Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C
Theo những báo cáo gần đây của bộ tư pháp tại Việt Nam, có rất nhiều loại hình tội phạm càng ngày càng gia tăng, như trộm cắp, cướp của, giết người, dâm ô, hối lộ…các loại tội phạm này càng ngày càng tinh vi và độc ác. Một điều đáng báo động, nguy hại và khó lý giải đó là: Đa phần những người phạm tội hay gây nên những tội ác đau lòng này đều là những người dưới 30 tuổi. Thưa ACE, đứng trước những thực trạng đáng buồn của đất nước, của xã hội và gia đình như vậy, với bản thân, chúng ta cảm thấy thế nào? Chúng ta có thao thức gì, mình phải làm gì và phải sống ra làm sao đây? Lời Chúa hôm nay, đặc biệt bài Tin mừng (Ga 8, 1-11) đã cho chúng ta những kinh nghiệm, kỹ năng sống thật tuyệt vời, được thể hiện qua những cách thức sau.
Trước hết, khi những người Pharisiêu và các kinh sư ghen tức với Chúa Giêsu, vì họ muốn tố cáo, muốn có cớ để bắt bớ Ngài, nên họ đã dàn cảnh để đưa Chúa vào bẫy trong một vụ phân xử. Đó là xét xử tội của một người phụ nữ bị bắt phạm tội công khai. Ở đây chúng ta thấy, họ có thể theo luật mà xử, nhưng vì ý đồ, âm mưu xấu của những người này, họ muốn tìm cách để trả thù Chúa. Vì họ suy nghĩ và cho rằng, Chúa cũng sẽ không có cách nào tốt hơn dành cho người phụ nữ đã phạm tội này. Thế nào Chúa cũng sẽ bị coi là người đồng lõa với người có tội, nếu Chúa tha thứ hay không phạt chị, hoặc là Chúa sẽ phạm vào tội coi thường hay bỏ qua nguyên tắc của lề luật…còn nếu Chúa không khoan dung, tha thứ, thì Chúa lại đi ngược lại với cung cách cư xử, hành động nhân từ của chính mình. Thật vậy, lòng dạ con người khi ghen ghét, thù hận, thì thường đối xử mưu mô, ác độc với người khác là như thế. Còn tôi, đã đối xử với ACE thế nào?
Thêm một điều rất cần được suy niệm ở đây đó là: Người phụ nữ phạm tội trong Tin mừng, khi chị bị bắt, bị tố cáo, bị dẫn ra trước công luận để bị lên án, xét xử, mặc dầu, tội mà chị đã phạm thì trong thầm kín, bóng tối, riêng tư, nhưng lại bị người ta phơi bày bêu xấu cách công khai ra. Chắc hẳn, trong cõi thâm sâu tâm trạng của con người này, chị cảm thấy rất xấu hổ, tủi nhục, ân hận và chị biết rằng, hậu quả của nó là cả cái chết. Ở đây, chúng ta thấy, hậu quả của tội mà con người gây nên rất đáng sợ, bi thương, nó làm băng hoại đời sống con người, làm cho con người phải nhận lấy hậu quả đáng thương mà chính bản thân họ không muốn có. Ai trong chúng ta cũng biết vậy. Thế nhưng, vì bản chất con người yếu đuối, bất toàn, đôi khi vì ham muốn lợi lộc, vì thú vui nhục dục, vì muốn đạt được những danh vọng phù phiếm, con người đã chiều theo những cám dỗ đó mà sa vào con đường tội lỗi, đã phạm tội, đã gây nên tội ác.
Sau khi gẫm suy về khía cạnh tội lỗi của con người, chúng ta hãy suy niệm về cung cách cư xử hành động của Chúa Giêsu với yếu đuối tội lỗi của chúng ta: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Trước lời mời gọi để gẫm suy này của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ giật mình và nhận ra rằng, ai trong chúng ta cũng là những người có những yếu đuối và tội lỗi. Mà tội chính là thái độ, hành động sống của con người muốn loại trừ Chúa, xa lìa Chúa, không kính sợ Chúa, không đi theo và sống theo những huấn lệnh cùng thánh ý Chúa. Chỉ khi nào ý thức được như vậy, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn, dễ mở lòng hơn với tha nhân và với chính bản thân mình.
Sau hết, cung cách, cư xử và hành động của Chúa Giêsu mà chúng ta cần phải học hỏi, noi theo là: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Hành động đầy khoan dung tha thứ của Thiên Chúa trước con người yếu đuối tội lỗi, nhưng Chúa lại rất nghiêm khắc với tật xấu và điều tội lỗi. Thật vậy, Thiên Chúa nghiêm khắc với tội, nhưng đồng thời mở ra con đường cứu cánh, khoan dung, nhân từ cho người tội lỗi để họ ăn năn quay về.
Đây cũng chính là điều mà trong bài đọc hai (Pl 3, 8-14) Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được, đã quả quyết và truyền lại kinh nghiệm quý báu này cho chúng ta. Thiên Chúa qua Đức Kitô Giêsu, với Thánh giá cứu chuộc của Ngài, chính là minh chứng hào hùng sống động của tình thương, tha thứ và cứu sống từ Thiên Chúa. Những ai tin, bám víu, cậy trông vào Ngài, thì chính Chúa sẽ là Đấng phù giúp, ban ơn để cho chúng ta mỗi ngày nên hoàn thiện hơn với Ngài.
Hãy chạy đến với Chúa qua bí tích tình yêu ban ân sủng, đặc biệt là bí tích hòa giải, nguồn ban ơn tha thứ và cứu sống, để nhờ và qua ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta cảm nếm được ơn tha thứ bình an Chúa thương ban, đồng thời trở nên nhân chứng ơn Chúa cho ACE mình. Amen.