Suy Niệm Thánh Vịnh 66 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 16/08/2023 05:39  458
Suy Niệm Thánh Vịnh 66
1 Phần nhạc trưởng. Theo huyền cầm. Thánh vịnh. Thánh ca.
2          Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
            xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3          cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
            và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
4          Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
            chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài !
 
5          Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
            vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
            Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
            và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.
6          Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
            chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
 
7          Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái :
            Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.
8          Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta ! 
            Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người !


Cùng Đọc Với Dân Israel
Thánh vịnh ‘chúc lành’, đặc biệt hoan hỉ với nhịp điệu như tiếng vang vọng: Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc…ước gì chư dân cảm tạ Ngài…ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ…Những điệp ngữ ấy tạo thành niềm vui trong chính từ vựng được dùng.
Một lần nữa ta nhận thấy Israel ý thức về đặc ân được làm dân Giao Ước và mong ước chia sẻ hạnh phúc này với toàn thể nhân loại. Các dân nước, toàn trái đất, mọi người đều được mời đến lãnh nhận phúc lành mà dân Israel là người được hưởng đầu tiên. Thánh vịnh này có lẽ được hát vào dịp một trong hai Lễ mùa gặt: Lễ Ngũ Tuần hoặc Lễ Lều. Đất đai màu mỡ, niềm vui được mùa, thúc đẩy người Do thái chia sẻ hạnh phúc của họ, hoa quả của việc Thiên Chúa chúc phúc.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
‘Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…’ Đức Giêsu đã sống cách sâu xa trong ý thức rằng mình mang tính phổ quát của Israel. Người chính là Đấng biến mơ ước ấy thành hiện thực…bằng cách sai các tông đồ ra đi đến tận cùng trái đất.
Đức Giêsu đã đọc thánh vịnh này với cả lòng sốt sắng! ‘Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’. Thiên Chúa mà các dân nước cảm tạ, ước chi chư dân đồng thanh cảm tạ Ngài.
‘Đất sinh ra mùa màng hoa trái’. Đây là chiều kích hết sức thực tế, mang tính vật chất, của hạnh phúc cắm rễ sâu nơi trần gian này, Đức Giêsu cũng không quên lãng điều này: Người dạy chúng ta xin cho cơm bánh hằng ngày.
‘Cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa’. Đức Giêsu tự xưng mình là ‘Đường’: ‘Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. ‘Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con’. Khuôn mặt của Thiên Chúa rạng ngời: Thiên Chúa mỉm cười với nhân loại. Đức Giêsu, trong mầu nhiệm nhập thể, chẳng phải là lời đáp trả cho khẩn nguyện đó sao? Thiên Chúa vô hình, không có khuôn mặt, đã trở thành hữu hình cho ta nơi khuôn mặt của Đức Kitô.
‘Đất sinh ra mùa màng, hoa trái…’ Đức Giêsu là hoa quả của trần gian. Đức Giêsu là mùa gặt tốt đẹp nhất xuất phát từ lòng đất này.
‘Và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài’. Ơn cứu độ chính là Đức Giêsu, đấng mang đến ơn cứu độ. Khi đọc thánh vịnh này, Đức Kitô cầu nguyện về sứ mạng của mình trong chương trình của Chúa Cha: ‘Ta không đến để lên án, nhưng để cứu độ’.
‘Và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này’. Lãnh đạo, hướng dẫn, là vai trò của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã yêu sách vai trò này khi tự giới thiệu mình là ‘mục tử nhân lành’, dẫn đưa đoàn chiên tới dòng suối nước.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Cả hoàn cầu…Toàn cõi đất…Muôn dân…Muôn nước…Viễn ảnh rộng mở ôm trọn cả vũ trụ này rất hiện đại. Ngày nay người ta đã vượt qua những biên giới ngăn cách giữa các dân nước. Chúng ta ngày càng đi vào trong kỷ nguyên những cuộc du hành đến nơi xa lạ. Cả thế giới dường như thu gọn lại trong ngôi nhà chúng ta qua vô tuyến truyền hình. Cách sống của các dân tộc khác, những vấn nạn của họ rất gần với chúng ta. Đồng thời người ta càng mong ước một nền hòa bình thực sự cho mọi dân nước. ‘Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ’. Khi dâng lời cầu nguyện này, không cần phải giam mình trong không gian bé nhỏ riêng tư chật hẹp của dân tộc chủ nghĩa…Trái lại, thánh vịnh góp phần mở rộng tầm nhìn bao quát hơn của ta.
Theo chiều hướng đó, Cha Teilhard de Chardin, với tư tưởng phổ quát, có thể góp phần ‘mở rộng cõi lòng của ta’. Ngài đã viết một quyển sách nhỏ mang tựa đề ‘Thánh lễ trên thế giới’. Hãy lắng nghe trương độ của Thánh Thể. ‘Mặt trời mọc lên soi chiếu mảnh trời Đông. Một lần nữa dưới tấm màn di động của các tia lửa, mặt đất thức dậy, rùng mình, và lại bắt đầu công việc của mình. Lạy Chúa, con đặt trên dĩa thánh này lao nhọc ngày mới. Con rót vào chén thánh nhựa sống của hoa quả mà hôm nay sẽ được nghiền nát…’
‘Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái: Chúa Trời, Chúa chúng ta đã ban phúc lộc’. Đã có vài thời kỳ trong lịch sử Hội Thánh, một khuynh hướng duy linh coi thường thân xác, khinh chê những sự việc thế gian, một thứ chủ nghĩa bi quan trước những ‘lương thực của trần gian’ được coi như không thanh sạch. Đừng rơi vào thái cực ngược lại, là ‘tôn thờ của cải vật chất’ như thần thánh. Và Đức Giêsu đã bảo là dại dột, người xây các kho lẫm của mình lớn hơn để chất vào đấy hoa màu dư thừa…không phải vì sự thành công mà là vì người ấy không hề nghĩ đến linh hồn của mình. Vâng, đúng thế! Hạnh phúc trần thế mong manh, không thể thỏa mãn hoàn toàn cái đói và cái khát của con người. Sau cùng chính Thiên Chúa đấng dựng nên trái đất này, thiết định mùa màng và ban tặng bánh mì và rượu nho. Thái độ đúng đắn của người kitô hữu là tự hiến mình cho sự thành toàn của tạo thành: gặt hái mùa màng bội thu, vận hành một nhà máy, thành công trong một công việc tốt, làm cho các hoàn cảnh tiến triển tốt, giáo dục một con người…Đó là một ân ban của Thiên Chúa: ‘Chúa Trời, Chúa chúng ta đã ban phúc lộc’. Cần có một linh đạo về sự thất bại, khi nó xảy đến! Nhưng khẩn trương hơn là một linh đạo về sự thành công: ‘Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con’.
Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ. Tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui lễ hội. Ta có thể dám cầu xin Chúa điều đó! Dám cầu xin Chúa không chỉ cho một tai ương dừng lại, nhưng còn làm lớn lên hạnh phúc và niềm vui nữa chứ. Và nếu chúng ta cầu xin, cách chân thành, để muôn nước reo hò mừng rỡ, sao chúng ta lại có thể mang một khuôn mặt buồn sầu, nhăn nhó được? Niềm vui là bí quyết vĩ đại nhất của người kitô hữu. Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Hãy làm cho những người cùng chung sống với chúng ta việc bác ái đầu tiên, đó là niềm vui và nụ cười.
Lời cầu cho thời gặt hái: lời nguyện mùa thu. Tuổi già không phải là một thời gian dễ dàng cho đời sống. Một thi sĩ đã nói về tuổi già ‘cảm thấy gánh nặng của mọi sự đang đến hồi kết thúc’.  Thánh vịnh này không gợi lên điều gì kết thúc cả. Mùa thu là một mùa đáng nhớ, thật vậy. Nhưng tất cả vẫn tiếp tục, trong những thu hoạch càng lớn dần: có một chút của lao động, của tình yêu, của hy sinh, của tự hiến, trong một cuộc đời, tất cả ‘dâng cho Chúa giữ’, tốt hơn bất cứ kho lẫm nào. Điều mà một cụ già đã làm trong suốt đời mình, những hạt thóc đã thu hoạch được, lại phục vụ cho những vụ gieo sắp tới.
Đối với người tin tưởng nơi Thiên Chúa, không có gì kết thúc cả!

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay24,189
  • Tháng hiện tại653,034
  • Tổng lượt truy cập52,821,982

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây