chúng ta đủ sức đi trên con đường lữ hành về Nhà Cha trên trời.

Câu chuyện : Đức Giám mục Phaolô Cao đình Thuyên có kể câu chuyện sau đây: hiệp định Giơ-ne 1954 chia cắt hai miền Nam Bắc. Giáo phận Huế có 3 giáo xứ ở Bắc vĩ tuyến 17, nên các linh mục giáo phận Huế không tới dâng lễ hay ban các bí tích ở ba giáo xứ này được. Ba giáo xứ này cũng không có đông giáo dân chỉ từ 100 tới 400 giáo dân thôi. Còn các linh mục thuộc giáo phận Vinh cũng không được phép tới ba giáo xứ này vì Chính quyền nói 3 giáo xứ này là của giáo phận Huế. Vậy họ giữ đạo cách nào? Ngày Chúa nhật giáo dân vẫn tới nhà thờ đọc kinh, và trước đó họ cử người tới các nhà thờ có Linh mục để xin Mình thánh Chúa đưa về cho bà con rước lễ. Trong tháng hè, họ gởi con em tới học Giáo lí Rước lễ lần đầu hoặc giáo lý Thêm sức ở các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh. Tình trạng kéo dài từ năm 1954 mãi tới khi thống nhất đất nước 1976, giáo phận Huế mới có dịp bàn giao 3 giáo xứ này cho giáo phận Vinh và từ đó các linh mục mới được phép tới 3 giáo xứ này thi hành mục vụ.

Chúng ta mến yêu Lời Chúa và Thánh Thể để  ta được vững vàng trong lòng tin kính Chúa Phục sinh hầu được sống và sống đời đời nhờ ơn Chúa. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay62,162
  • Tháng hiện tại555,869
  • Tổng lượt truy cập54,456,278

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây