Mùa Vọng là thời gian thử thách

Thứ bảy - 09/12/2023 03:02  308
MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN THỬ THÁCH
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật II Mùa Vọng Năm B.

Is 40,1-11; Tv 85; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8.

 

 
Mùa Vọng là thời gian thử thách, là lúc chúng ta có thể thách đố bản thân với câu hỏi “Tai tôi đã đón nhận Tin mừng chưa?” Khi trả lời trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta lắng nghe Tin mừng một lần nữa khi khởi đầu với bài Tin mừng theo thánh Maccô. Các bài đọc Chúa nhật II Mùa Vọng đặt những dòng mở đầu Tin mừng Maccô liền với đoạn văn nổi tiếng trích từ sách Isaia. Việc đối chiếu này cho thấy sự bổ túc sâu sắc hơn nơi bài Tin mừng mà hai bài đọc này chia sẻ cho nhau.

Dù bài đọc I có trước bài Tin mừng hơn 500 năm, nhưng cả hai đều trình bày cùng một giáo huấn. Cả hai đều khích lệ dân Chúa mạnh dạn bước theo Ngài, dù có phải bước vào hoang địa vốn là nơi thanh luyện theo truyền thống Kinh thánh.

Trong bài đọc I, lời tiên báo của Isaia đi đến một điểm quyết định khi loan báo sứ điệp vui mừng cho dân Israel đang bị lưu đày tại Babylon. “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: ‘Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng’” (Is 40,3). “Hoang địa” này là một sa mạc rộng lớn nằm giữa Babylon và Giêrusalem, giờ đây Isaia hình dung “hoang địa” ấy sẽ trở nên con đường mà dân lưu đày có thể vượt qua dễ dàng. Lời tiên báo này được viết vào đầu thời vua Kyrô xứ Ba Tư, người đã đánh chiếm Babylon (khoảng những năm 540 trước CN) và thực hiện lời tiên tri này khi ra chính sách trả tự do cho các dân trước đây bị bắt làm nô lệ. Những lời của Isaia gợi lên một điều ấn tượng đang xảy ra sau hàng chục năm sống xa đất Giuđa. Sau đó, cùng với lời tiên báo này (Is 41), Isaia sẽ yêu cầu dân Israel lưu tâm đến điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện qua những hành động của vị vua ngoại bang là Kyrô.

Giúp dân chú tâm vào công trình kỳ diệu của Thiên Chúa là một đặc trưng trong lời tiên báo của Isaia. Một điều kinh ngạc khác đang chờ đón dân Isarel là sự trù phú về thiêng liêng  nơi hoang địa. Theo Isaia, hoang địa không chỉ là một “nơi khô cằn” báo hiệu cái chết. Dù rằng có thể khắc nghiệt, nhưng hoang địa còn có nhiều điều nữa. Trong một đoạn văn trước đó, vị ngôn sứ tiên báo: “Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa” (Is 35,1). Hoang địa, nơi sự sống xen lẫn sự chết, cung cấp một con đường khó khăn nhưng cũng cần thiết cho dân để làm mới lại tương quan thân mật với Thiên Chúa xuyên suốt lịch sử. Hoang địa trở thành nơi dân chứng kiến bàn tay Thiên Chúa hoạt động qua vua Kyrô và làm mới lại giao ước, mối dây liên kết lịch sử của Thiên Chúa dân Israel trong đất Israel. Giờ đây những người Israel lưu đày được tự do, đời sống của họ dường như thoải mái hơn trong thành phố văn minh Babylon. Thật vậy, ngôn sứ Isaia khích lệ, vận mạng đích thực của dân Israel là hành trình với Thiên Chúa qua hoang địa.

Hơn cả lời kêu gọi mang tính lịch sử về cuộc hồi hương Giêrusalem, đoạn văn này còn trình bày một lời mời mang tính biểu tượng về việc đổi mới trái tim và tâm trí trong tư cách là một dân giao ước. Đoạn văn cũng không biện hộ cho chiến tranh, di chuyển dân cư, hận thù sắc tộc, khủng bố hoặc bất kỳ nỗi kinh hoàng nào khác đang diễn ra tại Israel. Lời kêu gọi sâu xa hơn của các bài đọc này là lời mời gọi bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa về cách thức mà chúng ta đang sống. Liệu chúng ta có đang hy vọng? Chúng ta có đang mắc kẹt trong tuyệt vọng? “Hoang địa” theo Isaia là một nơi để thanh luyện tâm hồn, là nơi diễn ra cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa.

Trong bài Tin mừng, thánh Máccô nhận thức được lời loan báo ấn tượng của ngôn sứ Isaia về “tin mừng” cho những người xa xứ. Bài Tin mừng lặp lại sứ điệp của Isaia với vài thích nghi từ các nguồn khác nhau nơi sách Malakhi và Xuất hành. Thánh Máccô viết: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa” (Mc 1,2-3). Thánh Máccô có cùng cái nhìn như ngôn sứ Isaia vì tác phẩm của ngài được xây dựng dựa trên trình thuật tuyệt vời của ngôn sứ Isaia. Song song với đoạn văn của Isaia, lời tường thuật mở đầu của thánh Máccô là một nỗ lực cho thấy “tin mừng” sắp được loan báo cho toàn thế giới còn lớn lao hơn lời kêu gọi của Isaia cho thành Giêrusalem.

Như thánh Máccô mô tả, những gì đang diễn ra dưới bàn tay Thiên Chúa đều có sự tiến triển. Thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện “trong hoang địa” và “tất cả dân thành Giêrusalem” đến với ông để tìm kiếm sự tha thứ và đổi mới (x. Mc 1,4-5). Một lần nữa, dân giao ước bước vào cuộc đối thoại thân tình với chính họ và với Thiên Chúa. Và một lần nữa, dân giao ước được thử thách trong hoang địa, một mô týp đã tái diễn nhiều lần trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, điểm hoàn toàn khác biệt trong đoạn bản văn của Máccô là cuộc đối thoại với Thiên Chúa đang diễn ra trực tiếp, với “Đấng sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). “Tin mừng” của Máccô bắt đầu trong khung cảnh thử thách nơi sa mạc hoang vắng: Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta. Đây cũng là tin mừng mà chúng ta có thể tái khám phá trong suốt hành trình thanh luyện của Mùa Vọng. Ngôn sứ Isaia nói trong hoang địa: Hãy chuẩn bị!

CẦU NGUYỆN
Trong tuần này, chúng ta sẽ dành thời gian để trò chuyện thân tình với Chúa như thế nào?
Chúng ta có nghe thấy lời mời gọi tiến về hoang địa nơi có sự sống lẫn sự chết không? 
“Tin mừng” chúng ta nghe được trong các bài đọc Chúa nhật II Mùa vọng là gì?

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (06/12/2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay13,955
  • Tháng hiện tại180,665
  • Tổng lượt truy cập51,512,000

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây