Sự phức tạp trong dụ ngôn "Người mục tử nhân lành"

Thứ bảy - 29/04/2023 01:25  657

SỰ PHỨC TẠP TRONG DỤ NGÔN “NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH”

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật IV Phục Sinh năm A.

Cv 2,14a.36–41; 1Pr 2,20b–25; Ga 10,1–10.

 

Trong Kinh thánh, sự tan rã của cộng đoàn thường bị qui lỗi là do đàn chiên hơn là do mục tử, như bài đọc II cho thấy: “Xưa kia, anh em như những chiên lạc” (1 Pr 2,25). Chẳng hạn, dân Thiên Chúa thường được mô tả là chậm hiểu với những biểu hiện của tâm lý đám đông. Nhớ lại các giai đoạn nơi sa mạc trong sách Xuất hành, dân Israel lúc ấy liên tục phàn nàn chống lại mục tử của họ là Môsê; hoặc đám đông dân chúng trong các sách Tin mừng phấn khích vì cái chết của Chúa Giêsu.

Trong Tin mừng Chúa nhật IV Phục sinh, chúng ta thấy điều ngược lại, người mục tử mới là tâm điểm của sự chú ý. Tuy nhiên, đọc chính bản văn này có thể gây nhầm lẫn. Đoạn văn này là kết quả của nhiều giai đoạn biên soạn theo thời gian, khi Tin mừng thứ tư có hình thức cuối cùng như hiện nay. Mỗi giai đoạn phản ánh những mối bận tâm mục vụ mới nơi Giáo hội đang phát triển. Do đó, ẩn dụ “người mục tử” khá phức tạp khi nó bao gồm các khái niệm như “cửa”, “người giữ cửa”, và “đàn chiên”, cũng như nhằm trả lời cho các nhu cầu thực tế và những chia rẽ tiềm tàng trong Giáo hội sơ khai.

Đoạn văn hôm nay của thánh Gioan là phân đoạn duy nhất giống với thể văn dụ ngôn trong Tin mừng này. Thể văn dụ ngôn khá phổ biến trong Tin mừng Nhất lãm, nhưng ít được dùng trong Tin mừng Gioan. Không rõ ẩn dụ chính yếu của câu chuyện là “cửa” chuồng chiên hay là “người mục tử” của đàn chiên: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên” (Ga 10,1-2). Trong thực tế, hình ảnh chính cũng có thể là người giữ cửa, một ẩn dụ tự thân nó đã khác với cửa và người mục tử. “Kẻ chăn chiên sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy” (Ga 10,3). Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái là những người có trách nhiệm dẫn dắt dân chúng, nhưng họ vẫn không hiểu những gì Ngài đang nói.

Để làm sáng tỏ những nhầm lẫn, Chúa Giêsu nói thẳng: “Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10,7.9). Nếu đọc tiếp đoạn Tin mừng này: “Ta chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), chúng ta nhận thấy sự thay đổi hình ảnh từ “cửa”, hoặc “người giữ cửa” sang “mục tử nhân lành” làm nổi bật sự uyển chuyển thần học trong Tin mừng Gioan về Đức Kitô. Chúa Giêsu giữ cả ba vai trò: cửa, người giữ cửa và mục tử của đàn chiên. Việc định hình và tái định hình các ẩn dụ này thật hữu ích cho một cộng đoàn đang cố gắng bám chặt vào mầu nhiệm phức tạp của Chúa Kitô, nhất là khi cộng đoàn phải đối mặt với chia rẽ thật sự (x. Ga 10,19).

Sự thân mật, gần gũi và yêu mến làm nên  tính cách  của người mục tử đích thật. Ông phải biết tên từng con chiên trong đàn, gọi tên chiên và chiên nhận ra tiếng mục tử. Mục tử đi trước để dẫn chiên đến một nơi mang lại sự sống. Khi gặp hiểm nguy, bài Thánh vịnh đáp ca hôm nay cho thấy sự an tâm khi có sự dẫn dắt của người mục tử đích thật. “Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con” (Tv 23,4).

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cố gắng thuyết phục cho những người Biệt phái thấy rằng cách lãnh đạo của họ không mang lại hiệu quả. Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, họ  như những mục tử đã không đi qua cửa chuồng chiên; chiên sẽ không nhận ra tiếng của họ. Ngày nay cũng vậy, mỗi người trong Giáo hội có trách nhiệm lãnh đạo đích thực theo vai trò riêng của mỗi người. Đoạn văn cho thấy các biểu tượng của việc lãnh đạo đích thực: biết tên từng con chiên trong đàn và hy sinh cuộc sống cá nhân  cho họ và họ sẽ theo bạn. Nếu gặp thất bại, có lẽ người mục tử đã trở nên người xa lạ, “Họ sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì họ không quen tiếng người lạ” (Ga 10,5). Thay vào đó, hãy phân định vị trí “cửa thật” của chuồng chiên và gọi chiên bằng tiếng của người Mục tử nhân lành.

CẦU NGUYỆN

Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ vị mục tử của mình thi hành nhiệm vụ?

Làm thế nào để vị mục tử ấy có thể giúp chúng ta được hướng dẫn tốt hơn?

Chúng ta có thể tìm thấy nơi nào trong cộng đoàn mà mình đóng vai trò như một mục tử?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (26/4/2023)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay23,257
  • Tháng hiện tại304,202
  • Tổng lượt truy cập53,289,237

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây