Suy niệm Chúa Nhật 25 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ hai - 16/09/2024 20:31
208
LÃNH ĐẠO LÀ NGƯỜI TÔI TỚ ĐÍCH THẬT
Sống trong một xã hội, chúng ta không thể tránh khỏi những ảnh hưởng, chi phối tốt đẹp cũng như xấu xa của nó. Đã là con người, ai cũng muốn khẳng định giá trị của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta thường rời xa giá trị thật sự của mình. Vì giá trị con người không bao giờ hệ tại bởi những gì chúng ta sở hữu hay nắm giữ, cho bằng chính sự hiện hữu của bản thân.
Do đó, cách nhìn về vai trò lãnh đạo hay làm lớn của chúng ta dường như bị lệch lạc. Là người lãnh đạo, người dẫn đầu, người làm lớn mà chỉ dựa trên quyền hành, quyền bính, cậy có quyền, có tiền…điều khiển, sai khiến, ‘làm chủ’ người khác. Ngoài thế giới rộng lớn kia, và trong xã hội đa dạng này, lối nhìn, cũng như thực trạng trên đã-đang diễn ra cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của Đức Giê-su, vai trò lãnh đạo và người muốn làm lớn lại khác hẳn, lắm khi trái ngược, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Lời dạy của Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, đang muốn làm đầu; nhất là đòi hỏi chúng ta - môn đệ của Ngài.
Nhớ lại thời gian đào tạo trong chủng viện Chúa Chiên Lành, tôi được tiếp xúc và sinh hoạt chung với Đức Hồng y Lu-is An-tô-ni-ô G. Tag-lê 5-6 năm (khi ấy ngài là Giám mục và Giám đốc chủng viện). Tuy bận rộn với sứ vụ Giám mục, giảng dạy tại các học viện-chủng viện, tham dự nhiều hội nghị, cuộc họp trong và ngoài nước, nhưng Ngài luôn luôn trở về chủng viện cho dù tối khuya. Có một lần, tôi còn nhớ rõ như hôm qua. Khi cả chủng viện vừa mới ăn tối xong, thì ngài liền về tới. Lúc ấy, tổ chúng tôi đang hì hục từng công đoạn rửa bát (tráng dĩa, bát, xoong nồi, muỗng nĩa bằng nước nóng - rửa bằng bột rửa chén - rửa với nước lạnh - rửa với nước nóng - lau khô trước khi xếp vào tủ), thì ngài len vào muốn phụ chúng tôi. Dĩ nhiên, ai trong chúng tôi đều không đồng ý và nói: “Đức Cha nhiều việc rồi, với lại mới về, nên xin Đức Cha lên phòng nghỉ ngơi…” Mặc dù nghe vậy, nhưng ngài vẫn nán lại rửa bát, thử chờ đến giây phút mà chúng tôi có thể đổi ý. Tuy nhiên, ai ai cũng năn nỉ ngài về phòng nghỉ ngơi vì cũng khuya rồi, nên ngài đành rửa tay và đi ra ngoài nhà bếp. Tưởng chừng, ngài lên phòng; nhưng ngài vẫn muốn nán lại chỗ lau bát chén và cùng trò chuyện nói cười vui vẻ với tổ lau-cất. Một hình ảnh và nhân chứng sống cụ thể khó tìm thấy nơi môi trường đào tạo; nhưng thiết nghĩ là mẫu gương thiết thực trong vai trò lãnh đạo với tinh thần mà Đức Giê-su răn dạy các Tông đồ và chúng ta là những người đã-đang-sẽ bước theo Chúa.
Theo nhãn quan của Thầy Giê-su, trước hết, lãnh đạo là phục vụ khiêm hạ. Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố trên đường đi tới Ca-pha-na-um, các môn đệ tranh luận “ai là người lớn nhất?” (x. Mc 9, 34), cho dù sau khi được nghe Đức Giê-su tiên báo về thân phận của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Các ông chẳng hiểu và cũng không nghĩ Đức Giê-su sẽ phải chịu như vậy, cho nên vẫn cứ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất! Mặc khác, trên bước đường bôn ba theo Thầy Giê-su đây đó, chắc hẳn họ cũng được nghe nhiều điều mà Ngài giảng dạy liên quan đến vai trò lãnh đạo này: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23, 11; Lc 22, 26). Hơn hết, các ông tận mắt chứng kiến Thầy mình trong Bữa tiệc ly trước khi tử nạn, đã cúi xuống rửa chân cho các ông, rồi lau khô. Gương phục vụ khiêm hạ ấy lên tới đỉnh điểm trên cây thập giá nơi Ngài chịu đóng đinh. Đây chẳng phải là câu chuyện hư cấu hòng thu hút sự chú ý độc giả như tin giật gân chạy những tít lớn trên báo chí giấy cũng như báo mạng hoặc những phương tiện truyền thông! Đây không phải là truyền thuyết, hay chuyện tranh Nhật Bản (manga), hoặc chuyện cổ tích Giáo hội dựng nên! Mà chính là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xàm phàm, ở giữa chúng ta, sống tận cùng với lời Ngài giảng dạy. Có lẽ chính vì thế, trải qua bao đời triều đại Giáo hoàng, đặc biệt Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II lúc còn sống, ngài đã dùng tước hiệu “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa” (Servus Servorum Dei), hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô chí thánh một cách trọn vẹn nhất có thể. Còn chúng ta, những người đang bước theo Chúa, hay muốn trở thành môn đệ đích thật của Thầy Giê-su thì con đường phục vụ khiêm hạ là nẻo chính hằng mong.
Thứ đến, lãnh đạo là phục vụ yêu thương. Nhờ nhân đức khiêm nhường, chúng ta mới có thể yêu thương hết tình. Quả thật, khi kiêu căng, ngạo mạn phình to trong cái bản ngã to tướng của mình, thì chúng ta không thể nào phục vụ với vai trò lãnh đạo được. Vả lại, khi không có lòng mến, thì như Thánh Gia-cô-bê chỉ ra “ở đó hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”; dĩ nhiên sinh ra thói ganh tị, cãi vã, tranh chấp (x. Gc 3, 16). Như thế, chẳng thể nào ‘cúi xuống rửa chân” phục vụ như Đức Giê-su mời gọi cũng như đòi hỏi được. Tình mến khiến chúng ta cảm thông, đặt mình vào vị trí người khác, tha thứ và bao dung đúng mực; nhờ đó, chúng ta mới dám hy sinh, bước ra khỏi ‘chốn loang phòng chăn ấm nệm êm’ của bản thân mà đến với tha nhân, chẳng phải đòi người khác phục vụ, cung phụng, mà chỉ mong chia san, phục vụ anh chị em như Thầy Giê-su “…và Ngài yêu thương họ đến cùng”(Ga 13, 1), “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (x. Pl 2, 8).
Sau cùng, vai trò lãnh đạo không những phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương hết tình, mà còn biết đón nhận mọi người, đặc biệt ‘những ai bé mọn’ như Đức Giê-su “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy…” (x. Mc 9, 36-37). Nhưng sao lại là ‘một trẻ thơ’? Như chúng ta biết, đàn bà và con trẻ không được tôn trọng, thường bị gạt bỏ trong xã hội Do Thái thời đó. Vì thế, Đức Giê-su đưa một đứa trẻ ra, hầu dạy các môn đệ và chúng ta biết đón nhận những người bị bỏ rơi, những ai là nạn nhân của sự ganh ghét, nội chiến sắc tộc, những người ‘thấp cổ bé miệng”, không có tiếng nói, v.v…như thể Ngài ‘lội ngược dòng’ với ‘văn hoá bỏ rơi, xã hội lãng quên’ đang chảy xiết trong cơn xoáy của chính nó. Đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không chỉ ở lời nói thôi, mà còn hành động ‘ôm lấy họ, ôm trọn con người hiện hữu của họ’, chẳng một lời than van, trách móc hoặc đổ lỗi hay ‘mãi tìm nguyên nhân, đánh mất, lãng quên và rồi đưa họ vào một thời dĩ vãng’. Nói đến đây, chúng ta không thể không nhớ đến mẫu gương tận tâm của Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta. Khi còn sống, Mẹ đã từng gặp gỡ trực tiếp, ôm trọn hết tất cả những nỗi đau khổ, khốn khó của kiếp phàm trần nơi anh chị em cô thế cô thân, đang hấp hối. Mẹ đã đón nhận và chứng kiến từng người ra đi với phẩm giá cao quý của họ, cho dù phẩm giá của họ bị chà đạp, bị cướp mất lúc họ còn sống đi nữa. Về phương diện này, không thiếu tấm gương soi chiếu, nhưng điều chúng ta cần ngay bây giờ là đứng dậy, tiến bước và thực hiện.
Lạy Chúa, giữa dòng xoáy đời trôi
Bao thăng trầm giăng lối Ngài ơi!
Nguyện lòng con luôn mãi rạng ngời
Khiêm nhu phục vụ người anh em
Hằng đón nhận êm đềm, vui sướng
Hay khổ đau tan thương mỗi ngày
Ôm trọn người anh em quý thay. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng