Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay C - Lm GB Phạm Hồng Thái.

Thứ tư - 23/03/2022 22:10  686

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY C

          Hôm nay chúng ta được nghe dụ ngôn đặc biệt nhất trong Tân Ước, dụ ngôn này chỉ có trong Tin mừng Luca. Trước đây người ta thường gọi dụ ngôn này là "đứa con hoang đàng". Nhưng nay chính xác hơn phải gọi là dụ ngôn về người Cha nhân hậu, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm trong một bài giảng lại gọi là dụ ngôn về hai đứa con hư vì theo ngài, cả hai đứa con đều hư hỏng mặc dù đứa con cả không có đi hoang.

          - Trước hết là đứa con thứ: Đứa con này hư thì đã rõ: đầu tiên là nó đòi Cha chia gia tài cho nó. Bình thường đứa con chỉ được đòi quyền chia gia tài khi cha mình đã chết, nhưng đây cha nó còn đang sống, như vậy đòi hỏi của nó là rất bất hiếu: nó coi cha nó như đã chết. Được phần gia tài rồi, nó bỏ nhà cha đi nơi xa ăn chơi phung phí, tiêu tán hết tài sản cha chia cho. Hết tiền của, nó phải đi ở đợ, chủ sai đi chăn heo là công việc đốn mạt đối với người Do thái vì người Do thái giáo cấm ăn thịt heo. Do bụng đói cùng với cuộc sống khốn khổ, nó mới nghĩ tới cha, nó rồi hối hận, muốn trở về lại nhà cha để thú lỗi với cha. Như vậy động cơ trực tiếp khiến nó trở về với cha vì cái bụng đói chứ chưa hẳn vì thương nhớ cha.

          - Tiếp đến là đứa con Cả. Đứa con này không có đi hoang, vẫn ở nhà với cha và siêng năng công việc đồng áng nữa nhưng nó vẫn là đứa con hư vì nó coi cha nó là ông chủ và coi mình như là người làm công. Do đó tuy vẫn ở với cha nhưng không yêu mến cha và không có tình nghĩa cha con.  Nó không nhìn đứa con thứ của cha trở về là đứa em mình mà gọi là "thằng con của cha kia"và không chịu tham dự vào niềm vui của cha khi em nó trở về nhà cha khiến cha nó phải ra ngoài năn nỉ nó.

          Nhưng chính yếu vẫn là người Cha nhân hậu trong cách ông đối xử với cả hai đứa con.

          Với đứa con thứ: Chắc chắn ông biết đứa con thứ khi có được phần gia tài nó sẽ tiêu xài phung phí nhưng ông vẫn tôn trọng tự do của nó. Ông không có đi tìm để lôi cổ nó về nhưng để cho nó được trải nghiệm sự tự do, để có được bài học khi vào đời, tuy vậy ông vẫn mong đợi nó trở về nên khi nó còn ở đằng xa ông đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương nó vì thân hình nó tiều tụy đói rách. Ông có cử chỉ vồn vã khi ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Ông tha thứ ngay khi nó chưa kịp nói hết lời xin lỗi mà nó đã dọn sẵn, rồi ông cho phục hồi ngay địa vị làm con của nó trong gia đình qua việc cho nó di dép, mặc quần áo mới và được mang nhẫn nhất là ông còn cho mở tiệc linh đình để mừng ngày nó trở về. Đối với ông, sự trở về của nó là: đứa con mình đã chết mà sống lại, đã mất mà nay tìm lại được!

          Đối với đứa con Cả: Khi thấy em trở về và được cha cho làm tiệc mừng nó phản đối ra mặt, không chịu vào nhà. Ông đã phải ra ngoài năn nỉ nó. Trước lời trách của đứa con cả: "Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Ông đã kiên nhẫn giải thích cho nó: " Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con". Qua lời này, ông muốn đứa con cả phải sống tình cha con đừng có coi mình như người làm công.  Tiếp đến ông nói: "Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy" Người con cả không coi đứa con thứ của cha là em mình thì ông gọi lên tình anh em và lí do của niềm vui là em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.

          Dụ ngôn không nói sau đó người con cả có vào tham dự tiệc chia sẻ niềm vui của cha không nhưng qua đó chúng ta thấy người cha yêu thương cả hai đứa con và cả hai đứa đều có những điều sai lỗi và không sống đúng với tình cha con. Do đó cả hai đứa con đều cần nhận biết lỗi mình để trở về sống đúng với tình Cha con.

          Vậy dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết chúng ta phải nhận biết tình yêu và Lòng Thương xót của Chúa. Đức Giáo hoàng Yoan Phaolô II đã triển khai dụ ngôn này để nói về Lòng thương xót của Chúa. Qua lời trong dụ ngôn:"Cha nó chợt trông thấy liền động lòng thương". Lòng thương xót của Chúa biểu lộ qua cái nhìn, qua ánh mắt và tấm lòng xúc động thương yêu dâng trào, tương tự như khi Chúa Giêsu nhìn đám đông dân chúng thì Chúa động lòng thương họ vì họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn.

          Qua hình ảnh đứa con thứ đi hoang, bội nghĩa tình cha, Chúa muốn ta trở về dù tội lỗi nhiều đến đâu, cũng đừng thất vọng, Chúa cũng sẵn lòng tha thứ nếu ta có lòng thống hối ăn năn và thật lòng trở về cùng Chúa.

          Qua hình ảnh đứa con cả, Chúa muốn chúng ta đừng có lối sống như người Pharisiêu, tuy vẫn giữ đúng lề luật nhưng lại cho mình là người công chính và khinh rẻ những những người tội lỗi, không nhận ra lỗi mình mà hoán cải, nhất là phải biết sống tình con với Thiên Chúa là cha và tình anh em với nhau.

          Chúng ta hãy có tâm tình như vua Đavit thưa cùng Chúa: "Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm"và lời đứa con thứ: "Thưa Cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha"- Amen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay12,658
  • Tháng hiện tại775,500
  • Tổng lượt truy cập53,760,535

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây