Suy niệm Chúa Nhật 18 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ tư - 31/07/2024 04:51
415
NỖI KHAO KHÁT THẲM SÂU
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Vốn là những thụ tạo, chúng ta có vô vàn cơn đói khát ngoài cơm bánh. Dĩ nhiên, không phải mọi khao khát cần được thoả mãn, vì chưng dục vọng được đáp ứng thì cơn đói cũng như sự đòi hỏi càng phình to. Thế nên, chúng ta giữ lại những khao khát cần được dưỡng nuôi, cần được ‘tưới gội’ hầu xứng đáng trở nên con người đúng nghĩa và là con cái Thiên Chúa đích thực.
Thật vậy, chẳng ai muốn mình không là gì cả, mà chúng ta khao khát được cảm thấy mình quan trọng, dù chỉ quan trọng đối với một người. Chúng ta khao khát được chấp nhận, khao khát những mối tương quan gắn kết, vì ‘không ai là một hòn đảo, và là cây cỏ trơ trọi trên đỉnh đồi giữa cơn gió rét hay nắng chói chang’. Chúng ta khát khao niềm tin, chúng ta khao khát hy vọng, và chúng ta khao khát tình yêu. Nếu nỗi niềm này được no thoả thì hầu hết mọi cơn đói khát sẽ biến tan. Tuy nhiên, trong trăm ngàn cơn đói, một nỗi khát khao sâu thẳm và là nền tảng cho mọi khát vọng con người, đó là ước muốn sự sống đời đời. Nói cách khác, đó là khao khát Thiên Chúa, khao khát được nên một với Thiên Chúa, như Thánh Âu-gus-ti-nô diễn tả trong tác phẩm Confessio (Tự thuật): ‘Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con cứ hoài khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa mà thôi!’ (Quia fecisti nos ad te, Domine, et inquietum est cor nostrum donec requiescat in te [For Thou hast made us for Thyself and our hearts are restless until they rest in Thee])
Cảm nghiệm khao khát này chẳng phải mang tới bất hạnh, mà nói cho cùng chính là sự chúc lành. Nó đưa chúng ta ra khỏi tính trì trệ và giữ cho dòng sông khát vọng chân chính chảy ra biển khơi. Hằng ngày, trong các siêu thị và trung tâm thương mại, chúng ta chứng kiến biết bao xe đẩy hàng chất đầy thức ăn và đồ uống chất lượng cao, bổ sung dinh dưỡng cho con người. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm thấy loại lương thực khác biệt này trong các siêu thị, mà duy chỉ một mình Thiên Chúa mới ban lương thực ấy cho chúng ta thôi. Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn những khao khát sâu xa nhất của chúng ta. “Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!”” (Ga 6, 35). Vì mọi lương thực khác sẽ hư mất, sẽ chóng qua theo thời gian, chỉ lương thực thường tồn mới đem lại phúc trường sinh. Do đó, Chúa Giê-su khuyên răn chúng ta: “…hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27).
Vậy, ‘ra công làm việc để có lương thực thường tồn’ cụ thể thế nào? Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương ban cho chúng ta bánh trường sinh qua Bí tích Thánh Thể, qua Thánh Lễ. Do đó, mỗi khi cử hành Thánh Lễ (đối với linh mục), hoặc tham dự Thánh Lễ (đối với giáo dân), chúng ta sống Bí tích Tình yêu ấy và trở nên chứng nhân tin yêu, chứng nhân bình an, chia san với hết mọi người như Mình Thánh Chúa được bẻ ra cho chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng trở nên tấm bánh yêu thương, vị tha cho tha nhân như vậy. Thứ đến, như lời nhắn nhủ của Thánh Phao-lô Tông đồ: “…anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa…anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24). Cởi bỏ định kiến, thái độ không đúng đắn, cởi bỏ cái tôi, gạt bỏ lòng tự phụ, tự cao, khinh khi…, mà mặc lấy tinh thần bao dung, tâm hồn mở rộng, biết đón nhận tha nhân, và trở nên khiêm nhường. Đâu đó có lẽ chúng ta đã từng nghe câu nói này: ‘Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai-cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai-cập ra khỏi người Do Thái’. Đúng vậy, lối sống Ai-cập đã ăn sâu vào trong tâm khảm người Do thái, khiến họ lãng quên giao ước với Thiên Chúa, quên đi theo đường lối của Ngài…Tương tự, chúng ta cũng vậy, ‘ngựa quen đường cũ’, rơi vào tình trạng ‘xa lìa Chúa, tránh né tha nhân’, biện hộ cho những thói quen không tốt của bản thân, v.v…
Sau cùng, để kết thúc bài chia sẻ này, xin mượn câu chuyện đời của ông Charles Colson. Là người thành đạt, sở hữu một văn phòng riêng cạnh toà Bạch Ốc, nhưng ông luôn cảm thấy một hố sâu thẳm trong lòng, và dường như còn thiếu điều gì đó trong cuộc đời. Sau khi gặp người bạn thân, nghe anh bạn này thuật lại sự trở về của mình, ông chợt khám phá ra điều mình còn thiếu. Và thế là lần đầu tiên trong đời, ông cầu nguyện với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, con không biết làm cách nào để tìm kiếm Ngài, nhưng con sẽ nỗ lực không ngừng. Hiện giờ con chỉ là kẻ hèn mọn chẳng mấy tốt lành, nhưng con vẫn muốn dâng hiến cho Chúa. Xin thương nhận lấy tâm hồn con!’ Từ đó trở đi, thậm chí mãi cho đến hôm nay, ông vẫn rảo quanh khắp nơi để loan truyền Tin Mừng, nhất là trong các trại giam và trường đại học.
Cầu nguyện: Duy chỉ mình Chúa biết rõ hồn con
Và mọi khao khát sâu thẳm dường nào.
Giờ đây, thương chạm tận đáy lòng con
Dưỡng nuôi con mãi bằng Bánh trường sinh. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng