Tiến sĩ Pas than Carvalho - một bác sĩ ở Mumbai (Ấn Độ) và đồng thời cũng là thành viên Học viện Giáo hoàng về Sự sống nói rằng: “Mọi hình thức mang thai hộ đều là hành vi phạm tội về phẩm giá". Do đó, ông lên án một dự luật mới về việc mang thai hộ của Ấn Độ.
Dự luật “Mang thai hộ” đã được trình bày lên Hạ viện Ấn Độ vào hôm 15 tháng 7 vừa qua. Đây là phiên bản đã được tu chỉnh của dự luật cùng tên, vốn đã được cơ quan này phê chuẩn vào tháng 12 năm 2018 nhưng thất bại tại Thượng viện.
Cụ thể, dự luật mới này quy định rằng chỉ những cặp vợ chồng người Ấn Độ đã kết hôn ít nhất là 5 năm mới có quyền nhờ đến việc “hỗ trợ sinh sản”. Người phụ nữ "cho thuê tử cung" (tức là người tiếp nhận phôi thai) phải là người thân của cặp vợ chồng đó, và người này không có quyền đòi hỏi thù lao mà chỉ được xem việc mình mang thai hộ là vì vấn đề “thương cảm” [cho cặp vợ chồng] - tức là phi thương mại.
Những người độc thân, người nước ngoài và người đồng tính không có quyền đề nghị hoặc tiếp nhận mang thai hộ.
Những quy định mới của dự luật này còn có: người chồng phải trong khoảng từ 26 đến 55 tuổi, người vợ từ 23 đến 50 tuổi. Mỗi cặp vợ chồng một khi đã đăng ký phương pháp này thì cấm phá bỏ bào thai đó. Người phụ nữ tiếp nhận mang thai hộ phải là người đã kết hôn, đã từng sinh con và ở độ tuổi từ 25 đến 35.
Ở Ấn Độ, thân xác người phụ nữ có thể được coi là món hàng và mang thai hộ là một thị trường béo bở vì chi phí rất rẻ so với các nước phương Tây (chỉ từ 18-30 nghìn USD, bằng 1/3 giá ở Mỹ). Vì lý do trên, đất nước này đã trở thành một điểm đến ưa thích trong việc “du lịch y tế”, mà thực ra đó là chuyến đi trá hình tìm người mang thai hộ.
Theo Bác sĩ Pas than Carvalho, "điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng, dù cho mang thai hộ trả tiền (nôm na là “đẻ mướn”) hay là mang thai hộ phi thương mại (gọi là mang thai “thương cảm”) thì vẫn đều phải sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Do đó, tất cả các hình thức mang thai thế này đều là một hành vi phạm tội về phẩm giá".
Ngay cả khi một người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ, "đó vẫn là một sự lạm dụng thảm khốc của quá trình sinh sản tự nhiên".
Ông cho rằng việc cho thuê tử cung là thách thức phẩm giá lớn lao đối với Giáo huấn của Giáo Hội, thể hiện sự suy thoái đạo đức trong nền văn hóa méo mó của xã hội hiện đại.
Cuối cùng, ông kết luận: "Đối mặt với những thách thức đạo đức to lớn này, Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ là một tổ chức phải bảo vệ nền văn minh sự sống".
(Uyên Nhi, UBMVGĐ 18.07.2019)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn