Như chúng ta biết bệnh liệt kháng, còn gọi là AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) vì nhiễm siêu vius HIV (human immunodeficiency virus), vẫn còn là một nguy cơ của nhân loại hiện nay. Gọi là bệnh liệt kháng vì siêu vi khuẩn HIV đã tàn phá hệ thống miễn nhiễm của cơ thể và làm cho cơ thể không thể chống đỡ nổi sự tấn công của vi trùng xâm nhập vào cơ thể người bệnh để rồi đưa đến sự tử vong. Hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc chữa lành bệnh đặc hiệu[1], chỉ có một số loại thuốc cầm cự qua ngày mà thôi nên những người mắc bệnh liệt kháng coi như mang án tử treo lơ lửng trên đầu[2]. Bệnh nầy đặc biệt dễ bị lây nhiễm qua đường máu và đường sinh dục, như tiêm chích ma túy hoặc giao hợp sinh lý của giới đồng tính nam cũng như nữ.
Xét về khía cạnh pháp lý (không xét về mặt bệnh lý, dịch tễ hay luân lý), có một mối ảnh hưởng gián tiếp nào đó giữa bệnh AIDS đối với sự thành hiệu của hôn nhân. Nhiều người cho rằng bệnh AIDS gây tác động đến nhiều yếu tố liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân[3] và đặc biệt là đối với khả năng ưng thuận kết hôn (yếu tố nền tảng tạo nên dây hôn phối, xem đ. 1057§1). Chúng ta nói gián tiếp vì thực tế vì loại bệnh nầy không dẫn tới hiệu quả trực tiếp pháp lý mà vì từ tình trạng mang bệnh có thể gây nên những tác động tâm sinh lý khác rồi từ đó ảnh hưởng đến vấn đề kết hôn[4].
Thật vậy, chúng ta có thể xét đến sự thành hiệu hôn nhân của người bệnh AIDS dưới khía cạnh pháp lý với một số khả năng có thể xảy ra như sau:
1- Hôn nhân có thể vô hiệu vì lừa gạt (đ. 1098).
2- Hôn nhân vô hiệu vì loại trừ yếu tố chính yếu hay đặc nào đó của hôn nhân do giả vờ, như không muốn có con vì sợ lây nhiễm (simulatio, đ. 1101§2).
3- Hôn nhân cũng có thể vô hiệu vì xảy ra sự ưng thuận kết hôn với điều kiện (đ. 1102§2).
4- Cũng có khi áp dụng điều kiện sine qua non (không dương tính hoặc không bị bệnh) một cách tương tự như lầm lẫn tư cách xét đó như yếu tố trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2)[5].
5- Đặc biệt có thể xét sự vô hiệu của hôn nhân theo giáo luật điều 1095, 10-30:
Thật vậy, như đã nói, hiện nay AIDS chưa có thuốc đặc trị nên ai đã mắc bệnh chỉ có chờ chết. Chính vì điều nầy mà AIDS gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Theo giáo sư Luigi Sabbarese, dưới khía cạnh tâm lý người ta chứng minh rằng bệnh AIDS có thể dẫn đến một hình thức suy sụp tinh thần nặng để rồi từ đó người ta không thể bảo đảm sử dụng trí khôn của mình đủ. Đây là trường hợp mà điều 1095,10 nói đến. Ngoài ra, từ đó người ta cũng giả định rằng bệnh cũng gây ra thiếu sự phân định nơi những người đã lành bệnh lẫn nơi người có dương tính với siêu vi khuẩn HIV. Có thể có trường hợp những người phối ngẫu mang bệnh đã không nhận định đúng đắn một cách có trách nhiệm đối với bổn phận và quyền lợi thiết yếu của hôn nhân. Và đây là trường hợp của điều 1095,20 đặt ra. Sau cùng, cũng có thể người bị AIDS không đủ năng lực để đảm nhận những bổn phận thiết yếu của hôn nhân vì tâm thần rối loạn (đ. 1095,30)[6].
Vấn đề bệnh liệt kháng đối với hôn nhân theo giáo luật được đặt ra hơn mươi năm trở lại đây. Tuy nhiên học lý và án lệ vẫn chưa ra một hướng dẫn chung cũng như không biết hiện hành ra sao[7]. Do đó chúng ta phải chú ý đến kết quả khoa học về AIDS như thế nào hiện nay và đồng thời cũng hết sức tế nhị và kín đáo trong việc điều tra xét hôn nhân vô hiệu về vấn đề hôn phối của những người mắc bệnh AIDS hay đã có phản ứng dương tính virus HIV.
Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Giáo phận Qui Nhơn
[1] Hiện nay liệu pháp điều trị HIV phổ biến là antiretrovirus (viết tắt ẢRV). Thực chất đây cũng chỉ là liệu pháp nhằm hạn chế sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể mà thôi chứ không phải tiêu diệt virus đó tận gốc.
[3] xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 282-283; cũng có khi áp dụng điều kiện sine qua non (không dương tính hoặc không bị bệnh) một cách tương tự như lầm lẫn tư cách xét đó như yếu tố trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2), xem Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong (1991), tr.371-374.
[4] Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong QDE (1991), tr. 373.
[5] xem Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong (1991), tr.371-374.
[6] Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 283.
[7] Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 282; Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong Quarderni di Diritto Ecclesiale [= QDE] (1991), tr. 374.