Giả vờ kết hôn (Giáo luật 1101, § 2)

Thứ năm - 07/03/2019 03:09  2082
 

GIẢ VỜ KẾT HÔN

(GL 1101, § 2)

Lm. GB. Nguyễn Đăng Tuệ
 
Dẫn nhập
I. ĐỐI TƯỢNG BỊ LOẠI TRỪ TRONG GIẢ VỜ KẾT HÔN
    A. GIẢ VỜ TOÀN PHẦN (simulatio totalis)
    B. GIẢ VỜ MỘT PHẦN (simulatio partialis)
II. HÀNH VI LOẠI TRỪ TRONG GIẢ VỜ KẾT HÔN
     A. GIẢ VỜ KẾT HÔN
 B. HÀNH VI TÍCH CỰC CỦA Ý CHÍ
III. CHỦ THỂ LOẠI TRỪ TRONG GIẢ VỜ KẾT HÔN
IV. GỢI Ý PHÁN XỬ VỀ SỰ GIẢ VỜ KẾT HÔN

Dẫn nhập
1) Giáo luật 1057, §1 xác định sự ưng thuận là yếu tố làm nên hôn nhân : “Chính sự ưng thuận của đôi bên được biểu lộ cách hợp thức giữa những người có năng cách về mặt pháp lý làm nên hôn nhân và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy”.
Như vậy, có 3 điều kiện để một hôn nhân thành sự : 1/- “có năng cách về mặt pháp lý[1], cụ thể là không mắc 1 ngăn trở nào trong 12 ngăn trở tiêu hôn (x. đđ. 1083-1094) ; 2/- “sự ưng thuận của đôi bên” (x. đđ. 1095-1107) ; 3/- “(ưng thuận) được biểu lộ cách hợp thức”, cụ thể là được chứng hôn theo thể thức giáo luật (x. đđ. 1108-1123). Trong 3 điều kiện này, thì sự ưng thuận hôn nhân là yếu tố quyết định nhất.
“Sự ưng thuận là nguyên nhân đầy đủ và là nguyên nhân tác thành duy nhất của giao ước hôn nhân[2]”. “Bí tích Rửa Tội không phải là nguyên nhân tác thành hôn nhân nhưng là một đòi hỏi tiên quyết cần thiết để hôn ước có thể trở thành bí tích[3]”.
Hôn nhân bao gồm những quyền lợi rất riêng tư chi phối việc được quyền sử dụng thân xác của nhau, cho nên sự ưng thuận hôn nhân không thể được bổ túc bằng bất cứ cách nào bởi hệ thống pháp lý, hay bởi cha mẹ của các bên kết ước, hay bởi một quyền lực nào khác của loài người. Do đó, luật của loài người không thể nhìn nhận sự hữu hiệu của một hôn nhân, nếu hôn nhân này chứa đựng một hà tỳ làm cho nó vô hiệu chiếu theo luật tự nhiên, do bởi một khiếm khuyết hay bởi một hà tỳ căn bản trong sự ưng thuận về mặt tự nhiên[4].
2) Bản chất của sự ưng thuận hôn nhân được xác định ở Giáo luật 1057, § 2 :
“Sự ưng thuận hôn nhân là một hành vi của ý chí, nhờ đó một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi để tạo thành hôn nhân[5]”.
Ý chí là khả năng quyết định, chọn lựa. Nhưng không phải tự nhiên mà ý chí có thể quyết định, chọn lựa…; cũng không phải, khi muốn quyết định, chọn lựa điều gì…, thì ý chí cứ việc hành động một mình, mà không cần đến lý trí, bởi vì, tuy là hành vi thuộc ý chí, ưng thuận cũng là hành vi thuộc trí khôn. Sự ưng thuận phối hợp các cơ năng ý chí, tri thức, phân định. Các cơ năng này không thể hành động biệt lập với nhau, vì ưng thuận hôn nhân là hành vi của tất cả con người. Và vì vậy, giá trị của sự ưng thuận hôn nhân tuỳ thuộc mức độ hiểu biết tối thiểu về hôn nhân[6], (tuỳ thuộc) sự tự do chấp nhận những trách nhiệm của hôn nhân, (tuỳ thuộc) khả năng tâm lý có thể đánh giá sự lựa chọn cá nhân, (tuỳ thuộc) khả năng ưng thuận bằng một hành vi nhân linh và chu toàn những nghĩa vụ của hôn nhân.
Nói tóm, để hôn nhân thành sự, hành vi ưng thuận phải là hành vi nhân linh, nghĩa là phải có đầy đủ tự do, ý thức và hiểu biết. Không những vai trò của ý chí để muốn chấp nhận và được chấp nhận là quan trọng, mà ngay cả vai trò của lý trí trong việc hiểu biết về ý nghĩa của đời sống hôn nhân cũng cần thiết không kém.
“Tất cả bản chất của hôn nhân lệ thuộc vào ưng thuận nghĩa là vào sự trao hiến cho nhau giữa hai người phối ngẫu theo như họ thực hiện sự trao hiến đó cách cá vị, nghĩa là cách ý thức và tự nguyện[7]”.
    3) Ưng thuận và không ưng thuận hôn nhân
a) Giáo luật 1101, § 1 xác định : Sự ưng thuận trong lòng được suy đoán là phù hợp với những lời nói hay những dấu chỉ được sử dụng trong khi cử hành hôn nhân”.
Ưng thuận là hành vi bên trong của ý chí đồng ý một sự việc nào đó. Đây là một hành vi nội tại, ở sâu kín trong tâm trí con người. Hành vi nội tại ấy có thể được biểu lộ ra bên ngoài bằng những dấu hiệu như lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động. Thông thường, người ta coi những diễn tả bên ngoài là phù hợp với tâm ý bên trong. Trong hôn nhân, nếu các đương sự thực hiện những điều mà nghi thức chỉ dạy, thì phải coi đó là sự biểu lộ trung thực ý muốn bên trong của họ. Do đó, việc kết hôn của họ là thành sự.
Sự hiệu lực pháp lý của ưng thuận giữa hai bên được giả định hay chính xác hơn, được giả định là có sự phù hợp của ưng thuận giữa lời nói hay dấu chỉ được dùng trong cử hành hôn phối GL 1101, 1[8]”.
b) Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp là bên ngoài tỏ vẻ ưng thuận nhưng bên trong lại từ chối, bên ngoài chu toàn các nghi thức nhưng bên trong lại loại bỏ việc thực hiện ý nghĩa của các nghi thức đó.
 “Người ta không loại trừ trường hợp đôi khi có thể có sự không hoà hợp giữa tư tưởng và lời nói ra bên ngoài, và do đó có thể có sự vô hiệu lực pháp lý của ưng thuận, đó là khi 1 trong 2 người hoặc cả 2 bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân hoặc một trong yếu tố thiết yếu hay một trong những đặc điểm thiết yếu của hôn nhân GL 1101, 2[9]”.
Sự bất phù hợp giữa ý muốn bên trong và hành vi bên ngoài khi kết hôn, được gọi đơn giản là không thật lòng kết hôn, hoặc giả vờ kết hôn.
GIẢ VỜ KẾT HÔN
Giáo luật 1101, § 2 xác định thế nào là sự giả vờ kết hôn hoặc không thật lòng kết hôn : “Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, thì họ kết hôn với nhau bất thành”.
Theo điều luật 1101, § 2, một hôn nhân bất thành do giả vờ kết hôn, luôn bao gồm 3 yếu tố : 1) đối tượng bị loại trừ trong giả vờ kết hôn ; 2) hành vi loại trừ, và 3) chủ thể loại trừ.

I. ĐỐI TƯỢNG BỊ LOẠI TRỪ TRONG GIẢ VỜ KẾT HÔN

Đối tượng bị loại trừ trong giả vờ kết hôn khiến hôn nhân bất thành, là chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân”. Nếu loại trừ chính hôn nhân, thì là giả vờ toàn phần ; nếu loại trừ một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, thì là giả vờ một phần.

A- GIẢ VỜ TOÀN PHẦN (simulatio totalis)

Thẩm phán BRUNO viết : “Trong sự giả vờ toàn phần, thì chính hôn nhân bị loại bỏ và việc không ưng thuận đã khiến thực tại pháp lí không hiện hữu[10]”.
Còn thẩm phán SERRANO nói : “Trong loại trừ toàn phần, chú ý nhằm vào chính khế ướctính thành sự của hành vi ưng thuận[11]”.
Về phần mình, thẩm phán TURNATURI bảo : “Trong giả vờ toàn phần, người kết hôn đã toan tính và biết vấn đề, chỉ nhắm đến cái bề ngoài của việc cử hành hôn lễ trong khi người đó thực sự loại bỏ chính hôn nhân[12]”.
Đức Ông POMPEDDA viết : “Giả vờ hoàn toàn không hệ tại việc thiếu ý hướng kết hôn nhưng hệ tại sự có mặt của ý hướng không kết hôn’[13]”.

1. Ý niệm hôn nhân và loại trừ chính hôn nhân

  1. Ý niệm hôn nhân
      Giáo luật 1055, §1 xác định : “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống…”. Như thế, hôn nhân là cuộc sống chung (consortium) của đôi vợ chồng, là ‘sự hiệp thông vợ chồng[14].
  1. Loại trừ chính hôn nhân : loại trừ hôn nhân xét như là hôn nhân
Như trên, loại trừ chính hôn nhân là loại trừ cuộc sống chung (consortium) của đôi vợ chồng, loại trừ sự hiệp thông vợ chồng, loại trừ hôn nhân xét như là hôn nhân.
  • Thẩm phán SERRANO viết :
“Không bao giờ được quên rằng theo quy tắc của GL 1055 ; 1057, ưng thuận hôn nhân là một sự trao ban và đón nhận nhau được hai người thực hiện cho nhau khi kết hôn. Bởi vậy, về mặt luân lý nếu gần như chắc chắn rằng việc trao nhận giữa hai vợ chồng bị thiếu, thì trái với giả định của luật, việc loại trừ hôn nhân phát sinh từ đây[15]”.
  • Loại trừ hôn nhân xét như là hôn nhân, là khi :
 “hôn nhân được tìm kiếm nhằm những mục đích bất tương hợp với mối dây thánh thiêng, (…), hoặc khi một trong hai người hay cả hai người luôn coi mình là chủ của mình và tiếp nhận người kia không như bạn đồng hành nhưng như một đầy tớ phải tùng phục ý riêng mình, (…), hoặc khi người kết hôn từ chối cách rõ ràng hay ngấm ngầm việc hiến mình cho người kia trong một giao ước hợp lí, thì hôn nhân không thể được thực hiện, vì ưng thuận, yếu tố duy nhất làm phát sinh hôn nhân GL 1057, bấy giờ bị tước mất tính chất đặc thù của nó, vì trao hiến cho nhau mới làm nên hôn nhân[16]”.

2. Phẩm giá bí tích của hôn nhân và loại trừ phẩm giá bí tích hôn nhân

    “Chắc chắn phẩm giá bí tích phải được nhìn nhận như sự nâng cao giao ước hôn nhân lên trên tự nhiên (siêu nhiên), và bởi đó, nơi những người được rửa tội, chỉ có một giao ước hôn nhân duy nhất, và thực sự giao ước này là bí tích[17]”. 
  1. Tính bí tích trùng với chính hôn nhân
- “Vì các đặc tính chính yếu của hôn nhân nhờ bí tích mà có được sự vững bền đặc biệt GL 1056, nên rõ ràng là bí tích làm nên yếu tính của hôn nhân và vấn đề chính xác ở đây là hôn nhân được nhìn nhận là đã hoàn thành (in facto esse), nghĩa là hiệp thông trọn cả cuộc sống giữa người nam và người nữ, vì các đặc tính chính yếu vẫn gắn chặt với hôn nhân trong suốt cuộc sống lứa đôi. Đàng khác, người ta còn nhận xét đúng đắn rằng : “Không thể chấp nhận áp dụng vào hôn nhân đã hoàn thành, ý niệm bí tích theo nghĩa hẹp, ý niệm này chỉ được kiểm chứng trong hôn nhân đang chuyển thành (in fieri), hôn nhân - giao ước[18]”.
- “Người ta thấy có một loại suy chính xác với bí tích rửa tội, từ đây giống như từ nguồn suối, phát sinh sự sống của tín hữu kitô. Vì thế, nhờ bí tích được cử hành trong hôn nhân đang chuyển thành (mariage in fieri), hôn nhân giao ước, ơn sủng riêng của bí tích hôn nhân được ban xuống, để hoàn thiện tình yêu của những người kết hôn, và làm vững mạnh sự hợp nhất bất khả phân li của họ, nghĩa là sống đúng bậc sống lứa đôi, thực sự là hôn nhân đã hoàn thành (mariage in facto esse)[19]”.
 - “Ân sủng của bí tích chữa lành, hoàn thiện, nâng cao hôn nhân đã hoàn thành và ân sủng ấy bắt đầu hoạt động ngay khi tuyên bố ưng thuận kết hôn. Vấn đề ở đây là cùng một hôn nhân, cho dù nó được cứu xét dưới những khía cạnh khác nhau, khi người ta nói về hôn nhân giao ước, tức hôn nhân đang chuyển thành (mariage in fieri) và hôn nhân sự kiện, tức hôn nhân đã hoàn thành (mariage in facto esse). (“Hôn nhân giao ước là khế ước hôn nhân được cử hành, hôn nhân sự kiện là chính khế ước hôn nhân ấy đã được cử hành và được kéo dài với sự ưng thuận”) nhưng GL 1055, 1 khẳng định chắc chắn rằng giao ước hôn nhân, nghĩa là hôn nhân giao ước (đang chuyển thành) đã được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích cho những người được rửa tội, từ đó có kết quả này là nơi các tín hữu: khế ước hôn nhân và bí tích thực sự không thể khác biệt nhau. Vì đối tượng của sự ưng thuận hôn nhân được định nghĩa như là yếu tính của hôn nhân đang chuyển thành, đối tượng ấy là chính hôn nhân GL 1057, 2 nghĩa là “cộng đồng hôn nhân phát sinh từ khế ước như một sự hiệp thông trọn cuộc sống”, người ta khẳng định chắc chắn rằng “tính bí tích không phải là một đặc tính hay một yếu tố của hôn nhân nhưng nó trùng với chính hôn nhân[20]”.
  1. Loại trừ phẩm giá bí tích hôn nhân
    • Giả vờ toàn phần
Thẩm phán BRUNO viết : “Sự giả vờ toàn phần chỉ được kiểm chứng trong trường hợp, khi loại bỏ tính bí tích, người kết hôn có ý loại bỏ và phủ nhận chính hôn nhân[21]”.
“Nếu người kết hôn đã được rửa tội loại trừ điều không thể phân chia, nghĩa là bí tích hôn nhân chỉ là một với khế ước trong hôn nhân của các tín hữu kitô, thì chỉ có sự giả vờ hoàn toàn là cần được cứu xét, theo vài tác giả: ‘một phân tích thích đáng cho thấy: sự giả vờ toàn phần, do loại trừ, không phải loại trừ tính bí tích mà là (loại trừ) chính hôn nhân và phán quyết của tòa Rota thường xử lí các trường hợp tương tự đúng như thế[22]”.
Thẩm phán FALTIN xác định :
“Nếu quả thực giữa hai người đã rửa tội không thể có hôn ước thành sự mà không là bí tích do chính sự kiện đó, GL 1055, § 2, thì kết quả là, nơi hai người đã rửa tội, người nào bằng một hành vi tích cực của ý chí loại bỏ bí tích hay phẩm giá bí tích, thì do sự kiện đó, cũng loại bỏ hôn ước và chính hôn nhân[23]”.
Thẩm phán GIANNECCHINI bảo :
- “Giữa các kitô hữu, dù là người lạc giáo hay ly giáo hay bội giáo, không thể có khế ước hôn nhân thành sự mà đồng thời không có bí tích hôn nhân, nghĩa là không có bí tích nếu không có hôn nhân thành sự và ngược lại, không có hôn nhân nếu không có bí tích thành sự. Bởi đó, giữa các người được rửa tội không thể có hôn ước thành sự mà lại không phải là bí tích do chính sự kiện đó. Tuy nhiên, nếu một bên bằng lý trí và ý chí làm tổn thương tính bí tích của hôn nhân và loại bỏ tính bí tích đó, thì người đó thực hiện một hôn nhân không thành sự[24]”.
- “Ngoài ra, nếu không có chứng cứ ngược lại, nơi những người được sinh ra và giáo dục trong đức tin, sau đó đã mất đức tin và gắn bó với thuyết vô thần hệ thống vì những lí do xã hội hay kinh tế, thật khó để nói rằng lầm lẫn chi phối ý chí đến độ họ thực sự muốn kí kết một hôn nhân khác. Thật vậy, họ rất thường muốn một hôn nhân thực sự, như họ nói, được cử hành cách tự do và công khai trước giáo quyền và chính quyền. Những người này, dù chẳng màng đến những định đề của đức tin và thuyết vô thần, vẫn đạt được, cách không hoàn toàn ý thức, thực tại và hiệu quả của bí tích, bởi vì, ngoài việc thiếu vắng đức tin đã bị mất, thì ngay cả sự lầm lẫn, nếu có, về phẩm giá bí tích hôn nhân, tự nó cũng không làm cho sự ưng thuận bị hà tì, và vì việc biết hay nghĩ rằng hôn nhân của mình là vô hiệu không đương nhiên loại trừ sự ưng thuận. Rõ ràng là phải kết luận một cách khác, nếu các luận đề vô thần thâm nhập tâm trí của kẻ kết hôn đến độ ý chí của người ấy tìm hiểu những luận đề ấy theo khía cạnh của sự thật và của điều thiện[25]”.
- Đối với một kitô hữu không thực hành đạo thì sao ?
“Vấn đề thành rắc rối khi kẻ kết hôn dù đã được rửa tội, được giáo dục theo kitô giáo và hồi trẻ có giữ các giới luật của đức tin, nhưng từ từ theo dòng thời gian đã không còn thực hành tôn giáo, không còn nghĩ đến đức tin mà nó đã tuyên xưng và cuối cùng hoàn toàn sống vô tôn giáo; tuy không loại bỏ hay kết án tôn giáo nhưng hoàn toàn bỏ bê và không quan tâm đến tôn giáo. Bất chấp tình trạng tinh thần này, đôi khi người ấy vẫn đề cập đến những chuyện tôn giáo, vẫn đến nhà thờ cách tỉnh bơ, vẫn tham dự vào các nghi lễ khi có dịp. Vì vậy, nếu về sau, người này có cử hành hôn lễ ở nhà thờ, thì hiển nhiên là người ấy không có ý hướng đến bí tích, ít nữa là đến tính bí tích của hôn nhân, nhưng người ấy chỉ muốn kết hôn theo tập quán địa phương với các nghi thức như những người khác quen làm: người ấy không loại bỏ gì hết, không coi thường gì cả, vì người ấy không quan tâm đến tôn giáo hay đức tin. Tâm trí và ý hướng của người ấy, thay vì trái ngược và chống lại tôn giáo, thì đã vắng mặt và dửng dưng. Sự kiện thuận theo những gì kẻ khác làm trong thực hành quen thuộc đã làm phát sinh trong ý chí của kẻ kết hôn một hành vi tích cực và đặc thù đồng ý với một loại tương giao nam nữ, (là tương giao) sau này được nhà soạn giáo luật định ranh giới. Và bây giờ, nếu không có gì được muốn ngược lại với bản chất của hôn nhân và nếu hôn nhân tôn giáo được cử hành, thì vẫn phải giả thiết rằng hôn nhân được kí kết thành sự, như những người khác quen kí kết thành sự, vì trong trường hợp này không có bằng chứng về sự loại bỏ đức tin, ít nữa không có bằng chứng về sự thiếu ưng thuận đầy đủ. Điều này được xác nhận bởi thực hành của Giáo triều khi thường ban cấp việc điều trị tại căn cho hôn nhân của những người chỉ kết hôn về mặt dân sự[26]”.
    • Giả vờ một phần  
“Tuy nhiên, nếu theo khách quan hôn nhân và bí tích nơi các kitô hữu là một, thì phải tìm hiểu ý muốn của người kết hôn: “Người ta nhắc lại cách rất phù hợp giáo thuyết nói rằng nhắc đến tính bí tích của hôn nhân không làm quên đi bản chất khế ước của hôn nhân và đặc biệt không làm biến mất nguyên lí theo đó ưng thuận phải có tính cá nhân… Thực vậy, không phải đức tin, cách trực tiếp và tự nó, hay sự thiếu đức tin có tác động hữu hiệu và ảnh hưởng đến sự ưng thuận kết hôn và do đó, đến bí tích, nhưng qua ý hướng và đối tượng được đề nghị như đích nhắm của ý muốn, sự thiếu đức tin có thể làm cho tính thành sự của hôn nhân giữa các người đã được rửa tội bị hà tì. Do đó, nếu sự thiếu đức tin sinh ra lầm lẫn len lỏi vào tâm trí những kẻ kết hôn, khiến thực sự gây ra việc loại trừ tính bí tích của hôn nhân, thì không có vấn đề đặc biệt nào được đặt ra ngoài những gì liên quan đến việc giả vờ ưng thuận hoặc toàn phần hoặc một phần như người ta thường nói. Nói cách chủ quan, người kết hôn có thể có ý hướng trái ngược với sự thật của sự việc và hành động theo hướng này, và do đó người ấy có thể gây hà tì cho đối tượng của sự ưng thuận kết hôn, nếu nghĩ rằng phẩm giá bí tích của hôn nhân là điều gì đó tuỳ phụ trong hôn nhân, thì người ấy đã loại bỏ phẩm giá ấy, cho dù người đó muốn kết hôn: trong trường hợp này rõ ràng sự giả vờ một phần đã được thực hiện: “Nếu ai đó chỉ muốn loại bỏ phẩm giá bí tích, đang khi muốn đón nhận tất cả các đặc tính thiết yếu và mục đích của hôn nhân xét như cơ chế tự nhiên, thì tự mình, người ấy không loại trừ hôn nhân mà hắn thực sự muốn, nhưng chỉ loại trừ một yếu tố thiết yếu gắn liền với hôn nhân của những người được rửa tội, nghĩa là tính bí tích. Do đó, hôn nhân của người ấy không thành sự, không phải vì sự giả vờ hoàn toàn hay thiếu ưng thuận, nhưng chỉ vì sự giả vờ một phần, nghĩa là vì loại bỏ một yếu tố thiết yếu trong hôn nhân của những người được rửa tội[27]”.
Thẩm phán BRUNO khẳng định :
“Hôn nhân giữa hai người đã rửa tội được Chúa Giêsu nâng lên hàng bí tích, bí tích này là yếu tố thiết yếu được thêm vào định chế tự nhiên của hôn nhân như dấu chỉ hữu hiệu của ơn sủng siêu nhiên được ban cho hai người kết hôn. Từ sự kiện này, không thể có hôn nhân giữa hai người đã rửa tội mà đồng thời không phải là bí tích, và thật sự điều này không lệ thuộc vào ý muốn của những người kết hôn (GL 1055, § 2). Do đó, nếu ai đó chỉ muốn loại bỏ tính bí tích, đang khi vẫn muốn đón nhận các đặc tính thiết yếu và cứu cánh của hôn nhân xét như là cơ chế tự nhiên, thì tất nhiên, người ấy không loại bỏ hôn nhân mà họ thực sự muốn, nhưng chỉ loại bỏ một yếu tố thiết yếu gắn liền với hôn nhân của những người đã rửa tội, đó là tính cách bí tích. Do vậy, hôn nhân của người ấy vô hiệu không phải vì sự giả vờ toàn phần hay vì không có ưng thuận nhưng (vô hiệu) vì sự giả vờ một phần nghĩa là vì yếu tố thiết yếu của hôn nhân giữa hai người đã rửa tội[28]”.

B. GIẢ VỜ MỘT PHẦN (simulatio partialis)

Thẩm phán BRUNO xác định : “Trong sự giả vờ một phần, người kết hôn không loại bỏ hôn nhân mà nó muốn, nhưng việc ưng thuận bị hà tì do sự tích cực loại bỏ một đặc điểm thiết yếu hay một yếu tố của hôn nhân, loại trừ này làm cho hôn nhân vô hiệu, Giáo luật 1101, § 2[29]”.
Còn thẩm phán SERRANO bảo : “Trong loại trừ một phần, sự chú ý nhắm vào một đặc tính hay một cứu cánh tính chuyên biệt của hôn nhân[30]”. Về phần mình, thẩm phán TURNATURI viết : “Trong giả vờ một phần, người kết hôn ao ước một hình thức nào đó của đời sống hôn nhân (hôn nhân giả) phù hợp với ý nghĩ của người ấy, nghĩa là một sự hiệp thông (một cộng đoàn) hoặc không vĩnh viễn hoặc không độc quyền hoặc không nhắm đến việc sinh con cái[31]”.
  1. CÁC YẾU TỐ CHÍNH YẾU CỦA HÔN NHÂN
Thần học và Giáo luật trước Công đồng Vatican II phân biệt hai mục tiêu của hôn nhân : 1) sinh sản và giáo dục con cái ; 2) nâng đỡ nhau và chữa trị nhục dục. Dựa theo Hiến chếVui mừng và Hy vọng” số 48 của Cđ. Vatican II, Bộ Giáo Luật hiện hành không còn xếp cấp bậc các mục tiêu của hôn nhân nữa, nhưng chỉ kể ra những thiện ích của nó, tức là : sự trao phó cho nhau để nâng đỡ, giúp đỡ nhau, sự truyền sinh và giáo dục con cái (GL 1055, § 1).
Ngoài hai khía cạnh nằm trong định chế hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa, Giáo luật còn thêm một khía cạnh thứ ba, dành riêng cho các Kitô hữu, đó là : hôn nhân giữa hai người đã chịu Bí tích Rửa Tội còn là bí tích nữa (GL 1055, § 2).  
  1. Thiện ích của đôi bạn đi đôi với thiện ích của con cái
Những cứu cánh mà hôn nhân được sắp xếp vươn đến, chiếu theo chính bản chất của nó: đó là sự sinh sảnsự trợ giúp lẫn nhau (tăng tiến con người và thiêng liêng hỗ tương). Hai cứu cánh này khác biệt nhau, nhưng không tách biệt nhau.
Thực thế, nếu thể chế của hôn nhân không dành cho đứa con, thì sự liên hệ hôn nhân không có lý do hiện hữu. Nhưng nếu sự kết hợp hôn nhân chỉ nhằm mục đích sinh con, thì nó không xứng đáng với con người là kẻ phải được yêu thương, không phải vì lợi ích của người ấy, mà, tuyệt đối vì chính bản thân người ấy.
Sự kết hợp vợ chồng như vậy phải nhằm đến mục đích là một tình bạn yêu mến, mà tình bạn yêu mến này phải được xây dựng trên ý hướng sinh sản chung, hay nói chính xác hơn là trên ý hướng của gia đình phải xây dựng. Chính trong việc sinh sản, việc giáo dục con cái, cách cư xử hạnh phúc của gia đình, mà vợ chồng có nhiều cơ may nhất để làm nảy nở tình bạn yêu thương : ngược lại nếu chỉ tìm kiếm chính bản thân mình, thì vợ chồng sẽ gặp nhiều nguy cơ phá hủy tình yêu của họ và ít góp phần nhất vào việc làm cho họ phát triển.
                  Nói tóm :
- về phương diện bản chất sinh học mà sự kết hợp hôn nhân triệt để quy chiếu, thì cứu cánh sinh sản và giáo dục là ưu tiên ;
- về phương diện những người chỉ có thể chủ yếu được yêu thương vì chính bản thân mình, thì cứu cánh cá nhân (sự thăng tiến của người phối ngẫu, trong tình yêu, và sự thăng tiến của chính mình) là ưu tiên.
Dù thế nào, thì thiện ích của đôi bạn luôn đi đôi với thiện ích của con cái.
  1. Loại trừ thiện ích của đôi bạn (bonum coniugum)
Thiện ích của đôi bạn là cùng đích, chứ không phải chỉ là một giá trị hay một đặc tính của hôn nhân. Chữ ‘thiện ích’ trong nhóm chữ ‘thiện ích của đôi bạn’ không quy chiếu về hôn nhân, (như thể nó là một giá trị làm cho hôn nhân được tốt), nhưng quy chiếu về đôi bạn (theo nghĩa hàm chứa điều tốt đẹp cho đôi bạn) ; chữ ‘thiện ích’ đó không nói về một đặc tính của hôn nhân, nhưng nói về điều tốt, điều thiện, như sức khỏe, hạnh phúc, sự thịnh vượng…mà hôn nhân làm phát sinh ra hay dẫn tới. Rõ ràng ‘thiện ích của đôi bạn’ không phải là đặc tính, nhưng là cùng đích của hôn nhân, như GL 1055, 1 nói : “giao ước hôn nhân, tự bản chất, hướng về lợi ích của đôi bạn[32].
Như vậy, loại trừ thiện ích của đôi bạn là loại trừ hạnh phúc trong đời sống vợ chồng, đó là những hành động cụ thể như sau :
      1/ giấu không cho người phối ngẫu của mình biết hoàn cảnh cá nhân của mình (vd. Bệnh nan y nào đó), đang khi hoàn cảnh này chắc chắn quyết định mối liên hệ hôn nhân của họ. Sự giấu giếm này một phần có liên hệ tới sự lừa dối kết hôn nói ở GL 1098. Lại nữa, sự không có khả năng đảm nhận những đòi hỏi hàm chứa trong ‘thiện ích của đôi bạn’ xem ra trùng khớp với sự thiếu khả năng đảm nhận những quyền lợi và nghĩa vụ thiết của hôn nhân nói ở GL 1095, 2 & 3 ;
      2/ kết hôn với ý định làm hại, làm hư người phối ngẫu của mình, hoặc bắt chối bỏ đức tin, hay bắt sống một đời sống vô luân, thiếu đạo đức, hoặc tước bỏ của người phối ngẫu những khía cạnh thuộc phẩm giá căn bản của con người, chẳng hạn không cho người phối ngẫu có được sự tự do thể lý hay luân lý…[33].
      3/ không nhìn nhận người vợ hoặc chồng với giá trị của một con người và của một người bạn đời của mình, qua việc chối từ phẩm giá, sự tự do hoặc những quyền lợi căn bản của người phối ngẫu, hoặc từ chối xây dựng một cộng đoàn sống chung phu thê vì lợi ích của người phối ngẫu, trong một mối sự bình đẳng và bổ túc cho nhau[34].
  1. Loại trừ thiện ích của con cái (bonum prolis)
Loại trừ thiện ích của con cái là loại trừ việc sinh sản và giáo dục con cái.
Có những cặp vợ chồng tỏ ra dè dặt, ngại ngùng hoặc đưa ra những điều kiện tạm thời đối với việc sinh con, như : “không phải bây giờ”, “không có con cho đến khi ổn định”, “không có con cho đến khi chúng tôi sẵn sàng hay có đủ điều kiện để có”…
Nhưng, nếu cả hai bên đều dứt khoát có ý muốn về một cuộc “hôn nhân không con cái”, thì chẳng có hôn nhân nào cả, vì họ đã làm cho hôn nhân ra vô hiệu. Cặp đôi này muốn điều mà Giáo Hội không cung cấp, và bằng hành vi tích cực của ý chí, họ cũng loại trừ điều mà Giáo Hội cung cấp. Thật thế, hành vi tính dục – sự diễn tả thân mật nhất của tình yêu vợ chồng –  không chỉ được dùng cho sự kết hiệp giữa vợ chồng, nhưng còn được định đoạt để bảo tồn chính mình bằng việc hợp tác với công trình tạo dựng[35].
Loại trừ thiện ích của con cái thường là những hành động sau :
      1/ trước hôn nhân đã có ý định ngừa thai,
      2/ có sự quan hệ được bảo vệ để tránh sinh sản con,
      3/ sẵn sàng phá thai nếu lỡ mang thai,
      4/ khước từ lo cho tương lai của con cái, ngay cả sự chăm sóc căn bản ban đầu về đạo đức và vật chất, là điều cần thiết để tăng triển thể lý của con cái[36].
  1.  CÁC ĐẶC TÍNH CHÍNH YẾU CỦA HÔN NHÂN
Giáo luật 1056 xác định những đặc tính chính yếu của hôn nhân : “Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và sự bất khả phân ly, những đặc tính này có một sự bền vững đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo, vì có tính cách bí tích”.
  1. Đặc tính ĐƠN NHẤT (bonum fidei) : Thiện ích sự chung thuỷ
10/ Ý niệm và bản chất thiện ích sự chung thuỷ
Thiện ích sự chung thuỷ :
“là lòng chung thuỷ với nhau của hai vợ chồng trong việc hoàn thành khế ước hôn nhân của mình, đến nỗi điều gì chỉ thuộc về người bạn do khế ước được phê chuẩn bởi luật Thiên Chúa thì điều ấy không được phủ nhận cho người ấy cũng không được phép trao ban cho bất cứ ai[37]”.
20/ Loại trừ tính đơn nhất của hôn nhân
“Thiện ích chung thuỷ bị loại trừ bởi người không muốn trao hiến mình hoàn toàn cho người phối ngẫu GL 1057, 2 : ‘chúng tôi khẳng định rằng: kẻ nào khi kết hôn (“trong hành vi hôn nhân”) còn muốn, hoặc thực tế hoặc tiềm ẩn, dành lại khả năng trao thân xác mình cho những người đàn ông hoặc đàn bà khác, thì người ấy chống lại thiện ích của sự chung thuỷ và thực hiện việc giả vờ kết hôn. “Thiện ích chung thuỷ bị loại trừ khi một trong hai người kết hôn hoặc cả hai người thực sự loại bỏ bổn phận sống chung thuỷ nghĩa là không nhận bổn phận này. Không nhất thiết là kẻ kết hôn phải quyết định trao quyền trên thân xác mình cho người thứ ba ; chỉ cần hắn từ chối quyền độc hữu này đối với người phối ngẫu của mình, là hắn đã dành lại cho mình khả năng phạm tội ngoại tình (cũng đủ loại bỏ chung thuỷ rồi).
“Quyền này bị loại bỏ cách cụ thể khi người ta:
1) Ưng thuận với một giới hạn là không tôn trọng sự chung thủy ;
2) Cam kết với ý hướng chỉ ràng buộc mình với người phối ngẫu bằng một hạn chế, nghĩa là loại trừ bổn phận không được quan hệ với người khác.
3) Đòi buộc tích cực phải có quan hệ với người thứ ba.
4) Dành cho mình khả năng không tuân giữ lòng chung thủy[38]”.
  1. Đặc tính BẤT KHẢ PHÂN LY (Bonum sacramenti) : Thiện ích của bí tích
10/ Mọi hôn nhân đều bất khả phân li
    “Tính bất khả phân li là một đặc tính thiết yếu GL 1056, được Đấng Tạo Hóa thiết lập Cor 2,24 ; Mt 5,32 ; 19, 3-12 ; Mc 10, 3-13 ; Lc 16, 18. Sự bền vững được đặc biệt ghi dấu trong hôn nhân Kitô giáo nhờ bí tích GS 47, 49. Bất cứ hôn nhân nào được cử hành thành sự thì tự nội tại, đều tuyệt đối không thể phân li, vì đôi bạn không thể giải gỡ dây hôn phối bằng bất cứ cách nào. Tuy nhiên, tính bất khả phân li tuyệt đối ngoại tại chỉ thuộc về hôn nhân thành sự ; hôn nhân này là một bí tích của luật mới và được hoàn tất bằng một kết hợp xác thịt trọn vẹn. Khi đó hôn nhân ấy không thể bị phân li bởi bất cứ quyền lực con người hay bởi bất cứ nguyên nhân nào, trừ sự chết GL 1141. Nếu không đúng như thế thì dây hôn nhân có thể được tháo gỡ, hoặc nhờ đặc ân thánh Phaolô, hoặc nhờ quyền đại diện của Đức Giáo Hoàng GL 1142[39]
20/Loại trừ tính bất khả phân ly của hôn nhân
  • Sự loại trừ tuyệt đối và giả định tính bất khả phân li
Tính bất khả phân li của hôn nhân có thể bị loại bỏ cách tuyệt đối hoặc cách giả định :
“Loại trừ tuyệt đối là khi, độc lập với mọi điều kiện, hôn nhân bị trí khôn và ý chí bắt phải tùy thuộc một sự có thể hủy bỏ (hoặc sự hủy bỏ diễn ra trong thực tế hoặc sự hủy bỏ không diễn ra); loại trừ giả định là khi hôn nhân chỉ được kí kết như là thử nghiệm nghĩa là tuỳ thuộc điều kiện này là nếu mọi sự không tốt đẹp, hai vợ chồng cắt đứt giao ước và cả hai được tự do. Hành vi ý chí loại bỏ sự bền vững của dây hôn phối phải là tuyệt đối cho dù người kết hôn nghĩ rằng hoàn cảnh đủ để phân li, hành vi ấy có thể được coi là giả định bởi kẻ giả vờ: “Ở đây sự loại trừ tuyệt đối và giả định là không đủ; nhưng khả năng cắt đứt tuyệt đối và giả định của giây hôn phối là có đủ. Trong cả hai trường hợp, sự loại trừ phải là tuyệt đối để người ta có thể nói về sự vô hiệu của hôn nhân do sự loại trừ đó. Mặc dù, bằng một hành vi tích cực của ý chí, người nào dành cho mình quyền cắt đứt dây hôn phối, nếu có một hoàn cảnh nào đó được kiểm chứng, thì chắc chắn, do chính sự kiện đó, người ấy đã loại bỏ tính bất khả phân li của sự ưng thuận, và sự loại trừ này là có thực và tuyệt đối, chứ không giả định và người ta không thể nói rằng trong trường hợp này sự loại trừ tuỳ thuộc hoàn cảnh[40]”.  
  • Sự loại trừ cách giả định tính bất khả phân li và điều kiện cần có
    “Chắc chắn trong trường hợp loại trừ giả định tính vững bền của dây hôn phối, mối liên hệ với điều kiện và chính xác là với điều kiện chống lại bản chất của hôn nhân, phải được chỉ rõ: “không cần thiết phải có ý hướng tuyệt đối cắt đứt dây hôn phối bằng mọi cách, vì sự loại trừ thiện ích của bí tích, vốn kích thích hôn nhân, cũng được thực hiện do ý chí đặt điều kiện là hủy bỏ dây hôn phối, nếu xảy ra những biến cố nào đó, thí dụ nếu tình yêu hay sự hòa hợp không còn, hoặc nếu cuộc sống hôn nhân trở nên bất hạnh… Bởi đó, chỉ có một lí do duy nhất để sự loại trừ và điều kiện cùng giữ mối liên hệ rõ ràng đối với nhau. Quả vậy, nếu điều kiện hiện hữu, khi đó hiển nhiên là sự tương đồng lớn xuất phát từ cả hai phía: Thật vậy, chủ thể loại bỏ trong tâm trí mình nhờ một hành vi tích cực của ý chí, (chủ thể ấy) đã có điều gì đó (một hoàn cảnh) xa lạ với bản chất của ưng thuận, hơn nữa, điều gì đó không tương hợp (trong loại trừ) với bản chất này; ngoài ra, nếu chủ thể không đặt sự ưng thuận của mình tuỳ thuộc vào một hoàn cảnh như thế hoặc nói cách khác, tùy thuộc vào đối tượng của hành vi muốn, thì sự ưng thuận sẽ có trọn vẹn sức mạnh riêng mà nó có từ bản tính và được luật thừa nhận, và tự nó sự ưng thuận ấy tạo ra hôn nhân. Bởi vậy, về mặt tâm lí, không quan trọng việc người kết hôn, do một điều kiện nào đó, cắt bỏ một điều gì đó, và là điều gì cốt yếu trong trường hợp loại trừ, hoặc thêm điều gì đó, tự nó không cốt yếu, vào sự ưng thuận trong trường hợp đặt điều kiện, vì trong cả hai trường hợp, nhờ quyết tâm của mình, sự ưng thuận được đổi mới và được tái lập thoát khỏi hình thái hợp pháp của [41]”.

 

I. HÀNH VI LOẠI TRỪ TRONG GIẢ VỜ KẾT HÔN

A. GIẢ VỜ KẾT HÔN

  1. Giả vờ loại trừ
      ‘Giả vờ’ không phải là ‘loại trừ. Thậm chí giả vờ loại trừ có thể lại là không loại trừ, tức là đón nhận, chấp nhận. Giữa ‘giả vờ và ‘loại trừ’ không có mối quan hệ nào ; ‘loại trừ’ không phải là tất yếu của ‘giả vờ’. Nhưng khi kết hôn, nghĩa là khi trao đổi lời ưng thuận hôn nhân để kết lập giao ước hôn nhân tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống, hướng về lợi ích của đôi bạn, việc sinh sản và giáo dục con cái’ (GL 1055) mà cố ý loại trừ bản chất của giao ước này, thì đó là giả vờ kết hôn.
  1. Những nguyên tắc căn bản về sự giả vờ và ý niệm giả vờ kết hôn
  1. Những nguyên tắc căn bản về sự giả vờ[42]
     
Thẩm phán FALTIN viết :
“Luật pháp của Giáo Hội không thể xem thường hay không biết những nguyên tắc này của luật Roma, được dựa trên luật tự nhiên. Luật ấy qui định rằng không có kết ước thành sự nếu ưng thuận của kẻ kí kết là giả vờ hay giả tưởng, nghĩa là nếu bề ngoài, mọi sự có vẻ diễn ra đúng luật, trong khi ý hướng bên trong của người kết ước từ chối chấp nhận những bổn phận đến từ giao ước ấy. Luật này nhấn mạnh sự kiện này là : để có hôn nhân giữa hai bên, cần có ưng thuận được bày tỏ đúng luật giữa hai người có năng cách pháp lí, ưng thuận không thể được bổ sung bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào… do ưng thuận này mà một người nam và một người nữ trao hiến và đón nhận nhau nhờ giao ước không thể thu hồi để thiết lập hôn nhân” CIC 1057; 1055 Par. 1. (Rome, Italie, 21.10.1989, c. FALTIN, n.4, SRRD, vol. 8l, p.606).”
    “Do đó, nếu “ưng thuận bên trong được giả định là phù hợp với lời nói và cử chỉ bên ngoài trong khi cử hành hôn lễ”, thì nhà soạn luật qui định cách ngay thẳng và chính đáng rằng hôn nhân là không thành sự “nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí loại bỏ chính hôn nhân, hoặc một trong các yếu tố thiết yếu hay một trong các đặc tính thiết yếu của hôn nhân” CIC 1101, § 2.
    “Như thế, có sự giả tạo hay giả vờ ưng thuận kết hôn khi bề ngoài người kết hôn bày tỏ cách đúng đắn những lời nói diễn tả ưng thuận, nhưng bên trong người ấy không ưng thuận (Cf. GASPARRI, De Matrimonio, vol.II, n. 814). “Sự giả vờ này có thể liên hệ tới chính hôn nhân, khi bên trong, người kết hôn không muốn thực hiện hôn nhân theo bất cứ cách nào, hoặc khi kí kết hôn nhân Kitô giáo, người ấy muốn không làm những gì Đức Kitô và Giáo hội làm, nhưng theo đuổi lợi ích riêng của mình, và tuyệt đối loại bỏ cơ chế hôn nhân, khi ấy là giả vờ hoàn toàn, hoặc loại bỏ “một yếu tố thiết yếu hay một đặc tính thiết yếu của hôn nhân”, khi ấy là giả vờ một phần, vì người hành động như thế, muốn kết hôn nhưng loại bỏ các nghĩa vụ đến từ giao ước” (21.03.1980, c. BRUNO, SRRD, vol. 72, p.200-201)”.
  1. Ý niệm giả vờ kết hôn
Giả vờ kết hôn là bên ngoài thực hiện những gì nghi thức hôn nhân dạy làm, khiến cho người chứng kiến tưởng thật là có ưng thuận kết hôn, nhưng trong lòng không ưng thuận kết hôn.
Gọi là ‘giả vờ kết hôn’, khi người kết hôn có hành vi ‘loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân’.
GASPARRI viết : “Sự hư cấu hay giả vờ ưng thuận hôn nhân được kiểm chứng khi người kết hôn tuyên bố ra bề ngoài một cách nghiêm túc và xác đáng những lời nói bày tỏ ưng thuận, nhưng bên trong người ấy là không ưng thuận[43]”.
Còn thẩm phán GIANNECCHINI xác định : “Sự giả vờ không hệ tại sự thiếu vắng ý hướng kết hôn, nhưng hệ tại sự hiện diện của một ý hướng không kết hôn’ [44]”.
  1.  Nguyên nhân giả vờ kết hôn
  1. Ý niệm nguyên nhân giả vờ kết hôn
Nguyên nhân của sự giả vờ “là lý do đặc thù riêng biệt khiến người giả vờ đã quyết định hủy bỏ ưng thuận của mình[45]” ; “Nguyên nhân của sự giả vờ là lí do khiến người (mà) tích cực từ chối hôn nhân, hoặc từ chối hôn nhân xét như là hôn nhân, nghĩa là muốn hôn nhân bị tước bỏ mất những phẩm tính thiết yếu của hôn nhân, bị thúc đẩy diễn tả bằng lời những gì không có trong lòng nó[46]”.
  1. Đi tìm nguyên nhân giả vờ kết hôn
“Nguyên nhân của sự giả vờ có thể ở trong các điều kiện chủ quan hoặc cả trong các hoàn cảnh khách quan[47]”. Chẳng hạn như: không muốn kết hôn mà bị ép buộc kết hôn, không muốn kết hôn với người này mà vì một lý do nào đó lại phải kết hôn với người ấy, hoặc muốn kết hôn nhưng không muốn chấp nhận những yếu tố căn bản của hôn nhân (ví dụ : không muốn ăn ở vợ chồng, không muốn có con, lỡ mang thai, bị đe dọa bêu xấu vì đã quan hệ...).
Thẩm phán GIANNECCHINI ghi nhận :
“Nguyên nhân của sự giả vờ càng tỏ ra chung chung và mơ hồ thì giả định về ảnh hưởng của nó trên sự ưng thuận và giả định về sức mạnh thúc đẩy của nó càng kém, vì những gì tác động mạnh trên tâm trí thì không thể là bất định và mờ tối[48]”. Vì thế cần để ý, “chỉ sự hiện hữu của một nguyên nhân quan trọng thì không đủ để chứng minh sự giả vờ. Thật vậy, chứng minh rằng có một yếu tố hay một động cơ khách quan có thể là nguyên nhân sự giả vờ, và khẳng định rằng vì động cơ này sự giả vờ thực sự đã xảy ra, đó là hai chuyện khác nhau. Nếu không, thì phải nói rằng mọi kẻ tùy tình hình mà ở trong tình trạng này, thì tất nhiên phải giả vờ kết hôn[49]”.
Dù do nguyên nhân nào chăng nữa, sự giả vờ kết hôn (không thật lòng kết hôn) phải được thực hiện bằng một hành vi tích cực của ý chí, thì việc kết hôn mới bất thành.

B. HÀNH VI TÍCH CỰC CỦA Ý CHÍ

  1. Yếu tố cấu thành hành vi ý chí
“Ý chí xuất phát từ trí khôn con người hay ít ra có liên hệ chặt chẽ với trí khôn. ‘Sự vận hành hay hành vi mong muốn thuần lý, được cho là của ý chí (…). Để cấu thành hành vi ý chí cần có hai yếu tố: 1). Nhận biết cứu cánh hoặc nhận biết điều mà ý chí tìm kiếm từ phía trí khôn ; 2). Việc sử dụng ý chí bởi người ưng thuận (…). Thánh Toma khi xem xét tính đơn nhất của con người trong tiến trình muốn, đã đưa ra nhận xét rằng ‘ý chí chỉ ra mong muốn thuần lý… Hành vi của ý chí chính là một khuynh hướng xuất phát từ một nguyên lí nội tại của sự nhận thức’ [50]”.
  1. Sự cần thiết phải có hành vi tích cực của ý chí
  1. Thẩm phán GIANNECCHINI viết :
“Trong mọi hoàn cảnh, hiển nhiên cần chứng minh sự hiện hữu của một hành vi tích cực (…). Đối tượng chắc chắn và thực sự phải được xác nhận, vì điều gì được tìm kiếm chung chung theo một cách không rõ ràng thì là một hành vi của trí khôn hơn là của ý chí (…). Hành vi tích cực không xuất phát từ bản tính, từ những dự kiện tinh thần hay từ tính cách,… nhưng từ ý chí. Chỉ khi người kết ước, bằng việc biết và muốn, ít là tiềm ẩn, cho dù mặc nhiên, chứ không phỏng đoán, đã đạt được và muốn có một đối tượng chắc chắn rõ rệt, thì người ấy đã hủy hoại sự ưng thuận của mình, vì những giới hạn của sự ưng thuận được sắp xếp do ý chí chứ không do bản chất, cho dù xấu xa và cũng không do những dự kiện xấu của tâm trí, cho dù những toan tính này đã cắm rễ sâu trong tâm trí[51]”.
  1. Đối với hôn nhân thực sự, không thấy luật đòi phải có hành vi tích cực của ý chí để ưng thuận hôn nhân, như thẩm phán SERRANO viết :
 “Để kết hôn thành sự như luật giả định, người ta không đòi hỏi một hành vi vững chắc và kiên định của ý chí (…). Để một giả định đối lập và bất hợp pháp không phát sinh trong tâm trí, nghĩa là để có sự ưng thuận, thì chỉ cần phản ứng đã trở thành tự nhiên, theo thói quen của con người khi sử dụng ý chí và một chú ý yếu ớt[52]”. Còn thẩm phán GIANNECCHINI bảo : “Để hôn nhân thành sự, không có chỗ nào quy định người kết hôn phải công khai chấp nhận các đặc tính, các yếu tố hay các thiện ích của hôn nhân[53]”.
  1. Nhưng trong trường hợp ưng thuận không có hôn nhân, hoặc ưng thuận một hôn nhân khác với hôn nhân đang cử hành, hay khác với cách hiểu và quy định của luật, thì luật đòi phải có hành vi tích cực của ý chí (không cần phải “thật tích cực[54]”), nghĩa là trong hoàn cảnh cụ thể nhất định là việc kết hôn đang diễn ra, ý chí của người kết hôn không được để mình bị chi phối bởi người khác hoặc bởi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng phải tự mình hành động, với hết khả năng và tâm trí dồn vào việc muốn không có hôn nhân, hoặc muốn một hôn nhân khác với hôn nhân đang cử hành, hay khác với cách hiểu và quy định của luật. Thẩm phán GIANNECCHINI viết :
 “Để có giả vờ, luật đòi phải có một hành vi được hoàn thành cách ý thức. Thật vậy, nếu nhờ ưng thuận mà hôn nhân được thiết lập, thì sự giả vờ cũng cần được chứng minh bằng một hành vi nhân linh đi ngược với lời nói bày tỏ ra bên ngoài, để sự biểu lộ bề ngoài của ưng thuận bị phá hủy[55]”. Nói cách khác, “việc đòi hỏi phải có hành vi tích cực của ý chí xác định rõ yếu tính và các giới hạn của giả vờ[56]”.
  1. Bản chất hành vi tích cực của ý chí
Thẩm phán GIANNECCHINI xác định rằng:
“hành vi tích cực là (hành vi) được hoàn thành, được muốn với suy nghĩ cân nhắc tính toán, được quyết định và trổi vượt, là hành vi nhắm đến một đối tượng được xác định và riêng biệt, nghĩa là hoặc chính hôn nhân hoặc một đặc tính thiết yếu, hoặc một yếu tố thiết yếu ; hành vi (tích cực của ý chí) chối bỏ và loại trừ cách rõ rệt hôn nhân này, hoặc đặc tính này hoặc yếu tố này (…). Hành vi tích cực cũng có thể là mặc nhiên (ngấm ngầm). Hành vi chỉ tích cực… nếu nó được hoàn thành cách ý thức và có tính toán, nó phát sinh hiệu quả hủy diệt: quả thực nó hoàn toàn phá hủy ý muốn kết hôn thực sự và riêng biệt[57]”.
  1. Thế nào là hành vi tích cực của ý chí ?
  1. Cái không phải là hành vi tích cực của ý chí
- “Một hành vi tích cực nào đó của sự giả vờ rất thường bị bỏ dang dở, nghĩa là không được hoàn thànhhoặc vì những người kết hôn ngu dốt thậm tệ và sống trong sự sao nhãng hoàn toàn, cùng thiếu hiểu biết về đời sống tôn giáo, hoặc vì, do thiếu sống đạo, họ bình tâm thích thú trong những học thuyết sai lạc, hoặc vì, do thiếu cơ hội hay thiếu động lực, tâm trí không cảm thấy bấp bênh nào, nghi ngờ nào hay rối loạn nào, họ không có ý tưởng nào về bản chất hay những đặc tính thiết yếu của hôn nhân, hoặc họ không biết gì về những điều hàm chứa đặc biệt trong khế ước hôn nhân[58]”.
- “Cũng không đáng được gọi là hành vi tích cực: ý hướng thông thường, ý hướng có tính giải thích, cách suy nghĩ của tâm trí, những lầm lẫn, tính hay chiều theo những ý tưởng sai lầm và sự diễn bày chúng, những ước muốn, những lời nói hay những tuyên bố nói ra lúc đùa giỡn hay khi hứng khởi, khuynh hướng bỏ bê bổn phận, hoặc dự định, dù nền tảng, có thái độ này…Tất cả đều không phải là hành vi tích cực (của ý chí), vì những dự kiện này của tâm trí không chi phối ý chí[59]”.
  1. Cái là hành vi tích cực của ý chí
  • Theo thẩm phán GIANNECCHINI, để có hành vi tích cực của ý chí :
“mỗi bên, trong lúc trao ban sự ưng thuận, không được giới hạn vào ý nghĩ là mình sẽ không bao giờ sử dụng đời sống lứa đôi với người mà mình kết hôn, hoặc (ý nghĩ là) mình sẽ không bao giờ ăn ở vợ chồng, hoặc (ý nghĩ là) mình không bị ràng buộc vào mọi nghĩa vụ, hoặc nghĩ đến một hôn nhân khác mà mình tin rằng có thể kết ước trong tương lai, nhưng mỗi bên cần xác định tinh thần của mình về việc loại trừ sự ưng thuận, về ý thức liên quan đến hành vi không ưng thuận, nghĩa là ý thức về sự đối lập giữa điều mình tuyên bố và sự biểu lộ của ý chí[60]”.
  • Vẫn thẩm phán GIANNECCHINI viết :
“Ý chí của người giả vờ toàn phần hay giả vờ một phần phải trực tiếp đạt đến đối tượng của nó, và cuối cùng (đạt đến) điều nó đã muốn, (đạt đến) điều nó đã không thể đụng tới vì không biết, (đạt đến) điều nó đã chịu đựng, hay điều nó đã ước mong, hoặc điều nó đã loại trừ, (ý chí đó) nhất thiết phải được làm sáng tỏ và chứng minh. Một ý chí cùng một lúc vừa muốn vừa không muốn hôn nhân hay loại trừ một trong những thiện ích của hôn nhân, mặc dù chấp nhận hôn nhân, (ý chí đó) tuyệt đối không thể hiểu được, không chỉ về phía người kết hôn có tâm trí lành mạnh, nhưng còn vì bản chất của các sự việc, xét vì trong những trường hợp giống nhau, một hành vi được hoàn thành không thể không ý thức và không tính toán. Người kết hôn có thể không biết hệ quả pháp lí của việc mình làm, nhưng không thể không biết đối tượng mình muốn. Những quyết định biệt loại, chung chung, đa dạng, hay thay đổi, đa nghi thì không quan trọng bao nhiêu, ít nhất là đối với chứng cớ[61]”.
  1. Lầm lẫn trong loại trừ
“Lầm lẫn hay sai sót về mặt lí luận nằm ở trong trí khôn. Quả vậy, lầm lẫn là sự không tương xứng hay không phù hợp của trí khôn với sự vật, và lầm lẫn được định nghĩa là phán đoán méo mó về sự vật. “Tuy nhiên, lầm lẫn có thể xâm chiếm cá tính của tác nhân đến mức người này không thể muốn điều gì khác hơn điều được suy nghĩ cách lầm lẫn trong tâm trí; trong trường hợp này, như một nguyên nhân tất yếu, lầm lẫn sinh ra một hành vi do ý chí đưa ra”. Có thể có trường hợp lầm lẫn thâm nhập và lôi kéo cá tính của người kết hôn đến độ người này không thể muốn khác với điều mình suy nghĩ, không hành động hay không hành xử khác hơn điều ý chí lay động trong tâm trí người ấy. Trong trường hợp này, người ta có thể nói rằng lầm lẫn khiến cho hôn nhân bất thành không phải trong chính lầm lẫn cho bằng đúng hơn, (bất thành) vì ý chí bị hà tì do lầm lẫn[62]”.

III. GỢI Ý PHÁN XỬ VỀ SỰ GIẢ VỜ KẾT HÔN

Nếu chỉ những người nam nữ có năng cách về mặt pháp lý mới làm nên hôn nhân qua việc biểu lộ cách hợp thức sự ưng thuận của đôi bên (x. GL 1057), thì tác nhân giả vờ kết hôn khiến hôn nhân vô hiệu cũng chỉ là hai người phối ngẫu đối với hôn nhân của chính họ, chứ không phải ai khác, và đối với cái gì khác. Thậm chí, chỉ cần một bên không thật lòng kết hôn cũng đủ làm cho hôn phối giữa hai người bất thành (x. GL 1101, §2).

1. Điều kiện để xem xét sự giả vờ kết hôn

      Theo thẩm phán TURNATURI, không tìm ra nguyên nhân của sự giả vờ, thì “không được xem xét đến sự giả vờ[63]”.

2. Không để mình bị chi phối bởi giả định của luật

  1. Giả định của GL 1101, § 2
Chữ ‘NẾU’ được đặt ở đầu của Giáo luật 1101, § 2 nêu lên một giả thiết, một giả định, một điều kiện (‘bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân’) để nói rõ cái sẽ xảy ra hoặc có thể xảy ra là sự vô hiệu của hôn nhân.
Yếu tố ‘giả thiết’ hay ‘giả định’, cần được lưu ý hơn (yếu tố) quan hệ tương ứng hay quan hệ giải thích giữa hai sự việc có thật. Quả thế, ‘giả định, giả thiết’ là coi điều nào đó như là có thật, lấy đó làm căn cứ, như thẩm phán SERRANO bảo : “Sự giả định, trước hết và tự thân, là một phương tiện làm bằng chứng (GL 1505)[64]”.
Giả định của GL 1101, § 2 chỉ là (giả định) theo luật, nên để chứng minh có sự giả vờ kết hôn, thẩm phán phải tìm cho được các bằng chứng thuyết phục, đến nỗi không thể có một nghi ngờ thận trọng và hữu lý nào.
  1. Loại suy từ giả định của GL 1060
      Cũng như đối với giả định của GL 1060, thẩm phán không được để mình bị chi phối bởi giả định, khi điều tra, tìm bằng chứng :
“Cần lưu ý điều này là trong khi tìm kiếm bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp, thẩm phán nghiên cứu vấn đề, không vội lưu tâm đến giả định của GL 1060, để mình không bị thiên kiến chi phối. Dĩ nhiên thẩm phán có thể viện dẫn giả định này. Giả định này, trong một số hoàn cảnh, ủng hộ dây hôn phối hơn ủng hộ người từ chối dây hôn phối ; tuy nhiên (thẩm phán lưu tâm đến giả định) không phải là trong lúc điều tra, nhưng chỉ khi vấn đề đã được kết thúc đúng đắn và mọi sự đã được cân nhắc, so sánh, xem xét, mà trong tâm trí của ông vẫn còn tồn tại một nghi vấn nghiêm trọng (…). Sẽ là có lỗi nếu thẩm phán, với kiến thức, sự thận trọng và sự công minh được gợi lên trong khi điều hành công lý, mà lại trốn tránh trách nhiệm xử án; và vì sợ sai lầm, lại dễ dàng hướng về GL 1060[65]”.

3. Phân biệt Bí tích Rửa Tội và việc kết hôn

  • “Không được lẫn lộn giữa đức tin và ý muốn của người kết hôn: đây là hai thực tại khác nhau (…). Trong khi đánh giá sự ưng thuận, người ta cũng không thể nại đến bí tích rửa tội đã lãnh nhận xưa kia, như chứng cứ về sự thẳng thắn trong ý hướng của kẻ kết hôn. Thực vậy, bí tích rửa tội không phải là nguyên nhân tác thành hôn nhân nhưng là một đòi hỏi tiên quyết cần thiết để hôn ước có thể trở thành bí tích[66]”.
  • Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26-01-2013, dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc Năm Tư Pháp mới, ĐTC Bênêđictô XVI nhận xét rằng:
 “Giao ước bất khả phân ly giữa người nam và người nữ, để thành bí tích, không đòi phải có đức tin bản thân của đôi hôn phối, nhưng chỉ đòi điều kiện thiết yếu là ý hướng làm điều mà Giáo Hội làm”.
  • Ngày 22-01-2016, tại Hội trường Clêmentine, Vatican, trong bài huấn từ nhân dịp tiếp Toà Thượng thẩm Rota trong buổi tiếp kiến thường niên, khai mạc Năm Tư Pháp, ĐTC Phanxicô khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân và nói rõ tình trạng ‘đức tin cá nhân’ non kém không thể được coi là bằng cứ để tìm đến việc tiêu hôn. ĐTC nói với các vị hữu trách Toà Rota:
“Cần khẳng định rõ ràng phẩm chất của đức tin không phải là điều kiện cốt yếu trong sự ưng thuận kết hôn”. Sự ưng thuận - cơ sở chính để toà án điều tra tính hiệu lực của hôn nhân - “theo giáo huấn lâu đời, chỉ có thể bị suy giảm trên bình diện tự nhiên mà thôi”, ĐTC nhắc lại với các vị thẩm phán Rota…“Việc thiếu huấn luyện về đức tin cũng như sai lỗi liên quan đến tính duy nhất, bất khả phân ly và phẩm giá bí tích của hôn nhân chỉ có thể làm cho sự ưng thuận của hôn nhân trở nên vô hiệu nếu những thiếu sót đó có tác động quyết định đến ý chí. Chính vì lẽ đó, cần phải thận trọng xem xét những sai lỗi liên quan đến bản chất bí tích của hôn nhân”.

4. Thu thập và đánh giá chứng cớ sự giả vờ

    “Vì con người chọn điều gì đó cách tính toán trong sự đơn nhất của mình và vì sự ưng thuận kết hôn hướng đến một đối tượng duy nhất đó là hôn nhân GL I057, 2, nên các chứng cớ chắc chắn phải được thu thập và đánh giá cách đồng bộ[67]”.
  1. Thu thập chứng cớ giả vờ
  • Chứng cớ giả vờ:
 “thường tìm thấy trước tiên trong lời thú nhận của kẻ đã giả vờ ; không chỉ là lời thú nhận tư pháp mà nhất là lời thú nhận ngoài tư pháp, được nói với các nhân chứng đáng tin, hoặc lời thú nhận này được biểu lộ hiển nhiên trong cách cư xử và ứng xử của kẻ bị coi là đã giả vờ. Nhiều khi các sự kiện còn mạnh mẽ hơn lời nói. Không thể bỏ qua tính tình, tính cách và những biểu hiện cá tính của người đã giả vờ, kể cả giáo dục tôn giáo, luân lí, văn hóa, xã hội,…của người ấy[68]”.
  • Lưu tâm đến:
 “Chứng cớ giả vờ xuất phát từ : (…) sự thú nhận ngoài tư pháp của kẻ được giả định là giả vờ ; sự thú nhận này được các nhân chứng đáng tin thuật lại trước tòa. Các nhân chứng này đã biết lời thú nhận này trước hôn nhân: ‘cần nghe những nhân chứng trung thực, những người biết ý hướng giả vờ qua những lời khai được thực hiện không phải để chúng được nổi bật hay được thổi phồng cách tuỳ tiện[69]”.
“Người ta cũng chắc chắn rằng có thể có được bằng chứng theo sơ đồ của phán xử truyền thống, khi có ba yếu tố cùng một lúc: việc thú nhận tư pháp và nhất là ngoài tư pháp của người giả vờ, được thực hiện với các nhân chứng có uy tín vào thời điểm không đáng ngờ; nguyên nhân nghiêm trọng và tương ứng của sự giả vờ khác với mục tiêu của khế ước; các hoàn cảnh trước, đồng thời và sau kết hôn ; những hoàn cảnh này làm cho sự giả vờ không chỉ có thể được thực hiện mà còn khả thi và đáng tin. Dù đôi khi khó có bằng chứng nhưng người ta không được coi là không thể, ngay cả khi người giả vờ chối bỏ nó trong khi xét xử[70]”. Các thẩm phán cần lưu tâm điều này khi lấy lời khai.
  1. Đánh giá chứng cớ sự giả vờ
10/Chứng cớ cần đánh giá trước tiên
“Việc thú nhận tư pháp được nhìn nhận như khởi đầu của chứng cớ trong việc tìm hiểu hành vi tích cực của ý chí trong những gì liên quan đến việc loại bỏ một đặc tính hay một yếu tố thiết yếu của hôn nhân. Việc thú nhận này cần được xác nhận bởi các nhân chứng đáng tin cậy, nhưng lời thú nhận ấy cũng có thể được chứng minh bằng các sự kiện, nếu các sự kiện này có nhiều, đồng nhất và chắc chắn[71]”.
20/ Chứng cớ luôn luôn khó chứng minh
- “Chứng cứ của sự giả vờ tự bản chất là khó, trước hết vì đó là một hành vi bên trong của người giả vờ được giả định, mà chỉ mình Thiên Chúa biết trực tiếp, tiếp đến vì cũng phải thắng vượt sự giả định, do luật đặt ra, về sự phù hợp giữa ý hướng bên trong với biểu lộ bên ngoài của sự ưng thuận GL 1101, 1[72]”.
- “Người ta khẳng định rằng rất khó đưa ra bằng chứng của mọi sự giả vờ trong xét xử, vì đó là một hành vi bên trong và vì sự giả vờ bị hai giả định của luật chống lại nó : ân huệ mà hôn nhân được hưởng GL 1060; GL 1104 và giả thiết rằng ưng thuận bên trong của tâm trí là phù hợp với lời nói và dấu chỉ được sử dụng trong cử hành hôn lễ[73]”.
    30/ Khó phân biệt giả vờ toàn phần và giả vờ một phần
  • hai hình thức giả vờ :
 “Sự phân biệt giữa hai hình thức giả vờ được dựa trên nền tảng là trong mỗi loại giả vờ, hành vi tích cực của ý chí nhắm tới một đối tượng khác nhau. Trong sự giả vờ toàn phần, nội dung và hiệu quả của biểu lộ ý muốn là đối tượng này : chủ thể có ý thức và có tính toán, không muốn điều xảy ra tiếp sau cái vẻ bề ngoài của hôn lễ, nhưng muốn rằng sự cử hành chỉ là một hư cấu thuần túy. Trong sự giả vờ một phần thì ngược lại, chủ thể không những không loại trừ nội dung và hiệu quả của sự biểu lộ, mà đối tượng bị loại trừ của hành vi tích cực của ý chí chỉ là một khía cạnh của hôn nhân. Người ta có thể nói rằng chủ thể muốn kết hôn, đồng thời giản lược hôn nhân vào một cái sơ đồ khác sơ đồ do Giáo hội đề ra. Nói cách khác, trong giả vờ một phần luôn có sự thiếu hòa hợp giữa ý muốn kết hôn của chủ thể với ý muốn theo trật tự pháp lý của giáo luật; thực vậy, trật tự này muốn nhìn nhận những hiệu quả pháp lý nơi ý muốn của chủ thể chỉ khi ý muốn này hiện diện trong kế hoạch mà trật tự pháp lý của Giáo hội chuẩn bị[74]”.
  • Dù khó phân biệt ‘giả vờ toàn phần’ với ‘giả vờ một phần”, nhưng giữa hai hình thức giả vờ này, vẫn có khác biệt :
 “trong giả vờ toàn phần người kết hôn có ý định không kết hôn nghĩa là không muốn tạo nên một sự hiệp thông trọn đời sống với đối tác của mình, đang khi đó, trong giả vờ một phần chủ tâm của đương sự hướng đến một hôn nhân được quan niệm theo ý nghĩa của đương sự và được thích nghi với quan niệm và dự định của đương sự[75]”.
    40/ Đánh giá sự thú nhận của người giả vờ
Sự thú nhận tư pháp của kẻ giả vờ, nếu có nhiều đặc điểm và tính chất tạo nên lời thú nhận GL 1535-1536, thì chỉ có thể có giá trị chứng minh đầy đủ, nếu có thêm các yếu tố xác minh cho sự thú nhận. Trong trường hợp này, cần quan tâm đặc biết đến bản chất, tính tình, sự giáo dục, sự dạy dỗ, cách ứng xử của người thú nhận, mà không quên tính đáng tin của nó, điều này cho phép đánh giá tầm quan trọng của việc thú nhận[76]”.

5. Phân biệt nguyên nhân giả vờ và động cơ kết hôn

10/ Nguyên nhân giả vờ
 “Cần làm rõ nguyên nhân của sự giả vờ nghĩa là lý do đặc thù riêng biệt khiến người giả vờ đã quyết định hủy bỏ ưng thuận của mình, và nếu không có lí do ấy thì không được xem xét đến sự giả vờ. Nguyên nhân của sự giả vờ là lí do khiến người (mà) tích cực từ chối hôn nhân, hoặc từ chối hôn nhân xét như là hôn nhân, nghĩa là muốn hôn nhân bị tước bỏ mất những phẩm tính thiết yếu của hôn nhân, bị thúc đẩy diễn tả bằng lời những gì không có trong lòng nó. Nguyên nhân của sự giả vờ có thể ở trong các điều kiện chủ quan hoặc cả trong các hoàn cảnh khách quan[77]”. Dĩ nhiên nguyên nhân này được thúc đẩy từ một động cơ nên: “Cần điều tra động cơ thúc đẩy kẻ kết hôn giả vờ ưng thuận, từ đó dẫn đến việc giả vờ này. Nguyên nhân này chắc chắn phải nghiêm trọng và tương ứng như động cơ kết hôn[78]”.
  • Dấu chỉ về nguyên nhân giả vờ kết hôn :
  • 1) Nguyên nhân giả vờ kết hôn có thể nằm ở chỗ loại bỏ hôn nhân tôn giáo, coi thường và loại bỏ tính bất khả phân li và tính bí tích của hôn nhân ; coi hôn nhân trước mặt Giáo Hội ở nhà thờ chỉ như trước Hội đồng Thành Phố ; coi nhà thờ như khách sạn thành phố ; chỉ muốn hôn nhân dân sự ; cử hành hôn lễ ở nhà thờ, là vì yêu cầu hoặc tình trạng sức khỏe của cha mẹ ; trước lễ không có xưng tội, trong lễ không có rước lễ ; sau lễ, không ghi việc cử hành vào bên lề sổ rửa tội của ai… ;
  • 2) Nguyên nhân giả vờ kết hôn, cũng có thể là não trạng vô thần, quan niệm sai lầm của người kết hôn về cuộc sống đến độ có thể phải tự hỏi về khả năng phân định, nhận định, phán đoán của người ấy…; 3) Nguyên nhân giả vờ kết hôn, cũng có thể là thói quen thích hành xử theo ý riêng và sở thích riêng ; không lo lắng nhiều đến những người khác…
20/ Động cơ kết hôn
- “Ở thời chúng ta, người ta không thể giả định rằng những người kết hôn, dù biết đầy đủ giáo thuyết của Giáo Hội mà vẫn cứ sống trong sai lầm, thì đã muốn kết hôn bằng một ý hướng chung và trổi vượt, đúng như Thiên Chúa thiết định,… người ta không thể chờ đợi chuyện kẻ kết hôn ở trong tình trạng chống lại quyền bính Thiên Chúa lại muốn bày tỏ một ưng thuận hôn nhân thực sự cách trổi vượt do động cơ tôn giáo[79]”.
- Dấu chỉ về động cơ kết hôn: Động cơ kết hôn (cử hành hôn lễ) có thể là lợi lộc, vật chất : kết hôn để được giàu có, sung sướng. Trong thực tế, một người kết hôn có thể vì một mục đích cụ thể khác, ví dụ : vì gia đình bên kia giàu có, vì muốn vừa lòng gia đình, vì muốn đi ngoại quốc…. Động cơ kết hôn hay mục đích hành động hay mục đích ngoại tại này, finis operantis, có thể hiện diện mà hôn nhân vẫn thành sự, nếu nó chỉ là tùy phụ, không loại trừ hay lấn át finis operis. Nhưng nếu finis operantis loại trừ hay hoàn toàn lấn át finis operis, thì việc kết hôn chỉ là giả vờ hay không thật tâm : và hôn nhân bất thành. Chẳng hạn: một nguời kết hôn vì muốn đi ngoại quốc, sau đó kiên quyết chống lại việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đời vợ chồng ; hoặc tìm cách bỏ đi ngay khi có cơ hội thuận tiện; như vậy là không muốn chấp nhận mục đích nội tại của hôn nhân, không hề muốn kết hôn theo ý nghĩa được Đấng Tạo Hoá an bài cho hôn nhân. Hôn nhân vô hiệu.

6. Lưu ý với các nhân chứng, các lời khai

  • Theo thẩm phán GIANNECCHINI:
“có nhiều nhân chứng không khai những gì là thật cho bằng những gì họ cho là có lợi để những người liên quan trọng vụ án – có lẽ họ là thân nhân hay bạn bè – bằng mọi cách, có được tự do thoát khỏi ràng buộc hôn nhân. Nhiều người trong số các nhân chứng này không cho rằng cách hành động như thế (dù họ thề thốt 2 lần: nói sự thật, và đã nói sự thật) là đánh lừa Giáo Hội và là sự gian dối xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng họ nghĩ rằng đó là một hành vi bác ái vì họ làm việc đó để giúp đỡ bạn trong khi cần[80]”.
  • Vẫn thẩm phán GIANNECCHINI ghi nhận :
- “Đánh giá các nhân chứng không luôn luôn là một việc dễ dàng, nhất là khi họ ở hai nhóm đối nghịch nhau và cùng ủng hộ kẻ đã kéo họ vào vụ án. Tất cả đều xác nhận lời khai của mình bằng lời thề danh dự, và tất nhiên một trong hai phe là kẻ gian dối”.
- “Về các lời khai của nhân chứng, ngoài kiến thức và sự đáng tin nơi các lời khai, phán quyết POMPEDDA cho chúng ta nhận xét này: “không chỉ luôn luôn phải nhớ rằng các sự kiện thì có sức thuyết phục nhiều hơn lời nói, nhưng hơn nữa không được quên rằng lời nói hay lời khai không có giá trị gì khi chúng tách rời khỏi khung cảnh của chúng. Thật vậy, hoàn cảnh giải thích lời nói và làm cho chúng nhất quán, nhưng đồng thời hoàn cảnh cũng cho biết lý do của điều đã được nói ra và làm cho nó có vẻ xác thực[81]”.

7. Tìm hiểu các hoàn cảnh (các sự kiện) trước, đồng thời và sau kết hôn

  1. Tổng quát
- “Trong khi xử lý và xác định các nguyên nhân (giả vờ), cần xem xét kỹ càng các hoàn cảnh, các điều kiện về nơi chốn và thời gian trước, đang và sau khi kết hôn, trong đó một số sự kiện đã xảy ra, ngoài những chỉ dẫn khác trong tinh thần của GL 1679[82]”.
- “Người ta cũng không quên những hoàn cảnh trước, đồng thời và sau hôn nhân. Cần chú tâm so sánh những hoàn cảnh này với lời khai của hai bên và của các nhân chứng. Khởi đi từ việc đối chứng các sự kiện với các lời khai nhiều khi đáng ngờ, mơ hồ và sai sót, các hoàn cảnh, thực vậy, nếu không tiết lộ đầy đủ sự thật của lời nói, thì ít nhất chúng cũng cho thấy các mối quan hệ giữa các chứng nhân ; các hoàn cảnh ấy giúp nghe được các lời nói và khẳng định các sự kiện, và chúng cung cấp các phương tiện để giải thích và đánh giá các sự kiện ẩn dưới sự ưng thuận kết hôn. Ở đầu cuộc sống hôn nhân, các quan hệ giữa hai vợ chồng thường cho thấy hôn nhân đã được cử hành trong tinh thần nào. Cách hành động và cư xử, đặc biệt việc sinh con có nhiều ý nghĩa hơn các lời nói[83]”.
- “Thật ra, để minh chứng có sự giả vờ, việc thú nhận của chính người giả vờ là rất ích lợi, nhưng nó không có tính phán lệnh nếu nó xảy ra, và nó không phá hủy việc giả vờ đang bị tố giác nếu nó thiếu sót đối với người kia hay nếu nó đi ngược với người đó. Tuy nhiên có sai sót, phán quyết STAFFA ngày 03/06/1949 tuyên bố rằng người ta khẳng định luật đòi sự thú nhận của người giả vờ: thật ra, sự thú nhận này không bị đòi hỏi bởi khoản giáo luật nào đến nỗi nếu không có thú nhận thì người ta không thể chứng minh sự giả vờ. Ngược lại, đôi khi vẫn xảy ra chuyện: trong khi kẻ giả vờ phủ nhận sự giả vờ vì ý xấu, vì ghen ghét, thì sự giả vờ vẫn được chứng minh bởi các nhân chứng, chứng cứ, các yếu tố thích hợp, những điều này phải được thẩm phán đánh giá theo lương tâm. Hơn nữa, sự yên lặng hay chối cãi cũng hoàn toàn gắn kết với điều xấu nếu người ta chứng minh rằng điều xấu đã là mục tiêu của sự giả vờ. Do đó, trong các trường hợp này, tâm trí phải hướng đến cách hành động của người bị tố giác là đã phạm tội giả vờ, nhất là khi hắn từ chối tiết lộ những tư tưởng của mình cho tòa xét xử. Thật vậy, như phán quyết JORIO ngày 10/11/1965 ghi rõ “các sự kiện che giấu cần được phát hiện không bằng những biện luận và những công bố, nhưng bằng quan sát cách hành động của con người đang che giấu những điều này. Thật vậy, cách hành xử của nhiều người rất thường không hợp lí và khác lạ với người thường. Đàng khác “tâm trí của một người được biểu lộ qua những gì được thực hiện trước hoặc sau…Tâm trí là như thế nào trước đó, thì được vén mở bởi hành vi tiếp sau… Bằng một hành vi được thực hiện trực tiếp, tâm trí cho thấy nó là thế nào vào thời điểm xuất phát’. Về điều này, một phán quyết FELICI ngày 24/04/1956 tuyên bố thế này: “Bởi vậy, việc thú nhận của người giả vờ không cần thiết được thực hiện bằng lời nói: nó được thực hiện bằng hành vi cũng đủ, nhiều khi hành vi còn thuyết phục hơn lời nói, miễn là các sự kiện là chắc chắn, đầy đủ, nhất quán, nghĩa là các sự kiện cho thấy theo đánh giá chung, người kết hôn đã không muốn dấn thân vào sự ràng buộc của hôn nhân. Điều này đặc biệt có giá trị, khi người giả vờ không thể biểu lộ sự giả vờ bằng lời nói được soạn thảo, vì khi đó vụ việc này còn thúc bách hơn, theo đó người ấy phải giả vờ ưng thuận, thí dụ vì sợ mà người ấy cử hành hôn lễ mà nó không muốn. Cũng cần cứu xét những sự kiện dù chúng phức tạp vì lắm khi các sự kiện được xét xử là có sức thuyết phục hơn cả lời nói. Thực vậy, để nhận biết một ý muốn sống động [thực sự] (chỉ có Chúa biết), cái hướng dẫn chúng ta mạnh nhất, không phải là những lời nói mơ hồ, không xác đáng, mà là những gì tạo nên con người của kẻ giả vờ, tức là các sự kiện, các hoàn cảnh, các yếu tố khác, các nguyên nhân : vì chủ thể xuất hiện qua tố chất cá nhân và hoạt động của mình; trong trường hợp này ý muốn dứt khoát tự tỏ lộ. Phán quyết GIANNECCHINI ngày 20.12.1991 nhận xét đúng đắn rằng xét vì sự thú nhận tư pháp thực chất chỉ là một báo cáo trước thẩm phán về một thú nhận ngoài tư pháp, nên chắc chắn sự thú nhận ngoài tư pháp là tuyệt đối cần thiết, và do đó, sự thú nhận tư pháp có thể là thiếu, nếu không thể có bằng chứng về sự giả vờ từ sự thú nhận ngoài tư pháp. Đặc biệt, sự thú nhận ngoài tư pháp, mà chúng ta bảo là tuyệt đối cần thiết, có thể được biểu lộ qua một sự kiện, miễn là đó là sự kiện hoàn toàn đơn nghĩa và rõ rệt, thí dụ như người ta đọc được điều này trong quyết định ngày 12/03/1729 trong vụ án CHIENSI S.C.C : “Nếu người nam hoặc nữ, ngay lập tức sau khi kết hôn, cho biết tâm trạng mình, nghĩa là người đó ưng thuận cách hư cấu, thậm chí bằng các sự kiện, nghĩa là bằng cách bỏ trốn ngay’. Thực vậy, như phán quyết của tòa Rota thường thừa nhận: “Việc bỏ đi ngay hoặc sau vài ngày hay vài tháng là một trong những lí chứng vững chắc nhất, miễn là không xảy ra sau hôn lễ một điều gì đó mới mẻ tạo ra một nguyên nhân thích hợp để ra đi’. Tóm lại, một đàng trong khi xem xét việc thú nhận của người giả vờ, thẩm phán cần lưu ý không chỉ quan tâm đến âm thanh và cách dùng từ ngữ, nhưng ông còn phải nhận ra ý nghĩa thực sự của chúng, ông cần biết so sánh chúng với một lí trí thích hợp và xem xét các sự kiện, đàng khác ông không thể bỏ qua cách hành xử của người giả vờ[84]”.
- “Nhiều loại hoàn cảnh chứa đựng giả vờ toàn phần, theo phán quyết của tòa Rota; như phán quyết Stankiewicz ngày 29/01/1981 khẳng định “ai không bày tỏ ưng thuận kết hôn, ai có ý hướng không kết hôn; ai muốn diễn hài kịch, ai loại bỏ chính hôn nhân hoặc loại người phối hợp; ai loại bỏ cuộc sống chung bền vững giữa hai người nam nữ được xếp định hướng đến sinh sản con cái, nghĩa là cộng đoàn gắn bó trọn đời; ai tuyệt đối muốn loại bỏ bí tích, đến nỗi trong giả định có bí tích thực sự hắn không muốn kết hôn; ai cử hành chỉ có bề ngoài; ai cử hành nghi thức hôn nhân chỉ như phương thế để đạt một mục đích cá nhân chứ không phải chính hôn nhân[85]”.
  1. Các hoàn cảnh (sự kiện) trước kết hôn chứng minh giả vờ kết hôn
  • cặp bồ với người sẽ cưới, mà vẫn gửi thư cho người tình cũ, thậm chí, ngay trước lễ cưới, vẫn còn đi gặp người tình cũ… ;
  • đã có nhiều đổ vỡ trước đám cưới, nhưng cuối cùng đám cưới vẫn được cử hành, nhất là vì mọi sự đã sẵn sàng với vẻ xa hoa, và vì đã mời nhiều khách…;
  • không thiết tha với việc tổ chức lễ cưới ;
  • cưới người này để trả thù người khác ;
  1. Các hoàn cảnh (sự kiện) dịp kết hôn chứng minh giả vờ kết hôn
  • vào ngày áp lễ cưới, muốn hủy cưới mà không hủy được, nên vẫn cưới ;
  • đến nhà thờ để cử hành lễ cưới chậm hơn giờ đã định mà không giải thích được, rồi lại còn tỏ ra ý muốn đình hoãn đám cưới lâu hơn… ;
  • Trong suốt đám cưới, luôn lộ ra sự buồn bã và cách ứng xử bất thường, hoàn toàn xa lạ với những gì được cử hành ;
  • không thiết tha với việc chăn gối ngay trong đêm tân hôn mà không có lý do chính đáng, thậm chí vẫn dửng dưng với việc này trong suốt thời kỳ trăng mật, rồi miễn cưỡng trả nợ vợ chồng, và chẳng mấy chốc nhất quyết không cho người phối ngẫu gần gũi mình nữa, vả lại sớm có những mối tình vụng trộm… ;
  1. Các hoàn cảnh (sự kiện) sau kết hôn chứng minh giả vờ kết hôn
  • những cãi vã trước cưới lại sớm tiếp tục xuất hiện sau cưới ;
  • trước cũng như sau khi cưới, chỉ coi người phối ngẫu như là bạn, thậm chí như gái chơi hoặc trai chơi miễn phí, chứ không có ý sống lâu bền với nhau… ; dửng dưng trong bổn phận quan hệ vợ chồng....;
  • khi sống chung, thường sỉ nhục người phối ngẫu trước mặt người khác, thậm chí còn dan díu với người không phải là phối ngẫu của mình…cách công khai hoặc cố ý cho người phối ngẫu biết ;
  • sớm chia tay nhau, vì không chịu nổi nhau và ai về nhà nấy... dù chỉ với lý do rất nhỏ...

8. Chứng minh sự loại trừ hôn nhân

    “Để chứng minh một loại trừ, cần cho thấy (…) tính mô thức của sự loại trừ GL 1101, § 2. (…) ý nghĩa của sự loại trừ được nhận biết rõ hơn khởi đi từ một ý tưởng thực tế và từ một hình ảnh đúng đắn về sự ưng thuận. Dẫu sao, thực tại là một chuyện ; bằng chứng về thực tại lại là chuyện khác[86]”.
  1.  Những hành vi tích cực và minh nhiên của ý chí nhằm loại trừ hôn nhân, là những lời nói rõ rệt như : “tôi không muốn kết hôn” hoặc “tôi không muốn kết hôn với người này”; Tôi sẽ không bao giờ buộc phải kết hôn trước mặt Giáo hội hay theo dân sự vì tôi biết điều này là tồi tệ. Xét cho cùng đó là hành vi nhát đảm của tôi. Tôi đã không có can đảm đánh mất tất cả. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thật sự là người đã kết hôn. Đối với thế giới bên ngoài, tôi đang làm một việc mà trong thâm tâm tôi cảm thấy không đồng ý với việc đó, một việc mà tôi không muốn; hoặc những cử chỉ, thái độ dứt khoát như không nói chuyện với hoặc không đến gần người mà mình không muốn cưới.
  2. Những hành vi tích cực và mặc nhiên của ý chí nhằm loại trừ hôn nhân là những cách tiêu biểu sau đây : 1/ Thái độ và cách sống thường xuyên chống lại quyền quan hệ vợ chồng ; 2/ Tiến hành hôn nhân chủ yếu vì một mục đích rõ rệt khác ; 3/ Có một quan niệm khác biệt và từ quan niệm này dẫn tới những hành vi đi ngược với quan niệm công giáo về hôn nhân.
  1. Xác thực luân lý cần có của thẩm phán để phán quyết
  • Khi có : 1) Sự thú nhận của người được giả định là đã giả vờ, nhất là ngoài tư pháp, được các nhân chứng đáng tin xác nhận ; 2) Nguyên nhân tương đối nghiêm trọng của sự giả vờ, khác biệt với nguyên nhân kí kết hôn ước ; 3) Các hoàn cảnh hợp lý xảy ra trước, đồng thời và sau hôn nhân, được xác định, đơn nghĩa và khẩn trương…, thì đó có thể là vấn đề về bằng chứng của sự giả vờ, vì những yếu tố này khi được tập trung lại, có thể gây nên nơi tâm trí của thẩm phán sự xác thực luân lí rằng sự ưng thuận được tỏ bày đã là giả vờ hoặc không đầy đủ[87].
  • Sau khi xem xét tất cả những điều trên (việc thú nhận tư pháp và ngoài tư pháp của người giả vờ, nguyên nhân của sự giả vờ, các hoàn cảnh trước, đồng thời và sau kết hôn), được hướng dẫn bởi một lí do khách quan, thẩm phán có thể có được sự xác thực luân lí về một ý hướng đúng thực và về ý muốn chính xác của người kết hôn, ông cũng có thể giải quyết những nghi vấn ngay khởi đi từ sự phức tạp của án từ và các hoàn cảnh[88]”.
  • Để tuyên án không cần đòi hỏi một sự chắc chắn tuyệt đối hay toán học nhưng chỉ cần có một xác thực luân lí, nếu một đàng, sự xác thực được phân biệt với số đo phần chắc chắn của một biến cố/sự kiện ngẫu nhiên đơn giản, vì nó không chấp nhận một nghi ngờ tích cực và thận trọng, đàng khác xác thực ấy không loại bỏ nỗi sợ hãi cao độ về việc mình sai lầm hoặc tự dối mình[89]”.
 

[1] “Năng cách về mặt pháp lý” được hiểu là toàn bộ những điều kiện mà một thể nhân hoặc một pháp nhân phải có, để thực hiện một hành vi pháp lý, hoặc được hưởng lợi lộc do một hành vi pháp lý.
[2] c. SERRANO, 20-01-1994.
[3] c. FALTIN, 16-4-1997.
[4] x. Javier Hervada, Code de Droit canonique bilingue et annoté, Montréal, Wilson & Lafleur lmté, 2e Ed., 1999, p. 750, note c. 1057, §1.
[5] Theo Giáo luật 1057, § 2, đối tượng của sự ưng thuận trong giao ước hôn nhân chính là người nam và người nữ trong những gì thuộc về vợ chồng, nghĩa là trong những khả năng tính dục tự nhiên nhằm đến những mục đích của hôn nhân. Nói khác đi, qua giao ước hôn nhân, người nữ tự hiến như là vợ cho người nam, và người nam tự hiến như là chồng cho người  nữ, và cả hai chấp nhận nhau như thế (x. Javier Hervada, Code de Droit canonique bilingue et annoté, Montréal, Wilson & Lafleur lmté, 2e Ed., 1999, p. 750, note c. 1057, §2).
[6] GL 1096, §1 : “Để có thể có sự ưng thuận hôn nhân, hai người kết ước ít nhất phải biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phạm vi phái tính”.
[7] c. SERRANO, 01-6-1990.
[8] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[9] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[10] c. BRUNO, 26-02-1988.
[11] c. SERRANO, 20-01-1994.
[12] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[13] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[14] GL 1098 và GL 1135.
[15] c. SERRANO, 20-01-1994.
[16] c. SERRANO, 03-3-2000.
[17] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[18] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[19] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[20] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[21] c. BRUNO, 26-02-1988.
[22] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[23] c. FALTIN, 16-4-1997.
[24] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[25] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[26] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[27] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[28] c. BRUNO, 26-02-1988.
[29] c. BRUNO, 26-02-1988.
[30] c. SERRANO, 20-01-1994.
[31] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[32] The Jurist 49 (1989), 704-713.
[33] The Jurist 49 (1989), 704-713.
[34] cf. MANUEL Jesus - IZZI Claudia, Pastorale giudiziaria e prassi processuale nelle cause di nullità del matrimonio, San Paolo 2017, p. 223.
[35] Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 9.
[36] cf.  MANUEL Jesus - IZZI Claudia, Pastorale giudiziaria e prassi processuale nelle cause di nullità del matrimonio, San Paolo 2017, p. 224.
[37] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[38] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[39] c. DAVINO, 27-4-1993.
[40] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[41] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[42] c. FALTIN, 16-4-1997.
[43] Tractatus canonicus de matrimonio, 1932, vol. II, p. 356, n. 814 : trích lại theo C. TURNATURI 01 mars 1996.
[44] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[45] c. POMPEDDA, 21.01.1972, SRRD 64, p. 26, n. 2 : trích lại theo c. TURNATURI,  01 mars 1996.
[46] c. POMPEDDA, 03.02.1981, SRRD 73, p. 69, n. 5 : trích lại theo c. TURNATURI,  01 mars 1996.
[47] c. EWERS, 5.5.1979, SRRD 71, p. 241 s., n. 4 : trích lại theo c. TURNATURI,  01 mars 1996.
[48] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[49] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[50] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[51] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[52] c. SERRANO, 20-01-1994.
[53] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[54] c. SERRANO, 20-01-1994.
[55] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[56] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[57] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[58] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[59] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[60] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[61] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[62] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[63] c. TURNATURI,  01 mars 1996.
[64] c. SERRANO, 20-01-1994.
[65] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[66] c. FALTIN, 16-4-1997.
[67] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[68] c. FALTIN, 16-4-1997.
[69] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[70] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[71] c. CABERLETTI, 27-11-1998.
[72] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[73] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[74] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[75] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[76] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[77] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[78] c. FALTIN, 16-4-1997.
[79] c. FALTIN, 16-4-1997.
[80] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[81] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[82] c. FALTIN, 16-4-1997.
[83] c. GIANNECCHINI, 03-3-1998.
[84] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[85] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[86] c. SERRANO, 20-01-1994.
[87] c. GIANNECCHINI, 18-12-1996.
[88] c. TURNATURI, 01-3-1996.
[89] c. TURNATURI, 01-3-1996.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay21,277
  • Tháng hiện tại302,222
  • Tổng lượt truy cập53,287,257

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây