Khảo sát và học hỏi Tông Thư Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ (Mitis Judex Dominus Jesus)

Thứ sáu - 07/09/2018 00:44  933
Khảo sát và học hỏi Tông Thư
Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ
(Mitis Judex Dominus Jesus)
Về việc cải tổ luật tố tụng đối với các vụ án
tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân trong bộ Giáo Luật

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 8-9-2015 đã ra Tông Thư với hình thức Tự Sắc Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ (Mitis Iudex Dominus Iesus), có hiệu lực từ ngày 8-12-2015, vào ngày khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Ngài đã mở đầu thư bằng việc nhắc lại nguồn gốc quyền xét xử của Giáo Hội là từ Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu, vị Thẩm Phán nhân từ, Mục tử tâm hồn chúng ta, đã ủy thác cho tông đồ Phêrô và các Đấng Kế Vị quyền chìa khóa để thực thi trong Giáo Hội công lý và sự thật”.
Quyền này được Chúa Giêsu ủy thác và vì thế cần được thực hiện theo gương về sự nhân từ hiền lành của Ngài và được hướng dẫn bởi “quy luật tối thượng là cứu rỗi các linh hồn”.
Sau phần dẫn nhập, Tông thư nêu ra tám tiêu chuẩn về việc cải tổ. Phần tiếp theo rất quan trọng, là sự ban hành 21 điều luật mới (điều 1671 đến điều 1691) để thay thế cho 21 điều cũ trong bộ Giáo Luật 1983. 
Tông thư cũng được đính kèm một văn bản gồm 21 nguyên tắc hướng dẫn việc thực hành những canh tân thủ tục tòa án hôn phối.
A-Những nét đáng chú ý
1-     Chỉ canh tân thủ tục không canh tân án lý vô hiệu
Đức Giáo Hoàng xác định rằng: “bằng Tự sắc này, tôi quyết định đưa ra các quy định nhằm khuyến khích, không phải sự vô hiệu của hôn nhân, nhưng là sự nhanh chóng của thủ tục”.
Tự sắc nhằm canh tân thủ tục để có thể tiến hành vụ án vô hiệu của hôn nhân được nhanh chóng và đơn giản hơn. Tự Sắc không đưa ra một canh tân nào về mặt lý thuyết hay án lý cho các vụ án hôn nhân, cũng không đưa ra thêm những khoản luật mới để xác nhận hôn nhân vô hiệu. Những lý do hay nền tảng để tòa xác nhận sự vô hiệu của hôn nhân vẫn như cũ, ví dụ như là: thiếu trưởng thành, thiếu khả năng phân định nghĩa vụ hôn nhân, bị bệnh tâm lý, bị lầm lẫn, bị lừa gạt, giả hình (simulatio) khi kết hôn,  bị sợ hãi . Nghĩa là, không có sự dễ dàng hay cởi mở hơn về mặt lý thuyết hay án lý để xác nhận hôn nhân vô hiệu.
2-     Ngăn ngừa và sửa chữa sự tách biệt hay xa rời khỏi Giáo Hội
Mục đích sâu xa của Tông Thư được diễn tả ở phần đầu Tự sắc, ngài viết: “Việc cải tổ này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vì có rất đông các tín hữu, dù vẫn muốn làm theo lương tâm lại thường bị tách biệt với các cơ cấu pháp lý của Giáo Hội do sự xa cách về thể lý hay luân lý. Do đó, đức ái và lòng thương xót đòi hỏi chính Giáo Hội như người mẹ phải gần gũi với những người con thấy mình bị tách biệt như vậy”. Ngài muốn nói đến những người li dị tái hôn, đang sống trong tình trạng tách biệt khỏi sinh hoạt Giáo Hội, đang sống trong nguy cơ rời bỏ đức tin. Giáo Hội phải thể hiện tình mẫu tử tìm cách đến gần và cứu giúp con cái.
3-     Đẩy mạnh việc mục vụ đối với người ly dị tái hôn
Ngay khoản đầu, bản Hướng Dẫn nhắc nhở:
“Giám Mục có nghĩa vụ phải giữ lòng nhiệt thành tông đồ đối với những đôi bạn đã ly thân hay đã ly dị, có lẽ vì hoàn cảnh sống mà bỏ việc thi hành đạo. Vì thế, ngài phải cùng với các linh mục quản xứ (x. đ. 529§1) chia sẻ nỗi ưu tư mục vụ đối với các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn” (Khoản 1).
Để triển khai nghĩa vụ tông đồ đối với hôn nhân gia đình nói trên, bản Hướng Dẫn đề ra một chương trình mục vụ mới gọi là điều tra tiền tư pháp hay mục vụ (Khoản 2 và 3).  Chương trình mục vụ bao gồm việc tiếp đón trong khung cảnh giáo xứ hay giáo phận những tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay tin chắc là hôn nhân của họ bất thành. Sau khi điều tra sơ khởi nếu vị hữu trách thấy có những yếu tố thích hợp thì giúp cho giáo dân tiến hành thủ tục xin tòa án hôn phối để tuyên bố hôn nhân của họ vô hiệu (Khoản 5).
Việc điều tra tiền tư pháp hay mục vụ này được ủy thác cho những người xét là có khả năng. Trong số những người được ủy thác công việc điều tra sơ khởi này, ưu tiên phải là chính linh mục quản xứ hay người đã chuẩn bị cho các đôi hôn phối cử hành lễ cưới. Cũng có thể ủy thác công việc tư vấn này cho các giáo sĩ khác, các tu sĩ hay những giáo dân được Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn nhận (Khoản 3).
Quy tắc Hướng Dẫn còn đòi hỏi rằng: Giám Mục giáo phận, phải lo liệu sớm hết sức có thể, đào tạo những nhân sự có khả năng làm việc trong tòa án được thiết lập cho những vụ án hôn nhân, kể cả qua những khóa đào tạo thường xuyên và liên tục, được bảo trợ bởi giáo phận hay liên giáo phận (Khoản 8,1).
Việc mở những khóa đào tạo như vậy, quả là một điều mới mẻ, vì trước đây chỉ thấy được mở ra tại Roma, do Tòa Thánh tổ chức. Bây giờ, lại cần phải mở rộng xuống các Giáo phận, do các Giám Mục giáo phận hay liên giáo phận tổ chức.
4-     Lý do canh tân thủ tục
Tại sao phải canh tân thủ tục? Lý do là với thủ tục cũ, nhiều Giáo Phận không có đủ linh mục có khả năng và để chuyên trách việc tòa án; và thủ tục cũ là quá kỹ lưỡng và phức tạp, khiến vụ án kéo dài. Hiệu quả mục vụ của tòa án hôn phối, vì vậy, bị hạn chế rất nhiều.
Hãy nhìn qua vài điều căn bản của thủ tục vụ án vô hiệu hôn nhân thông thường theo luật cũ:
Vụ án vô hiệu của hôn nhân phải được xử bởi một tòa án hiệp đoàn gồm ba thẩm phán. Ngoài ba thẩm phán, còn phải có một bảo hệ viên, với nhiệm vụ tìm ra những lý lẽ để chống lại sự vô hiệu của hôn nhân. Còn cần có thêm một lục sự, có nhiệm vụ như thư ký, soạn thảo các văn bản tòa án và công chứng các tài liệu các buổi họp nghị án.
Nhân sự của tòa án vì vậy, phải có ít nhất là 5 người. Nếu có đầy đủ (không buộc phải có), thì cần có 7 người: thêm một luật sư bào chữa cho các bên và thêm một Công Tố viên để bảo vệ cho công ích. Tất cả đều phải học biết Giáo Luật về vụ án hôn phối ở một mức thích hợp và tương xứng tùy chức vụ.
Tòa cấp hai cũng phải là tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán, tối thiểu cũng phải có 5 người như cấp một.
Như vậy một vụ án hôn phối được xác nhận là vô hiệu phải được tiến hành, suy xét kỹ lưỡng bởi tối thiểu là 10 vị: 6 linh mục thẩm phán và 2 linh mục bảo hệ, 2 linh mục lục sự.
Ngoài vấn đề nhân sự cần thiết đến 10 vị, việc soạn thảo hồ sơ  của các vụ án cũng khá công phu. Tất cả trung bình khoảng 30 trang giấy in A4. Bản án soạn thảo phải trình bày những điểm pháp lý và về luận chứng cho đầy đủ, có thể từ vài trang đến 10 trang A4.
5-     Tại sao không xử bằng thủ tục hành pháp cho đơn giản?
Đức Giáo Hoàng viết: “Các ngài (THĐGM) đã muốn các vụ án vô hiệu của hôn nhân phải được giải quyết bằng con đường tư pháp, chứ không phải con đường hành pháp. Điều này không vì do bản chất của sự việc đặt ra cho bằng là do nhu cầu phải bảo vệ tối đa sự thật của dây hôn phối thánh thiêng: và nó nhất thiết phải được bảo đảm nhờ trật tự pháp lý và công minh khi ra một phán quyết rằng hôn nhân này là vô hiệu” .
Cũng nên biết là trong giai đoạn bàn luận của Thượng Hội Đồng, đã có ý kiến xin được đơn giản hóa thủ tục, đề nghị cho phép Giám Mục giáo phận được tự mình xử vụ án vô hiệu hôn phối bằng thủ tục hành pháp. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã không chấp nhận ý kiến này.
B-Những canh tân và ý nghĩa thực tiễn
1-     Một phán quyết xác nhận sự bất thành là có hiệu lực thi hành (đ. 1679) 
Đây là điều canh tân có ý nghĩa nhất, vì vụ án xác nhận vô hiệu hôn nhân không còn đòi phải trãi qua hai cấp tòa án, giảm bớt được công sức và thời gian cho vụ án.
Vụ án theo thủ tục thông thường chỉ còn được xét bởi một phiên tòa có tối thiểu là 5 vị (3 thẩm phán, 1 bảo hệ viên, 1 lục sự). Các chuyên viên giáo luật thấy sự canh tân như vậy là cũng thích đáng. 
Tuy chỉ cần phán quyết cấp một cũng đủ hiệu lực nhưng việc  kháng cáo vẫn được duy trì. Ai muốn chống lại bản án đều có thể kháng cáo lên cấp hai. Thời hạn kháng cáo 15 ngày sau khi nhận được thông báo. Sau thời hạn đó, đơn kháng cáo có thể bị tòa từ chối một cách hợp luật.
2-     Thủ tục ngắn gọn hơn trước Giám Mục (đ. 1683-1687)
Đây là một thủ tục hoàn toàn mới mẻ được thêm vào thủ tục thông thường. Luật canh tân quy định một kiểu xét xử mới theo một thủ tục ngắn gọn hơn do một thẩm phán là Giám Mục giáo phận xét xử (đ. 1683 -1687).
Điều kiện thiết yếu để được xử theo thủ tục ngắn gọn là phải có chứng cứ rõ ràng chứng minh chắc chắn sự vô hiệu của hôn nhân (đ. 1683, 20).
Điều mới của thủ tục này không hệ tại ở việc ban cho Giám Mục thẩm quyền xét xử tòa án. Theo Giáo Luật, Giám Mục giáo phận đã có quyền tư pháp trọn vẹn, có quyền dành riêng cho mình quyền xét xử một số vụ án (đ. 1420). Vì vậy việc Đức Giám Mục có thẩm quyền hay đứng ra làm thẩm phán một vụ án hôn phối là chuyện bình thường theo luật hiện hành.
Thời gian cho một vụ án xử theo thủ tục gắn gọn hơn, có thể tính được trong ba giai đoạn như sau:
a-     Luật định tối đa 30 ngày cho việc: nhận đơn, triệu tập các bên, xác định nghi vấn (đ. 1685). Luật không quy định thời gian tối thiểu, vì vậy, có thể tiến hành tối thiểu khoảng vài giờ hay thông thường trong vài ngày.
b- Luật không chỉ định thời gian cho việc thu thập chứng cứ. Vì đây là xử ngắn gọn và điều kiện của nó là chứng cứ cần đầy đủ rõ ràng (đ. 1683) nên không cần nhiều thời gian để thẩm vấn, điều tra. Chỉ cần vài giờ hoặc thông thường là một vài ngày cũng đủ.
c- Luật ra thời hạn 15 ngày để cho bảo hệ viên trình bày các ý kiến và lời biện hộ của các các bên, nếu có (đ. 1686). Luật không hạn định thời gian tối thiếu cho việc này. Vì vậy, nếu bảo hệ viên trình bày ngay ý kiến sau khi đã hoàn tất giai đoạn thu thập chứng cứ và các bên không đưa ra lời biện hộ thì giai đoạn này có thể được hoàn tất trong vòng vài giờ.
Nếu vì lý do đặt biệt, mỗi giai đoạn trên đều được thực hiện trong vài giờ thì vụ án có thể hoàn tất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thông thường có thể hoàn tất trong một tuần lễ, hay kéo dài tối đa khoảng hai tháng, nếu việc thẩm tra kéo dài trong 15 ngày  (Khởi đầu 30 ngày + thẩm tra 15 ngày + ý kiến 15 ngày).
Thủ tục được rút quá gọn về các công việc và thời gian như vậy nên dễ có nguy cơ sơ sót hay dễ dãi. Pháp lý trong trường hợp  này có thể bị coi thường nên vậy cần có Giám Mục đứng ra làm thẩm phán để lãnh trách nhiệm bảo đảm việc xử án được nghiêm túc, tránh sự lơ lỏng pháp lý.
Tông thư nhận định: “cũng phải thừa nhận rằng thủ tục ngắn gọn có thể gây nguy hại cho nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Vì lý do này, chúng tôi muốn trong thủ tục xét xử đó, thẩm phán phải chính là Giám Mục”.
Luật buộc trong  thủ tục ngắn gọn thẩm phán phải chính là Giám Mục. Điều này không có nghĩa là  buộc Giám Mục phải tự mình thực hiện tất cả tiến trình xử án. Có thể nói, tất cả các tiến trình tố tụng, soạn thảo các văn bản và ngay cả việc soạn thảo bản án đều có thể được giao cho linh mục Đại Diện Tư Pháp (đ. 1685) hay dự thẩm. Giám Mục chỉ cần xem xét hồ sơ ở giai đoạn cuối, và nếu cần ngài hỏi ý kiến các linh mục dự thẩm hay hội thẩm. Nếu ngài  thấy có sự xác tín luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài có thể ký vào bản án, và kết thúc vụ án. Nếu thấy không đủ xác tín về vụ án, ngài chuyển hồ sơ về cho Đại Diện tư pháp, để xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687#1).
Xử theo thủ tục ngắn gọn này, thiết nghĩ, có hai lợi điểm:
1-     Giảm bớt công sức và thời gian cho tòa án. Nó hữu dụng khi Giáo phận có quá nhiều vụ án hôn phối và phải xử  hiệp đoàn  ba thẩm phán, thì linh mục Đại Diện tư pháp có thể chọn lựa riêng ra những vụ án mà có chứng cứ khá rõ ràng chắc chắn để xử theo thủ tục ngắn gọn.
2-     Đáp ứng ngay nhu cầu cho giáo dân. Nhờ vụ án được giải quyết trong thời gian ngắn, họ có thể cử hành đám cưới mới hay thành sự hóa hôn phối kịp thời gian họ định liệu. Tất nhiên họ cần có chứng cứ rõ ràng và có những lý do rất chính đáng.
Luật mới cũng duy trì một loại thủ tục tương đối ngắn gọn khác, không đòi Giám Mục làm thẩm phán, mà chỉ một linh mục làm thẩm phán cũng đủ, gọi là thủ tục dựa trên tài liệu (đ. 1688). Tuy nhiên thủ tục loại này chỉ xử vụ án nào có ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức kết hôn chứ không đối với tất cả các vụ án. Hơn nữa, loại xử theo tài liệu thì đòi chứng cứ rất rõ ràng là phải có giấy tờ tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện để chứng minh chắc chắn. Trong khi đó, xử theo thủ tục ngắn gọn mới thì đòi hỏi chứng cớ có thể ít chắc chắn hơn vì dựa theo những hoàn cảnh, những lời khai của các bên, những lời khai của nhân chứng.
Ví dụ như trường hợp vụ án kết hôn dị giáo có đối tượng (nghi vấn tiêu hôn) là ngăn trở dây hôn phối của bên người lương. Nếu có giấy tờ đáng tin của một kết hôn dân sự trước và ly dị  của người lương đó thì tòa sẽ xử theo thủ tục dựa trên tài liệu. Nếu không có những tài liệu đó, nhưng sự kiện kết hôn và ly dị của người lương đó đã xảy ra với nhiều người biết và làm chứng cách chắn chắc thì vụ án có thể xử theo thủ tục ngắn gọn.  
3-     Giám Mục có thể lập tòa án bởi một thẩm phán giáo sỹ duy nhất (đ. 1673#4)
Đây không là điểm mới quan trọng, vì theo luật cũ, khi tình trạng thiếu nhân sự kéo dài, không thể thiết lập hiệp đoàn ba thẩm phán, Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép Giám Mục giáo phận thiết lập tòa án với một thẩm phán duy nhất (đ. 1425#4).
Theo luật mới, điều 1673#4, thì  Giám mục Giáo phận cũng có quyền thiết lập tòa án với một thẩm phán giáo sĩ duy nhất. Luật cũng nói thêm: nơi nào có thể được, vị này phải mời hai hội thẩm, được Giám Mục chuẩn nhận để giúp vị thẩm phán duy nhất tiến hành vụ án.
Tuy đây không là điểm mới quan trọng, nhưng khi luật cho phép thì Giám Mục giáo phận dễ thấy mình có tự do và trách nhiệm hơn trong việc thiết lập tòa án với một thẩm phán duy nhất. Tông Thư chỉ dạy: “Việc đặt vị thẩm phán duy nhất, phải là giáo sĩ, cho tòa án cấp một, cũng phải dưới trách nhiệm của Giám Mục; để trong khi thi hành mục vụ phải luôn bảo đảm rằng quyền tư pháp của mình không hề bị lơi lỏng”.
Thiết nghĩ, ở Việt nam trong tình trạng còn thiếu nhân sự có khả năng, sẽ có nhiều Giám mục cho thiết lập tòa án hôn phối với một thẩm phán duy nhất.
4-     Nới rộng thẩm quyền tòa án
Theo quy tắc luật nói chung, tòa án không có toàn quyền xử bất cứ vụ án nào, nhưng có hạn định. Theo luật mới, Tòa án có thẩm quyền là (đ. 1672):
10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;
30 Tòa án tại nơi mà trong thực tế, phần lớn các chứng cứ phải được thu thập.
Thẩm quyền của Tòa theo luật mới là rất rộng. Ví dụ, ngay cả một người tạm trú (đã ở được 3 tháng) thì Tòa án  của giáo phận nơi tạm trú cũng có đủ thẩm quyền để xét vụ án hôn phối khi người này xin, mặc dù người này đã kết hôn tại một giáo phận khác hoặc có cư sở tại giáo phận khác.

Sau cùng, có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng Giáo Hội quá cởi mở trong việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng đã nói ngay từ đầu: “bằng Tự sắc này, tôi quyết định đưa ra các quy định nhằm khuyến khích, không phải sự vô hiệu của hôn nhân, nhưng là sự nhanh chóng của thủ tục”. Mục đích của canh tân là đẩy mạnh  mục vụ, là vì phần rỗi các linh hồn, đồng thời cũng rất trân trọng và bảo vệ sự bất khả phân ly của hôn nhân. Các thẩm phán không được tự do nhận các vụ án mà phải tuân theo quy định: “Trước khi nhận xử một vụ án, thẩm phán phải chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng” (đ. 1675). 

Đọc thêm tại http://giaoluatconggiao.com

Nha Trang, 1/12/2015
Lm JB Lê Ngọc Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay19,269
  • Tháng hiện tại216,205
  • Tổng lượt truy cập50,628,812

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây