Suy Niệm Thánh vịnh 125
1 Ca khúc lên Đền.
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2 Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay !"
3 Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5 Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
Kỳ công của Chúa: giải thoát. Những gì đối với loài người là không thể, đều có thể đối với Thiên Chúa.
Khởi sự thực hiện: giải thoát những người bị lưu đày ở Babylon…
Loan báo và cầu xin sự giải thoát toàn diện và dứt khoát.
Cùng đọc với dân Ítraen
Đây là một Thánh vịnh lên đền. Là một phần của tổng hợp các bài ca mà người Do Thái hát khi hành hương về Giêrusalem. Những biểu thức (ra đi…đi…trở về…về..) gợi lên một cuộc rước lên Đền Thờ, có lẽ với những bó lúa vào dịp Lễ hội người ta dâng lên Thiên Chúa những hoa màu vừa mới thu hoạch. Lưu ý đến nhịp điệu được diễn tả qua cách dùng điệp ngữ, giống như bậc cấp người ta bước lên từng bước một: dẫn về… dẫn về, ta tưởng mình…. Ta thấy mình… ôi vĩ đại…vĩ đại thay. Mỗi khúc được xây trên một nhịp được gọi là bài ca than: câu thứ nhứt có ba dấu nhấn, và câu hai có hai dấu nhấn, giống như hơi thở của một người đang xúc động mạnh, sắp ngất:
Họ ra đi, đi mà nức nở / mang hạt giống vải gieo
Lúc trở về, về reo hớn hở / vai nặng gánh lúa vàng
Ý đầu tiên của Thánh vịnh này chính là ý của tác giả Thánh vịnh Do Thái đã đặt vào: cuộc trở về của các tù nhân, nhờ sắc chỉ Cyrô năm 538, sau gần 50 năm lưu đày Babylon. Biến cố lịch sử này là một biểu trưng không thể chối cải được: biểu trưng cho mọi hoàn cảnh vô vọng của con người, và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải cứu. Những người được cứu cứ tưởng mình đang mơ và niềm vui bừng lên trong họ! Ngay cả dân ngoại cũng ngạc nhiên và cất lời ca tụng.
Để diễn tả một cách thi vị ý tưởng sự sống tái sinh sau cái chết, tác giả Thánh vịnh đã dùng hai hình ảnh: suối cạn trong hoang địa, dòng suối nước làm cho hoang địa Nêgéb nở hoa vào mùa xuân…và những mầm lúa bị chôn vùi trong đất làm nẩy sinh niềm vui mùa gặt hái.
Thông thường, ta lưu ý đến chiều kích cánh chung của lời cầu nguyện: ơn cứu độ đã khởi đầu nhưng chưa hoàn tất. Những người hành hương lên Giêrusalem, ca tụng sự giải cứu gồm bốn phương diện: vượt ra khỏi Ai Cập để chinh phục Đất Hứa, vượt ra khỏi Babylon lưu đày, vượt qua hiện tại của người hành hương để về với Thiên Chúa, vượt qua cánh chung của tất cả muôn dân nước vào ngày tận thế. Sự giải cứu đích thực chính là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu.
Cùng Đọc Với Chúa Giêsu
Đặt những lời Thánh vịnh này nơi miệng Chúa Giêsu vào sáng ngày phục sinh: chính giây phút mà Ngài đang hưởng sự sống lại, đang cầu xin Chúa Cha hoàn tất công trình của Ngài bằng việc dẫn đưa những tù nhân từ cõi chết trở về.
Đây không chỉ là một tư tưởng đạo đức có tính nhất thời, vì chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt giống như biểu trưng của sự chết-sống lại (Ga 12,24). Và rất nhiều lần, Ngài nói đến việc Nước Trời đến như một mùa gặt (Mt 9,37; 13,30; 13,39; Mc 4,29; Ga 4,35) Dù ngủ hay thức, hạt lúa cứ mọc lên, Nước Thiên Chúa đến…
Bằng việc chết đi, bằng việc gieo hạt trong nước mắt, Đức Giêsu biết Ngài sẽ gặt hái, và yêu cầu các bạn hữu của Ngài hãy ở trong niềm vui của Ngài (Ga 16,22)
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Không ai có thể thay thế chúng ta để hiện thực hóa Thánh vịnh này, để trở nên xương thịt của chúng ta, để làm thành lời nguyện có tính cá biệt cao nhất, từ những hoàn cảnh riêng tư của mình.
Thiên Chúa Đấng cứu độ, Đấng giải thoát. Ta có tin thật thế không? Ta có tin rằng Thiên Chúa làm chủ cả những điều không thể? Những người sống sót trở về từ lưu đày, không dám tin vào chính họ, đối với họ đó là điều không thể tin được. Còn tôi? Đã xảy ra hoàn cảnh nào trong cuộc sống vợ chồng, cha mẹ mà tôi cảm như cùng đường… thất bại nào như điểm tận cùng… lỗi lầm nào như in khắc vào cuộc đời thường ngày của tôi, tang chế nào chấm dứt một cuộc sống… Niềm hy vọng kitô của chúng ta không phải là một điều lơ mơ cho rằng rồi thì mọi sự sẽ đâu vào đó, nhưng là một điều chắc chắn, chính Thiên Chúa thực hiện để cứu những gì hư mất: chính Thiên Chúa dẫn đưa những tù nhân về. Chính Ông Chủ Mùa gặt đang làm cho đồng lúa chín vàng (Mc 4,26-29)
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác. Ơn cứu độ, theo một cách nhìn, là một ân huệ nhưng không. Và theo cách này, ta có thể nói mà không sợ sai rằng Ngài thực hiện không cần chúng ta, hoặc Ngài vượt lên trên mọi khả năng của chúng ta. Thế nhưng Ngài cũng dựng nên ta là những con người tự do: chúng ta không phải là những con rối được Ngài điều khiển từ xa. Thánh vịnh này cho thấy cả một chương trình hành động, trách nhiệm: ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan: phải làm hết khả năng để biến đổi tình trạng chết của ta thành sự giải thoát. Hạt gieo xuống tưởng chừng mất đi, và nhất là trong những vùng đói kém, có thể nói được là những người đi gieo đang hy sinh hạt lúa, họ mất nó trong một thời gian nhất định, họ không có gì để ăn: quả thật là điều đáng khóc.
Vai trò tích cực của thập giá. Sự cộng tác của ta vào ơn cứu độ, cách chúng ta gieo hạt, chính là chấp nhận chết như hạt lúa, thối đi để sinh nhiều bông hạt. Ta sống những thử thách của ta như là những thông hiệp vào thập giá Đức Giêsu. Hình ảnh hạt mầm giúp gợi ý cho ta: truớc hết phải bị đè bẹp, chôn vùi… rồi mới đến những bó lúa, những gié lúa no sữa.
Ý chủ đạo trong Thánh vịnh này là niềm vui vỡ lỡ thành những trận cười vui ca.
Thế giới này chỉ mới là khởi đầu. Lần đầu khi đọc Thánh vịnh này, người ta rất ngạc nhiên khi thấy Thánh vịnh bắt đầu bằng sự phấn khởi: hai câu đầu tiên, sự giải cứu hầu như đã hoàn tất… nhưng rồi tại sao lại thấy hai câu gợi nhớ? Sự trở về của các tù nhân, cho dẫu là kỳ công nhưng vẫn là điều gì hết sức đặc biệt và mang sự thất vọng: sau những trận cười vui ca hát thì cuộc chiến đấu lại khởi đầu… Không thể nói cho đủ hết được: chỉ có sự sống lại mới có thể hoàn thành toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa. Cần phải chờ đợi, bằng cách đi gieo trong lệ, bằng cách biết rằng Nước Thiên Chúa (vinh quang tỏa rạng của Thiên Chúa) đang đến và mùa gặt đến. Hội Thánh biết rằng, như một kinh nghiệm cho mọi người, lệ sầu là hạt mầm của niềm vui.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch