HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC XIN TÒA ÁN GIÁO PHẬN GIẢI GỠ HÔN PHỐI
Khi muốn đệ đơn lên tòa án hôn nhân để được tòa án công bố hôn nhân vô hiệu thì cần biết và thực hiện những việc sau:
I. Đệ đơn nơi tòa án có thẩm quyền: Đó là một trong các tòa án Giáo phận nơi mà bạn hay người vợ hay chồng của bạn: 1- đang thường trú; 2- đang tạm trú; 3- đã cử hành hôn phối; 4- có nhiều có những thân nhân có thể làm chứng về hôn nhân của bạn. Bạn có thể tùy ý chọn một tòa án nào thuận tiện để nộp đơn. Tuy nhiên, nên hỏi thăm cha sở để biết, vì không phải ở giáo phận nào cũng đã thiết lập được tòa án riêng cho giáo phận mình.
II. Có lý do tiêu hôn: Để được nhận xét xử vụ án hôn phối, bạn phải có lý do, mà lý do đó phải có thể làm cho hôn nhân vô hiệu hay không thành sự, ví dụ như bị ép buộc, bị lầm lẫn, lừa gạt, thiếu khả năng kết hôn… Có những lý do khác có vẻ nghiêm trọng nhưng tự nó lại không làm cho hôn nhân vô hiệu, thì cũng không được nhận xét xử, ví dụ như ngoại tình, bị mẹ chồng xua đuổi… Tuy nhiên những hiện tượng này cũng có thể là biểu hiện cho những lý do tiêu hôn. Bạn có thể đọc thêm về án lý tiêu hôn trên các trang mạng để biết rõ thêm. Giới thiệu bạn bài: “Tổng quát các án lý căn bản của sự vô hiệu hôn nhân” trên trang
http://giaoluatconggiao.com/
III. Cần có hướng dẫn hay tư vấn: Vấn đề hiểu và tìm ra lý do tiêu hôn cũng không là dễ dàng. Vì vậy, cần có người chuyên môn về tòa án hôn phối để giúp bạn. Tốt nhất, nên hỏi thăm cha sở số điện thoại hay địa chỉ nơi ở hay email của linh mục phụ trách chuyên môn về tòa án hôn phối của giáo phận. Vị này sẽ giúp bạn tìm ra lý do tiêu hôn và hướng dẫn để bạn có thể nộp và được nhận đơn.
IV. Hồ sơ cần có:
1. Một đơn xin theo mẫu của tòa án. Mỗi Tòa án đều có mẫu riêng. Tòa án Nha Trang có cho sẵn mẫu đơn trên trang Web để ban có thể tải xuống và in ra:
http://giaoluatconggiao.com/download/Mau-Don/Don-xin-cong-bo-hon-nhan-vo-hieu-Gp-Nha-Trang.html
Trong đơn bạn buộc phải ghi số điện thoại hay email của bị đơn, tức là người vợ hay chồng của hôn nhân mà bạn muốn được tiêu hủy. Nếu bạn không biết được điện thoại, địa chỉ của bên bị đơn và bạn cũng không cố gắng tìm ra hết sức thì tòa án có thể sẽ không nhận đơn của bạn. Trong trường hợp mà bạn không thể nào tìm ra, bạn phải làm một bản tường trình riêng về việc không tìm ra được bị đơn với những lý do thật chính đáng thì mới mong được chấp nhận thụ lý vụ án.
2. Một bản tường trình về cuộc hôn nhân của bạn. Mỗi tòa án có một quy định về việc này khác nhau. Tòa án Nha Trang yêu cầu bản tường trình khoảng 2 trang giấy A4. Bạn kể lại những hoàn cảnh, sự kiện đã xảy ra từ lúc hai người quen nhau cho đến nay, tập trung nhiều đến sự kiện làm cho hôn nhân vô hiệu. Ví dụ, bạn nại đến lý do bị cha mẹ ép buộc kết hôn thì bạn phải tập trung kể lại những sự kiện cụ thể liên quan đến lý do này xảy trước khi kết hôn. Bản tường trình này cũng được coi là bản mà bạn trưng ra các chứng cớ để chứng minh cho sự vô hiệu của hôn nhân. Sau này, trong giai đoạn điều tra, các thẩm tra viên sẽ xem xét kỹ lưỡng vụ án của bạn, trong đó bản tường trình là phần quan trọng được thẩm xét.
3. Chứng thư bí tích Rửa tội và Hôn Phối. Tòa án cũng có thể nhận bản sao của trang ghi vợ chồng của sổ Gia Đình Công Giáo. Tòa án cần biết rõ ngày và nơi Rửa tội vì sau này nếu bản án kết luận hôn nhân của bạn vô hiệu thì tòa án sẽ gởi giấy báo về cho cha sở nơi rửa tội và hôn phối để ghi sổ và khi đó các ngài mới có thể cho bạn kết hôn mới hay hợp thức hóa hôn nhân của bạn.
4. Các tài liệu có giá trị làm chứng như giấy ly dị dân sự, thư từ, bệnh án… nếu bạn có.
V. Nộp đơn: Bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại tòa án hay gởi qua bưu điện. Trong trường hợp gởi qua bưu điện hay nhờ ai đó gởi giúp thì bạn cũng phải liên lạc với tòa án sau đó qua điện thoại để kiểm tra lại là Tòa án có nhận được không. Tòa án thông thường sẽ thông báo cho bạn bổ túc hay làm lại hồ sơ nếu có còn thiếu sót hay sai lạc. Trong suốt thời gian vụ án, nếu bạn có thay đổi số điện thoại bạn cũng phải cho tòa án biết để có thể liên lạc.
VI. Tòa thông báo chấp đơn cho bị đơn và hỏi ý kiến bị đơn
Sau khi nhận đơn tòa án theo luật buộc phải thông báo cho bên bị đơn biết là bạn đã đệ đơn xin tiêu hủy hôn nhân và cũng thông báo cả lý do tiêu hôn mà bạn đưa ra. Bị đơn cũng có thể có ý kiến chống lại và đưa ra lý do tiêu hôn khác nữa nếu muốn.
Bị đơn có được thời hạn 15 ngày để đưa ra ý kiến.
Thẩm phán sẽ tùy nghi theo luật mà quyết định lý do tiêu hôn nào mà tòa án sẽ phải điều tra và thẩm xét.
Bạn và bị đơn sẽ được tòa thông báo lý do tiêu hôn đó. Lý do này được đặt dưới dạng một nghi vấn mà kết thúc vụ án tòa sẽ cho câu trả lời. Ví dụ: “ Có chắc chắn là hôn nhân của anh JB. Lê Văn A và chị Anna Trần Thị B, cử hành tại giáo xứ Thánh Gia, ngày 25-2-2000 là vô hiệu, với lý do là:
1-Anh Lê Văn A đã vì sợ hãi nên đành kết hôn, chiếu theo quy tắc của điều 1103 hay không?
2- Chị Trần Thị B đã thiếu khả năng đảm nhận trách vụ của hôn nhân do bản tính tâm lý, chiếu theo quy tắc của điều 1095n2 hay không?
Một trong hai bên đều có thể đưa ra thêm lý do tiêu hôn hay chống lại nhưng phần quyết định vẫn là do thẩm phán tòa án.
Thẩm phán có nhiệm vụ thông báo thể thức nghi vấn tiêu hôn cho các bên biết và cũng có thể thay đổi do ý kiến của các bên ngay sau đó do có ý kiến mới của các bên. Tuy nhiên, trong thực tế Việt Nam, nhiều khi Tòa không gởi thông báo này. Lý do là bên nguyên đơn đã nhờ thẩm phán tư vấn giúp mình tìm ra nghi vấn tiêu hôn nên sau đó thẩm phán thấy không cần gởi thông báo nữa. Bên bị đơn thì cũng thường chẳng quan tâm đến vụ án, hoặc là để tùy theo tòa án, nên thẩm phán cũng không gởi thông báo về nghi vấn tiêu hôn. Quyền lợi của hai bên cũng không phải vì vậy mà bị hạn chế. Vì trong giai đoạn điều tra, thẩm vấn, thẩm phán có thể phát hiện ra một lý do tiêu hôn mới và thu thập nhiều chứng cứ cho lý do này mà các bên có thể được thẩm phán cho biết hay không. Chính khi họp bàn luận thì các thẩm phán sẽ quyết định xác nhận hôn nhân là vô hiệu là vì lý do nào. Lý do đó có thể khác với lý do ban đầu được đặt ra. Ví dụ trong một vụ án hôn nhân, sau khi xem xét bản tường trình của nguyên đơn, thẩm phán đã quyết định thiết lập nghi vấn tiêu hôn với lý do là bị đơn bị ép buộc kết hôn. Nhưng trong quá trình điều tra, bị đơn được phát hiện là có bệnh đồng tính. Bản án kết luận hôn nhân vô hiệu vì bị đơn không thể chu toàn nhiệm vụ vợ chồng, do bản chất tâm lý, chiếu theo điều 1095 số 2, chứ không do bị ép hôn.
Mặt khác, nếu thấy bản án có bất lợi cho mình thì các bên đều có quyền kháng án và có quyền đưa ra lý do tiêu hôn mới miễn là liệu có đủ chứng cứ để chứng minh.
VII. Giai đoạn tòa thu thập chứng cứ
Sau khi thiết lập được nghi vấn tiêu hôn, tòa án sẽ tiến tới giai đoạn điều tra. Việc tiến hành thẩm tra lúc nào sau đó thì còn tùy vào tòa án. Bạn cứ chờ, tòa án sẽ thông báo hoặc hẹn ngày thẩm vấn bạn và các người khác liên quan. Các cách thức để thẩm vấn thu thập chứng cứ hay điều tra đều do tòa án quyết định. Bị đơn và các nhân chứng có thể được gọi đến gặp gỡ thẩm phán để được thẩm vấn trực tiếp, nhưng cũng có thể qua email, điện thoại hoặc bởi linh mục nào đó mà tòa án nhờ đến.
VIII. Nghị án và thông báo kết quả
Sau giai đoạn thu thập chứng cứ, tào án sẽ thu nhận thêm ý kiến của linh mục bảo hệ, bảo vệ cho dây hôn phối và của lời biện hộ (của luật sư hay người bảo hộ) của các bên nếu có. Khi đã có đầy đủ thẩm phán hay hiệp đoàn 3 thẩm phán sẽ bàn luận và quyết định xác nhận hôn nhân vô hiệu hay không.
Kết quả sẽ được thông báo cho các bên. Toàn bộ hay một phần của bản án, sẽ được thông báo, được coi như là việc ban hành bản án, trong đó có chỉ cho biết các bên có quyền kháng án trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận được thông báo.
Qua thời hạn trên bản án có hiệu lực thi hành. Tòa án lúc đó có thể sẽ cấp cho bạn một chứng nhận và gởi thông báo đến các cha sở nơi đã cử hành hôn phối và nơi rửa tội của các bên để ghi vào sổ.
IX. Hiệu quả thi hành
Nếu bản án xác nhận hôn nhân của bạn vô hiệu thì bạn có thể tiến tới kết hôn khác. Kết hôn có thể được làm trong nhà thờ, có đám cưới …hay âm thầm ngoài thánh lễ… tùy theo hoàn cảnh có thuận lợi hay không. Lý do là bạn không bị vướng ngăn trở dây hôn phối. Hôn nhân đã được tòa án tuyên bố là không thành, nghĩa là nó đã không được thành lập hay chẳng có hiệu quả ràng buộc. Hôn nhân trước được coi là không có.
Bạn có thể xin cha sở thông báo cho cộng đoàn biết bạn đã được tòa án tuyên bố hôn nhân của bạn là bất thành, để tránh những điều không hay do hiểu lầm từ phía giáo dân. Tuy nhiên việc này cũng để tùy vào ngài định liệu.
Nếu bạn đã sống chung với người khác như vợ chồng thì bạn xin cha sở hợp thức hóa hôn phối của bạn, bằng một kết hôn ngoài thánh lễ, gọi là phép giao. Trong trường hợp này, nếu cha sở không rao hôn phối thì bạn cũng xin cha thông báo cho cộng đoàn giáo xứ biết để bạn có thể chịu các bí tích mà không bị dị nghị.
Nếu bản án của tòa án có đòi bạn phải xin phép Đấng bản Quyền trước khi kết hôn thì việc kết hôn phải tạm hoãn lại cho đến khi được phép.
Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Đại Diện Tư Pháp Gp Nha Trang
Xem thêm chi tiết ở http://giaoluatconggiao.com/