Trong Kinh thánh, lòng thương xót của Thiên Chúa hướng về dân ngoại

Thứ sáu - 18/08/2023 23:41  463
TRONG KINH THÁNH, LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA HƯỚNG VỀ DÂN NGOẠI

Victor Cancino, S.J.

Chúa Nhật Tuần XX Mùa Thường Niên Năm A.

Is 56, 1. 6-7; Rm 11, 13-15. 29-32; Mt 15, 21-28.

 
Một giao ước mở ra cho ngày càng nhiều người hơn theo thời gian là chủ đề xuyên suốt trong các phần của Kinh thánh. Chủ đề này nằm trong sự căng thẳng với mong muốn nhìn thấy trong giao ước một dấu chỉ địa vị đặc quyền của một người.

Todos, todos, todos! “Mọi người, mọi người, mọi người!” Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các bạn trẻ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) tại Lisbon. Đức Phanxicô gợi ý rằng “mọi người” đều có một vị trí trong Giáo hội. Tất cả đều được chào đón. Như với bất kỳ khẳng định phổ quát nào, sẽ có một sự phản đối nhất định từ những người cảm thấy bị bỏ rơi khỏi gợi ý todos này. Một linh mục-học giả Kinh thánh từ Rwanda đã tự trầm ngâm trên mạng xã hội: “Todos ? Đại diện của Châu Phi tại WYD ở đâu? Tại sao chúng ta không tổ chức WYD trên lục địa Châu Phi?” Trong khi hy vọng về sự bao gồm triệt để vẫn còn rõ ràng từ những lưu ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, thì vẫn còn đó nỗi đau của sự loại trừ thực sự.

Các bài đọc của Chúa nhật XX Thường niên tuần này làm nổi bật sự căng thẳng giữa tính bao gồm và tính độc quyền, nhưng khi xem xét kỹ hơn, các bài đọc cũng có hướng về chỉ dẫn đầy hy vọng. Sự căng thẳng này đã rõ ràng trong Kinh thánh Do Thái. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia suy tư về vai trò của những người dân ngoại trong việc thờ phượng của dân Israel và kết luận rằng họ được đón chào: “Hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta” (Is 56,6-7). Thậm chí triệt để hơn, Isaia hình dung những người dân ngoại này giờ đây sẽ bị lôi cuốn sâu hơn vào việc thờ phượng trong Đền thờ (Is 56,6). Trong khi một hệ thống thờ phượng theo giao ước nghiêm ngặt có thể là độc quyền, suy tư của dân Do thái về vị trí của dân ngoại đã phát triển theo thời gian. Người ta phải luôn luôn phân biệt giữa thực tế sống động và lời hoa mỹ được sử dụng trong Kinh thánh. Isaia công nhận một vị trí dành cho dân ngoại trong phụng tự của Israel, ngay cả khi ông phản ánh về địa vị đặc quyền của mình theo giao ước. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng giao ước và vị trí của ông trong đó chỉ tùy thuộc vào mối tương quan của ông với Thiên Chúa chứ không phải vào điều gì đó được xác định trước bởi dòng dõi hay công trạng.

Thánh Phaolô cũng công nhận địa vị đặc quyền từ di sản Do Thái của chính mình, “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29). Tuy nhiên, ngài thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và lòng thương xót đó dành cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi người (todos) theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô. Thánh Phaolô viết: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32). Những đoạn này gợi ý nhấn mạnh vào một giao ước về mối tương quan; bất cứ ai cũng có thể tham gia vào giao ước này nếu họ sẵn sàng sống trong mối tương quan. Chẳng hạn, người phụ nữ Canaan trong bài Tin mừng muốn có mối tương quan này và kêu xin nguồn lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bài Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu ở trong một hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người tin rằng Đấng Mêsia sẽ đến để khôi phục lại nhà Israel, mà chính họ sẽ là ánh sáng cho các quốc gia ngoại bang. Chúa Giêsu đã sử dụng sự mong đợi này như một dịp để dạy dỗ. Người phụ nữ Canaan đã không để một nền thần học hẹp hòi về giao ước cản trở yêu cầu của mình. Con gái bà bị bệnh, bị quỷ hành hạ. Dường như nỗi đau đã quá lớn đối với hai mẹ con. Bà đã không ngừng kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lạy Ngài là Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương con,” và một lần nữa sau đó trong đoạn văn, “Lạy Ngài, xin cứu giúp con” (Mt 15,22-25).

Một trò chơi trí tuệ giữa người ngoại quốc và Chúa Giêsu diễn ra trong đoạn văn. Chúa Giêsu nói rằng Ngài “chỉ” được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel (Mt 15,24). Nhưng bà đã biết điều này rồi: bà chào Chúa Giêsu bằng tước hiệu hoàng gia của Israel: “Lạy Ngài là Con Vua Đavít”. Rõ ràng, bà ấy biết một số thần học giao ước. Chúa Giêsu đẩy mạnh sự phản bác của mình hơn nữa bằng cách sử dụng sự hài hước trên bàn ăn, nói rằng thức ăn của con cái Thiên Chúa không nên ném cho chó. Không chút do dự, bà đáp lại: “Thưa Thầy, bánh rơi vãi thì chó cũng ăn được” (Mt 15,27). Bà ấy đã thắng. Chúa Giêsu nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” (Mt 15,28).

Đối với một số người, mong muốn Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người của Đức Thánh Cha Phanxicô có vẻ ngây thơ. Các bài đọc hôm nay cho thấy điều ngược lại, đó là Thiên Chúa mong muốn một giao ước mở ra cho tất cả mọi người. Isaia viết: “Vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56,7).

CẦU NGUYỆN

Đức Thánh Cha Phanxicô mời tất cả mọi người đến Giáo hội; điều này truyền cảm hứng gì cho chúng ta?

Lần cuối cùng chúng ta trao đổi sôi nổi với Chúa như người phụ nữ xứ Canaan là khi nào?

Chúng ta có kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa để chữa lành trong đời sống của mình không?
 

Bài đọc: thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (16/8/2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay25,750
  • Tháng hiện tại481,678
  • Tổng lượt truy cập51,813,013

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây