NHÂN CÁCH VÀ NHỮNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH.

Thứ sáu - 07/09/2018 00:48  1243

NHÂN CÁCH VÀ NHỮNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH

Hàng ngày trong công việc, bác sĩ hay các nhà trị liệu gặp nhiều bệnh nhân có nhân cách bất thường. Những người làm lâm sàng cần hiểu được những kiểu nhân cách này vì 4 lý do. Đầu tiên, bệnh nhân có thể phản ứng với những cách thức khác thường đối với bệnh lý thể chất hoặc những điều trị được đặt ra đối với họ ví dụ như trở nên quá mức dựa vào , không tin cậy hay không hợp tác. Thứ hai, khi nhân cách bất thường, bức tranh lâm sàng về rối loạn sức khoẻ tâm thần thay đổi, làm cho chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Thứ ba, những nhân cách bất thường có thể phản ứng một cách khác nhau đối với các sự kiện gây stress, ví dụ như thay vì lo lắng thì họ biểu hiện hành vi gây hấn hay kịch tính. Thứ tư, những nhân cách bất thường có thể cư xử theo những cách gây stress thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người khác, ví dụ như người chồng thường hay gây hấn có thể làm cho vợ bị trầm cảm hay người chồng này hành động một cách bạo lực đối với vợ mình.

Sau khi đọc xong phần này, chúng ta có thể hiểu được về cách thức nhân cách bất thường và phân biệt được điều này với rối loạn nhân cách và cách thức người ta phân loại.

Chúng ta nên biết làm thế nào để :

1)    Đánh giá nhân cách

2)    Phân biệt nhân cách bất thường với các rối loạn sức khoẻ tâm thần

3)    Xử trí được các nhân cách bất thường trong thực hành hàng ngày

Chúng ta cũng nên có hiểu biết chung về những điều trị chuyên biệt.

Nhân cách là gì?

Thuật ngữ nhân cách nói đến các đặc tính bền bỉ của một cá thể khi biểu hiện trong những cách thức cư xử khác nhau ở những tình huống khác biệt. Nhân cách có thể được xem như được tạo nên bởi những đặc tính giới hạn trong các nhóm được biết đến như là các nét : tính xã hội, tính gây hấn, tính xung động. Khi mô tả nhân cách bất thường, thông thường tốt hơn là liệt kê ra những nét chủ yếu hơn là cố gắng áp dụng một dán nhãn chẩn đoán. Tuy nhiên, một vài nhân cách bất thường được biểu hiện chủ yếu bởi một nét đơn độc, đối với những loại này, một thuật ngữ mô tả đơn giản là điều hữu ích, sẽ giải thích ở phần sau. Tuy nhiên ngay cả đối với những nhân cách bất thường, thật quan trọng khi chú ý đến những đặc tính khác. Đặc biệt là những đặc tính tích cực có thể giúp phát triển xa hơn trong điều trị.

Rối loạn nhân cách là gì?

Những lệch chuẩn cực nhiều về nhân cách có thể được ghi nhận như là rối loạn nhưng thật khó mà định nghĩa một đường phân chia giữa bất thường và bình thường. Nếu nhân cách có thể được đo lường giống như trí tuệ, một chỉ số giới hạn có tính thống kê nên được dùng (Ví dụ như hai độ lệch chuẩn so với dân số chung). Tuy nhiên mặc dù các nhà tâm lý đã tạo ra những đo lường một số mặt của nhân cách nhưng không có đo lường nào đáng tin cậy và có giá trị mà có ý nghĩa quan trọng nhất đối với thực hành lâm sàng. Khi không có những đo lường này, một tiêu chí ứng dụng đơn giản được sử dụng : Một nhân cách bị rối loạn khi nó gây ra đau khổ đối với người đó  hoặc đối với người khác. Định nghĩa này có thể dường như đơn giản nhưng lại có hữu ích trong thực hành lâm sàng, đưa đến sự đồng thuận có hợp lý giữa những người sử dụng nó.

ĐÁNH GIÁ NHÂN CÁCH:

Các nguồn thông tin:

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta xây dựng một hình ảnh về nhân cách của con người bằng cách quan sát họ đáp ứng trong nhiều tình huống khác nhau như thế nào. Để đánh giá, chúng ta có thể sử dụng 4 nguồn thông tin sau:

1)    Mô tả của chính bệnh nhân về nhân cách của họ

2)    Hành vi của bệnh nhân trong khi được phỏng vấn

3)    Những ghi nhận về hành vi của bệnh nhân trong các tình huống khác nhau ở quá khứ

4)    Cái nhìn của họ hàng và bạn bè

Trong một cuộc phỏng vấn nghề nghiệp, hành vi của ứng viên trong cuộc phỏng vấn thường được xem như một hướng dẫn hữu ích đối với nhân cách. Tuy nhiên, khi đánh giá bệnh nhân, hành vi trong phỏng vấn có thể bị hiểu sai nhiều bởi vì nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tạm thời có liên quan đến bệnh lý cũng như bởi nhân cách. Vì thế, lo âu hoặc trầm cảm có thể làm cho bệnh nhân có biểu hiện dễ bị kích thích hơn, ít tự tin hơn khi họ bình thường. Trầm cảm là đặc điểm nhân cách của họ: Bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng đánh giá thấp điểm mạnh của họ và phóng đại những yếu kém. Vì thế, điều quan trọng là kiểm tra sự đánh giá của bệnh nhân về nhân cách của mình và hành vi của họ trong khi phỏng vấn bằng cách so sánh với hai nguồn thông tin khác được liệt kê ở trên: ghi nhận về  thành tựu quá khứ và những khó khăn, bất kỳ khi nào nếu có thể, và ghi nhận của bạn bè và người thân.

THÔNG TIN CẦN CÓ:

Trong khi đánh giá nhân cách, cần chú ý không chỉ đến những nét nhân cách dẫn đến những khó khăn mà còn đánh giá những điểm mạnh. Đôi khi một nét nhân cách có tính mạnh mẽ trong một tình huống lại đưa đến những khó khăn trong những tình huống khác, ví dụ như, nét nhân cách ám ảnh cho phép người ta đáng tin cậy và thiết lập tiêu chuẩn cao trong công việc  nhưng thường dẫn đến lo âu quá mức khi họ bị bệnh. Trước khi bắt đầu những điều tra đặc biệt  được liệt kê sau đây, thật có ích lợi khi hỏi những câu hỏi chung như “ Bạn nghĩ bạn của bạn sẽ mô tả bạn là người thế nào?”

Các mối quan hệ

Phần này liên quan đến các mối quan hệ trong công việc (với đồng nghiệp, cấp trên, người có kinh nghiệm hơn), tình bạn với người khác giới và những mối quan hệ thân mật. Người phỏng vấn hỏi bệnh nhân xem họ làm bạn dễ dàng, có ít bạn hay nhiều bạn, có bạn thân có thể tin cậy và những mối quan hệ lâu dài. Người phỏng vấn cũng hỏi xem bệnh nhân có tính xã hội, tự tin  hay e thẹn và bảo thủ.

Khí sắc quen thuộc:

Mục tiêu ở đây là khám phá xem khí sắc quen thuộc của người đó, không phải hiện tại cũng không phải gần đây. Người phỏng vấn hỏi hỏi xem khí sắc nhìn chung là vui vẻ hay buồn rầu, ổn định hay dễ thay đổi.  Nếu khí sắc dễ thay đổi, người phỏng vấn hỏi xem thay đổi kéo dài trong bao lâu? Có khi nào nó xảy ra tự động hay liên quan đến các sự kiện. Cuối cùng, người phỏng vấn hỏi xem bệnh nhân có biểu hiện ra hay dấu kín nó.

Các nét nhân cách:

Khi hỏi về các nét nhân cách, thật hữu ích khi nhớ được một số nét được liệt kê ( ở bảng dưới). Mỗi đặc điểm có mặt tích cực cũng như tiêu cực và thích hợp khi hỏi bệnh nhân xem họ nằm ở phần nào giữa hai cực, ví dụ, một số người thì bình tĩnh, một số người khác thì tranh cãi- vậy bạn phù hợp với mức nào? Các đặc tính như ghen tuông và thiếu cảm xúc đối với người khác không được khám phá bởi vì bệnh nhân bị e thẹn về chúng hoặc không nhận ra sự hiện diện của chúng. Khi có một nghi ngờ về ghi nhận trước đây của bệnh nhân, lúc đó thông tin từ người đi cùng hay người biết đến bệnh nhân thường giúp giải quyết được. Cũng có ích lợi khi kiểm tra những câu hỏi bằng cách hỏi đời sống gần đây của bệnh nhân. Khi những quan sát được ghi lại, các thuật ngữ không rõ ràng như “ kém trưởng thành” hay “ không đầy đủ” không nên sử dụng, thay vào đó , nhà lâm sàng nên ghi nhận cách mà bệnh nhân có khó khăn khi gặp phải những đòi hỏi trong đời sống trưởng thành.

Thái độ, niềm tin và các tiêu chuẩn:

Các điểm tương ứng bao gồm các thái độ đối với bệnh lý, những niềm tin về tôn giáo, các tiêu chuẩn đạo đức. Thông thường những điều này trở nên rõ ràng khi tiền sử cá nhân được khai thác nhưng cũng có thể khám phá thêm vào thời điểm phỏng vấn .

Những thói quen:

Mặc dầu không phải là phần bắt buộc về nhân cách, vào thời điểm này cũng nên hỏi về việc sử dụng thuốc lá, rượu, các thuốc kích thích bởi vì việc sử dụng chúng cũng có liên quan  một phần đối với nhân cách, mặc dầu có những ảnh hưởng quan trọng khác.

Các nét nhân cách thông thường:

-Dễ bị lo âu

-Khó chịu, cứng ngắc

-Thiếu tự tin

-Nhạy cảm

-Nghi ngờ, ghen tuông

-Không tin cậy

-Xung động

-Tìm kiếm chú ý

-Lệ thuộc

-Dễ bị kích thích

-Gây hấn

-Thiếu quan tâm đến người khác

CÓ PHẢI LÀ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH?

Nhà lâm sàng quyết định có phải chẩn đoán rối loạn nhân cách bằng cách xem xét chứng cớ từ tiền sử lâm sàng nhằm quyết định xem bệnh nhân có bị đau khổ hoặc người khác bị đau khổ do kết quả nhân cách của bệnh nhân. Quyết định này mang tính chủ quan và có thể khó khăn để quyết định xem vấn đề của bệnh nhân gây ra bởi nhân cách nhiều như thế nào và gây ra bởi tình huống nhiều như thế nào. Mặc dầu có những khó khăn nhưng quyết định về rối loạn nhân cách là điều hữu ích trong hoặc định xử trí.

CÁC KIỂU RỐI LOẠN NHÂN CÁCH:

Như đã giải thích ở phần trên, bác sĩ tâm thần, người điều trị bệnh nhân với những bất thường về nhân cách rõ rệt thấy rằng có ích lợi khi áp dụng phân loại chính thức về rối loạn nhân cách trong ICD-10 và DSM-IV. Những bác sĩ khi điều trị những bệnh nhân có bất thường về nhân cách ít hơn, thì cần một phân loại đơn giản hơn. Phân loại sau đây được sử dụng trong thực hành ban đầu:

-Lo âu, khí sắc không ổn, dễ lo âu

-Thiếu tự tin và tự trọng

-Nhạy cảm và nghi ngờ

-Kịch tính và xung động

-Gây hấn và chống đối xã hội

Nhân cách lo âu, dễ lo âu , khí sắc không ổn:

Một số trong những người này hay lo lắng và sợ hãi thường xuyên, những người khác thì buồn rầu và bi quan thường xuyên. Những người khác có khí sắc không ổn định, có thời kỳ hưng phấn nhẹ kèm theo quá tự tin thay thế với khí sắc hạ thấp xuống và đánh giá bản thân kém. Lo lắng có thể về những vấn đề hàng ngày của bệnh nhân hay của gia đình hay những quan tâm thường xuyên về bệnh tật (bệnh tưởng: Hypochondriasis). Những người có nét ám ảnh  về tính không linh hoạt, bảo thủ , không quyết định cũng thuộc về nhóm này. Nhóm này tương ứng với phân loại rối loạn nhân cách dạng phụ thuộc, lo âu-tránh né và ám ảnh cưỡng chế.

Tóm tắt các đặc tính chính của nhân cách lo âu, khí sắc không ổn, dễ lo lắng:

-Lo âu thường xuyên

-Lo lắng về các vấn đề và sức khỏe

-Cứng ngắc, bảo thủ

-Không quyết định được

-Buồn rầu thường xuyên

-Khí sắc không ổn định

Nhân cách thiếu tự trọng và tự tin:

Nhóm này không xuất hiện như là một thể loại riêng biệt trong các phân loại về rối loạn nhân cách của các nhà chuyên khoa tâm thần, những bệnh nhân này có thể xuất hiện trong nhiều đề tài. Tuy nhiên, đây là nhóm thường gặp, và quan trọng trong các rối loạn ít trầm trọng về nhân cách được thấy trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và thực hành y khoa tổng quát. Những người này thiếu niềm tin về khả năng của họ, cảm thấy tự ti đối với người khác, phê bình chỉ trích. Sự không chắc chắn nội tâm có thể dẫn đến e thẹn, tránh né xã hội và không đạt được kết quả hay nỗ lực không thích hợp nhằm làm hài lòng người khác hay những cố gắng ép buộc đối với khả năng xã hội. Các đặc tính nhân cách này đi kèm với khí sắc trầm cảm tái diễn, các rối loạn về ăn uống, tự gây hại cho bản thân và thường thấy ở những người trẻ đi tìm kiếm sự giúp đỡ vì những rối loạn trên.

Tóm tắt các đặc tính của nhân cách thiếu tự trọng và tự tin:

-Thiếu lòng tin

-Cảm nhận tự ti

-Trông đợi phê bình

-Cố gắng làm vui lòng người khác

Nhân cách nhạy cảm, nghi ngờ:

Một số người trong nhóm này nhìn thấy người khác từ chối mình nhưng thực ra là không phải và họ có thể nghi ngờ, không tin tưởng, dễ bị khó chịu, dễ bị kích thích. Một số người khác thì lạnh lùng, tách rời, có biểu hiện ít quan tâm đến người khác, từ chối sự giúp đỡ khi được ban tặng. Những người khác thì biểu hiện lạ lùng, có những ý nghĩ kỳ lạ về những đề tài như ngoại cảm, thần giao cách cảm. Những người trong nhóm này thường khó tham gia vào trị liệu và thường không tin tưởng vào thầy thuốc. Nhóm này tương ứng với nhóm nghi ngờ, dạng phân liệt và kiểu phân liệt trong phân loại theo DSM hay ICD-10.

Tóm tắt các đặc tính của nhân cách nhạy cảm và nghi ngờ:

-Nhạy cảm

-Nghi ngờ

-Không tin cậy

-Tự cho mình là đầy đủ

-Thiếu quan tâm

Nhân cách dạng kịch tính và xung động:

Những người này tìm kiếm sự chú ý của người khác và kịch tính hoá các vấn đề của họ. Họ tạo ra những đòi hỏi không thể chấp nhận được đối với người khác và có thể sử dụng “ thư đe doạ về cảm xúc” . Họ có sự hào hứng chớp nhoáng nhưng thiếu kiên trì. Một số người có khả năng rõ ràng về vấn đề tự lừa dối mình (self-deception) và thiếu ý thức về ấn tượng họ gây cho người khác. Họ phản ứng một cách xung động,đôi khi kèm với hành vi được đánh giá là bệnh lý bao gồm cả việc tự gây hại. Nhóm này tương ứng với nhóm kịch tính, ranh giới (xung động) và ái kỷ trong phân loại chuyên biệt.

Tóm tắt các đặc tính của nhân cách kịch tính và xung động:

-Rỗng tuếch, hướng ngã

-Đòi hỏi người khác

-Hành động, tự lừa dối

-Xung động, hào hứng ngắn ngủi

-Biểu lộ cảm xúc không kềm chế được

-

Nhân cách gây hấn và chống đối xã hội:

Những người này dung nạp với khó chịu kém, cư xử một cách xung động, có khuynh hướng bạo lực. Họ thiếu cảm nhận tội lỗi và thất bại trong việc học được kinh nghiệm. Họ không yêu thương và không quan tâm đến cảm nhận của người khác. Khi bị nặng nề, những đặc tính này được xem như là rối loạn nhân cách chống đối xã hội.  Những người này có lý lịch việc làm không ổn định và có thể liên quan đến bạo lực , các vấn đề về gia đình, chống đối luật lệ. Những khó khăn này thường được gia tăng bởi lạm dụng bia rượu hoặc lạm dụng thuốc. Nhóm này tương ứng với nhóm rối loạn nhân cách chống đối xã hội theo phân loại DSM-IV và ICD-10.

Tóm tắt các đặc tính của nhân cách chống đối xã hội:

-Hành vi xung động

-Dung nạp kém với khó chịu

-Khuynh hướng bạo lực

-Thiếu cảm nhận tội lỗi

-Không có khả năng học được từ những kinh nghiệm

-Không có khả năng duy trì được các mối quan hệ

-Không quan tâm đến cảm nhận của người khác

BẢNG PHÂN LOẠI VỀ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH TRONG DSM-IV VÀ ICD-10:

Nhìn chung, những thuật ngữ giống nhau được sử dụng trong DSM-IV và ICD-10. Có một số từ khác biệt trong ICD-10 được đặt trong ngoặc đơn.

Lo âu, khí sắc thay đổi, dễ bị lo âu:

-Tránh né (ICD: Anxious: lo âu)

-Ám ảnh cưỡng chế (ICD : anakastic)

-Trầm cảm

-Tăng khí sắc

-Khí sắc chu kỳ

Nhạy cảm và nghi ngờ:

-Kịch tính

-Ranh giới (ICD: xung động)

-Phụ thuộc

Gây hấn và chống đối xã hội :

-Chống đối xã hội (ICD: dissocial)

Ghi chú: Các nhân cách thiếu tự trọng và tự tin không được phân loại một cách riêng biệt trong  DSM-IV hay ICD-10.

DỊCH TỄ HỌC

Tỷ lệ lưu hành toàn bộ đối với rối loạn nhân cách trong cộng đồng là khoảng 10%. Tỷ lệ toàn bộ cao hơn ở nam giới và giảm đi theo tuổi.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở nam giới , rối loạn nhân cách kịch tính và ranh giới thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Các rối loạn nhân cách thường đi kèm với những rối loạn sức khoẻ tâm thần. Một phối hợp đặc biệt quan trọng  đó là giữa rối loạn nhân cách chống đối xã hội và  lạm dụng rượu cũng như lạm dụng chất.

NGUYÊN NHÂN

Nhân cách và những rối loạn của nó là do bởi sự tương tác của các yếu tố di truyền và giáo dục. Không chắc chắn rằng điều gì là đóng góp tương đối vào hai nguyên nhân này và thật là khó để mà có được những câu trả lời xa hơn bởi vì tính phức tạp của vấn đề giáo dục con người và khó khăn của việc ghi nhận một cách chính xác các yếu tố trong giai đoạn sớm của cuộc đời và liên hệ chúng với các đặc tính nhân cách được đánh giá ở nhiều năm sau đó.

Kiến thức khoa học đã tích lũy được những quan tâm chủ yếu đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Đây là khía cạnh duy nhất sẽ được xem xét ở bài viết này. Mặc dầu thiếu dữ liệu khoa học, trong thực hành lâm sàng người ta có thể có được một hiểu biết trực giác về các nguồn gốc ấu thơ có thể quy cho vấn đề nhân cách. Ví dụ, khi bị chỉ trích thường xuyên và thiếu yêu thương từ cha mẹ là tiền tố của nhân cách có biểu hiện lòng tự trọng thấp.

Các yếu tố di truyền:

 Con của những cha mẹ có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có tỷ lệ hành vi chống đối xã hội cao hơn so với con của những cha mẹ có loại nhân cách khác. Sự quá mức này đã cũng được báo cáo trong những trẻ được nhận làm con nuôi có cha mẹ ruột có rối loạn nhân cách chống đối xã hội cho thấy một nguyên nhân di truyền nhưng bằng chứng này cũng cần được xác định thêm.

Tầm quan trọng của kinh nghiệm tuổi ấu thơ được ủng hộ bởi những  báo cáo về việc trẻ bị chia cách khỏi cha mẹ trong giai đoạn sớm xảy ra thường xuyên hơn ở những người có nhân cách chống đối xã hội hơn so với nhóm chứng. Sự phối hợp này cũng có thể do bởi sự mất hoà hợp ở cha mẹ trước khi chia cách hơn là do chính chia cách gây ra hoặc do bởi một trong những hậu quả của chia cách như là nuôi dạy trẻ trong một trại trẻ mồ côi.

Tổn thương não vào lúc sanh đôi khi cũng có hành vi xung động và gây hấn đi kèm theo, tổn thương như vậy có thể gợi ý như là một nguyên nhân của rối loạn nhân cách chống đối xã hội nhưng lại không có bằng chứng thuyết phục. Tương tự như thế, một rối loạn về sự phát triển của não bộ cũng được gợi ý nhưng chỉ có bằng chứng gián tiếp là phát hiện ở những người trưởng thành có những bất thường không đặc hiệu trên điện não đồ ( EEG) về  một đặc điểm điện não của tuổi vị thành niên. Những phát hiện này có thể phản ánh sự chậm trễ trong quá trình trưởng thành của não bộ ở những người có nhân cách chống đối xã hội.

Những nghiên cứu gần đây phát hiện rằng có sự phối hợp giữa mức 5-HT thấp của não ( Đo lường gián tiếp bằng test thử thách nội tiết thần kinh) và hành vi gây hấn. Tuy nhiên quan sát thú vị này không khẳng định gây hấn ở rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

TIÊN LƯỢNG VỀ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH

Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy rằng các đặc tính bất thường về nhân cách bao gồm nét gây hấn, khuynh hướng trở nên ít bất thường hơn khi người đó bước vào giai đoạn tuổi trung niên nhưng không có những nghiên cứu tiếp theo sau đáng tin cậy để xác định quan sát này. Ở tuổi già, các đặc tính bất thường về nhân cách có thể một lần nữa trở nên khó khăn và gây ra khó khăn cho bệnh nhân và những người chăm sóc.

XỬ TRÍ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH

Nhà trị liệu cần xem xét đến nhân cách khi đánh giá và điều trị những bệnh nhân và cần biết làm thế nào để xử trí những rối loạn này. Những người có nhân cách lo âu và những người thiếu lòng tự trọng có thể thường trợ giúp được. Những người có nhân cách nghi ngờ và chống đối xã hội ít đáp ứng với trị liệu nhưng hiểu được nhân cách của họ có thể cải thiện được mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc, cải thiện sự tuân thủ điều trị và giảm đi các vấn đề trong gia đình.

ĐÁNH GIÁ

Cần phải phỏng vấn cả người cung cấp thông tin lẫn bệnh nhân. Để vạch ra kế hoạch xử trí, đánh giá phải được mở rộng theo 5 cách.  Chẩn đoán nhấn mạnh đến những suy kém và các đặc tính không được ưa thích của nhân cách. Nhưng khi xử trí cần phải đánh giá các đặc tính tích cực của nhân cách nhằm khám phá ra những đặc tính có thể phát triển xa hơn, xác định được các kỹ năng mà có thể gia tăng được bằng cách huấn luyện gia tăng lòng tự trọng.

Các yếu tố thúc đẩy đối với những xáo trộn về cảm xúc hoặc các hành vi bất thường cũng cần được lượng giá kế tiếp, ví dụ những tình huống dẫn đến lo âu ở những người có nhân cách lo âu hay tình huống gây giận dữ ở những người gây hấn. Đôi khi mối liên hệ giữa yếu tố thúc đẩy và đáp ứng có thể cho thấy một khía cạnh bị bỏ qua trước đây về nhân cách, ví dụ, gây hấn có thể được gợi lên bởi sự từ chối xã hội nhưng sự từ chối này có thể là đáp ứng của những người này đối với sự thiếu vắng kỹ năng xã hội của bệnh nhân. Để đánh giá yếu tố thúc đẩy, thật có lợi ích khi yêu cầu bệnh nhân ghi lại những hành vi hàng ngày theo câu hỏi trong tình huống nào nó xảy ra. Hầu hết các bệnh nhân có thể hợp tác với tiếp cận thực hành này.

Sừ dụng thuốc và rượu:

 Rượu có thể được sử dụng vì tác dụng ngay tức thời của nó làm giảm đi cảm giác căng thẳng hoặc không vui vẻ nhưng tác dụng mất ức chế có thể mở đường cho hành vi kịch tính hay hành vi tấn công hay tự gây hại.

Ảnh hưởng của gia đình cũng có tầm quan trọng, đặc biệt ở bất kỳ trẻ em nào sống chung với bệnh nhân. Mặc dầu những khảo sát này là điều quan trọng nhất đối với một người có tính gây hấn, nhưng những người có nhân cách lo âu, kịch tính hay nghi ngờ có thể cũng làm cho gia đình của họ gặp khó khăn. Ảnh hưởng gây stress của nhân cách bệnh nhân lên thành viên khác trong gia đình có thể được thấy trước tiên khi họ phàn nàn về những triệu chứng cơ thể nhưng lại không tìm ra nguyên nhân.

Với nhân cách chống đối xã hội, những điều tra thêm nên được thực hiện để tìm xem có hành vi gây hấn bao gồm cả những vấn đề làm phá vỡ luật lệ. Cũng cần tiến hành một lượng giá về yếu tố nguy cơ.

NHỮNG MẶT XỬ TRÍ CHUNG:

Tiếp cận chung là nên giúp bệnh nhân gia tăng lòng tin và học được từ những lỗi lầm. Để đạt được những mục tiêu này, các thất bại nên được thảo luận với bệnh nhân như là cơ hội để tìm ra vấn đề nhiều hơn, không phải là dấu hiệu của sự yếu kém, thất bại. Mục tiêu là nhằm giúp bệnh nhân thực hiện từng bước nhỏ qua thời gian dài, không phải mang đến một thay đổi nhanh chóng. Kế hoạch nên có tính thực tế, bệnh nhân hiểu biết rõ ràng, thực hiện bền bỉ. Mục tiêu là nhằm giúp bệnh nhân giải quyết chính vấn đề của họ, không lấy đi trách nhiệm của họ. Bác sĩ cũng nên nhận biết rằng tiến triển sẽ chậm chạp và thất bại. Kiên nhẫn là điều cần thiết trong khi xử trí các rối loạn nhân cách.

Mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là điều đặc biệt quan trọng trong khi điều trị rối loạn nhân cách, bệnh nhân cần cảm thấy có giá trị như một con người và tin cậy vào bác sĩ, cùng lúc đó mối quan hệ cũng không quá nồng nhiệt hoặc lệ thuộc. Khi có nhiều người cùng liên quan trong trị liệu, vai trò của họ nên được xác định và làm rõ cho bệnh nhân.Bất kỳ cố gắng nào của một người đối lập với người khác đều nên được thảo luận giữa các nhà chuyên môn và với bệnh nhân.

Chăm sóc đặc biệt là điều cần thiết trong môi trường có giới hạn đối với những bệnh nhân có rối loạn nhân cách, đặc biệt là đối với những người có nhân cách quá phụ thuộc kịch tính hay nhân cách gây hấn. Những giới hạn này nên được đồng thuận bởi tất cả những người có liên quan đến chăm sóc bệnh nhân và được giải thích cho bệnh nhân. Những bệnh nhân này có thể tìm kiếm sự trợ giúp ở những thời gian không thích hợp, cố gắng tạo ra những tình trạng không hợp lý trong khi điều trị, cư xử theo cách gợi tình hoặc đe doạ quá mức nếu đòi hỏi của họ không được đáp ứng. Khi đã hình thành, những hành vi này rất khó  kiểm soát , vì thế các thầy thuốc nên được cảnh báo các dấu hiệu đầu tiên và giải thích rõ ràng và chắc chắn rằng những hành vi như thế không thể chấp nhận được.

Xây dựng trên những điểm mạnh:

Xử trí không nên chỉ tập trung vào những khiếm khuyết của nhân cách. Bất kỳ khi nào nếu có thể, nên khuyến khích bệnh nhân ghi nhận và phát triển các tài năng và kỹ năng của họ bằng cách có được huấn luyện thêm, thay đổi để có công việc phù hợp tốt hơn với kỹ năng và sở thích của họ, hoặc bằng cách phát triển các hoạt động thú vui hài lòng hơn. Những hành động như vậy làm cải thiện lòng tự trọng , đây là vấn đề thường gặp ở tất cả những người với tất cả những loại rối loạn nhân cách.

Yếu tố thúc đẩy:

Bệnh nhân nên được trợ giúp nhằm xác định và tìm ra phương cách mới để đương đầu với bất kỳ tình huống thường xuyên gây ra vấn đề. Nếu bệnh nhân không thể học cách nhằm đáp ứng với các tình huống một cách khác nhau, có thể giúp đỡ họ sắp xếp lại cuộc sống để có thể đối mặt với các tình huống ít hơn. Sự tái sắp xếp này có thể đòi hỏi bệnh nhân phải dừng lại mục tiêu trước đây và chấp nhận mục tiêu mới phù hợp với nhân cách của họ hơn.

Lạm dụng rượu và thuốc:

Khi hành vi bất thường được thúc đẩy bởi việc lạm dụng rượu hoặc thuốc, nên giúp đỡ bệnh nhân giới hạn lại việc sử dụng những chất này. Trong những thuốc kê toa, benzodiazepine có thể có tác dụng giải ức chế tương tự như rượu . Nên tránh kê toa thuốc này cho những bệnh nhân có nhân cách bất thường.

Giúp đỡ gia đình:

Điều này có thể cần thiết, đặc biệt khi kiểu rối loạn nhân cách là dạng gây hấn hay chống đối xã hội. Khi mẹ có rối loạn nhân cách, sức khoẻ và phát triển của trẻ cũng cần được lượng giá và có những bước thực hiện phù hợp.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐẶC HIỆU:

Điều trị bằng thuốc có một chút giá trị chung trong điều trị rối loạn nhân cách, có một vài sử dụng đặc biệt sau:

-Thuốc chống loạn thần có thể làm dịu vào thời điểm có stress gia tăng đặc biệt đối với nhân cách gây hấn và chống đối xã hội.

-Lithium carbonate :được cho rằng có lợi ích đối với những bệnh nhân có khí sắc thay đổi thường xuyên, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa trước khi kê toa thuốc này.

-Thuốc chống trầm cảm: có giá trị khi có rối loạn trầm cảm đi kèm.  Người ta cho rằng, nếu không có rối loạn trầm cảm, SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) làm giảm đi hành vi xung động và tự gây hại nhưng giá trị lâu dài của chúng cần phải nghiên cứu thêm .

-Carbamazepine: được cho rằng làm giảm đi hành vi gây hấn ở một số bệnh nhân. Giá trị này cũng không chắc chắn , nếu có thực, cũng chỉ áp dụng trên một số nhỏ bệnh nhân. Ý kiến của nhà chuyên môn nên được tham khảo trước khi kê toa.

-Thuốc chống lo âu: Các thuốc này nhìn chung nên tránh dùng bởi vì mặc dù chúng có thể cải thiện trạng thái thoải mái nhưng có thể làm giải ức chế và lệ thuộc.

Tâm lý trị liệu:

Có thể giúp đỡ những người có lòng tự trọng thấp và khó khăn trong các mối quan hệ xã hội. Các dạng nhân cách nhạy cảm, nghi ngờ, chống đối xã hội và gây hấn hiếm khi có được lợi ích từ tâm lý trị liệu. Phương pháp hành vi nhận thức nhìn chung thích hợp hơn trị liệu tâm động bởi vì chúng tập trung vào hành vi hiện tại của bệnh nhân và vai trò của chính bệnh nhân trong việc thay đổi những hành vi này.

Phương pháp trị liệu cộng đồng:

Những phương pháp này được sử dụng để nhằm trợ giúp những người có rối loạn nhân cách chống đối xã hội học được từ những kinh nghiệm trong những mối quan hệ của họ trong cộng đồng và học được từ những  thảo luận thường xuyên và tăng cường về những vấn đề xảy ra. Kết quả tốt đã được thấy ở số nhỏ những bệnh nhân này nhưng điều này vẫn chưa được ủng hộ bởi những nghiên cứu chứng ngẫu nhiên và không có được tiêu chuẩn đồng thuận để chọn lọc những số ít người mà có thể trợ giúp được.

TRỊ LIỆU CÁC KIỂU RỐI LOẠN NHÂN CÁCH:

Kiểu lo âu, khí sắc không ổn định và dễ lo lắng:

Nhìn chung, những bệnh nhân này có thể được trợ giúp nhiều nhất bằng trị liệu hành vi nhận thức, trị liệu này thiết kế nhằm xác định và thay đổi các cách thức đáp ứng sai lệch trong việc đối mặt với các tình huống mà bệnh nhân thấy có stress và ghi nhận mối liên hệ giữa suy nghĩ và cảm xúc. Trong nhóm này, bệnh nhân có nét ám ảnh là loại ít thay đổi nhất.

Kiểu nhân cách nhạy cảm và nghi ngờ:

Những bệnh nhân này hiếm khi có được lợi ích từ bất kỳ loại trị liệu tâm lý nào. Mục tiêu là nhằm thiết lập một mức độ tin cậy gia tăng dần dần hơn đối với bệnh nhân. Những bệnh nhân này có thể gợi lên những cảm nhận tiêu cực mạnh ở thầy thuốc của họ, những thầy thuốc này nên ghi nhận những phản ứng này vào giai đoạn sớm và đảm bảo rằng những cảm nhận như thế không ảnh hưởng đến quyết định lâm sàng của họ.

Nhân cách kịch tính và xung động:

Điều quan trọng đặc biệt là thiết lập giới hạn đối với nhóm này. Tiếp cận giải quyết vấn đề nên được sử dụng nhằm giúp đỡ bệnh nhân đối mặt tốt hơn với các sự kiện gây stress làm thúc đẩy những hành vi bất thường. Trị liệu tâm lý tâm động thường đưa đến những vấn đề chuyển di mãnh liệt là điều khó xử trí được.

Hành vi gây hấn và chống đối xã hội:

Tiếp cận nên có tính thực hành và nên ghi nhận được những nhạy cảm của bệnh nhân. Hành vi gây hấn nên được chấp nhận một cách bao dung, cùng lúc đó, cố gắng nhiều hơn cần thiết nhằm kiểm soát ngăn chặn những đáp ứng giận dữ đối với hành vi của bệnh nhân. Những bệnh nhân dễ bị kích thích và thiếu kiên nhẫn thì không nên bắt họ chờ đợi mà không có giải thích trước đó. Những bệnh nhân có khả năng gây hấn cao nên được khám trong một nơi chốn mà khi cần có giúp đỡ thì thầy thuốc có thể  có ngay.

Thông thường mục tiêu dễ thực hành nhất là nhằm ngăn chặn sự tích lũy những vấn đề thứ phát do bởi các quyết định cẩu thả, thù hằn với người giúp đỡ, lạm dụng thuốc và rượu. Một tiếp cận giải quyết vấn đề nên được thực hiện đối với những tình huống thường xuyên gợi lên hành vi gây hấn và chống đối xã hội. Những kỹ thuật xử trí tức giận có thể giúp bệnh nhân  tìm được những cách thức đáp ứng thích hợp hơn. Như đã nói ở phần trên, thời gian đôi khi được dùng một cách hữu dụng nhất trong việc giúp đỡ gia đình, đặc biệt là trẻ em phụ thuộc.

Nhân cách thiếu tự trọng và tự tin:

Những bệnh nhân này được trợ giúp bằng mối quan hệ tin cậy, trong mối quan hệ này, họ được khuyến khích để thấy được mặt tích cực của nhân cách và gia tăng lòng tin. Tiếp cận hành vi nhận thức có thể giúp đỡ những bệnh nhân này hiểu được mối liên hệ giữa cách thức suy nghĩ và đáp ứng của họ trong những tình huống mà họ cảm thấy bị chống lại hay tự ti. Huấn luyện quyết đoán có thể giúp đỡ những người có biểu hiện tuân phục quá mức.

PHÂN LOẠI CHẨN ĐOÁN THEO ICD-10 VÀ DSM-IV:

Phân loại về rối loạn nhân cách trong DSM-IV và ICD-10 tương tự như nhau nhưng có những phần chi tiết có ý nghĩa quan trọng đối với nhà chuyên môn. Phần lớn những khác biệt là theo cách thuật ngữ sử dụng hơn là những khái niệm hoặc tiêu chuẩn chẩn đoán. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường được mô tả nhiều hơn vì tầm quan trọng rộng rãi của nó.

NHÓM A: Nhân cách  lo âu, khí sắc không ổn định, dễ lo lắng:

Rối loạn nhân cách kiểu lo âu (DSM: Tránh né)

Những người này thường xuyên lo lắng, dễ bị bệnh ở công ty, sợ không được chấp nhận, sợ bị phê bình. Họ cảm thấy không đầy đủ và nhút nhát. Họ tránh né những trách nhiệm ở trong công việc hoặc kinh nghiệm mới nhìn chung.Khuynh hướng tránh né này được ghi nhận trong DSM-IV  bằng thuật ngữ “ rối loạn nhân cách dạng tránh né”.

Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế ( ICD: Anankastic)

Những người này thường không linh động, bảo thủ, cứng ngắc trong ý kiến của họ, họ tập trung vào những chi tiết không quan trọng. Họ không quyết định và khi ra quyết định họ lại lo lắng về những hậu quả của nó. Họ không có óc hài hước và phán xét trong khi lo lắng về ý kiến của người khác. Tính hoàn hảo, cứng ngắc, và không quyết định có thể làm cho công việc của họ không thực hiện được. Những người này có biểu hiện biết kiểm soát bên ngoài nhưng có thể có cảm xúc giận dữ đặc biệt đối với những người gây xáo trộn trật tự cẩn thận hằng ngày của họ.

Theo PDM (psychodynamic diagnostic manual):

Ám ảnh và cưỡng chế là những triệu chứng tương đối thường gặp, nhưng trong văn hoá phương Tây, nhiều nhà lâm sàng tin rằng triệu chứng ở mức nhiễu tâm của rối loạn ám ảnh cưỡng chế đang trở nên tinh tế và hiếm gặp hơn. Các cơ chế phòng vệ ám ảnh là cách ly cảm xúc và lý trí hoá đó là những cơ chế thường gặp , đặc biệt  ở những cá nhân có tính hoàn hảo. Nhưng khi sự chăm sóc trẻ ít có tính quyền hành hơn, một số ít người có thể gặp rắc rối với các vấn đề về kiểm soát cá nhân và đạo đức là trung tâm của  tính cách ám ảnh cưỡng chế. Bởi vì các nét ám ảnh và cưỡng chế có thể đi kèm với các loại nhân cách khác ( đặc biệt là tâm lý ái kỷ và trầm cảm hướng nội), chẩn đoán về rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế cần phải hiểu được kinh nghiệm nội tâm của bệnh nhân, không chỉ ở hành vi.

Tâm điểm đối với tâm lý ám ảnh cưỡng chế  là khó chịu với những cảm xúc có đi kèm theo  cảm nhận “ ngoài tầm kiểm soát”. Thái độ này có thể có nguồn gốc từ sự khó khăn trong mối quan hệ tay đôi với cha mẹ. Freud (1913) đã liên hệ sự bướng bỉnh, khuynh hướng…..của người lớn có ám ảnh cưỡng chế với sự đấu tranh chống lại việc huấn luyện đi toilet, nhưng thực ra đối với cha mẹ hay kiểm soát, các khó khăn về quyền hành có thể ở các lãnh vực khác như ăn, tính dục, và vâng lời nói chung. Những cá nhân có tính ám ảnh cưỡng chế được mô tả như là “ những cỗ máy sống” ( Reich,1993), họ dường như đồng hoá chính họ với những người chăm sóc, đó là những người mong đợi con mình phát triển nhiều hơn mức trẻ có thể. Bệnh nhân xem việc biểu lộ tính chủ quan và cảm xúc như là “ chưa trưởng thành” , họ đánh giá quá mức việc lý luận , họ bị đau khổ vì sự bỏ rơi khi họ cảm thấy họ hành động giống như trẻ nhỏ. Chỉ khi cảm xúc có tính logic hoặc được cho là có tính đạo đức-ví dụ như tức giận một cách “đúng đắn” –lúc đó họ mới thấy chấp nhận được. Mặc dù, bệnh nhân nhìn chung bị bận rộn nhiều hơn với các vấn đề liên quan đến định nghĩa về bản thân hơn là những vấn đề thuộc về mối quan hệ nhưng cũng có những động lực ám ảnh cưỡng chế khác  phụ thuộc vào mối quan hệ. Loại này được ví dụ bởi những cá nhân có tính cưỡng chế làm làm vui lòng người khác, những người này sống trong cảnh sợ hãi vì sợ làm mất lòng người khác bởi những hành vi không thích hợp của mình.

Nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng về phân tâm học gợi ý rằng những người có ám ảnh cưỡng chế sợ rằng xung động của họ sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là sự ép buộc gây hấn. Hầu hết những suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế liên quan đến những nỗ lực nhằm tháo gỡ hoặc chống lại những xung động theo hướng hủy hoại , tham lam, và bừa bãi.Do cảm nhận tội lỗi nặng nề về những ước muốn không thể chấp nhận được, lương tâm của người ám ảnh cưỡng chế bệnh lý thường là cứng ngắc và trừng phạt. Tự phê bình có tính khắt khe. Những cá nhân này gìn giữ bản thân mình cũng như người khác ở mức một tiêu chuẩn gần như hoàn hảo. Họ tuân theo những luật lệ  một cách cứng ngắc, bị lạc vào những chi tiết, gặp khó khăn trong việc quyết định bởi vì họ muốn có một quyết định hoàn hảo. Họ cẩn thận, chi tiết với lỗi lầm nhưng do bởi họ kềm chế tất cả nên họ gặp khó khăn trong việc thư giãn, nói đùa và thân mật với người khác.

Mặc dầu các tính chất ám ảnh và cưỡng chế có khuynh hướng đi với nhau bởi vì chúng biểu hiện các huyễn tưởng vô thức tương tự như nhau nhưng có một số người có một nhân cách ám ảnh với một chút cưỡng chế trong khi đó một số người khác lại có nhân cách cưỡng chế với một chút ám ảnh. Người ám ảnh là người luôn luôn “ trong đầu” có : suy nghĩ, lý giải, phán xét và nghi ngờ. Người cưỡng chế là người luôn luôn “làm và không làm”:dọn sạch, thu lượm, hoàn hảo.

Trong trị liệu, các cá nhân có nhân cách ám ảnh/ hoặc cưỡng chế cố gắng nhiều  để có được hợp tác nhưng lại chống lại nỗ lực của nhà trị liệu trong việc khám phá thế giới cảm xúc của họ.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc

Những người này thụ động và tuân phục quá mức với những mong ước của người khác.Họ thiếu sức mạnh và tự lực, họ tránh né trách nhiệm. Một số người đạt được thành công bằng cách thuyết phục người khác trợ giúp họ, trong khi đó lại không thừa nhận sự vô tích sự của mình. Một số người được trợ giúp bởi một người vợ hay chồng có tự lực hơn. Nếu để cho chính họ, họ sẽ có khó khăn trong việc đối mặt với những đòi hỏi và trách nhiệm của cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn nhân cách cảm xúc

Phân loại này có cả trong DSM và ICD  mặc dù không ở trong những rối loạn nhân cách , thay vào đó, nó được nhóm lại cùng với rối loạn cảm xúc bởi vì người ta nghĩ rằng nó có liên quan gần gũi với rối loạn này.  Mặc dù theo cách thông thường như vậy nhưng rối loạn nhân cách cảm xúc cũng được mô tả ở đây vì sự tiện ích theo phân loại.

Những người này có những bất thường kéo dài về điều chỉnh cảm xúc, có thể ở 3 dạng sau:

1.Rối loạn nhân cách trầm cảm: Người thường xuyên buồn rầu và bi quan với một chút khả năng hứng thú

2. Rối loạn nhân cách gia tăng khí sắc: Người luôn ở trạng thái gia tăng khí sắc nhẹ, quá mức lạc quan, dễ thực hiện những quyết định cẩu thả.

3. Rối loạn nhân cách khí sắc chu kỳ: Trong rối loạn này, là rối loạn quan trọng nhất trọng 3 loại, thay đổi khí sắc giữa buồn rầu và tình trạng tăng khí sắc theo thời kỳ hàng ngày cho đến hàng tuần với tần số đặc tính xảy ra đối với mỗi người.  Tính không ổn định này đặc biệt gây rối cho công việc và các mối quan hệ xã hội.

NHÓM B:

Nhân cách nhạy cảm và nghi ngờ

Rối loạn nhân cách dạng nghi ngờ:

Những người này nhạy cảm và nghi ngờ , họ không tin cậy vào người khác và nghi ngờ  động cơ của họ, họ dễ bị ghen tị. Họ dễ bị kích thích, tranh cãi, và cứng đầu.  Một số trong những người này có một cảm nhận về tầm quan trọng của bản thân và cho rằng có năng lực về một tài năng xuất chúng, mặc dù không thể đạt được tiềm năng của họ bởi vì họ hạ thấp hay bị người khác hiểu lầm.

Nhân cách giống phân liệt:

Những người này thường có cảm xúc lạnh lùng, cho rằng mình là đầy đủ, tách rời. Họ hướng nội và có thể có huyễn tưởng phức tạp về cuộc đời. Họ có biểu hiện một ít quan tâm đối với ý kiến của người khác và đeo đuổi một quá trình đơn độc trong suốt cuộc đời. Khi rối loạn nhân cách này quá mức, người này trở nên lạnh lùng, không có cảm xúc và thiếu nhạy bén.

Rối loạn nhân cách kiểu phân liệt:

Những người này thường kỳ lạ và có những ý tưởng khác thường ( Ví dụ như về thần giao cách cảm, cảm xạ...) hoặc ý tưởng bị chi phối. Ngôn ngữ của họ có tính trừu tượng, mập mờ, cảm xúc của họ có thể không thích hợp đối với tình huống. Người ta đã gợi ý rằng loại rối loạn nhân cách này có liên quan đến tâm thần phân liệt và trong ICD nó được phân loại cùng với tâm thần phân liệt và không chỉ như một loại trong các rối loạn nhân cách.

NHÓM C:

Nhân cách kịch tính và xung động

Rối loạn nhân cách kịch tính:

Những người này biểu hiện có tính xã hội, dễ chịu và biết giải trí nhưng cùng lúc họ là những người chú ý đến bản thân mình, dễ có những hào hứng ngắn ngủi, thiếu kiên định. Biểu hiện cảm xúc quá cực đoan có thể làm cho người khác mệt mỏi trong khi người đó phục hồi nhanh mà không có chút áy náy nào. Hành vi khiêu khích tình dục cũng thường thấy nhưng cảm xúc nhạy cảm thì lại không có. Có khả năng ngạc nhiên đối với việc tự lừa dối mình và có khả năng kiên định với những lời nói dối chi tiết lâu dài sau khi người khác đã nhìn thấy sự thật.

Rối loạn nhân cách ranh giới:

Thuật ngữ “ ranh giới” nói đến một sự phối hợp giữa những đặc tính có trong nhân cách kịch tính và nhân cách chống đối xã hội. Thuật ngữ xuất phát từ loại nhân cách chống đối xã hội và bỏ đi ý tưởng rằng tình trạng đó có liên quan  đến tâm thần phân liệt.Những người này có nhiều vấn đề, hầu hết những vấn đề có thể là một phần của rối loạn nhân cách khác. Bao gồm: không có khả năng thực hiện một mối quan hệ ổn định, cảm nhận chán nản thường xuyên, hành vi hủy hoại như tiêu xài phung phí, chơi game không kiểm soát được, hoặc ăn cắp, thay đổi khí sắc , những cơn giận dữ không biết trước, không chắc chắn về định dạng nhân cách của mình, đe doạ  hay hành vi tự tử xảy ra nhiều lần. Họ là những người bốc đồng và không có khả năng dung nạp được những sự kiện gây stress.

Rối loạn nhân cách ái kỷ: (chỉ có trong DSM)

Tính ái kỷ là sự tự thán phục mình một cách bệnh hoạn. Những người ái kỷ có cảm nhận lớn lao về tầm quan trọng của mình và bị bận rộn với các huyễn tưởng về thành công , quyền lực, và trí thông minh. Họ tìm kiếm chú ý ,lợi dụng người khác, và tìm kiếm sự quí mến nhưng lại không đáp trả lại.

NHÓM D:

Nhân cách gây hấn và chống đối xã hội:

Nhân cách chống đối xã hội là thuật ngữ dùng trong  DSM-IV, trong ICD-10, thuật ngữ đó là “ Dissocial” ( không hoà hợp xã hội). Những người này không duy trì được những mối quan hệ yêu thương và không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ có thể hành động một cách nhẫn tâm như là gây đau đớn, tàn bạo hoặc những hành động làm giảm đi phẩm giá của người khác. Họ có thể có sự ấm ám nông cạn và thiếu cảm giác nhạy cảm với người khác vì thế mối quan hệ của họ  có tính nông cạn và không lâu bền. Hôn nhân có thể có biểu hiện bạo lực đối với người phối ngẫu hoặc phớt lờ hay gây bạo lực đối với con trẻ. Nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng chia cách hay ly dị.

Hành vi bốc đồng và thiếu cố gắng tương ứng với mục tiêu có thể được phản ánh bằng một lý lịch việc làm không ổn định. Tính bốc đồng xung động, dung nạp được khó chịu kém  và có khuynh hướng bạo lực, thường dẫn đến việc vi phạm luật. Những vi phạm này có thể bắt đầu bởi những hành động phạm tội nhỏ nhưng sẽ tiếp tục với tội phạm nhẫn tâm và bạo lực. Thiếu cảm nhận tội lỗi và không thể học được từ kinh nghiệm dẫn đến hành vi tồn tại dai dẳng mặc dầu có hậu quả nghiêm trọng và hình phạt của luật pháp.
 

 BS.Phan Thiệu Xuân Giang

Nguồn: ​http://www.tamlyhocthankinh.com/tam-benh-ly/nhan-cach-va-cac-roi-loan-nhan-cach
giaoluatconggiao.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại679,614
  • Tổng lượt truy cập52,848,562

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây