TÌM KIẾM NIỀM VUI TRONG SỰ CÔNG CHÍNH
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật III Mùa Vọng Năm B.
Is 61,1-11; Lc 1,46-54; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-28.
Khi các cử hành phụng vụ gần đến lễ Giáng sinh, các bài đọc Chúa nhật III Mùa Vọng hướng sự chú ý đến mối liên kết giữa niềm tin và lời ca tụng. Chúa nhật này còn được gọi là Chúa nhật của niềm vui, bắt nguồn từ mệnh lệnh tiếng Latinh “Mừng vui lên” [xuất phát từ câu đầu của ca nhập lễ: “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui luôn trong Chúa)]. Một sự kết hợp lạ lùng xuất hiện ở cuối bài đọc I “Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân” (Is 61,11). Cụm từ “công chính và lời ca tụng” giả định rằng điều này nối tiếp điều kia. Nếu ở đâu có công chính thì có lý do để ca tụng. Và điều ngược lại cũng đúng: Hành động ca tụng là một dạng thức của công chính.
Một phần của sự công chính trong Kinh thánh là biết điều phải tin và hiểu những nguyên tắc căn bản về đức tin. Trong hai bài đọc Tân ước Chúa nhật tuần này có những câu ngắn có thể biểu trưng các công thức đức tin của Kitô giáo sơ khai: “Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín” hay “Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin.” Trong phần đáp ca, thánh Luca cũng nhận ra sự tổng hợp điều phải tin và việc làm, công chính và niềm vui: “Thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi… Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không.”
Bài đọc I trích lại lời tiên báo của Isaia mà Chúa Giêsu về sau chọn làm tầm nhìn cho sứ vụ công khai của mình. Isaia viết: “Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Is 61,1; xem thêm Lc 4,18). Những mệnh lệnh này: loan báo, chữa lành, công bố sự tự do và giải thoát, đã đi sâu vào việc thực hành đức tin của dân Israel, và trở thành nền tảng cho Tin mừng mà Chúa Giêsu loan báo. Niềm vui mà Tin mừng khơi dậy vang vọng khắp các sách Tân ước.
Bài đáp ca bắt nguồn từ một đoạn Kinh thánh gọi là “Bài ca ngợi khen của Đức Maria” (kinh Magnificat) nằm trong chương mở đầu Tin mừng Luca. Đáp lại lời truyền tin của Tổng lãnh Thiên Thần Gáprien, Đức Maria dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ cất lời: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có Người đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel tôi tớ của Người như đã hứa lời cha ông chúng ta” (Lc 1,53-54). Một lần nữa, người ta có thể nghe thấy trong bài ca của Đức Maria lời tuyên xưng cổ xưa về niềm tin sâu sắc nhất của dân Israel: Thiên Chúa đến để “độ trì” dân Israel và “nhớ lại” lời hứa về lòng thương xót. Khi Đức Maria đích thân cảm nghiệm những gì mà dân Israel luôn tín thác trong niềm tin, Mẹ tìm thấy lý do để ca ngợi và vui mừng.
Trong một khung cảnh khác, bài Tin mừng cũng nói về niềm tin qua hình ảnh người chứng nhân và lời chứng. Gioan Tẩy Giả đã hạ thấp vai trò thừa tác của chính mình để “làm chứng cho Sự Sáng”. Đoạn Tin mừng ghi: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,8). Để tập trung vào lời chứng của Gioan Tẩy Giả, sách bài đọc đã lược bỏ đoạn Ga 1,9-18. Những câu này khai triển chủ đề của thánh sử: Đức Kitô là Ánh Sáng. Khi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, lúc đó “chúng tôi được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Ánh sáng của Chúa Kitô mặc khải vinh quang của Chúa Cha. Cũng vậy, ai làm chứng cho Chúa Kitô bằng đức tin và hành động đều biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa.
Tin mừng thứ tư lặp lại hình ảnh “ánh sáng” sáu lần trong chương đầu. Đó là sự nỗ lực của thánh sử Gioan nhằm truyền tải một phần niềm tin của các Kitô hữu thời sơ khai: “Ánh sáng” chính là Đấng đã hóa thành nhục thể, cư ngụ giữa chúng ta và giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa. Mặc khải này cho chúng ta thấy trước niềm vui Giáng Sinh ngay cả trong những ngày còn lại của Mùa Vọng. Ngôn sứ Isaia nói: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61,1). Những “tin vui” này dành cho những ai có cuộc sống phản chiếu Tin mừng và Đức Công Bình của Chúa Kitô đồng thời bày tỏ tình yêu của Ngài đối với người nghèo.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta hiểu thế nào về mối liên kết giữa công chính và lời ca tụng?
Làm thế nào chúng ta tìm được lý do để mừng vui trong một thế giới dường như còn nhiều bất công?
Chúng ta sẽ nói gì nếu muốn chia sẻ một khía cạnh của đức tin Kitô giáo với một người bạn?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (14/12/2023)