CÁCH THỨC ĐIỀU HƯỚNG VƯỢT LÊN NHỮNG NỘI DUNG CỦA
THẾ GIỚI ỒN ÀO
Trong thời đại mà sự chú ý là một món hàng, lựa chọn sáng suốt không chỉ là hành động chống cự mà còn thể hiện sự tự do. Dưới đây là 3 chữ C có thể giúp ích.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà “nội dung là vua.”[1] Mỗi khoảnh khắc, chúng ta bị tấn công bởi hình ảnh, tiêu đề, video và tin nhắn đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Khối lượng khổng lồ đó thật choáng ngợp — nhưng không phải thứ gì cũng đáng với thời gian, tâm trí hay tâm hồn của chúng ta.
Trong một thế giới tràn ngập thông tin, làm sao chúng ta nuôi dưỡng sự phân định? Làm sao chúng ta có thể chống lại cơn cám dỗ tiêu thụ một cách vô thức bất cứ thứ gì có trước mặt, và thay vào đó, tìm kiếm những gì thực sự bổ ích?
Lời kêu gọi cảnh giác
Trong Tin mừng Máccô (Mc 7,15), Chúa Giêsu nhắc chúng ta: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.” Dù câu này đúng trong bối cảnh nghi thức thanh tẩy, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên thụ động tiếp nhận mọi thứ có sẵn. Kinh thánh dạy rõ cần phải luôn cảnh giác: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (1Tx 5,21); “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4,23).
Những câu Lời Chúa này nhấn mạnh tới một lập trường chủ động. Chúng ta không bất lực trước dòng chảy thông tin. Chúng ta có thể — và phải — lựa chọn một cách khôn ngoan.
Cưỡng lại, Chống lại và Cự tuyệt
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta dễ rơi vào cái bẫy tiêu thụ thụ động. Việc lướt web không ngừng, xem phim liên tục và tham gia vô thức có thể làm tê liệt giác quan và tâm trí. Chìa khóa nằm ở việc rèn luyện thói quen phân định cách chủ động.
Cưỡng lại (resist) việc tiêu thụ vô thức – Hãy đặt ra ranh giới cho việc tiếp nhận thông tin. Chỉ vì một cái gì đó phổ biến không có nghĩa là nó đáng giá. Hãy tự hỏi xem cuốn sách này, chương trình kia hay bài viết nọ có thực sự bổ ích không trước khi cắm đầu vào đó.
Chống lại (react) bằng tư duy phản biện – Hãy tự hỏi: Nội dung này có dẫn tôi đến chân lý không? Nó có phù hợp với những gì là chân, thiện, mỹ không? Không phải mọi kiến thức đều là sự khôn ngoan, và không phải mọi hình thức giải trí đều vô hại.
Cự tuyệt (reject) những gì làm suy yếu tâm hồn – Không phải nội dung nào cũng đáng để ta chú ý. Sức mạnh là khi biết nói “không.” Nếu điều gì đó làm tê liệt tâm trí, nuôi dưỡng chia rẽ hoặc thúc đẩy sự hời hợt, tốt nhất ta nên tránh xa.
Tái khám phá những viên ngọc văn hóa và trí tuệ
Trong một thế giới đầy rẫy những xu hướng chóng qua, việc quay về với những tác phẩm kinh điển — văn học, triết học, nghệ thuật và âm nhạc đã trường tồn với thời gian — là cách để nuôi dưỡng tâm hồn. Những tác phẩm soi sáng chân lý, thách thức trí tuệ và truyền cảm hứng đức hạnh xứng đáng để chúng ta dành thời gian cho chúng. Cho dù đó là tác phẩm Tự thuật của Thánh Augustine, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky hay thơ ca và triết học vượt thời gian, những kho báu này đều giúp ta nâng cao giá trị chứ không làm chúng ta xao lãng.
Đối với các gia đình, điều này có nghĩa là hướng dẫn con em mình tiếp xúc những cuốn sách và bộ phim nuôi dưỡng trí tưởng tượng và đức hạnh thay vì chỉ giải trí thụ động. Đó cũng là giúp chúng khám phá vẻ đẹp và chiều sâu thay vì chiều theo những xu hướng sẽ phai nhạt sau một thời gian.
Điều hướng vượt lên ồn ào
Điều hướng vượt lên nội dung không phải là rút lui khỏi nền văn hóa nhưng là tham gia vào đó một cách khôn ngoan. Điều này đòi hỏi chủ động trong những gì chúng ta xem, đọc và tiếp thu. Nó có nghĩa là nuôi dưỡng tình yêu với những gì thực sự tốt đẹp — cả trong chính chúng ta và trong thế hệ mai sau.
Trong thời đại khi sự chú ý là món hàng, lựa chọn cách sáng suốt không chỉ là một hành động chống cự mà còn thể hiện sự tự do.
-----------------------------------
[1] “Content is king” là câu nói nổi tiếng của Bill Gates, lần đầu xuất hiện vào năm 1996 trong một bài viết. Câu nói này khẳng định rằng nội dung chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để thu hút sự chú ý, tạo giá trị và đạt được thành công trong kinh doanh, đặc biệt là trên môi trường trực tuyến. Tóm lại, nó nhấn mạnh rằng dù có công nghệ tiên tiến hay chiến lược quảng cáo tốt đến đâu, nếu nội dung không đủ hấp dẫn thì khó có thể thành công trong thời đại số. Tham khảo thêm: https://vinuni.edu.vn/vi/content-is-king-la-gi-5-vai-tro-quan-trong-cua-content/